VỀ THÔNG ĐIỆP ĐẠO ĐỨC VẬN ĐỘNG VIÊN THỂ THAO
Ngày nay, Thể thao là một lĩnh vực hoạt động văn hóa – xã hội, có ý nghĩa giáo dục rộng rãi. Hoạt động thể thao không chỉ mang lại sức khỏe, hạnh phúc, niềm lạc quan yêu cuộc sống, mà còn tích cực góp phần rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nhân cách, tăng cường mối quan hệ hữu nghị và tình cảm tốt đẹp giữa con người với con người, giữa các dân tộc, quốc gia trên thế giới.
Với sự trợ giúp đắc lực của các phương tiện truyền thông đại chúng, cái hay, cái đẹp của thể thao, tài năng, phẩm chất, hành vi cao thượng của VĐV, huấn luyện viên (HLV) được cập nhật kịp thời làm say mê hàng triệu người. Có những vận động viên thể thao (VĐV TT), cầu thủ trở thành thần tượng của giới trẻ và người hâm mộ thể thao.
Song, ngược lại “mặt trái của tấm huy chương” là những vụ việc bê bối, những hành động, những thủ đoạn tiêu cực, gian lận, phi đạo đức, phản thể thao, sử dụng đôping… cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ, tác động rất xấu tới đông đảo người xem và dư luận xã hội, nhất là đối với giới trẻ.
Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020”, đã chỉ rõ: “Tiêu cực trong thể thao, nhất là trong bóng đá và thể thao thành tích cao (TT TTC) còn nhiều”; “Coi trọng giáo dục đạo đức ý chí, lòng tự hào dân tộc cho VĐV”… “kiên quyết đấu tranh khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong thể thao, nhất là trong bóng đá và trong các môn TT TTC”. |
Thực tế, những năm qua, báo chí nước ta đã có những đóng góp thiết thực trong việc biểu dương cái tốt, phê phán cái xấu nhằm tạo môi trường xã hội lành mạnh trong thể thao. Tuy nhiên, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống trong hoạt động TDTT nói chung và đối với VĐV TT nói riêng cũng cần được quan tâm hơn.
Thông điệp đạo đức vận động viên thể thao là ý chí chủ quan của những người làm báo, những người lãnh đạo, quản lý nhằm chống lại tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lành mạnh của thể thao, đi ngược lại những điều đã được nêu trong Hiến chương Olympic.
Trong tôn chỉ, mục đích của mình, Hiệp hội Báo chí Thể thao quốc tế (AIPS) nêu rõ: “Trách nhiệm cao cả của các nhà báo thể thao là góp phần phát triển các lực lượng văn hóa và tiến bộ...; tôn trọng sự thật và tinh thần thể thao chân chính; làm cho thể thao trở thành phương tiện hoàn mỹ con người về mọi mặt, trong đó coi trọng những giá trị đạo đức và luân lý cao hơn tất cả; kiên quyết lên án mọi biểu hiện gian dối, phản thể thao…”. |
GÓP PHẦN NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ ĐẠO ĐỨC VẬN ĐỘNG VIÊN THỂ THAO
Giáo dục, truyền thông nói chung, đẩy mạnh tuyên truyền về đạo đức vận động viên thể thao (VĐV TT) trên báo mạng điện tử nói riêng có vai trò quan trọng đối với VĐV và những người tham gia hoạt động thể thao. Thông qua đó, họ từng bước nhận thức được ảnh hưởng tiêu cực đến thể thao, cũng như mối đe dọa đến hình ảnh cá nhân của họ.
Hoạt động tuyên truyền về đạo đức VĐV TT trên báo mạng điện tử cũng góp phần giúp các hiệp hội và tổ chức thể thao luôn nỗ lực xóa bỏ bạo lực bằng cách đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động thể thao. Vì vậy, các tổ chwucs liên quan cần phải nghiên cứu thực trạng và nguyên nhân của bạo lực trong các hiệp hội và tổ chức của mình, để từ đó thiết lập các dịch vụ tham vấn, các chương trình đào tạo phù hợp nhằm từng bước giảm thiểu tiến tới xóa bỏ bạo lực.
Tuyên truyền đạo đức VĐV TT trên báo chí đóng góp đáng kể vào cuộc đấu tranh chống sử dụng doping trong thể thao. Hoạt động này nhằm bảo vệ quyền lợi của các vận động viên có được cơ hội bình đẳng, công bằng và một môi trường thể thao lành mạnh không có doping.
Thông tin trên báo chí về đạo đức VĐV TT, kể cả tin trên các mạng xã hội tác động trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, qua đó, làm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng độc giả. Nếu thông tin trung thực, phản ánh đúng bản chất vấn đề sẽ có tính định hướng, tính giáo dục và tính xây dựng cao, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Ngược lại, nếu thông tin bị bóp méo, xuyên tạc sẽ đưa đến những hậu quả xã hội khôn lường, có thể làm tổn hại uy tín cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Để phát huy ưu thế, giữ vai trò chủ đạo và định hướng dư luận xã hội về đạo đức VĐV TT trong bối cảnh “bùng nổ thông tin” trên internet và mạng xã hội hiện nay, báo chí nói chung, báo mạng điện tử cần phải đưa tin một cách chân thật, chính xác, kịp thời muôn mặt của đời sống thể thao trong và ngoài nước bao gồm cả những vấn đề nhạy cảm, những “điểm nóng” trong ngành TDTT.
Thể thao được xác định là một lĩnh vực có tác động tích cực đến nhiều mặt của kinh tế - xã hội. Phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan, nhằm nâng cao sức khoẻ, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực; giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế. |
GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ TUYÊN TRUYỀN THÔNG ĐIỆP VỀ ĐẠO ĐỨC VẬN ĐỘNG VIÊN THỂ THAO
Để nâng cao chất lượng thông điệp về đạo đức vận động viên thể thao trên báo mạng điện tử trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tăng cường vai trò của các chủ thể quản trị
Thông tin đạo đức VĐV TT cần phải đúng định hướng, phù hợp với đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhìn tổng thể, báo chí nước ta đã phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt: tăng chất lượng nội dung, hình thức, công nghệ in ấn, truyền tải thông tin; tăng số lượng, phạm vi phát hành, phạm vi phủ sóng; tăng số lượng nhà báo và đội ngũ những người làm việc trong các cơ quan báo chí; tăng số lượng công chúng báo chí, nhất là ở nước ngoài; tăng nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật.
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm và thành tựu nổi bật, hoạt động báo chí ở nước ta còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém. Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản trị của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích; Thông tin không trung thực, thiếu chính xác, phản ánh nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước.
Một số báo ngành, đoàn thể, địa phương đã vượt ra khỏi phạm vi tôn chỉ, mục đích để trở thành (hoặc muốn trở thành) một tờ báo chính trị - xã hội của cả nước. Ðiều này dẫn tới việc các báo ít nhiều sao nhãng nhiệm vụ chính của mình; nội dung thông tin trên báo chí thường giống nhau, bắt chước hoặc sao chép nhau, nhất là khi có các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, các vụ án, các vụ việc giật gân, câu khách.
Việc chỉ đạo và định hướng thông tin của cơ quan quản trị, cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí cần phải được thực hiện thường xuyên, sát sao trong từng cuộc họp giao ban hàng tuần. Tiếp đó, các ý kiến chỉ đạo cần được chuyển tới từng phóng viên, biên tập viên để họ nắm vững, tránh việc sai lệch định hướng và tránh đưa tin bài sai sót.
Thứ hai, nâng cao năng lực quản trị của tòa soạn trong việc hỗ trợ nhà báo.
Để nâng cao khả năng truyền thông thông điệp đạo đức VĐV TT của nhà báo hiện nay, ngoài từng giải pháp cho những đối tượng cụ thể đã nêu ở trên, tòa soạn báo cũng là một nhân tố có tác động tích cực đến quá trình tuyên truyền thông thông điệp đạo đức VĐV TT của nhà báo.
Trước hết cần nâng cao chất lượng tuyển dụng đầu vào. Để có được bài viết hay, chất lượng và đảm bảo đủ chuyên môn sâu đòi hỏi nhà báo phải có lập trường chính trị, kiến thức chuyên môn về báo chí và chuyên ngành, lĩnh vực liên quan. Để thu hút được những nhà báo giỏi đã có kinh nghiệm, cơ quan báo chí phải tạo được thương hiệu cùng một môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ cạnh tranh. Bên cạnh đó, tòa soạn cần đặt tiêu chí hiệu quả công việc, lợi ích của tòa soạn lên trên các tiêu chí khác.
Bên cạnh đó, tòa soạn cần tạo động lực cho nhà báo hoạt động hiệu quả. Để nâng cao chất lượng những bài viết cũng như có cái nhìn toàn diện, có sự phân tích sâu thông điệp về đạo đức VĐV TT, ngoài sự đoàn kết gắn bó chia sẻ lẫn nhau giữa các đồng nghiệp và lãnh đạo ở tòa soạn, mỗi một tòa soạn báo cần chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ nhà báo. Mỗi người làm báo phải không ngừng học tập, rèn luyện về mọi mặt để nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nhất là đạo đức người làm báo. Tăng cường rèn luyện các kỹ năng, nghiệp vụ báo chí; những kiến thức về đạo đức, đạo đức thể thao.
Ngoài ra, phóng viên báo chí cần xây dựng mối quan hệ thường xuyên với các chuyên gia y tế, các cơ quan quản trị nhà nước về thông điệp về đạo đức VĐV TT, các Bộ ngành và các đồng nghiệp.
PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Lý Đức Thùy, Tạp chí Thể thao