Chủ Nhật, 24/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Sáu, 14/3/2014 18:5'(GMT+7)

Tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam thấp hơn so với thế giới

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Đây là một trong những kết quả chính từ cuộc Điều tra quốc gia về lao động trẻ em do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế  (ILO) công bố ngày 14/3.

Không phải tất cả trẻ em tham gia hoạt động kinh tế đều là lao động trẻ em. Đối tượng được coi là lao động trẻ em là trẻ em 5-17 tuổi tham gia hoat động kinh tế trên 7 giờ vào bất kỳ ngày nào trong tuần hoặc trên 42 giờ trong cả tuần. 

Theo định nghĩa này, kết quả điều tra cho thấy có khoảng 1,75 triệu trẻ em Việt Nam đang làm việc được thống kê vào nhóm lao động trẻ em. Phần lớn lao động trẻ em sinh sống ở khu vực nông thôn, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và sống trong các hộ gia đình không hưởng lương.

Cuộc điều tra khảo sát cho thấy, khoảng 1/3 số lao động trẻ em (gần 569.000 trẻ em) có thời gian làm việc trên 42 giờ/tuần. Thời gian lao động kéo dài đã ảnh hưởng đến việc tham gia học tập của trẻ em bởi nhiều trẻ em trong số này hiện tại không được đi học.

“Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em phải lao động sớm là một thách thức đối với Việt Nam. Việt Nam đã và đang nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa và can thiệp để bảo vệ trẻ em, tạo môi trường phát triển toàn diện cho mọi trẻ em,” Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nói.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, không phải mọi hình thức lao động của trẻ em đều được coi là lao động trẻ em. Trong bối cảnh của Việt Nam, kinh tế hộ gia đình còn chiếm tỷ trọng lớn, thị trường lao động chưa phát triển, trẻ em trong những lứa tuổi nhất định có thể tham gia làm một số công việc với lượng thời gian nhất định mà không ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, sự phát triển và cơ hội học tập của trẻ.

Theo khảo sát, khoảng 1/4 số lao động trẻ em phải làm việc kiếm sống; trong khi đó; 1/4 khác lựa chọn làm việc để học nghề và tạo thêm thu nhập; số còn lại là lao động trẻ em trong các gia đình nông nghiệp.

“Lao động trẻ em cần được loại bỏ bởi nó lấy đi tuổi thơ, tiềm năng và nhân phẩm của những đứa trẻ, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển về thể chất và tinh thần của các em,” ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nhấn mạnh.

Báo cáo quốc gia về Lao động trẻ em 2012 là báo cáo đầu tiên về vấn đề này tại Việt Nam. Tổng cục Thống kê đã khảo sát 50.640 hộ gia đình có trẻ em độ tuổi từ 5-17 tuổi trên toàn quốc.

Việc cho ra đời cơ sở dữ liệu quốc gia đầu tiền về lao động trẻ em thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lao động trẻ em, đặc biệt là hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất./.

Báo cáo mới nhất của ILO về Xu hướng lao động trẻ em toàn cầu ước tính trong năm 2012, khoảng 168 triệu trẻ em ở độ tuổi từ 5-17 là lao động trẻ em, chiếm khoảng 10,6% số trẻ em trên toàn thế giới. Tỷ lệ này là 9,3% ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất