Trong khi năm 2008 vẫn còn "vương vấn", giới công nghệ thông tin thế giới đã bắt đầu điểm mặt những công nghệ mà họ cho là sẽ tỏa sáng trong năm 2009.
Các "đại gia chip" tiên phong?
Niềm hy vọng đầu tiên của thế giới trong năm 2009 có lẽ chính là bộ vi xử lý Intel Core i7 - sản phẩm đã bắt đầu ra mắt trong năm 2008 nhưng được cho là phải đến năm sau mới có thể tỏa sáng đúng với những gì mà người ta kỳ vọng vào nó. Theo kế hoạch của Intel, ban đầu họ chỉ tung Core i7 ra thị trường dành cho các dòng sản phẩm máy chủ cao cấp. Phiên bản cho laptop và máy tính để bàn sẽ chỉ có vào nửa cuối của năm 2009.
Kể từ ngày Intel cho ra đời dòng chip Pentium 4 hồi năm 2000 đến nay, thị trường chip mới một lần nữa được chứng kiến sự háo hức của giới công nghệ. Với "quả bom tấn" đang chờ phát nổ này, Intel vẫn chưa công bố cụ thể tốc độ xử lý của nó nhưng theo những gì người ta được chứng kiến và tính toán, Core i7 sẽ có tốc độ ít nhất là 3,2 GHz (tốc độ xử lý lớn nhất hiện nay của các dòng chip máy tính) thậm chí là 3,4 GHz hoặc 3,6 GHz.
Một "đại gia" khác và cũng là đối thủ chính của Intel là AMD tuy không có được tiếng vang bằng một sản phẩm được cho là đột phá nhưng theo những gì mà các nhà lãnh đạo của hãng này tiết lộ thì trong năm 2009, AMD sẽ tập trung vào công nghệ chip 45nm và tung ra các phiên bản 3 lõi và 4 lõi của dòng chip Phenom.
Một lãnh đạo của AMD đã tuyên bố: "Với AMD, chúng tôi hướng đến sự đều đặn và liên tục trong các quá trình sáng tạo. Mua một chiếc PC mà chỉ dựa trên tốc độ xử lý của CPU là một điều hoàn toàn sai lầm". Tuy vậy, AMD đã không thể trả lời được câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra là họ sẽ làm gì để thoát khỏi cái bóng quá lớn của Intel cũng như không còn cảnh "lẽo đẽo chạy theo sau" như hiện nay.
Bộ nhớ
Thế giới công nghệ chờ đợi được gì ở công nghệ bộ nhớ trong 12 tháng tiếp theo? Mark Tekunoff - Giám đốc công nghệ của Kingston - hãng sản xuất bộ nhớ lớn nhất thế giới và được biết năm 2009, thế giới công nghệ sẽ được chứng kiến sự xuất hiện lần đầu tiên của sản phẩm bộ nhớ dung lượng 4GB/module cho dòng máy tính để bàn.
Sẽ có nhiều người thất vọng với thông tin này mặc dù bộ nhớ 4GB đã tương đương với sản phẩm đang được dùng cho các dòng máy chủ hiện nay nhưng nếu so sánh với dung lượng 8GB mà các hãng đang dự tính thì quả là "chẳng thấm vào đâu".
Khi Intel vừa tung ra Core i7, Gigabyte ngay lập tức tung ra sản phẩm bo mạch chủ GA -X58DS4 với những hỗ trợ tương ứng. GA -X58DS4 có tới 6 khe cắm bộ nhớ (RAM) và hỗ trợ các công nghệ lưu trữ khổng lồ thì việc các nhà sản xuất như Kingston chỉ có thể đưa ra sản phẩm 4GB có thể coi như một bước thụt lùi của dòng sản phẩm này. Nhưng có một điều ít ai biết rằng bộ nhớ 4GB cũng chính là mức giới hạn tối đa mà các phiên bản Windows 32 bit có thể hỗ trợ.
Tuy vậy, nếu bỏ qua yếu tốc dung lượng, công nghệ sản xuất bộ nhớ cũng sẽ có những sự đột phá cho năm 2009 bằng việc chuyển từ thế hệ DDR2 sang DDR3. Với DDR2 tốc độ truyền dữ liệu đạt 1.250 MHz (hoặc cao gấp đôi nếu chạy trên công nghệ siêu phân luồng) nhưng DDR3 tốc độ có thể đạt đến 1.600 hoặc thậm chí là 2.000 MHz và một điều ít người biết rằng Core i7 của Intel hiện nay cũng mới chỉ hỗ trợ DDR3 với tốc độ 1.066 MHz.
Ổ đĩa cứng
Ngày nay, dung lượng lưu trữ của ổ đĩa cứng không còn được người tiêu dùng quan tâm nhiều như trước bởi các hãng sản xuất đã có thể cung cấp cho họ những ổ đĩa vài TB (1 TB = 1.024 GB).
Thế giới công nghệ trong năm 2009 đang chờ đợi sản phẩm ổ đĩa cứng thế hệ mới của Intel là X25 -M được sản xuất theo công nghệ ổ đĩa thể rắn (SSD). Mặc dù X25 -M không phải là ổ đĩa SSD đầu tiên của thế giới nhưng việc Intel đã bổ sung cho nó bằng những công nghệ tiên tiến nhất của mình khiến người tiêu dùng không thể không quan tâm.
Những tiện ích dễ thấy nhất của SSD chính là tốc độ đọc - ghi nhanh (có thể lên đến 250MB/s) và khả năng chống sốc, chống va đập của nó thì hơn hẳn công nghệ ổ cứng trên đĩa từ như hiện nay. Nhiều chuyên gia đã nhất trí cho rằng năm 2009 sẽ là năm của ổ cứng SSD.
Sau năm 2009 là…
Mặc dù các hãng công nghệ ít khi dám đưa ra những dự báo quá xa về tương lai các sản phẩm của họ nhưng có một điểm quan trọng mà nhiều chuyên gia CNTT đã cho rằng định luật Moore (ra đời năm 1965, với nguyên tắc số lượng các transistor trên mỗi con chip sẽ tăng lên gấp đôi sau mỗi 2 năm) sẽ vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ít nhất là năm 2022.
Như vậy, với sản phẩm chip lõi tứ hiện nay của Intel đang có 2 tỷ transistor thì đến năm 2010 sẽ là 4 tỷ và năm 2022 sẽ là một con số khổng lồ… 256 tỷ transistor trên mỗi bảng mạch chip. Nhưng có một câu hỏi: Nếu điều đó xảy ra, cơ chế hoạt động của những con chip máy tính có còn như hiện nay hay không?
Rudy Lauwereins - Phó chủ tịch phụ trách thiết kế hệ thống nhúng của IMEC, hãng nghiên cứu về công nghệ nano và điện tử nano lớn nhất châu Âu đã trả lời: "Sẽ vẫn như cũ nhưng có điều chúng ta sẽ được chứng kiến công nghệ chip nói riêng ngày một nhỏ hơn. Hiện nay thế giới đang chuẩn bị bước vào công nghệ chip 45 nm nhưng năm tới có thể sẽ là 32 nm và thậm chí là 16 nm trong những năm tiếp theo".
(Theo Tin tuc Online)