Thứ Năm, 28/11/2024
Sức khỏe
Thứ Sáu, 24/1/2014 22:4'(GMT+7)

Uống rượu nên có "điểm dừng"

Các bác sĩ của Trung tâm Chống độc chăm sóc bệnh nhân.(Ảnh: QĐND)

Các bác sĩ của Trung tâm Chống độc chăm sóc bệnh nhân.(Ảnh: QĐND)

Vẫn còn nguy cơ rượu độc

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mỗi năm, cả nước có hàng chục vụ ngộ độc rượu khiến nhiều người tử vong. Tuy nhiên, không ít “thượng đế” vẫn hằng ngày sử dụng những loại rượu không rõ nguồn gốc, để rồi phải mang họa vào thân. Mới đây nhất, từ ngày 29-11 đến 4-12, trên địa bàn TP Hạ Long và TP Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) đã liên tiếp xảy ra 4 vụ ngộ độc rượu khiến 15 người phải nhập viện, trong đó có 6 người chết. Điều tra của cơ quan chức năng cho thấy các nạn nhân này đã uống loại rượu có nhãn hiệu “rượu nếp Hà Nội 29”. Kết quả kiểm định các mẫu rượu thu được từ những vụ ngộ độc này đều có hàm lượng methanol và etanol chiếm thể tích từ 80 đến hơn 98%, vượt gần 2000 lần tiêu chuẩn cho phép...

PGS.TS. Phạm Duệ, Gám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, các trường hợp ngộ độc rượu thường xảy ra vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, chứ trong những ngày Tết lại ít xảy ra hơn. Vì trong những ngày đón Xuân, mọi người thường đi chúc Tết nhiều nơi, đến mỗi gia đình chỉ uống một ít rượu rồi lại đi tiếp. Quá trình đi lại và cười nói nhiều cũng giúp mỗi người nhanh “hả” rượu. Theo PGS.TS. Phạm Duệ, trong rượu bia, thực phẩm đều có chứa ethanol. Tuy được dùng để pha chế đồ uống giải khát nhưng bản thân ethanol cũng là chất có thể gây độc. Nó ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, nhẹ thì gây giảm mức độ tỉnh táo, giảm phản xạ, lơ mơ, chậm chạp, thậm chí hôn mê, trường hợp nặng sẽ dẫn đến ngộ độc mà chúng ta quen gọi là say rượu. Uống nhiều rượu liên tục sẽ dẫn đến nghiện và gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn và thường dẫn đến chết người là khi uống rượu có chứa methanol - một chất cồn dùng trong công nghiệp, không được phép sử dụng trong thực phẩm. Chất này thường được gian thương, những người làm rượu rởm cho thêm vào, làm tăng nồng độ rượu, uống vào thấy rượu "đậm" hơn.

Ngộ độc rượu thường xảy ra ở cả hai dạng: Cấp tính và mãn tính. Trường hợp ngộ độc mãn tính sẽ gây bệnh hoảng loạn tinh thần do rượu. Người mắc bệnh này sẽ có những thay đổi lệch lạc trong nhân cách, hành vi, lời nói, cử chỉ, thậm chí bị hoang tưởng ảo giác, có hành động nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Ngộ độc rượu cấp tính khiến người uống bị mất thăng bằng, nôn, rơi vào trạng thái hôn mê, thậm chí tử vong. Với người bị bệnh xơ gan, chỉ cần đưa vào cơ thể một lượng rượu nhỏ cũng có thể dẫn tới ngộ độc cấp tính, tính mạng bị đe dọa. Một số trường hợp ngộ độc rượu nặng, trong lúc loạng choạng bị ngã, dẫn đến chấn thương sọ não...

Uống rượu say, rất nguy hiểm

Theo PGS.TS. Phạm Duệ, trên thực tế, một số gia đình đã quen với cảnh người thân say rượu rồi đi ngủ, hôm sau vẫn dậy đi làm bình thường. Tuy nhiên, đây là điều nên tránh, bởi vì một số trường hợp bệnh nhân đã bị hôn mê, nếu hôm sau mới phát hiện và đưa đi viện thì không thể cứu được. Do vậy, người nhà cần chú ý chăm sóc cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu, tuyệt đối không nên để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc suốt đêm bởi có thể hạ đường huyết, hạ nhiệt độ. Nhiều người khi say rượu nằm ngủ, dịch dạ dày nôn ra và bị hít vào phổi, gây sặc, rất nguy hiểm, dễ dẫn tới tử vong. PGS.TS. Phạm Duệ khuyến cáo, nếu bệnh nhân say rượu ngủ sâu, người nhà nên theo dõi sát đề phòng xảy ra các biến chứng nôn sặc; đến bữa hoặc nửa đêm nên gọi bệnh nhân dậy, cho ăn sữa hoặc cháo, vì sau khi nôn, người say rượu thường đói, dễ bị hạ đường huyết. Trường hợp bệnh nhân không thể dậy và ăn được thì nên đưa tới bệnh viện ngay để tránh xảy ra những tình huống đáng tiếc.

Theo kinh nghiệm dân gian, khi xuất hiện những dấu hiệu của việc say rượu, người nhà cần tìm cách cho bệnh nhân nôn ra hết, sau đó cho uống một cốc sữa nóng, hoặc trà đặc; cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa); tư thế nằm nghiêng an toàn, mặt nghiêng về bên trái, tay trái đặt sau lưng, bàn tay phải kê dưới má. Nếu người uống nhiều rượu có biểu hiện co giật, thở không đều, gọi không có dấu hiệu tỉnh là họ đã bị ngộ độc rượu nặng, nên đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.

Vẫn theo PGS.TS. Phạm Duệ, để phòng, tránh ngộ độc rượu, đặc biệt trong những ngày Tết, người dân chỉ nên mua và sử dụng các loại rượu đóng chai có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng rượu bia trong những ngày lễ, Tết, nhất là đối với những người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp... Rượu nếu uống điều độ, đúng liều lượng có thể giúp tiêu hóa tốt, hạn chế các bệnh về tim mạch, ngừa bệnh ung thư cũng như làm chậm tiến trình thoái hóa. Nhưng nếu uống quá nhiều rượu sẽ dẫn đến ngộ độc; về lâu dài sẽ đối mặt với các loại bệnh như: Bệnh não do rượu, xơ gan, viêm loét dạ dày, nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ... Do vậy, để uống rượu có ích, an toàn, không nên uống quá 30ml/ngày đối với rượu mạnh và 700ml/ngày đối với bia./.

Thu Hương (QĐND)   

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất