Thứ Sáu, 22/11/2024
Lý Luận
Chủ Nhật, 19/4/2020 8:44'(GMT+7)

Tư tưởng Lênin soi sáng con đường Cách mạng Việt Nam

 

1. Chủ nghĩa yêu nước chân chính của dân tộc Việt Nam hòa dòng tư tưởng thời đại

Cách đây 100 năm, trong căn phòng nhỏ hẹp tại Thủ đô Pari, giữa đêm khuya thanh vắng, có một sự kiện chính trị định hướng tư tưởng cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi đêm trường nô lệ: Nguyễn Ái Quốc tiếp cận ánh sáng cách mạng từ trong Sơ thảo Luận cương của Lênin. “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin” (Chế Lan Viên) - đó là thời khắc lịch sử thiêng liêng nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng, nhất là 30 năm bôn ba tìm dường cứu nước của Bác Hồ kính yêu.

Trước đó, Người đã khóc khi vĩnh biệt thân mẫu, ứa lệ trước cảnh đồng bào mình bị áp bức, bóc lột, bùi ngùi khi thấy cảnh thống khổ của những dân tộc, giai cấp bị chủ nghĩa thực dân dày xéo, tự xếp mình trong hàng ngũ “những người cùng khổ” khắp năm châu. Cách mạng Tháng Mười Nga chính là con đẻ của tư tưởng Lênin - sự vận dụng sáng tạo, phát triển Chủ nghĩa Mác vào nước Nga, mở ra hướng đi đúng đắn không chỉ cho nước Nga mà còn cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tư tưởng yêu nước chân chính mà Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc lấy đó làm “vốn liếng” ra đi tìm đường cứu nước là tinh hoa của dân tộc Việt Nam được chắt lọc, thẩm thấu, tiếp biến qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong đó có một số giá trị cốt lõi là: Lòng yêu nước, thương nòi, thương người như thể thương thân; không bao giờ chịu cúi đầu làm tôi đòi cho ngoại xâm; sức mạnh để chiến thắng mọi kẻ xâm lăng chính là sự cố kết lòng người, đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên thành lũy vô hình.

Nửa cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam vẫn tiếp tục được phát huy, nhưng chưa đủ sức mạnh để ngăn chặn cuộc chiến xâm lược, áp đặt ách đô hộ trực tiếp của Thực dân Pháp. Mọi phương thức đấu tranh nhằm đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi thân phận vong quốc nô đều rơi vào bế tắc, biết bao thế hệ nghĩa sĩ đã ngã xuống. Một tâm lý hoài niệm về những trang sử oai hùng dân tộc, mất phương hướng trong hiện tại và mờ mịt tương lai. Đó là vì, hệ tư tưởng phong kiến và hệ tư tưởng tư sản không phải là nguồn sáng dẫn đường phù hợp cho cách mạng nước ta. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc quyết chí ra đi tìm đường cứu nước với giấc mơ thời đại: Cái mà tôi cần nhất trên đời là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”.

Trong sơ thảo Luận cương của Lênin đã chỉ rõ con đường mới cho cách mạng Việt Nam, đó là: Trước tiên phải có một chính đảng vô sản lãnh đạo, kim chỉ Nam cho đường lối lãnh đạo của chính đảng vô sản là chủ nghĩa Mác - Lênin; cách mạng ở các nước thuộc địa phải gắn giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp; liên hệ mật thiết với lực lượng cách mạng ở chính các nước đang đi xâm lược; phải xây dựng được khối đại đoàn kết trong nước và quốc tế; tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, vận động các lực lượng đi theo cách mạng; sử dụng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng; lập ra chính quyền cách mạng của dân, do dân, vì dân; mang lại lợi ích chính đáng và quyền làm chủ cho quần chúng cách mạng.

Những giá trị cốt lõi trong chủ nghĩa yêu nước chân chính Việt Nam là mảnh đất tốt về tư tưởng nhân bản, nhân văn để lĩnh hội tư tưởng của Lênin. Những tia sáng thời đại trong tư tưởng Lênin được Nguyễn Ái Quốc lĩnh hội, lựa chọn ngay khi mới tiếp cận đã thực sự là lối thoát cho đồng bào ta ra đường hầm tăm tối của lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam duy nhất thể hiện rõ vai trò nối nhịp cầu tư tưởng chính trị cho cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, phát huy và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Con đường đi đúng hướng cho dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX gói gọn trong mấy chữ: Cách mạng vô sản theo chủ nghĩa Lênin.

2. Sự thẩm định lịch sử của Việt Nam đối với tư tưởng Lênin

Sau tiếng reo vui trong nước mắt về con đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã thổ lộ nội tâm với những người bạn cùng hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế rằng, muốn được nhanh trở về giúp đồng bào mình giành độc lập, tự do. Nhưng con đường trở về của Người cũng gian nan chẳng kém gì con đường ra đi tìm đường cứu nước. Vật báu trong “túi càn khôn” mà Nguyễn Ái Quốc mang về cứu giúp đồng bào mình là những gợi mở con đường hiện tại và tương lai cho dân tộc Việt Nam. Trong đó bao gồm tên gọi và bản chất cách mạng, mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng nhân loại khỏi ách áp bức, thống trị của chủ nghĩa Thực dân, chủ nghĩa đế quốc; còn có cả tình người “bốn phương vô sản đều là anh em”; và một tầm văn hóa của tương lai “thương cuộc đời chung”.

Triết lý chính trị được Nguyễn Ái Quốc coi như linh hồn tư tưởng Lênin là “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Vì vậy, việc trước tiên đối với Nguyễn Ái Quốc là truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào nhịp sống tranh đấu của giai cấp công nhân, của nông dân, trí thức. Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu trong những năm 1925 - 1927 đã khai sáng cho những người yêu nước tiêu biểu Việt Nam hiểu được cách mạng là gì, muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải làm như thế nào. Học được tư tưởng cách mạng đúng đắn, những học viên đầu tiên trong các lớp huấn luyện lý luận ở Quảng Châu đã hăng hái trở về, thâm nhập vào nhà máy, hầm mỏ, đem tư tưởng cách mạng truyền bá, vận động, định hướng phong trào cách mạng, tạo nên làn sóng “vô sản hóa” sâu rộng.

Ánh sáng của lý luận cách mạng do Nguyễn Ái Quốc phát hiện và tỏa sáng vào thực tiễn cách mạng nước nhà đã tất yếu đưa đến sự thành lập chính đảng vô sản. Nguyễn Ái Quốc trực tiếp lĩnh hội chủ nghĩa Mác - Lênin, trực tiếp truyền bá chủ nghĩa chân chính ấy vào cách mạng Việt Nam, đồng thời khi thời cơ chín muồi thì chính Người đã đứng ra kết nối các tổ chức cộng sản, thuyết phục họ thống nhất thành lập một chính đảng duy nhất, tránh được nguy cơ phân rã lực lượng lãnh đạo, nhờ vậy phong trào cách mạng Việt Nam có được bệ phóng tối ưu nhất. Các văn kiện Đảng được Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng thực sự là tầm nhìn chiến lược do một vĩ nhân biết đoán định rõ đường hướng lịch sử. Đến nay, con tàu cách mạng Việt Nam vẫn đang vận hành đúng quỹ đạo mà Nguyễn Ái Quốc mường tượng cách đây 100 năm, định vị cách nay 90 năm.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 là thành quả của Đảng ta trong vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về mục tiêu cách mạng, nhiệm vụ cách mạng, chiến lược và sách lược cách mạng, vận động, giác ngộ, tập hợp lực lượng quần chúng đi theo cách mạng; biết phân hóa kẻ thù, biết đoán định thời cơ và mau lẹ chớp lấy thời cơ cách mạng. Nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của Đảng ta trong Cách mạng tháng 8 năm 1945 là nghệ thuật chính trị độc nhất vô nhị “tay không mà dựng cơ đồ”. Cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ năm đầu sau Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thực sự là bước trưởng thành vượt bậc của một chính Đảng vô sản biết vận dụng nhuần nhuyễn lý luận về bạo lực cách mạng, thấm sâu lời dạy của Lênin “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn”. Đảng ta dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh đã biết phân hóa kẻ thù, “lùi để tiến”, nhún nhường để tránh gây xung đột cùng lúc nhiều kẻ thù, lựa chọn từng đối tượng để đấu tranh “bẻ gãy từng chiếc đũa”, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường dân tộc để cùng lúc đánh ba thứ giặc “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”; tận dụng cơ hội thương thuyết để có thêm thời gian quí hơn vàng cho chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, Đảng, Bác Hồ đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, đồng thời giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; dựa vào nội lực là chính, nhưng cũng khôn khéo đánh thức lương tri, phẩm giá nhân loại, đưa những người yêu chuộng hòa bình, tiến bộ xích lại gần và cùng đứng về chiến hào chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Chúng ta có vinh dự đánh thắng hai đế quốc “to”; và giữ yên biên giới thiêng liêng Tổ quốc chính là nhờ vào lòng dân yêu nước, niềm tin tuyệt đối của Nhân dân với Đảng, với Bác Hồ - vũ khí tinh thần của dân tộc Việt Nam đủ sức đánh bại vũ khí vật chất mà kẻ xâm lược cậy thế.

Khi Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông âu sụp đổ, giữa vòng xoáy thời cuộc, hầu hết các chính đảng vô sản gần như mất phương hướng, phong trào cộng sản quốc tế thoái trào ở mức chưa từng có kể từ sau Tuyên ngôn Đảng cộng sản ra đời. Chính khi ấy, Đảng ta đã cho thấy bản lĩnh vững vàng và nhạy bén chính trị, quyết đoán chiến lược để tiến hành đổi mới đất nước. Đổi mới nhưng không đổi màu, đổi mới nhưng vẫn kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vẫn dựa trên hệ tư tưởng mác xít chân chính. Nhiều giá trị mới có tính bổ sung, hoàn thiện, phát triển các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được Đảng, Bác Hồ đúc kết thành chủ thuyết phát triển trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua nửa thế kỷ, nhưng càng ngày càng thấy rõ hơn giá trị bất biến của chiến lược cách mạng Việt Nam, cao hơn đó là tầm vóc văn hóa chính trị của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

3. Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng để Việt Nam vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội

Nền tảng tư tưởng của Đảng được hình thành sơ khai từ quá trình tìm đường cứu nước, tiếp cận và lĩnh hội một cách chủ động, quyết đoán của Nguyễn Ái Quốc; được bồi đắp vững chắc thông qua quá trình tập huấn lý luận, tuyên truyền, giác ngộ, đưa ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin vào công nhân - nông dân - trí thức, thúc đẩy cách mạng vận động tiến lên.

Đặc biệt, trong bão táp cách mạng, dù bị kẻ thù đàn áp dã man, khủng bố trắng, dìm cách mạng trong bể máu, nhưng không lúc nào lý luận cách mạng bị đứt gãy, bị ngừng chảy trong lý trí và tình cảm của các chiến sĩ cộng sản; nhà tù đế quốc, gươm súng kẻ thù càng làm cho người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất hơn, vì họ đã được tôi luyện trong phong trào cách mạng, đúng như nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin là một chính Đảng muốn trưởng thành, đủ sức lãnh đạo quần chúng thì phải được tôi rèn trong thực tiễn đấu tranh cách mạng.

Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng chính là bảo vệ chiếc la bàn chính trị để giữa những ma trận ngày càng muôn vàn phức tạp, hỗn mang sự xung đột các luồng tư tưởng hiện nay, chúng ta sẽ không thể mất phương hướng. Kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tức là bắt nhịp đúng xu hướng của lịch sử nhân loại trong tương lai.

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã chắt lọc những giá trị cốt lõi về mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, những giá trị đó có tính phổ quát của giấc mơ nhân loại, hướng tới chân, thiện, mỹ, tự do, bình đẳng, sức mạnh của niềm tin và sự cố kết giữa người với người trong một dân tộc luôn lớn hơn sức mạnh vật chất, là thứ vũ khí vô hình, bất diệt cho dân tộc Việt Nam trong mọi biến cố lịch sử.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ cho được sự thủy chung của dân tộc Việt Nam với sự nghiệp đấu tranh vì văn minh, tiến bộ, giải phóng nhân loại, sự nghiệp ấy do Các Mác, Ăng Ghen khởi nguyên từ Tuyên ngôn Đảng cộng sản, từ các hoạt động của Quốc tế cộng sản, được Lênin tiếp tục phát triển, được Nguyễn Ái Quốc lĩnh hội tiếp biến, được Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định trong tiến trình cách mạng Việt Nam suốt 90 năm qua.

Trong các hệ giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì việc đấu tranh bảo vệ các giá trị sống của con người được định vị ở vị trí trung tâm cho mọi cuộc cách mạng. Một Đảng chân chính phải tồn tại bởi những lý do cho con người, vì con người, cho dân tộc và vì Nhân dân. Đảng phải tuyệt đối trung thành mục tiêu giải phóng con người khỏi áp bức bất công, giải phóng tiềm năng sáng tạo của mỗi người, mang lại môi trường tự do và cuộc sống hạnh phúc của nhân dân lao động. Đảng với Dân là máu thịt, mãi trường tồn như sự sống bất diệt. Muốn bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ, trước tiên phải bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, tức là bảo vệ con tim, khối óc và cơ thể khỏe mạnh, luôn tái tạo nguồn sinh khí chính trị từ Nhân dân: Đó là lòng Dân sắt son với Đảng, với Bác Hồ không để bất cứ thế lực nào làm hoen ố, xói mòn; niềm tin được nuôi dưỡng bởi chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn, coi con người là trung tâm của mọi sự phát triển.

PGS.TS. Trần Viết Lưu

      

         

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất