Ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đang là vấn đề được xã hội quan tâm. Đem ánh sáng công nghệ đến những vùng nông thôn trong cả nước là việc làm cấp thiết và cần đến nỗ lực, sự chung vai của nhiều tổ chức xã hội. Tại Thanh Hóa, địa phương này đã có những mô hình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục tốt, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo và học tập của giáo viên và học sinh.
Muốn “xe” chạy phải chuẩn bị “đường”
Đối với việc ứng dụng CNTT, có thể nói, Internet đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nó giống như việc muốn xe chạy thì phải làm đường…
Chúng tôi có mặt tại trường THPT Ba Đình – Nga Sơn – Thanh Hóa, một ngôi trường có truyền thống trên 40 năm. Máy tính đã có mặt ở đây hơn 10 năm nay nhưng internet băng thông rộng ADSL thì mới xuất hiện chưa lâu. Trước đây, khi mang những chiếc máy tính đầu tiên về, BGH đã nghĩ đến việc ứng dụng CNTT cho công tác giảng dạy nhưng đường truyền internet Dial up, với tốc độ “rùa bò” không cho phép các thầy cô nơi đây thực hiện được các ý tưởng.
Lẽ tất nhiên, “đường” xấu thì “xe” khó chạy – không có nhiều ứng dụng thông qua internet được cài đặt. Máy tính chủ yếu được dùng để soạn thảo văn bản, phục vụ công tác kế toán, thỉnh thoảng gửi, nhận email… cho đến khi Internet băng thông rộng về nơi đây.
Thầy giáo Nguyễn Tuấn Anh, Phó hiệu trưởng trường PTTH Ba Đình – Nga Sơn – Thanh Hóa chia sẻ: “Kể từ khi có internet thì việc giảng dạy của thầy và trò đã hiệu quả hơn và đỡ vất vả hơn… Trong những năm qua, có sự góp phần của internet mà kết quả đào tạo của nhà trường ngày càng được nâng cao”.
Tại đây, Internet tốc độ cao xuất hiện, phòng máy tiếp tục được mở rộng, bổ sung thêm những chiếc máy tính mới để phục vụ cho thầy và trò. Bên cạnh các bài học về Word, Exel, lập trình Pascal, các tiết học về thế giới mạng internet đã thực sự tạo cho học sinh nhiều hứng thú. Có thể thấy được không khí học tập nơi đây… Thầy say mê, trò hứng thú với các bài học được minh họa trực quan, được cập nhập, bổ sung kiến thức liên tục thông qua internet.
Không chỉ có trường PTTH Ba Đình Nga Sơn, gần như 100% các trường học từ bậc học mầm non đến PTTH tại tỉnh Thanh Hóa đã được cung cấp đường truyền internet băng thông rộng. Nỗ lực của Sở giáo dục tỉnh cùng với sự chung vai, sát cánh của Viễn thông Thanh Hóa đã góp phần đem đến một không khí dạy và học mới cho các trường trong tỉnh. Đường truyền internet tốc độ cao cùng gói cước ưu đãi MegaVNN cộng (+) có thể nói là bước chuẩn bị hạ tầng quan trọng cho những ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục tỉnh Thanh, trong đó điển hình là triển khai phần mềm VNPT – School - Hệ thống thông tin quản lý giáo dục và sổ liên lạc điện tử giữa gia đình - nhà trường.
Xây dựng mối quan hệ Nhà trường – Gia đình – Xã hội thông qua môi trường điện tử
Các phương pháp quản lý nhà giáo viên, học sinh cũ như gửi sổ liên lạc về nhà, thông báo các nội dung qua giấy tờ, lập báo cáo thủ công… xem ra đã bộc lộ nhiều bất cập. Muốn kiểm tra được một giáo viên, một lãnh đạo cấp Phòng giáo dục phải mất nhiều thời gian, qua nhiều khâu báo cáo. Một phụ huynh muốn biết chính xác tình hình học tập và rèn luyện của con em phải gặp trực tiếp thầy cô, tham gia các buổi họp phụ huynh hay chờ đến cuối học kỳ để kiểm tra sổ liên lạc. Những bất cập này hứa hẹn sẽ được thay đổi khi các trường học triển khai phần mềm VNPT – School, một phần mềm do Viễn thông Thanh Hóa viết và cung cấp miễn phí cho hệ thống giáo dục trên toàn tỉnh. VNPT-School là một hệ thống các ứng dụng phần mềm phục vụ tác nghiệp, điều hành và quản lý thông tin giáo dục đào tạo các cấp, từ trường học đến Sở GD&ĐT... hình thành môi trường thông tin điện tử kết nối những thành tố tham gia vào hệ thống giáo dục…
Ông Lê Ngọc Đức, Giám đốc Viễn thông Thanh Hóa cho biết Viễn thông Thanh Hóa đã triển khai hệ thống quản lý thông tin nhà trường VNPT School đồng loạt trên 27/27 huyện thị trên toàn tỉnh và đến hết tháng 11 thì đã tiến hành tập huấn cho toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông ở 15 huyện, thị, thành phố và 12 huyện còn lại thì tiếp tục triển khai trong tháng 12.
Ông Mai Ngọc Khanh, Phó chủ tịch huyện Nga Sơn – Thanh Hóa đánh giá đây là một trong những việc làm rất cần thiết để thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo trong việc đưa ứng dụng CNTT vào trong giảng dạy và học tập… “chương trình rất khoa học, tạo điều kiện cho lãnh đạo nắm bắt kịp thời và cập nhập được các thông tin” – ông Khanh cho biết.
Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là trường THCS Nga Hưng, Nga Sơn, Thanh Hóa. Thầy giáo Nguyễn Xuân Quý - hiệu trưởng nhà trường đang kiểm tra tình hình giáo viên và học sinh trong toàn trường để báo cáo về Phòng giáo dục… Với một vài cú click chuột, thầy hiệu trưởng đã có thể nắm được tình hình hiện tại. Điểm số của từng em học sinh, hồ sơ của từng giáo viên, rồi thì tổng kết, xếp loại, xuất báo cáo và chuyển thẳng lên mạng. Từ đây, Phòng giáo dục đã có thể đọc được báo cáo về trường và phản hồi ngược lại…
Ông Mai Đình Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục huyện Nga Sơn – Thanh Hóa hồ hởi: “Về vấn đề quản lý ngành thì chúng tôi thấy từ trên Phòng chúng tôi có thể soi được tất cả cán bộ giáo viên và học sinh ở các nhà trường nếu chúng tôi muốn. Thông qua VNPT School, chúng tôi biết được các nhà trường vào điểm như thế nào, có đúng không và các con điểm có đủ hay thiếu? chúng tôi cũng có thể biết được toàn bộ lý lịch của giáo viên và học sinh một cách chính xác.”
Những thông tin do các trường nhập vào phần mềm sẽ được lưu trữ trên mạng và được sao lưu dữ liệu, bảo mật tại Data Center của viễn thông Thanh Hóa. Mỗi học sinh sẽ được cấp một mã số học sinh, phụ huynh chỉ cần biết mã số này là có thể kiểm tra tình hình của con em ở bất kỳ đâu có mạng internet, thậm chí, họ có thể nhắn tin qua mạng di động và mạng điện thoại cố định, tổng đài sẽ thông báo các điểm số của học sinh đó, số ngày đến trường, tình hình vi phạm kỷ luật… Điều này được đánh giá sẽ khiến học sinh phải chuyên cần hơn, các thầy cô phải cố gắng hơn vì thông tin luôn được công khai rộng rãi, minh bạch và hết sức khách quan. Với tính năng trên, có thể nói VNPT – School đã kết nối được mối quan hệ nhà trường – gia đình – xã hội gần nhau hơn, từ đó góp phần thúc đẩy dạy tốt, học tốt.
Tuy nhiên, ở đây, vấn đề được đặt ra là có bao nhiêu phụ huynh nông thôn sẽ kiểm tra con em theo cách này? Khi mà ngay chính bản thân họ, internet vẫn còn là một khái niệm tương đối mới mẻ.
Đối với câu chuyện ứng dụng CNTT trong giáo dục tại Thanh Hóa, dễ nhận thấy mạng internet thông suốt, phần mềm chuyên nghiệp là chưa đủ… Có được kết quả 100% các huyện thị triển khai internet băng thông rộng và phần mềm dùng chung phải kể đến sự quyết liệt của Tỉnh, quyết tâm của Sở và những cố gắng của Viễn thông. Giờ đây, toàn tỉnh đã có một mạng lưới chung thống nhất giúp Sở dễ theo dõi hơn mà các trường cũng có điều kiện giao lưu trực tuyến với nhau.
Vẫn còn nhiều gian nan…
Được tỉnh đánh giá cao, tập đoàn VNPT khen thưởng, các địa phương khác xin học tập kinh nghiệm nhưng có thể nói, chặng đường mà Viễn thông Thanh Hóa cùng Sở Giáo dục nơi đây đang “chung bước” vẫn còn đó nhiều gian nan…
Khó khăn cố hữu chính là tình trạng thiếu máy móc của các trường. Trên địa bàn tỉnh, rất ít trường có được quy mô phòng máy như của trường Ba Đình – Nga Sơn hay trường Dân tộc nội trú tỉnh… Thậm chí, tại những điểm sáng này, máy móc được sử dụng cũng đã khá lâu, cấu hình thấp, không đồng bộ. Tỉnh, rồi các huyện đã tăng cường cấp máy tính cho các trường học, nhưng vẫn như muối bỏ bể. Viễn thông Thanh Hóa cũng đưa ra chương trình bán máy tính trả góp không lãi xuất cho giáo viên nhưng vẫn không có quá nhiều người sẵn sàng móc hầu bao hàng tháng để mang về nhà những chiếc máy tính..
Khi bài toán về máy móc còn đang đau đầu, vấn đề duy trì tốc độ mạng như cam kết lại được đặt ra với viễn thông Thanh Hóa. Khi thực hiện chương trình này, chúng tôi đã chứng kiến nhiều nguyên nhân “dở khóc, dở cười” khiến mạng tại nhiều nơi vẫn chưa thực sự thông: Có trường do máy tính quá cũ, có trường do máy tính có quá nhiều virus… Và không phải ở bất kỳ đâu, viễn thông cũng có thể có mặt để khắc phục tình hình. Ở đây, đòi hỏi mỗi trường phải có một kỹ thuật viên và kinh phí để chi trả hợp lý cho kỹ thuật viên đó lại được đặt ra? Trong quá trình đưa CNTT vào trường học, tâm lý ngại thay đổi, trì trệ trong nếp nghĩ của một số giáo viên thậm chí là lãnh đạo cũng là một khó khăn cần tính đến.
Gần đây, chúng tôi đã liên hệ trở lại với viễn thông Thanh hóa và được biết quá trình triển khai ứng dụng CNTT tại địa phương này vẫn diễn ra suôn sẻ. Cả giáo viên và học sinh đều rất phấn khởi trước những đổi mới trong phương thức quản lý dạy và học. Tuy nhiên, dường như, tất cả đều mới là sự khởi đầu. Vẫn phải mất một khoảng thời gian đủ dài nữa để biết chính xác tính hiệu quả của mô hình này cũng như những hệ lụy sẽ xảy ra.
(Theo cuocsongso)