Thứ Tư, 27/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Tư, 20/7/2016 16:16'(GMT+7)

Ưu tiên phát triển nguồn dược liệu trong nước để sản xuất thuốc

Dây chuyền sản xuất đông dược đông dược quy mô lớn đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Dây chuyền sản xuất đông dược đông dược quy mô lớn đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Thế nhưng, hiện nay ngành dược liệu trong nước còn nhiều khó khăn, bất cập, cần các giải pháp đồng bộ mới có thể cải thiện được tình trạng "nhập siêu" như hiện nay.

Khoảng 80-85% dược liệu được nhập khẩu

Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế Phạm Vũ Khánh cho biết hàng năm, ngành dược Việt Nam sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80-85% là hàng nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Việc nhập khẩu dược liệu không rõ nguồn gốc đang là vấn nạn cần có biện pháp giải quyết.

Hiện nay, phần lớn dược liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc, mỗi tuần khoảng 300-400 tấn dược liệu được thông quan qua cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn.

Dược liệu ở Trung Quốc có 2 dạng cung cấp: nông sản và dược liệu trồng, thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn. Dược liệu ở dạng nông sản không đảm bảo chất lượng để làm thuốc có giá rẻ hơn nhiều so với dược liệu trồng và thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, phần lớn các dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam là dược liệu ở dạng nông sản, chất lượng chưa đảm bảo, gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề an ninh dược liệu và việc trồng, thu hái dược liệu tại Việt Nam.

Ông Vũ Văn Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông cho biết một trong những yếu tố quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh của bệnh viện là chất lượng dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Hiện nay, hàng năm bệnh viện sử dụng khoảng vài chục tấn thuốc, bao gồm khoảng 250 vị thuốc y học cổ truyền được cung ứng thông qua đấu thầu rộng rãi.

Việc xây dựng danh mục thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuân thủ theo quy định về đấu thầu. Tuy nhiên thực tế thị trường lại có tình trạng là các vị thuốc y học cổ truyền (đã được sao tẩm, bào chế), rẻ hơn hoặc bằng dược liệu. Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng vị thuốc y học cổ truyền gặp rất nhiều khó khăn vì bệnh viện không có đủ khả năng kiểm nghiệm, chỉ chủ yếu dựa vào cảm quan.

Để đảm bảo chất lượng thuốc, bệnh viện phải mua dược liệu chưa sơ chế về tiến hành bào chế, sao tẩm theo đúng lý luận của y học cổ truyền và phải chịu tỷ lệ hư hao, nguyên phụ liệu và nhân công… Như thế giá thành thuốc sẽ tăng lên nhưng đảm bảo được chất lượng thuốc cho người bệnh.

Ông Vũ Văn Hoàng cũng nêu rõ việc sử dụng thuốc Nam tại bệnh viện gặp khó khăn vì nguồn cung ứng thuốc Nam không ổn định (theo mùa, theo thời vụ). Thuốc Nam tự nhiên được thu hái theo mùa, chất lượng không ổn định, số lượng rất hạn chế. Các cơ sở nuôi, trồng không thể bán trực tiếp cho bệnh viện được mà phải thông qua doanh nghiệp kinh doanh dược liệu. Bệnh viện chưa được phép hợp tác, liên kết với các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp nuôi trồng thuốc Nam.

Phát triển vùng trồng dược liệu chuyên canh

Theo báo cáo của Viện Dược liệu thuộc Bộ Y tế, điều tra khảo sát gần đây cho thấy Việt Nam có 3.948 loài cây thuốc, 408 loài động vật làm thuốc và 75 khoáng vật làm thuốc. Cả nước có khoảng 322 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, trong đó 20 nhà máy đạt thực hành tốt sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO).

Hiện nay, Viện đã phối hợp xây dựng một số vùng chuyên canh phát triển dược liệu với từng loài lợi thế. Trong đó, Bắc Giang gắn với địa liền, địa hoàng, kim tiền thảo; Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc với thanh hao hoa vàng; Lào Cai với các loài nhập nội như actiso, đương quy, bạch truật…

Bên cạnh triển khai nghiên cứu cơ bản, Viện cũng quan tâm tới việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phát triển dược liệu gắn liền với nhu cầu, điều kiện của từng địa phương. Viện đã có một số đề tài, dự án giúp địa phương tập trung phát triển một số cây thuốc đặc trưng như: đảng sâm, ngũ vị tử, sâm ngọc linh tại Kon Tum, actiso tại Sìn Hồ (Lai Châu) và Sa Pa (Lào Cai), sa nhân tím tại Đại từ (Thái Nguyên), chùm ngây ở vùng Bảy Núi (An Giang), ngũ gia bì hương và ngũ gia bì gai ở Sa Pa (Lào Cai) và Phó Bảng (Hà Giang), hà thủ ô đỏ ở Sa Pa (Lào Cai) và Hà Giang, ba kích ở Quảng Ninh và Thanh Hóa, sâm báo ở Thanh Hóa, nghệ ở Quảng Ninh….


Củ cây sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý ở Việt Nam cũng như trên thế giới. (Ảnh: TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết hầu hết các cao nguyên trên địa bàn tỉnh đều nằm ở đai khí hậu á nhiệt đới với độ cao từ 800-1.700m so với mực nước biển, thời tiết mát mẻ, độ ẩm cao, thích hợp để phát triển các loại cây dược liệu á nhiệt đới và ôn đới, trong đó có nhiều loại cây thuốc có giá trị cao và nhu cầu sử dụng lớn mà hiện nay chủ yếu phải nhập khẩu như bạch chỉ, bạch truật, cát cánh, đương quy, độc hoạt, đan sâm, địa hoàng, huyền sâm, xuyên khung,...

Ngoài ra, do địa hình bị chia cắt mạnh, tạo ra nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau nên nguồn gen về cây dược liệu của Hà Giang cũng rất đa dạng, phong phú.

Ở Quảng Ninh hiện nay cũng đang triển khai nhiều mô hình trồng dược liệu lớn như: Mô hình doanh nghiệp trồng cây thuốc; mô hình hợp tác xã phát triển dược liệu; hộ gia đình trồng cây thuốc cũng đóng vai trò quan trọng, đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân…

Theo kết quả điều tra sơ bộ, trên địa bàn tỉnh có một số dược liệu đang được trồng với quy mô lớn, khi thu hoạch có khả năng đáp ứng nhu cầu dược liệu trong nước như Ba kích tím với diện tích hơn 300ha, trà hoa vàng khoảng 70ha…

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ

Đại diện Viện Dược liệu cho biết công tác phát triển dược liệu những năm gần đây còn gặp nhiều khó khăn. Dược liệu bị khai thác liên tục trong nhiều năm, không chú ý tới bảo tồn, bảo vệ tái sinh cộng với nhiều nguyên nhân khác đã làm cho nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng. Nhiều loài dược liệu quý đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Sản xuất dược liệu trong nước còn manh mún, tự phát, không ổn định.

Việc quản lý tài nguyên dược liệu chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến thất thoát và lãng phí tài nguyên; chưa đầu tư hợp lý, tập trung vào một số khâu then chốt để phát triển; thiếu các chính sách đòn bẩy, đột phá...

Từ đó, Viện Dược liệu kiến nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030,” trong đó có các giải pháp về khoa học công nghệ phục vụ phát triển dược liệu. Ngành y tế nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế chính sách đối với hoạt động khoa học và cán bộ khoa học để thu hút, khuyến khích động viên sự đóng góp của các các nhà khoa học, các tổ chức khoa học cho sự nghiệp khoa học nói chung và cho phát triển dược liệu nói riêng.

Việt Nam cũng cần xây dựng các trung tâm mạnh, đủ năng lực trong nghiên cứu chọn tạo ra các giống dược liệu tiên tiến có năng suất và chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực tiễn; triển khai xây dựng vùng trồng dược liệu tập trung có lợi thế cho từng loài dược liệu cụ thể; ban hành các cơ chế, chính sách đòn bẩy, đột phá nhằm tạo đầu ra cho dược liệu, sản phẩm, thuốc từ dược liệu, cơ chế gắn kết giữa cầu và cung.

Đồng thời, ngành y tế sẽ triển khai đồng bộ các nội dung để phát triển dược liệu bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về dược liệu trong thời gian tới; trong đó cần chú ý điều tra tổng thể nguồn tài nguyên dược liệu; thực hiện chương trình bảo tồn nguồn gen, giống dược liệu; thực hiện chương trình khoa học công nghệ trọng điểm để phát triển dược liệu...

Ông Vũ Văn Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông nhấn mạnh để đảm bảo chất lượng thuốc phục vụ khám chữa bệnh, bệnh viện mong muốn Bộ Y tế quản lý công tác nhập khẩu dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; xóa bỏ nhập khẩu qua đường tiểu ngạch; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng thuốc y học cổ truyền, xử lý nghiêm các cơ sở buôn bán dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền không đảm bảo chất lượng (dược liệu rác).

Ngành y tế cần tăng cường phát triển dược liệu trong nước (quy hoạch, phát triển các khu nuôi trồng dược liệu); có cơ chế chính sách ưu đãi để nuôi trồng, thu mua, buôn bán, sản xuất dược liệu trong nước; cho phép các cơ sở khám chữa bệnh được liên kết với tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng tạo đầu ra cho dược liệu.

Đặc biệt, Bộ Y tế cần đầu tư cho hệ thống bệnh viện y học cổ truyền cả về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh và đặc biệt đầu tư về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để bệnh viện có đủ năng lực kiểm nghiệm chất lượng thuốc y học cổ truyền, chất lượng dược liệu…/.

Thu Phương (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất