Những cảnh côn đồ hành hung, đánh đập bác sĩ đến ngất xỉu, đâm trọng thương người bệnh… được camera an ninh bệnh viện quay lại khiến không ít người giật mình. Tại bệnh viện - nơi đang phải giành giật sự sống cho người bệnh ngày càng mất an toàn với ngay chính những người thầy thuốc làm nhiệm vụ cao cả đó.
Thích là… oánh!
Sáng 9/12, Bộ Y tế cùng báo Lao động tổ chức diễn đàn bảo vệ người lao động ngành y chống bạo hành trong bệnh viện với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện Công an Thành phố Hà Nội, Bệnh viện Bệnh viện Bạch Mai, Thanh Nhàn...
Con số thống kê của Bộ Y tế cho thấy, từ năm 2013 đến nay đã có 14 vụ hành hung nhân viên y tế tại các bệnh viện trong cả nước. Đáng ngại là các vụ hành hung ngày càng có xu hướng gia tăng.
Như tại BV Bạch Mai hôm 25/7, tại khoa Cấp cứu, người nhà bệnh nhân đã đuổi đánh 3 bác sĩ và điều dưỡng khám bệnh, trong đó có 1 điều dưỡng đang mang thai sắp đến ngày sinh. Hay đầu năm 2011 cũng tại khoa này đã xảy ra vụ hành hung, đạp vào bụng khiến bác sĩ ngất tại chỗ.
Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, nhận định, tình trạng hành hung bác sĩ đang gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2013 đến nay, chỉ thống kê sơ bộ đã có khoảng 14 vụ việc lớn. Rất nhiều vụ cán bộ y tế ở nhiều bệnh viện trong cả nước bị lăng mạ, hành hung, đe dọa tính mạng như vụ hành hung nhân viên y tế gần đây tại Vũ Thư (Thái Bình), Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, BV Sản nhi Cà Mau…trong đó đã có những bác sĩ bị chấn thương nặng, thậm chí có bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung đến tử vong.
Không chỉ nhân viên y tế, bệnh nhân nằm cấp cứu trong bệnh viện cũng bị côn đồ hành hung. Cá biệt, đã từng có bệnh nhân khi đang được các bác sĩ cấp cứu, côn đồ đã nhảy vào dọa chém đánh đuổi bác sĩ và đâm chết người bệnh này.
Tại buổi hội thảo, luật sư Trần Quang Mỹ bày tỏ sự ngạc nhiên, bất ngờ khi chỉ từ năm 2013 đến nay đã có tới 14 vụ hành hung bác sĩ, nhân viên y tế.
Cần bảo vệ người thầy thuốc!
Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, khi người bệnh tấn công nhân viên y tế thì không chỉ gây tổn thương nhân viên y tế đơn thuần mà còn khiến người bệnh khác thấy lo sợ hoang mang. Đồng thời làm gián đoạn quy trình khám chữa bệnh, gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Trong những lúc lẽ ra phải cấp cứu người bệnh, sự nóng nảy, thiếu ý thức của một bộ phận đối tượng gây ẩu đả trong khoa, ảnh hưởng đến quy trình cấp cứu chính người bệnh đó và nhiều bệnh nhân khác.
Nói về vấn đề này, GS Trần Quỵ, nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng, đến nay, chưa có quy định cụ thể về bảo vệ an toàn và bảo hiểm nghề nghiệp cũng như chế độ chính sách đãi ngộ thích hợp cho cán bộ công chức ngành y. Trong khi đó, nghề y là một nghề đặc biệt, nghề cứu người, con người ta từ khi sinh ra đến lúc chết đi luôn cần sự chăm sóc của y tế.
GS Quỵ cũng cho rằng, những tai biến y khoa, rủi ro nghề nghiệp với ngành y khó tránh khỏi. Đây là vấn đề quan tâm toàn cầu, có thể xảy ra ở mọi lúc mọi nơi, không thể tránh khỏi. Các khu vực hay xảy ra sai sót là khoa ngoại, khoa cấp cứu, hậu phẫu. Ngay ở Mỹ, thống kê cho thấy mỗi năm có đến 120.000 người chết do các sai sót trong y khoa, trong đó 30% do lỗi của cá nhân y bác sĩ và 70% do lỗi hệ thống.
“Nếu chúng ta không có cái nhìn khách quan, quy chụp cho cá nhân là điều không đúng. Ở Việt Nam hiện chưa có thống kê đầy đủ nào về sai sót trong y khoa song thực tế đã có không ít bài học đắt giá về vấn đề này. Việc người nhà bệnh nhân ứng xử với các tai biến y khoa bằng bạo lực với thầy thuốc là một điều hoàn toàn sai lầm”, GS Quỵ bày tỏ.
Còn theo luật sư Mỹ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhân viên y tế bị bạo hành gồm nhiều vấn đề, như đạo đức xã hội xuống cấp, sự manh động của một số đối tượng; cấu trúc hạ tầng an ninh bệnh viện chưa đảm bảo; khung pháp lý chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó một phần do tính chuyên nghiệp của người thầy thuốc, giao tiếp, ứng xử… chưa cao.
Cùng quan điểm này, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Việc quá tải bệnh viện, bác sĩ làm việc quá sức dẫn đến không có thời gian giải thích với người bệnh, hay thái độ của y bác sĩ với người bệnh cũng là một trong những yếu tố có thể tác động, khiến người nhà bệnh nhân “manh động” và hành xử bạo lực lúc nóng nảy.
Vì thế, theo ông Khoa, trước hết người thầy thuốc cũng phải xem lại bản thân mình. Chúng ta chăm sóc và điều trị người người bệnh chứ không phải chỉ điều trị bệnh. Quan điểm ban ơn, làm ơn vẫn còn có; điều này cần phải thay đổi quán triệt, phải coi người bệnh là trung tâm, là khách hàng.
Ths Khoa cũng mạnh dạn đưa ra các nhóm giải pháp ở 6 góc độ: thầy thuốc, bệnh viện, ngành y tế, các ngành liên quan, cơ quan truyền thông, cộng đồng.
“Yếu tố con người là rất quan trọng, người thầy thuốc chỉ giỏi chuyên môn chưa đủ. Bác sĩ cứ mải mê xem nguyên nhân bệnh, chẩn đoán bệnh mà không để ý đến tâm lý người bệnh, người nhà. Nhiều khi người nhà rất hoang mang, cứ đưa bệnh nhân đến khám mà bác sĩ không cung cấp thông tin, không biết bệnh tình người nhà mình ra sao, khả năng sống chết như thế nào… rất dễ gây bức xúc. Vì thế, bác sĩ cũng cần phải có kỹ năng xã hội, hiểu biết tâm lý của người bệnh để cung cấp thông tin kịp thời, giảm bức xúc, tăng hài lòng của người bệnh thì sẽ giảm được những xung động không đáng có”, Ths Khoa cho biết.
Bộ Y tế cũng yêu cầu, các bệnh viện cũng cần đào tạo nhân viên kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống, nắm bắt tâm lý người bệnh, người nhà đồng thời tổ chức tốt bộ máy bảo vệ, an ninh bệnh viện-đội phản ứng nhanh. Đồng thời, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan an ninh trên địa bàn để xử lý các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.
TG