Ngày 9/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã tới chúc mừng 128 cô giáo tại Hội nghị “Gặp mặt, biểu dương nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại vùng biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.
Đây là một trong những hoạt động đầu tiên của ngành giáo dục trong chuỗi những sự kiện nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam ( 20/11/1982-20/11/2012).
Những lớp học khó khăn nhất được ngành giáo dục tổ chức ở những bản, phum, sóc ở biên giới; những lớp học tổ chức ở các huyện đảo Cô Tô, Cát Bà, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sa… không chỉ đơn thuần là dạy con chữ, mà còn góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia. Ở đó, mỗi khi bình minh là quốc ca vang lên qua tiếng hát trẻ thơ, quốc kỳ Việt Nam bay trong ánh mắt của các em.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gửi lời chúc mừng và cảm ơn sâu sắc nhất tới 128 cô giáo tiêu biểu đại diện cho 100.000 nữ giáo viên đang công tác tại những vùng khó khăn nhất của đất nước. Phó Thủ tướng bày tỏ: “ Các cô giáo chính là những tấm gương tiêu biểu, là những đóa hoa tươi thắm không bao giờ tàn, tiêu biểu cho tinh thần vượt khó của ngành giáo dục cả nước. Những hy sinh, đóng góp của các cô là vô cùng to lớn, là những tấm gương vô cùng đặc biệt của đất nước”.
Gửi tới các thầy, cô giáo niềm tin tưởng sâu sắc, Phó Thủ tướng mong muốn mỗi thầy cô giáo chính là một chiến sĩ trên mặt trận trồng người, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục – đào tạo của đất nước.
Phó Thủ tướng khẳng định trong thời gian tới Chính phủ sẽ dành những nguồn lực tốt nhất để chia sẻ những khó khăn, dành những quan tâm tốt hơn với các thầy, các cô giáo ở vùng khó khăn nói riêng và quan tâm tới sự nghiệp giáo dục của đất nước nói chung. Các cô đã và đang cố gắng đem hết sức lực, trí tuệ, góp phần duy trì, phát triển số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục ở những khu vực, vùng miền còn nhiều khó khăn.
Các cô giáo vùng cao, vùng khó khăn phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ về điều kiện địa lý tự nhiên, khí hậu, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện sống, sinh hoạt, những trở ngại về phong tục, tập quán, ngôn ngữ; dành trọn cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp “trồng người”; các cô giáo đã đến từng buôn, sóc, bản làng xa xôi hẻo lánh trên núi cao và ở biển đảo, thường xuyên bám trường, bám lớp, vận động học sinh đến trường, chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con em nhân dân các dân tộc; các cô không chỉ dạy chữ mà còn là nhịp cầu văn hóa, là người tuyên truyền đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước đến với bà con…
Nhân dịp này, nhiều giáo viên mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống nhà giáo, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đã ban hành để góp phần động viên về vật chất, tinh thần đối với các nhà giáo ở vùng núi, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn để các thầy, cô yên tâm gắn bó với nghề, làm tốt nhiệm vụ giáo dục ở vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Tại buổi lễ tuyên dương, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã gửi lời cảm ơn và chúc mừng tốt đẹp nhất tới cô giáo Bùi Thị Nhung, giáo viên đang dạy lớp ghép từ lớp 1 đến lớp 5 tại đảo huyện đảo Trường Sa – tỉnh Khánh Hòa do điều kiện đi lại khó khăn nên đã không thể có mặt tại lễ tuyên dương tại Thủ đô Hà Nội.
Hiện cả nước có khoảng 800.000 nữ nhà giáo và nữ quản lý giáo dục trên tổng số 1,2 triệu nhà giáo toàn ngành (chiếm trên 70%) , trong đó có hơn 100.000 nữ nhà giáo đang làm nhiệm vụ tại vùng núi cao, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn, nơi các cô đang làm nhiệm vụ kéo dài từ Lũng Cú (Hà Giang) đến Đất Mũi (Cà Mau), Phú Quốc, Thổ Chu (Kiên Giang), trải rộng từ ngã ba biên giới Việt, Lào, Campuchia và đảo Trường Sa lớn.
Theo Chinhphu.vn