Thứ Hai, 25/11/2024
Lý Luận
Chủ Nhật, 26/7/2020 9:1'(GMT+7)

Tuyên giáo - 90 năm trưởng thành và phát triển

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trong hành trình tìm đường cứu nước, sau những năm tháng bôn ba hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa đến với Nguyễn Ái Quốc như một ánh sáng kỳ diệu nâng cao về chất tất cả những hiểu biết và tình cảm cách mạng mà Người hằng nung nấu, để từ dó Người ra sức truyền bá con đường cứu nước vào Việt Nam. Công tác tuyên truyền được Người và các chiến sĩ cách mạng tiền bối trực tiếp tiến hành thông qua các hình thức in ấn, xuất bản, phát hành tài liệu, sách, báo, truyền đơn, tổ chức lớp huấn luyện cán bộ.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cũng là người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, đặt nền móng cho công tác tư tưởng của Đảng.

Sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền để tuyên truyền, giác ngộ đảng viên và nhân dân về chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng của Đảng. Ngày 1/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng đã xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1/8” lên án chiến tranh đế quốc, kêu gọi giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân vùng lên chống đế quốc xâm lược, chống áp bức bóc lột, phản đối chiến tranh phi nghĩa, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô-Viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Tài liệu này cùng với nhiều hoạt động tuyên truyền vận động cách mạng khác góp phần thổi bùng lên phong trào cách mạng. Kể từ ngày 1/8/1930 đến tháng 10/1930, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình.

Ngày 1/8 trở thành một mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, gắn liền với sự ra đời của tài liệu lịch sử quý, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng. Với ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị khoá VIII quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng - văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá X quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.

Trải qua lịch sử 90 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau và có những lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng,nhưng trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, lĩnh vực tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng, tham mưu chiến lược cho Đảng trên mặt trận tư tưởng, tuyên truyền, lý luận, văn hóa, khoa học.

Công tác tuyên giáo đã góp phần to lớn vào việc xây dựng đường lối chính trị đúng đắn của Đảng; truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân; biến đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật đó thành hành động tự giác của quần chúng, thành cao trào cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

15 năm đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), trong bối cảnh kẻ thù đàn áp, khủng bố tàn khốc, điều kiện hoạt động hết sức nguy hiểm, đội ngũ những chiến sĩ làm công tác tư tưởng của Đảng đã nêu cao phẩm chất và khí tiết của người cộng sản, sẵn sàng hy sinh, bám sát phong trào cách mạng, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức quần chúng đấu tranh chống thực dân, đế quốc. Trong cao trào cách mạng Xô viết Nghệ - Tĩnh, thời kỳ Mặt trận dân chủ giải phóng dân tộc dẫn tới thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, đường lối của Đảng là giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết, đại đoàn kết toàn dân đấu tranh giành độc lập, giành chính quyền, công tác tuyên giáo đã tập trung tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và Nhân dân phát huy tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết, anh hùng, bất khuất của dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, quyết “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, cổ vũ Nhân dân vùng lên tự giải phóng mình khỏi ách nô lệ của đế quốc và tay sai, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Không lâu sau đó, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Trong tình thế giặc trong, thù ngoài, đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, trong điều kiện Đảng cầm quyền, lãnh đạo vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, bộ máy và lực lượng cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng không ngừng lớn mạnh từ cấp Trung ương đến địa phương, các khu ủy, liên khu ủy, xứ ủy và Trung ương Cục miền Nam. Công tác tuyên giáo đã tập trung giáo dục ý chí kiên cường, bất khuất, phát huy cao độ lòng yêu nước của dân tộc “Nhất định không chịu mất nước’’, “Nhất định không chịu làm nô lệ”, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững lời thề “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập’’, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tin tưởng vào chính quyền cách mạng và Mặt trận Việt Minh; đồng thời cổ vũ Nhân dân thực hiện ba nhiệm vụ lớn: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Sau hơn 3.000 ngày tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (23/9/1945 - 21/7/1954), Nhân dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, công tác tuyên giáo với trọng tâm là tuyên truyền, giáo dục đường lối cách mạng của Đảng ở 2 miền. Lực lượng cán bộ các binh chủng công tác tuyên giáo ngày càng tăng. Hòa nhịp với các phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng’’, “Năm xung phong”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước’’ ở miền Bắc, các phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà diệt”, “một tấc không đi, một ly không rời” ở miền Nam…, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam và đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp trong cả nước đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, khắc phục mọi khó khăn trong điều kiện chiến đấu quyết liệt với quân thù, triển khai với tinh thần cao nhất cho các hoạt động tuyên truyền, thông tin, báo chí, xuất bản, huấn luyện, văn hóa, văn nghệ. Công tác tư tưởng được tiến hành đến từng nhà, từng người. Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ là một người tuyên truyền đắc lực và gương mẫu thực hiện chính sách, thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người’’. Hàng ngàn cán bộ các binh chủng công tác tuyên giáo (báo chí, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, văn hóa, văn nghệ...) tiếp tục được bổ sung, tăng cường cho miền Nam. Cả nước với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, đồng sức đồng lòng “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” đã mang lại chiến thắng vang dội trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giang sơn thu về một mối.

Sau khi đất nước thống nhất, Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, khắc phục những hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại, tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây - Nam và biên giới phía Bắc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế với Campuchia, khắc phục khủng hoảng kinh tế - xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay. Công tác tuyên giáo đã luôn luôn đi đầu tuyên truyền, giáo dục đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao trình độ tư tưởng, lý luận, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên và niềm tin của nhân dân; vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, mở rộng và tăng cường đấu tranh chống lại mọi luận điệu phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhất là khi diễn ra các biến cố lớn như cơn “chấn động chính trị” thế giới: chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ năm 1989-1991, cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực và thế giới những năm 1997-1998 và 2008-2009.

Trải qua gần 35 năm đổi mới, công tác tuyên giáo của Đảng đã trưởng thành vượt bậc, gắn bó và phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Hiện nay, công tác tuyên giáo tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Có thể nói chưa có nhiệm kỳ nào mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác tổ chức xây dựng Đảng như nhiệm kỳ Đại hội XII - đó cũng là những vấn đề được cán bộ, đảng viên và người dân hết sức quan tâm, theo dõi. Từ Nghị quyết Trung ương 4 về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đến Nghị quyết Trung ương 7 về công tác cán bộ. Từ Quy định số 08-QĐi/TW về đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 205-QĐi/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền đến Quy định số 214-QĐi/TW về khung tiêu chuẩn, chức danh tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý…; công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng vào việc đưa các nghị quyết, các chỉ thị, quy định của Đảng mau chóng đi vào cuộc sống để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Với việc đổi mới tổ chức quán triệt nghị quyết theo hình thức trực tuyến, với sức mạnh tổng hợp của các binh chủng, công tác tuyên giáo đã góp phần đắc lực vào nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ các cấp về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã đạt được những hiệu quả thiết thực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng, đánh giá cao, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; vạch rõ âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng và sự lãnh đạo của Đảng. Bám sát thực tiễn của đất nước và quốc tế, công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Việt Nam, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo dấu ấn quan trọng trong các sự kiện lớn, như: Hội nghị cấp cao APEC và năm APEC 2017; Cuộc gặp thượng đỉnh cấp cao Mỹ - Triều tại Hà Nội và gần đây nhất là tuyên truyền về đại dịch Covid-19… giúp dư luận thế giới hiểu rõ hơn, đúng hơn về Việt Nam, thu hút sự quan tâm và gây ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế. Đặc biệt, công tác tuyên giáo đã góp phần quyết liệt vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công tác tuyên giáo đã góp phần nâng cao nhận thức, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội. Trong buổi làm việc với cán bộ Ban Tuyên giáo Trung ương nhân kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống của Ngành (1/8/1930 - 1/8/2018), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “…nhìn tổng thể, có được những kết quả tích cực là do sự nỗ lực chung, trong đó, đặc biệt có ngành Tuyên giáo, trực tiếp là các đồng chí ở Ban Tuyên giáo Trung ương. Đó là sự thật khách quan”.

Hoạt động của Ngành Tuyên giáo 90 năm qua gắn liền với thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp cách mạng ở mọi thời kỳ do Đảng lãnh đạo. Từ thực tiễn sinh động và phong phú 90 năm qua, chúng ta có thể nêu lên một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, không ngừng vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị và các lĩnh vực khác của công tác tuyên giáo; kiên quyết chống giáo điều, cơ hội, xét lại.

Hai là, luôn luôn xuất phát từ đường lối, Cương lĩnh của Đảng, nhiệm vụ chính trị, mục tiêu cách mạng của mỗi thời kỳ, bám sát thực tiễn đề ra nhiệm vụ, yêu cầu của công tác tuyên giáo, bảo đảm thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Ba là, phương thức, cách thức hoạt động của công tác tuyên giáo vừa phải bảo đảm nguyên tắc sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng, vừa chú trọng sáng tạo vào điều kiện cụ thể để nâng cao hiệu quả; phát huy sức mạnh của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị làm công tác tuyên giáo. Cấp ủy các cấp, trực tiếp là bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên giáo.

Bốn là, chủ động, kiên quyết phản bác có cơ sở khoa học và sức thuyết phục các quan điểm sai trái, phản động trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng, chính trị, văn hóa; tổ chức tốt lực lượng, chủ động đấu tranh bảo vệ Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Năm là, xây dựng hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ của Ngành Tuyên giáo vững mạnh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực để hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng và Nhân dân giao phó.

Nhìn lại chặng đường vẻ vang 90 năm qua, dù ở bất cứ giai đoạn nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành Tuyên giáo luôn nỗ lực phấn đấu, ngày càng trưởng thành, phát triển cả về số lượng và chất lượng, phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc do Đảng ta lãnh đạo; xứng đáng với Huân chương Sao Vàng cao quý và nhiều phần thưởng vinh dự khác mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng; xứng đáng với sự tin cậy của cán bộ, đảng viên và nhân dân./.

Phạm Thu Hà
Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp,
Ban Tuyên giáo Trung ương
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất