Theo VOV, sáng nay (18/10), tại Hà Nội, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về Dự án Luật Công nghệ cao. Luật này quy định về hoạt động công nghệ cao, chính sách, biện pháp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động công nghệ cao.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Công nghệ cao. Tại phiên họp thứ 10 (tháng 7/2008) và phiên họp thứ 12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Cuối tháng 8/2008, dự thảo Luật tiếp tục được gửi xin ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành có liên quan.
Chú trọng vào phát triển nguồn lực cho công nghệ cao
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là chính sách của Nhà nước đối với công nghệ cao, đặc biệt là về nguồn nhân lực tham gia phát triển công nghệ cao.
Các đại biểu cho rằng, chính sách của Nhà nước cần khẳng định vai trò chủ đạo của công nghệ cao đối với việc xây dựng năng lực khoa học - công nghệ quốc gia. Do đó, Nhà nước phải huy động mọi nguồn lực về tài chính và có các cơ chế ưu đãi về thuế, đất đai để khuyến khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này.
Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh đến việc chú trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực, coi đây là nhiệm vụ tiên quyết quyết định việc thành, bại trong phát triển công nghệ cao. Các đại biểu Hoàng Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên), Nguyễn Thị Mai (đoàn Ninh Thuận), Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) và một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật còn chung chung, chưa nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ và các biện pháp cụ thể cũng như trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phát triển nhân lực công nghệ cao.
|
Ông Đặng Vũ Minh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu Dự án Luật Công nghệ cao |
Đại biểu Nguyễn Thị Mai (đoàn Ninh Thuận) băn khoăn: “Hiện nay nước ta có một đội ngũ rất lớn trí thức Việt kiều, đây là nguồn lực rất lớn và quý. Có rất nhiều Việt kiều làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao và có vị trí khá quan trọng ở nhiều nước đang phát triển. Luật nên quy định cụ thể những chính sách ưu tiên để thu hút lực lượng này trong nghiên cứu công nghệ cao trong nước”.
Về công nghệ cao cần được ưu tiên phát triển, một số đại biểu cho rằng, với điều kiện thực tế của nước ta thì Nhà nước phải lựa chọn một số công nghệ cao cần ưu tiên phát triển trong các lĩnh vực công nghệ và xác định một số loại sản phẩm công nghệ cao cần khuyến khích phát triển. Vì phát triển công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao đòi hỏi đầu tư lớn, hệ thống, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với yêu cầu và điều kiện cụ thể trong nước và quốc tế; tránh dàn trải, gây lãng phí và không hiệu quả.
Cũng như nhiều ý kiến, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cho rằng: “Khi phát triển công nghệ cao thì phải xác định là ưu tiên đầu ra hay đầu vào. Tôi cho rằng nên ưu tiên đầu ra, vì như vậy sẽ khuyến khích được các nhà đầu tư trong nước tham gia nghiên cứu công nghệ cao. Nói như vậy cũng không có nghĩa là không ưu tiên cho đầu vào, mà cần xác định được nên ưu tiên việc gì trước, trong hàng loạt vấn đề về dự án, đào tạo, nhân lực… ”.
Cũng tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến vào các nội dung về Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, về Quỹ đầu tư mạo hiểm, về bảo đảm tính khả thi của các biện pháp ưu đãi và sự thống nhất với một số Luật đã ban hành liên quan đến các chính sách ưu đãi cho hoạt động công nghệ cao và một số điều khoản cụ thể trong Dự án Luật.
Luật Đa dạng sinh học góp phần bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học
Trong phần thảo luận về Dự án Luật Đa dạng sinh học, đa số ý kiến cho rằng việc ban hành Luật Đa dạng sinh học là cần thiết góp phần bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận các vấn đề như: phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý khu bảo tồn; tổ chức thực hiện quản lý khu bảo tồn; nuôi, trồng loài hoang dã thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ...
Về phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý khu bảo tồn, đa số ý kiến tán thành quy định giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý khu bảo tồn cấp quốc gia có toàn bộ diện tích nằm trên địa bàn tỉnh và khu bảo tồn cấp tỉnh. Theo đại biểu Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh), cần quy định rõ khu bảo tồn cấp quốc gia phải có Ban quản lý (đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc UBND tỉnh) thống nhất quản lý. “Nên giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý khu bảo tồn cấp quốc gia thuộc khu rừng đặc dụng có diện tích nằm trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên; đồng thời, nếu giao việc quản lý khu bảo tồn cho các cơ sở của tư nhân hoặc giao cho cơ sở tự chủ tài chính nhất thiết phải có sự quản lý của Nhà nước. ”- Đại biểu Nguyễn Đình Xuân nói.
Nhiều đại biểu cho rằng, đa dạng sinh học là vấn đề có tính liên ngành, hiện đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ môi trường... và có liên quan tới chức năng quản lý Nhà nước của nhiều bộ, Ủy ban nhân dân các cấp. Vì vậy, cần phải có một chương quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, không nên có chương riêng quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học mà nên phân công, phân cấp ngay tại các điều, khoản của dự thảo Luật.
Về trách nhiệm của UBND cấp xã, đại biểu Hà Thanh Toàn (đoàn Cần Thơ) và một số đại biểu cho rằng, quy định như trong Dự án Luật còn chung chung, chưa tạo điều kiện để UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ. Vì thế, cần nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã để họ có đủ quyền thực thi nhiệm vụ của mình.
Về các hành vi bị cấm, đại biểu Hoàng Văn Lợi (đoàn Bắc Giang) đề nghị, Dự án Luật nên bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi lợi dung trách nhiệm được giao quản lý khu bảo tồn mà làm huỷ diệt đa dạng sinh học tại khu bảo tồn. Bởi thực tế hiện nay đã xuất nhiều vụ việc buôn bán các loài hoang dã… có sụ tiếp tay của cán bộ khu bảo tồn.
Góp ý cho Dự án Luật này, nhiều đại biểu đã góp ý vào các vấn đề cụ thể, như: sinh vật biến đổi gen, tiêu chí phân cấp khu bảo tồn nguồn tài chính để bảo tồn phát triển bền vững đa dạng sinh học…/.