Thứ Bảy, 5/10/2024
Đời sống
Thứ Hai, 14/3/2011 22:31'(GMT+7)

Ứng xử trước thảm họa thiên nhiên

 
Ba ngày đã trôi qua sau thảm hoạ động đất gây nên sóng thần cao tới 10 mét quét qua vùng biển phía Bắc của Nhật Bản đã khiến cả thế giới bàng hoàng. Trên hầu khắp các phương tiện thông tin đại chúng của thế giới, động đất và sóng thần tại Nhật Bản trở thành chủ đề chính được đưa tin và bàn luận đậm nét. Một thời gian dài nữa, theo đánh giá của giới chức Nhật Bản, những thiệt hại về tài sản mới có thể thống kê được đầy đủ vì những con sóng cao 10 mét với tốc độ di chuyển được ví như tốc độ của máy bay phản lực, quét sâu vào đất liền tới 10km đã “huỷ diệt” nhiều làng mạc, thị trấn. Còn những thiệt hại về người, theo đánh giá sơ bộ, cho đến chiều qua (13-3) đã có khoảng 2.700 người chết và mất tích; nhưng con số người thiệt mạng có thể sẽ còn tăng lên nữa bởi có tin nói: tại một thị trấn-cảng Minamisanriku thuộc tỉnh Miyagi - 10.000 người được coi là mất tích; trong khi dân số thị trấn này chỉ khoảng 17 ngàn người. Nhiều hình ảnh về trận động đất đã được các hãng thông tấn lớn trên thế giới phát đi, ghi lại những cảnh hoang tàn đổ nát từ sau trận động đất. Người dân Nhật Bản, tại những vùng xảy ra động đất đã trở thành chủ thể của rất nhiều trong số hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn bức ảnh cùng chủ đề. Nhưng, tất cả những bức ảnh ấy đều toát lên sự bình tĩnh-như thần thái chính của người Nhật trước thảm hoạ kinh hoàng. Điều đó đã góp phần rất lớn làm cho nước Nhật tuy có rung động nhưng không hoảng loạn.

Lật giở lại hồ sơ về các trận động đất lớn trên thế giới (chỉ tính riêng trong thế kỷ 21), người ta chẳng thể quên vụ động đất và sóng thần mạnh 9,1 độ Richter ập xuống Indonesia hồi năm 2004 khiến hơn 220 ngàn người thiệt mạng và tàn phá các khu vực quanh Ấn Độ Dương. Rồi, trận động đất mạnh 7 độ Richter tại Haiti hồi đầu năm 2010 khiến 250 ngàn người thiệt mạng. Sức tàn phá của hai trận động đất trên cũng được đánh giá là khủng khiếp và khiến người dân của những quốc gia liên quan đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi. Trở lại trường hợp sóng thần vừa qua ở Nhật Bản, khi động đất xảy ra rất gần bờ biển, theo các chuyên gia chuyên nghiên cứu về động đất: chính quyền chỉ có từ 5-10 giây để cảnh báo dân chúng. Thế nhưng, thiệt hại về người và tài sản trong trận động đất này được dự đoán là thấp hơn khoảng 7 lần so với trận động đất tại Haiti hơn 1 năm trước. TS. Tiziana Rossetto, giảng viên về các công trình chống động đất tại University College London cho rằng, tại Nhật Bản từ lâu đã phát triển mạnh các chiến dịch thông tin công cộng để bảo đảm số lượng công dân nhiều nhất biết cách ứng xử thích hợp nhất trong trường hợp xảy ra động đất, sóng thần thông qua các bài học ở trường, truyền hình, phát thanh và các tờ rơi. Rồi, cũng tại Nhật, người ta còn thử nghiệm kết cấu nâng đứng, đó là các bệ dàn chứa người rồi nâng lên cao qua khỏi cơn sóng thần... Còn Chính phủ Nhật thì cũng rất nhanh, thành lập ngay nhóm ứng phó với động đất. Phát biểu trên truyền hình ông Naoto Kan, Thủ tướng Nhật Bản cho biết, sẽ cố gắng hết sức có thể để giúp những người cần giúp đỡ. “Chúng ta sẽ giúp đỡ nhau để giảm thiểu thiệt hại” và “Chúng tôi yêu cầu các bạn hành động theo cách này để có thể giảm thiểu được thiệt hại”- ông Kan nói.

Cơn địa chấn tại Nhật tuy được Cơ quan Theo dõi địa chấn của Mỹ cũng như các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu đánh giá là không gây ảnh hưởng gì tới Việt Nam nhưng đã khiến không ít người giật mình. Bởi, theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành thì ngoài đới đứt gãy trên hệ thống sông Hồng, sông Chảy, Lai Châu-Điện Biên, sông Mã... toàn lãnh thổ nước ta còn khoảng 30 khu vực có nguy cơ động đất. Động đất cực đại ở chúng ta được dự đoán ở mức 6,5-7 độ Richter. Nhưng tất cả cũng chỉ là dự đoán. Hiện,  việc phân vùng tai biến và quy mô động đất tại hai đô thị lớn nhất nước đã có nhưng mối liên hệ, hợp tác giữa “ba nhà” (nhà khoa học-người dân- những người có trách nhiệm) thì vẫn còn lỏng lẻo lắm! Mà, thảm hoạ thiên nhiên chẳng trừ một ai, ngay cả với những trận động đất ở mức 5-5,5 độ Richter ở ta thì công tác cảnh báo về mức độ thiệt hại cũng không thể xem nhẹ.

Còn nhớ, hồi cuối năm ngoái, cả dải đất miền Trung ruột thịt đã phải gồng mình chống chọi với “lũ chồng lũ”. Cảnh báo đã có và đã được thông báo trước không phải chỉ trong vòng vài chục giây, tuy nhiên thiệt hại mà người dân miền Trung phải gánh chịu chẳng nhỏ chút nào. Trở lại câu chuyện về động đất, nguy cơ đó ở các đô thị của Việt Nam là rõ ràng chứ chẳng mơ hồ chút nào. Tại nhiều đô thị lớn, mà Hà Nội là một ví dụ cụ thể, hiện còn rất nhiều nhà chung cư kiểu cũ hay còn gọi là các nhà lắp ghép tấm lớn, xây dựng đã lâu. Nhiều công trình hạ tầng của ta cũng không được thiết kế kháng chấn. Rất nhiều trong số các khu nhà này được xây trên nền đất yếu, móng nông, thời hạn sử dụng quá lâu khó có khả năng chịu được động đất. Giả sử có một trận động đất đến hơn 7 độ Richter thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy đến với những công trình đã quá nát lại không được kháng chấn kể trên? Đấy là chưa kể đến công tác tuyên truyền-phòng chống, cảnh báo động đất, sóng thần tại Việt Nam hiện vẫn chỉ ở mức lúc có, lúc không.

Từ bài học của Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đã đến lúc chúng ta cần có một lối ứng xử sẵn sàng trước thảm hoạ.

Theo Hoàng Mai/Đại đoàn kết.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất