Chủ Nhật, 6/10/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 31/5/2009 17:16'(GMT+7)

Tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuẩn, trên chuẩn đạt và vượt qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các học viên nhận bằng tốt nghiệp lớp Cử nhân Quản lý giáo dục (khoá 2003 - 2006)

Các học viên nhận bằng tốt nghiệp lớp Cử nhân Quản lý giáo dục (khoá 2003 - 2006)

 Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 01/2007/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thành phố Đà Nẵng đến năm 2010”.

Qua 4 năm triển khai thực hiện, đến nay công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có những chuyển biến mạnh mẽ, trình độ đào tạo, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ được nâng cao, tỷ lệ giáo viên, CBQL giáo dục có trình độ chuẩn, trên chuẩn đạt và vượt qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục, ngành giáo dục đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, điều chuyển, luân chuyển hợp lý; đồng thời sàng lọc, tinh giản đối với nhà giáo và CBQL giáo dục hạn chế về phẩm chất, năng lực, yếu về sức khoẻ, không đảm đương được nhiệm vụ. Đặc biệt, hàng năm ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã chọn cử cán bộ, giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng; động viên, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên đi học các lớp chuẩn hoá, nâng chuẩn; thực hiện qui định chế độ bắt buộc về bồi dưỡng hè, về đào tạo cử nhân Quản lý giáo dục, lý luận chính trị, về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường đại học trong và ngoài nước.

Trong hai năm 2007 và 2008, từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu và nguồn kinh phí hỗ trợ của Hội đồng đào tạo thành phố, ngành đã chi hơn 2,5 tỷ đồng để cử cán bộ, giáo viên đi đào tạo các chương trình sau đại học, cử nhân Quản lý giáo dục, cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Đến cuối năm học 2008-2009, ngành giáo dục và đào tạo thành phố có 100% giáo viên mầm non đạt trình độ chuẩn trở lên, trong đó có 67,1% đạt trình độ trên độ chuẩn; có 100% giáo viên tiểu học có trình độ chuẩn trở lên, trong đó có 76,3% đạt trình độ trên chuẩn; 97,8% giáo viên trung học cơ sở có trình độ chuẩn, trong đó có 62,8% đạt trình độ trên chuẩn; 100% giáo viên trung học phổ thông đạt trình độ chuẩn, trong đó có 11,4% đạt trình độ trên chuẩn (có 12,5% giáo viên các trường THPT công lập có trình độ đào tạo trên chuẩn). Toàn ngành có 5 tiến sĩ, 236 thạc sĩ (có 13 giáo viên vừa hoàn thành bảo vệ luận văn tốt nghiệp, năm 2008); 5 nghiên cứu sinh (2 theo Đề án 393) và 76 đang theo học cao học; trong đó, có 8 giáo viên đào tạo Cao học theo Dự án của Bộ GD&ĐT, 39 giáo viên đào tạo Cao học theo chương trình đào tạo từ ngân sách thành phố, 26 tự túc kinh phí đào tạo, 3 cao học theo Đề án 393; có hơn 400 giáo viên, CBQL giáo dục có trình độ cử nhân Quản lý giáo dục và 208 giáo viên, CBQL giáo dục đang theo học cử nhân Quản lý giáo dục khóa (2009-2011).

Đối với các trường Trung cấp chuyên nghiệp, 100% giáo viên, CBQL giáo dục có trình độ trên chuẩn trở lên, trong đó có 41 thạc sĩ và 6 tiến sĩ. Cơ sở dạy nghề có 95,54% giáo viên đạt trình độ đào tạo trở lên, trong đó có 82 thạc sĩ, tiến sĩ chiếm 9,14%, cao đẳng, đại học 62,6% và còn lại là trình độ trung cấp, thợ lành nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.

Công tác tuyển dụng, sắp xếp, bố trí đội ngũ nhà giáo được thực hiện có hiệu quả. Hằng năm, thành phố tổ chức tuyển dụng mới giáo viên bằng hình thức xét tuyển. Thành phố Đà Nẵng là đơn vị duy nhất trong cả nước tổ chức thi tuyển cho 552 giáo viên, 325 viên chức hợp đồng vào biên chế chính thức của ngành giáo dục.

Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng là địa phương đi đầu cả nước về việc thi tuyển, bổ nhiệm chức danh CBQL trường học. Việc thi tuyển thí điểm chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường phổ thông đã có kết quả tốt, được các cấp quản lý, toàn ngành giáo dục và đào tạo thành phố đánh giá cao, góp phần vào việc thay đổi quy trình, phương thức bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các trường học, giúp Thành ủy và UBND thành phố có cơ sở xây dựng kế hoạch thi tuyển chức danh lãnh đạo các cấp, các ngành. Qua hơn 2 năm thực hiện thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường phổ thông, đến nay đã có 73 người tham gia dự thi. Qua đó, ngành giáo dục và đào tạo đã tuyển chọn, bổ nhiệm 22 cán bộ quản lý cho các trường học, gồm 2 Hiệu trưởng và 3 Phó Hiệu trưởng trường THPT, 3 Hiệu trưởng và 8 Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học, 6 Phó Hiệu trưởng trường THCS.

Công tác qui hoạch cán bộ kế cận, dự nguồn được chú ý quan tâm. Việc làm này nhằm đánh giá đối với cán bộ đương chức, đồng thời qui hoạch các chức danh lãnh đạo, thực hiện công tác đào tạo, chuẩn bị nguồn cán bộ. Đến nay, ngành đã qui hoạch được 686 cán bộ kế cận, dự nguồn 16 chức danh lãnh đạo từ Sở đến các đơn vị trường học.

Công tác phát triển đảng được các cấp uỷ đảng chú trọng đầu tư. Trong hai năm 2007, 2008 ngành đã kết nạp được 302 đảng viên mới. Đến nay, toàn ngành có 3 đảng bộ, mỗi đơn vị, trường học đều có chi bộ độc lập, tỷ lệ đảng viên chiếm 21,0% tổng số cán bộ, giáo viên, viên chức toàn ngành; có 47,7% CBQL giáo dục có trình độ trung cấp, cao cấp lý luận chính trị và 31,2% CBQL được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước.

Với những kết quả đạt được, ngành giáo dục và đào tạo thành phố được đánh giá là một trong những địa phương trong cả nước quan tâm, triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục. Trong những năm đến, với mục tiêu xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất đạo đức, lối sống mẫu mực; có tư tưởng, chính trị vững vàng và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực công tác giảng dạy; đặc biệt là nâng cao tỷ lệ nhà giáo và CBQL giáo dục có trình độ đào tạo trên chuẩn, tạo lực lượng chuyên gia đầu đàn của từng bộ môn giảng dạy, từng lĩnh vực công tác nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cao hơn nữa Chỉ thị 40-CT/TW.

 Phạm Phú Bình – Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất