(TG)-Đó là nội dung được đưa ra tại Hội nghị Báo chí với các vấn đề dân số và phát triển ở Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức.
Ngày 3-12, tại Hải Phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc đã tổ chức Hội nghị Báo chí với các vấn đề dân số và phát triển ở Việt Nam. Đồng chí Phạm Văn Linh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
Tầm quan trọng của công tác lồng ghép dân số vào kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội
Sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đã chứng tỏ là một quốc gia năng động và đã có những bước phát triển vượt bậc. Việt Nam đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thành phần kinh tế và cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng hợp lý. Năm 2010, Việt Nam đã thoát nghèo và trở thành nước có thu nhập trung bình. Văn hóa và giáo dục có những bước tiến mới. Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đạt được những thành tựu trên, một phần quan trọng là chúng ta đã làm tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong suốt 50 năm qua.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Linh nhấn mạnh, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là yếu tố cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Đảng và Nhà nước đã có những quan điểm, chỉ đạo và định hướng chính sách phù hợp, kịp thời với từng giai đoạn phát triển cuẩ đất nước, từng bước điều chỉnh theo hướng bao quát, toàn diện hơn, chú trọng nâng cao chất lượng dân số thích ứng với những biến đổi về cơ cấu dân số. Các quan điểm, định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 47-NQ/TW ngày 22-3-2005 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình” và Kết luận số 44-KL/TW, ngày 1/4/2009 của Bộ Chính trị về kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết.
Đóng góp quan trọng vào những thành công của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong thời gian qua, chính là sự năng nổ, sáng tạo, tích cực của đội ngũ cán bộ, phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương. Báo chí luôn đóng vai trò then chốt,là cầu nối đắc lực và hiệu quả giữa các cơ quan, đoàn thể đến với mỗi người dân. Các phương tiện truyền thông đại chúng đã và đang tuyên truyền về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình với số lượng, thời lượng, tần suất, nội dung ngày càng tăng và hấp dẫn đã tạo nên dư luận xã hội thuận lợi cho việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua.
Theo ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, mức sinh, mức chết và di cư là những yếu tố cơ bản có ảnh hưởng tới tăng trưởng dân số và phát triển, trong đó mức sinh và mức chết có ảnh hưởng trực tiếp tới sự tăng tự nhiên của dân số. Thông tin về tỷ lệ, các xu hướng và những chênh lệch về mức sinh và mức chết rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu để dự báo xem quy mô dân số và cấu trúc dân số sẽ có ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai của quốc gia và những chính sách nào cần phải có để đáp ứng với những thay đổi về dân số.
|
|
Ở Việt Nam, số liệu từ các cuộc điều tra về dân số cho thấy mức sinh đã giảm một cách vững chắc và đã xuống dưới mức sinh thay thế vào năm 2013. Đây là một thành tựu tuyệt vời của Chương trình quốc gia về Dân số và Kế hoạch hóa gia đình trong những thập kỷ vừa qua. Hiện nay, Việt Nam đang ở trong giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu học quan trọng, đây là cơ hội cho Việt Nam đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong việc đầu tư kinh tế-xã hội giúp cho quá trình phát triển bền vững của đất nước
Đề cập tới những thay đổi của dân số ở Việt Nam trong thời gian, ông Arthur Erken nhấn mạnh, nguyên nhân của sự biến động dân số là do mỗi phụ nữ Việt Nam hiện nay đã có số con ít hơn: từ 2,3 con/phụ nữ năm 1999 xuống còn 2,1 con/phụ nữ năm 2013. Tuổi thọ của người dân Việt Nam đã tăng từ 71,5 tuổi (1990-1995) đến 75 tuổi (2005-2010). Từ những nguyên nhân trên đã tạo ra xu hướng như: giảm số lượng dân độ tuổi từ 0-14 tuổi; tăng số lượng dân độ tuổi 15 – 59 tuổi; tăng số lượng dân độ tuổi trên 60 tuổi. Dự báo đến năm 2040, Việt Nam sẽ có số lượng dân số trong độ tuổi lao động nhiều hơn số lượng dân số trong độ tuổi phụ thuộc.
Để tận dụng cơ hội dân số vàng như hiện nay, Việt Nam cần đầu tư vào chăm sóc y tế, bao gồm chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, đặc biệt cho thanh niên và vị thành niên; đầu tư vào giáo dục và dạy nghề; kết nối giữa cung nguồn nhân lực và cầu thị trường lao động; tăng cường năng suất lao động và kỹ năng mềm cho lao động; tạo việc làm và cải thiện hệ thống an sinh xã hội để người lao động tích lũy cho tương lai, cho tuổi già của chính mình.
Ông Arthur Eken cũng cho biết, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa nhanh. Để thích ứng với hiện tượng già hóa nhanh, cần hiểu đúng khái niệm già hóa và người cao tuổi: người cao tuổi khong phải là gánh nặng mà là nguồn lực cho xã hội. Chính sách và chương trình an sinh xã hội cho người cao tuổi cần phải thích nghi nhanh với tình hình số lượng người cao tuổi ngày càng tăng nhanh. Cần có hệ thống bảo trợ xã hội đủ mạnh để duy trì mức sống trong xã hội và sự liên kết giữa các thế hệ. Áp dụng phương thức vòng đời trong chăm sóc y tế và đẩy mạnh sự tham gia tích cực của người cao tuổi trong các hoạt động xã hội.
Một trong những vấn đề cần được lưu ý trong dân số của Việt Nam là tình trạng di cư mạnh mạnh mẽ và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Để thích ứng với những vấn đề trên, ông Arthur Erken cho rằng, cần phải lồng ghép về di cư trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Khuyến khích phát triển các trung tâm đô thị nhỏ và vừa, đầu tư vào các vùng nông thôn để phát triển bền vững. Cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho người di cư dựa trên việc thực hiện quyền của họ, chứ không dùng mệnh lệnh hành chính để hạn chế di cư.
Đồng quan điểm với ông Arthur Erken, TS. Nguyễn Đức Thành (Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách – ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội ) cũng nhấn mạnh, cần ứng dụng các thống kê dân số vào quá trình xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, dự báo và thiết kế chính sách. Hiểu biết về dân số, các khía cạnh của dân số như: quy mô dân số (gồm cả tốc độ tăng), cấu trúc dân số (giới tính, độ tuổi, vùng địa lý, trình độ, giáo dục, thu nhập, sức khỏe…) rất quan trọng trong quá trình xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vì khi Chính phủ cung cấp các dịch vụ công và hàng hóa công, cần phải phù hợp với thực trạng dân số cũng như cần phải nắm bắt được khuynh hướng của dân số.
|
Ông Arthur Erken phát biểu tại Hội nghị
|
Nhu cầu chuyển hướng chính sách: từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển
Theo số liệu thống kê được đưa ra tại Hội nghị, số dân tăng thêm từ 0,40 triệu mỗi năm (giai đoạn 1945-1955) đến 0,99 triệu (giai đoạn 1955-1965), tức là bình quân tăng 3,3%/năm. Cứ 22 năm, dân số lại tăng gấp đôi, nghĩa là nếu theo đà tăng trưởng đó, đến năm 2014, dân số Việt Nam sẽ ước khoảng 166 triệu người. Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và khẳng định, giải pháp xuyên suốt thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ năm 1961 đến nay là giảm sinh. Sau hơn 50 năm kiên trì và đẩy mạnh chương trình kế hoạch hóa gia đình, từ năm 2003 đến nay, nước ta đã đạt được mục tiêu “Mỗi gia đình chỉ có 2 con”.
Các đại biểu cũng cho rằng, vấn đề dân số và phát triển đặt ra hiện nay bao gồm 9 vấn đề: Gia tăng dân số và phát triển kinh tế; Dân số và an ninh lương thực; Dân số và lao động việc làm; Dân số và đói nghèo; Dân số và giáo dục; Dân số và y tế, sức khỏe sinh sản, quyền sinh sản và kế hoạch hóa gia đình; Công bằng, bình đẳng giới và vị thế của phụ nữ; Dân số và di dân, đô thị hóa; Dân số và bảo vệ môi trường sống.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Đình Cử cũng đề cập tới những kinh nghiệm của các nước chuyển đổi chính sách dân số khi mức sinh thấp. Đó là việc chậm thay đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình. Mặc dù đã đạt được mục tiêu “mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con” nhưng quy mô dân số vẫn tăng nên các nước thường chậm thay đổi chính sách giảm sinh. Các nước chỉ thay đổi chính sách khi đối mặt với mức sinh quá thấp, xã hội có dân số già, nguy cơ sụt giảm dân số và thiếu lao động. GS. TS Nguyễn Đình Cử cho rằng khi thay đổi chính sách lúc đó là đã quá muộn. Các nhà khoa học Hàn Quốc đã tính toán rằng, chậm thay đổi chính sách dân số sẽ khiến cho ngân sách quốc gia hàng năm giảm 3,5-4,5% ; thu hẹp quy mô thị trường trong tất cả các ngành; nhanh chóng thay đổi chức năng và trách nhiệm của gia đình, vì quy mô hộ gia đình nhỏ. Từ đó, tư tưởng về hôn nhân và nuôi con thay đổi mạnh. Chính sách khuyến sinh bằng vật chất rất lớn (nhà ở, trợ cấp tiền khi sinh con, nghỉ đẻ…) nhưng kết quả khuyến sinh không cao.
Lộ trình thay đổi chính sách được đưa ra là: thả lỏng chính sách mức sinh, khuyến sinh nhẹ nhàng, khuyến sinh mạnh mẽ.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, trong tình hình hiện nay, Việt Nam cần chuyển trọng tâm từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số - phát triển. Trong đó, chú trọng những nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, chuyển đổi từ chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình sang chính sách dân số và phát triển. Xây dựng dựng hệ thống pháp luật về dân số phù hợp với Hiến pháp sửa đổi 2013 và cam kết quốc tế.
Thứ hai, lồng ghép biến dân số vào kế hoạch phát triển. Bởi vì, quy mô, cơ cấu phân bố dân số đã và đang có xu hướng biến đổi nhanh. Để đảm bảo nguyên tắc con người là trung tâm của phát triển, để kế hoạch có tính thực tiễn, hiệu quả cao thì cần phải tính đến yếu tố dân số trong kế hoạch hóa phát triển. Trong đó, tọng tâm là kế hoạch hóa lao động – việc làm tận dụng cơ cấu dân số vàng, giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kế hoạch hóa y tế, trong đó nhấn mạnh chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Thứ ba, xây dựng hệ thống số liệu dân số đầy đủ, tin cậy và dự báo dân số. Do dân số biến đổi nhanh và phức tạp như di dân, việc xây dựng hệ thống số liệu dân số đầy đủ và dự báo đáng tin cậy là cơ sở không thể thiếu cho việc lồng ghép biến dân số và kế hoạch hóa phát triển và đảm bảo hệ thống chính sách, kế hoạch này hiệu quả.
Thứ tư, đẩy mạnh thông tin, giáo dục truyền thông về dân số và phát triển. Trong đó, tập trung vào các vấn đề: sản xuất và tiêu dùng bền vững; tác động kinh tế - xã hội trong thời kỳ mức sinh thấp, gia đình nhỏ, gia đình hạt nhân; cơ cấu dân số vàng; già hóa dân số; mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới; di dân, đô thị hóa và hỗ trợ người di cư; chất lượng dân số.
Theo ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, trước hết, cần phải có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để tập trung vào việc giải quyết những nhu cầu chưa được đáp ứng bằng việc đảm bảo tiếp cận phổ cập tới sức khỏe sinh sản và tình dục toàn diện và có chất lượng, đặc biệt là ở những vùng xa, và ở những dân tộc thiểu số và những nhóm dân số có trình độ học vấn thấp. Việc này, khi đó, sẽ thu hẹp khoảng cách giữa các vùng và các nhóm dân tộc trong một số các chỉ số phát triển liên quan.
Thứ hai, với sự suy giảm mức sinh nhanh chóng và tuổi thọ trung bình ngày càng tăng cao, dân số Việt Nam đang già hóa rất nhanh và sẽ bắt đầu vào giai đoạn được gọi là “giai đoạn dân số già” trong một thời gian ngắn. Các quốc gia đã trải qua xu hướng tương tự như Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan đã đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng những nhu cầu bảo trợ xã hội của dân số già hóa trong khi số người trong độ tuổi lao động đang thu hẹp lại.
Thứ ba, cùng với những xu hướng này chính là những lợi tức mà nhân khẩu học đem lại cho Việt Nam, còn được gọi là giai đoạn dân số vàng. Người trẻ tuổi chiếm khoảng 40% tổng dân số của Việt Nam, đây là một tỷ lệ cao nhất trong lịch sử từ trước đến nay. Đầu tư cho thanh niên trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội có chất lượng, bao gồm cả sức khỏe sinh sản và tình dục, giáo dục, đào tạo nghề và cơ hội việc làm có thể mang lại những lợi ích giúp phát triển bền vững.
Thứ tư, Việt Nam đang trải qua thời kỳ chuyển đổi nhân khẩu học duy nhất trong lịch sử: nhóm dân số trẻ đông đảo; nhóm dân số cao tuổi đang tăng và mất cân bằng giới tính khi sinh. Chính vì vậy, Luật Dân số sắp tới cần phải giải quyết các cơ hội và thách thức của việc chuyển đổi nhân khẩu học duy nhất này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, luật dân số nên đưa vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển tổng thể, chứ không chỉ tập trung vào mức sinh.
|
|
Thu Hằng