Thứ Bảy, 21/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Ba, 15/12/2015 23:29'(GMT+7)

Tư tưởng Hồ Chí Minh với đường lối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám 1945

Cuộc mít tinh Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945.     Ảnh TL

Cuộc mít tinh Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945. Ảnh TL

                                              

Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tinh thần yêu nước gắn liền với ý thức cộng đồng, ý thức cố kết dân tộc, đoàn kết dân tộc Việt Nam đã hình thành và không ngừng được củng cố, tạo thành một truyền thống bền vững như máu thịt, và trở thành đường lối chính trị cơ bản của Đảng và Nhà nước ta, luôn gắn liền với những thắng lợi vẻ vang của non sông đất nước. Đường lối đó đã được Hồ Chí Minh xây dựng thành tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Người. Quá trình hình thành tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những tầng nấc cụ thể, những bước đi liên tục được bổ sung, phát triển, trở thành trọn vẹn, góp phần quan trọng làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Cách mạng Tháng Tám thành công là kết quả của quá trình chuẩn bị trong suốt 15 năm của Đảng và dân tộc ta. Ở đó, thể hiện rõ tinh thần yêu nước, ý chí  quật cường của nhân dân ta; sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin vào điều kiện cụ thể của đất nước; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình và khôn khéo của Đảng… và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh ấy được hun đúc, kết tinh và làm nên chiến thắng vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám, trở thành biểu trưng của chiến lược đại đoàn kết dân tộc trong đường lối cách mạng của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh. Thành công của Cách mạng Tháng Tám đã biến khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”  của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành hiện thực sinh động, thành sức mạnh tinh thần, trí tuệ Việt Nam, góp phần tạo nên sức mạnh vật chất to lớn đánh thắng kẻ thù, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, ảnh hưởng từ phong trào cách mạng của các nước trên thế giới, đặc biệt là Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác- Lênin đã giúp Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nhận ra rằng chỉ khi nào đoàn kết được toàn dân, tạo thành sức mạnh to lớn thì mới có thể chiến thắng được kẻ thù. Vì vậy, ngay sau khi về nước, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5/1941), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra đề nghị thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) và đã được Hội nghị thông qua.

Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh đã đánh dấu một bước ngoặt trong đường lối lãnh đạo cách mạng hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ nội lực dân tộc cho một cuộc hồi sinh vĩ đại. Kể từ đây chủ trương đoàn kết dân tộc của Đảng được đặt trên cơ sở của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Chủ trương này được thực hiện nhất quán trong công tác vận động quần chúng của Đảng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đặc biệt là sự lãnh đạo và trực tiếp chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh không chỉ làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được mở rộng, củng cố không ngừng “Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”2, mà còn là phương tiện nâng lực lượng của khối đại đoàn kết ấy lên gấp bội thông qua việc biến khối đại đoàn kết ấy thành một tổ chức có sức chiến đấu cao.

Ngày 16 tháng 6 năm 1941, trong thư kêu gọi đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết” và Người kêu gọi “Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”1.

 Ngày 25-10- 1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh khẳng định:  “Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập’’.

Và chính Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã viết “Chương trình Việt Minh” chủ trương “liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể cách mạng, các dân tộc bị áp bức lại, chiến đấu đánh đổ chủ nghĩa đế quốc, phát xít Nhật, giành quyền độc lập cho Việt Nam, ký những hiệp ước giao hảo và bình đẳng với mọi nước về mọi phương diện…liên hiệp với tất cả nhân dân và dân tộc bị áp bức trên thế giới”3. Bốn mươi bốn điểm trong Chương trình của Mặt trận Việt Minh là một hệ thống các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa - giáo dục, xã hội, ngoại giao; những chính sách cụ thể đối với các tầng lớp công nhân, nông dân, binh lính, trí thức, công chức, học sinh, phụ nữ, tư sản, địa chủ,… Tinh thần cơ bản của chương trình này là “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do’’4.

Trong quá trình xây dựng Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ về vị trí của giai cấp và các tầng lớp, nên từ cuối  năm 1941 và năm 1942, Người chủ trương thành lập các hội Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Quân nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Tự vệ cứu quốc. Các tổ chức phản đế đều được chuyển thành các tổ chức cứu quốc. Mặt trận Việt Minh chẳng những có cơ sở rộng khắp ở trong nước mà còn có cơ sở trong Việt kiều ở nước ngoài. Những người Việt kiều yêu nước ở Vân Nam (Trung Quốc) thành lập Hội giải phóng Việt Nam. Cuối năm 1942, Hội giải phóng Việt Nam được coi như một bộ phận của Mặt trận Việt Minh.

Nếu như năm 1921, với sự kiện thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa được xem là một mốc lịch sử thì năm 1941, với chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh, tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chiếm lĩnh đỉnh cao nhất, đã trở thành bó đuốc soi sáng cho mọi hành động, tổ chức, là nơi hội tụ của tư tưởng đại đoàn kết mà  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng từ năm 1921. Có thể coi Mặt trận Việt Minh bấy giờ là lực lượng mạnh mẽ nhất, tổ chức chặt chẽ nhất, đấu tranh khéo léo nhất về chính trị, quân sự; là một tổ chức có uy tín lớn nhất trong nhân dân ta và đóng vai trò rất quan trọng trong thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám. “Cái tên Việt Nam độc lập đồng minh rất rõ rệt, thiết thực và hợp với nguyện vọng toàn dân. Thêm vào đó, chương trình giản đơn, thiết thực mà đầy đủ của Mặt trận gồm có 10 điểm như bài ca tuyên truyền đã kể.

Có mười chính sách bày ra

Một là ích quốc, hai là lợi dân

Vì thế mà Việt Minh được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh, phát triển rất mau và rất mạnh…”5.

Hiểu rõ đạo lý của người Việt Nam là lấy nhân cách mà thuyết phục, mà làm gương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đoàn kết dân tộc. Thư được gửi đến các cụ phụ lão, đến các hương lý, các binh lính đang ở trong hàng ngũ chính quyền cai trị... Mặc dù lúc đó người ta chưa biết gì về Đảng, chưa biết Nguyễn Ái Quốc là người như thế nào, chưa biết đến Mặt trận Việt Minh, nhưng bằng tấm lòng chân thành, Người đã giải thích cho đồng bào hiểu và lôi cuốn được các tầng lớp nhân dân đi theo con đường mà Người đã chọn. Và nhờ có “chương trình” cụ thể, với cương lĩnh và mục tiêu rõ ràng, thiết thực, Mặt trận Việt Minh đã đoàn kết được hầu hết các tầng lớp nhân dân tham gia.

Không chỉ đoàn kết vững chắc trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mở rộng mối đoàn kết với nước ngoài, những nước có “ tấm lòng với cách mạng Việt Nam”, với các cơ sở bạn bè, đồng minh, với phong trào công nhân cộng sản quốc tế bảo đảm thêm vững chắc cho thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Người đã chỉ rõ, Việt Nam độc lập đồng minh sẽ giúp đỡ Ai Lao độc lập đồng minh và Cao Miên độc lập đồng minh để cùng thành lập Đông Dương độc lập đồng minh hay là Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế toàn Đông Dương để đánh được kẻ thù chung, giành quyền độc lập cho nước nhà.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua Việt Minh, dân tộc ta không những đã đoàn kết lại mà còn đoàn kết với hiệu quả cao nhất. Tất cả những quyết định của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh đều đã được tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân mọi tầng lớp ủng hộ, kể cả các lực lượng đứng ngoài Mặt trận Việt Minh. Khối đại đoàn kết toàn dân không những được khôi phục, được củng cố mà còn được nâng lên tầm cao mới, kết hợp với sức mạnh của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, tạo ra xung lực hồi sinh mạnh mẽ để bùng phát kịp thời, khi thời cơ đến chỉ khoảng hai tuần, được đồng bào cả nước đồng lòng, đồng sức Cách mạng Tháng Tám1945 đã thắng lợi hoàn toàn trong cả nước.

Tháng 8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã diễn ra và thắng lợi trên cả nước. Sức mạnh dân tộc của Việt Nam được phát huy mạnh mẽ và triệt để trên chiến lược đại đoàn kết dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra và tập hợp trong Mặt trận Việt Minh do chính Người sáng lập và lãnh đạo. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trở thành biểu trưng của khối đại đoàn kết dân tộc, là minh chứng hùng hồn và đầy sức thuyết phục về sức mạnh của cả dân tộc, của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam theo tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cùng với tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trở thành ngọn cờ tiêu biểu trong đường lối cách mạng Việt Nam, luôn được Đảng ta gương cao trong các cuộc cách mang giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong công cuộc đổi mới hiện nay. Nhờ sức mạnh ấy, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những chiến công hiển hách của dân tộc Việt Nam. 

ThS. Lê Hải Yến, CN. Lê Thị Huyền
Khoa Xây dựng Đảng – Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa


1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 3, Tr 198.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 3, Tr 206 - 229.

3,4. Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 7, Tr 461-470.
5. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 6, Tr 158.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất