Thứ Tư, 4/12/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 28/4/2020 5:0'(GMT+7)

Tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong Quân chủng Hải quân

Đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân Brunei đón đoàn Hải quân Việt Nam tại cảng Jetty Bravo. (Ảnh minh họa: Báo Hải quân Việt Nam)

Đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân Brunei đón đoàn Hải quân Việt Nam tại cảng Jetty Bravo. (Ảnh minh họa: Báo Hải quân Việt Nam)

1. Quân chủng Hải quân là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Do đặc thù môi trường và tính chất hoạt động trên biển “có tính mở, tính quốc tế cao” nên Quân chủng Hải quân (Quân chủng) không chỉ là quân chủng chiến đấu, mà còn là quân chủng “mang tính quốc tế”. Lực lượng của Quân chủng không những hoạt động trong vùng biển chủ quyền Việt Nam, mà có thể vươn ra đại dương thế giới, hoặc vùng biển của nước bạn trong các chương trình phối hợp, hợp tác, thăm viếng, giao lưu… Chính vì thế, Hải quân nhân dân Việt Nam trở thành lực lượng ngoại giao hữu hiệu của quân đội và quốc gia.

Những năm qua, Quân chủng Hải quân luôn quán triệt và thực hiện tốt đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế về quốc phòng của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế từ thấp đến cao, cả trên bình diện đa phương và song phương. Quân chủng đã thiết lập, duy trì quan hệ song phương với quân đội và hải quân gần 50 nước trên thế giới, đồng thời tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác hải quân đa phương khác.

Trong quá trình mở rộng quan hệ quốc phòng với quân đội và hải quân các nước, Quân chủng Hải quân rất chú trọng hoạt động tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; xác định đây là nội dung phải được tiến hành đồng thời với các hoạt động đối ngoại khác.

Quán triệt sâu sắc sự lãnh đạo, chỉ đạo của trên, Quân chủng tích cực đổi mới nội dung, vận dụng nhiều hình thức, phương pháp tuyên truyền đối ngoại, hình thành “mặt trận” tuyên truyền có sức thuyết phục và hiệu quả cao. Qua đó kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận về vấn đề biển, đảo; tác động tích cực đến đối tượng bên ngoài, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, xây dựng và củng cố niềm tin của quân đội và nhân dân các nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Quan trọng hơn, hoạt động tuyên truyền đối ngoại của Quân chủng đã góp phần thúc đẩy đối ngoại, hội nhập quốc tế về quốc phòng, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và quân đội chủ động ngăn ngừa nguy cơ xung đột từ sớm, từ xa, tạo môi trường quốc tế thuận lợi, bảo vệ vững chắc chủ quyền và môi trường hòa bình, ổn định trên biển để phát triển đất nước.

Hoạt động tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - lý luận của Đảng, một nội dung quan trọng trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế về quốc phòng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển. Hoạt động này chỉ thực sự có chất lượng và hiệu quả khi các chủ thể tiến hành biết nắm vững và tuân thủ những yêu cầu có tính nguyên tắc, triển khai đồng bộ các giải pháp, đồng thời tích cực nghiên cứu, phát triển, vận dụng sáng tạo các nội dung, hình thức phù hợp với sự phát triển tình hình thực tiễn.

2. Hiện nay và những năm tới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn. Song tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, thời cơ thuận lợi và thách thức đan xen, vừa hợp tác vừa đấu tranh. Các hoạt động đối ngoại quốc phòng của Quân chủng Hải quân đã và đang được triển khai sâu rộng, tần suất ngày càng cao, quan hệ hợp tác đa dạng. Trong bối cảnh đó, tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo có nhiều thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, những yêu cầu cơ bản được đặt ra đối với các chủ thể thực hiện tuyên truyền là:

Thứ nhất, hoạt động tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo phải được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ, vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ toàn vẹn, thống nhất lãnh thổ, biển, đảo, lợi ích quốc gia dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ và nền văn hóa biển Việt Nam, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Các chủ thể phải nắm vững thời cơ, tận dụng thuận lợi, khắc phục khó khăn; kế thừa, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm đã có, đồng thời đổi mới mạnh mẽ các khâu, các bước trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các chủ trương, nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phải toàn diện, thể hiện tầm nhìn xa, rõ định hướng, khơi dậy mọi khả năng, sức sáng tạo của cán bộ, chiến sỹ. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải có sự thống nhất cao, chủ động, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng trong Quân chủng.

Lấy bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, hòa bình, ổn định trên biển làm mục tiêu tối thượng. Không để đất nước xảy ra xung đột, chiến tranh, bị cô lập ngoại giao trong vấn đề Biển Đông.

Thứ hai, hoạt động tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo phải hướng tới thực hiện thắng lợi quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại quốc phòng.

Phải quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, thêm bạn bớt thù, giữ cân bằng các mối quan hệ; “dĩ bất biến ứng vạn biến”; kiên định, kiên trì nguyên tắc chiến lược, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác song phương, đa phương đi vào chiều sâu, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài và sự ủng hộ quốc tế rộng rãi để xây dựng, phát triển tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển vững mạnh, đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới.

Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 016-Quang Trung trước giờ rời cảng thực hiện chuyến thăm xã giao Liên bang Nga tháng 7-2019. Ảnh: Phúc Thắng.

Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 016-Quang Trung trước giờ rời cảng thực hiện chuyến thăm xã giao Liên bang Nga tháng 7-2019. Ảnh: Phúc Thắng.


Thứ ba, không ngừng phát triển, hoàn thiện nội dung, đổi mới và kết hợp chặt chẽ các hình thức, phương pháp tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, khắc phục khâu yếu, mặt yếu, những biểu hiện giản đơn, phiến diện, hình thức.

Tập trung tuyên truyền cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển (nhất là đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa); chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; các điều ước và thỏa thuận hợp tác quốc tế về biển mà Việt Nam là thành viên…

Tuyên truyền đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Việt Nam phải đi liền với phản bác những quan điểm, hành động sai trái của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biển, đảo để chống phá đất nước, chia rẽ quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng...

Đổi mới nội dung phải gắn liền với đổi mới và kết hợp chặt chẽ các hình thức, phương pháp tuyên truyền đối ngoại phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, nhận thức, phong tục tập quán của đối tượng.

Thứ tư, kết hợp tuyên truyền đối ngoại với tuyên truyền đối nội, nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ tuyên truyền viên đối ngoại trong lực lượng dân quân, tự vệ biển và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Sự gắn kết giữa tuyên truyền đối ngoại với tuyên truyền đối nội phải thể hiện từ khâu xác định chủ trương, nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đến xây dựng chương trình, hoàn thiện nội dung, lựa chọn hình thức, biện pháp tiến hành, bảo đảm thống nhất giữa các cấp, các ngành, tổ chức, lực lượng. Trong đó, tuyên truyền đối nội phải đi trước một bước và tạo nền tảng vững chắc cho tuyên truyền đối ngoại, thông qua đó củng cố tình cảm, trách nhiệm, lòng tin của quân dân cả nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Các cơ quan, đơn vị của Quân chủng chủ động phối hợp với cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương để xây dựng, phát triển rộng khắp đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đối ngoại ở trong và ngoài nước, tạo sự lan tỏa sâu rộng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người Chiến sĩ Hải quân” trong nhân dân và bạn bè quốc tế.

Thứ năm, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong Quân chủng và các lực lượng khác.

Hoạt động tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo phải hướng vào việc huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” trên biển thật sự vững chắc, có chiều sâu, liên hoàn bờ - biển - đảo. Đồng thời góp phần gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động đối ngoại Hải quân với đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân đội và hoạt động ngoại giao nhân dân.

Cần có cơ chế, quy chế chặt chẽ, thống nhất nhận thức, thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm, phối hợp, hiệp đồng giữa Quân chủng với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

3. Để thực hiện tốt những yêu cầu trên, một số giải pháp chủ yếu được xác định là:

Một là, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng và tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với hoạt động tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Cần thực hiện tốt nội dung, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, giúp cho các tổ chức, lực lượng nhận thức đúng vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kết hợp tuyên truyền, giáo dục với sinh hoạt chính trị tư tưởng, đấu tranh, khắc phục biểu hiện hình thức, xem nhẹ, hạ thấp vai trò của hoạt động tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Các cấp ủy nâng cao năng lực nghiên cứu, nắm, dự báo tình hình có liên quan đến tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; nâng cao năng lực quán triệt và tổ chức thực hiện quan điểm, đường lối, chính sách, phương châm, nguyên tắc tuyên truyền đối ngoại; đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ chủ trì, cơ quan tham mưu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tuyệt đối không xem nhẹ hoặc buông lỏng lãnh đạo đối với hoạt động này.

Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu, xây dựng, hoàn thiện chiến lược, đường lối, chủ trương, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy định liên quan đến tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Các tổ chức, lực lượng làm nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại phải chủ động tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước các giải pháp xây dựng, kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách và hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

 Cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng tích cực nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thành chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo đảm sát với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của Quân chủng và đối tượng tuyên truyền.

Ba là, phát triển, hoàn thiện nội dung, đổi mới, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, kết hợp chặt chẽ các hình thức, phương pháp tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Trước hết cần nghiên cứu biên soạn, biên dịch, chuẩn hóa nội dung khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam; đẩy mạnh tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Sưu tầm và quảng bá sâu rộng tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Bổ sung, phát triển các hình thức, phương pháp tuyên truyền mới; kết hợp hình thức, phương pháp tuyên truyền đối ngoại truyền thống với hiện đại, theo kịp sự phát triển của yêu cầu nhiệm vụ; dự kiến trước các tình huống, sẵn sàng có hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp.

Các hình thức, phương pháp tuyên truyền cần sinh động, hiệu quả; vận dụng các hình thức, phương pháp phải linh hoạt, sáng tạo, phù hợp, nhằm cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác, định hướng dư luận kịp thời, tạo hiệu ứng tổng hợp để tranh thủ dư luận, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.


Bốn là, chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền phải bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, cân đối, đồng bộ, phù hợp với sự phát triển của nhiệm vụ, đáp ứng đầy đủ các hình thức, phương pháp tuyên truyền.

Đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ này phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, thành thạo nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, hiểu biết toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, phong tục tập quán của của đối tượng tuyên truyền; tác phong công tác khoa học, chuyên nghiệp, tôn trọng luật pháp, giữ vững nguyên tắc.

Đây là một quá trình, với những nội dung, biện pháp rất cụ thể, trong đó cần làm tốt các khâu: quy hoạch, tạo nguồn và tuyển chọn cán bộ; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ làm công tác tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; thu hút, phát huy vai trò của các chuyên gia giỏi, tạo động lực để mọi người gắn bó với công việc, cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp chặt chẽ các tổ chức, lực lượng trong hoạt động tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Quân chủng tiếp tục tham mưu, đề xuất giải pháp xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” trên biển vững mạnh; chủ động, tích cực mở rộng quan hệ quốc tế, hợp tác song phương, đa phương, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, quân đội, tạo cơ sở nền tảng để nâng cao chất lượng tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Kết hợp tuyên truyền đối ngoại với tuyên truyền trong nước, không ngừng nâng cao ý thức của mọi người dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Gắn kết chương trình phát triển kinh tế quốc phòng trên biển, đảo ở lĩnh vực thế mạnh, ưu tiên những vùng biển, đảo xa, tiền tiêu, nhằm hỗ trợ, bảo vệ, tạo điều kiện cho nhân dân vươn khơi, bám biển.

Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện hiện đại và kinh phí bảo đảm cho hoạt động này. Có cơ chế, quy chế phối hợp, kết hợp chặt chẽ, thống nhất, nhịp nhàng giữa các tổ chức trong Quân chủng Hải quân với các lực lượng khác trong và ngoài quân đội, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới./.

Chuẩn Đô đốc Đoàn Văn Chiều
Chủ nhiệm Chính trị Hải quân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất