Thứ Ba, 24/9/2024
Thể thao
Thứ Bảy, 13/10/2012 17:0'(GMT+7)

V.League đang phải trả giá

Bầu Hiển (bên trái) rút hết vốn khỏi CLB Hà Nội T&T

Bầu Hiển (bên trái) rút hết vốn khỏi CLB Hà Nội T&T

“Trào lưu” bỏ bóng đá

Những ngày này, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ bắt giữ bầu Kiên và tương lai của 2 đội bóng mà ông Kiên làm chủ. Không hề ngẫu nhiên khi vài ngày trước đã rộ lên thông tin CLB bóng đá Hà Nội đang thi đấu ở V.League và Đội trẻ bóng đá Hà Nội ở hạng Nhất sẽ không thể đăng ký thi đấu tại mùa giải 2013 vì lý do không có kinh phí.

Đây là một nguy cơ hiển hiện vì ai cũng hiểu rằng tiền nuôi đội bóng bao nhiêu năm qua là tiền túi của bầu Kiên. Nên khi ông Kiên vướng vào vòng lao lý, hệ quả nhãn tiền là 2 đội bóng của ông sẽ không biết tìm đâu “bầu sữa”, đặt trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế hiện nay mà nói như lời PCT VFF Lê Hùng Dũng là việc tìm ra những doanh nghiệp đủ sức chi trả mỗi năm khoảng 40-50 tỷ đồng để duy trì hoạt động của một CLB giống như chuyện mò kim đáy bể.

Những gì xảy đến với CLB bóng đá Hà Nội có thể được nhìn nhận giống như một tai nạn song những gì xảy ra với bóng đá Việt Nam ở thời điểm này thì không hề ngẫu nhiên chút nào.

Hầu hết các doanh nghiệp đang tài trợ cho các CLB V.League hiện nay đều tham gia vào thị trường chứng khoán và bất động sản. Đã có thời đây là 2 lĩnh vực được ví như những nhà hộ sinh đón chào sự ra đời của hàng loạt tỷ phú. Thậm chí, vào lúc cao trào, chẳng hạn năm 2007, tiền lãi từ cổ phiếu của một ông chủ trong một ngày cũng đủ sức nuôi cả đội bóng.

Đó cũng là quãng thời gian bóng đá Việt Nam chứng kiến hàng loạt những vụ chuyển nhượng “bom tấn” như Công Vinh chuyển từ Sông Lam Nghệ An ra Hà Nội T&T với mức phí lót tay 7 tỷ đồng, Quang Hải chuyển từ Khatoco Khánh Hòa về Navibank Sài Gòn với giá 10 tỷ, hay Phước Tứ đầu quân cho Sài Gòn Xuân Thành bằng con số 12 tỷ đồng…

Nhưng giờ là lúc chiều hướng ngược lại đang diễn ra, khi sắc đỏ tràn ngập các sàn chứng khoán còn “sản” thì vẫn “bất động” suốt mấy năm ròng. Hệ quả trong bóng đá ngay lập tức hiển hiện thông qua việc ngày càng có nhiều ông chủ muốn rút lui hoặc siết chặt lại chi tiêu sau những thời kỳ vung tay quá trán.

Sau một thời gian biệt tăm tích và nợ lương thưởng cầu thủ, mới đây ông Chủ tịch của CLB Navibank Sài Gòn Nguyễn Vĩnh Thọ đã gửi công văn tới Liên đoàn Bóng đá TP.HCM đề nghị xin giao lại đội bóng cho thành phố vì không kham nổi chi phí. Sông Lam Nghệ An cho đến giờ vẫn chưa tìm thấy hướng đi khi nhà tài trợ Ngân hàng Bắc Á tỏ ra không quá mặn mà với viễn cảnh mỗi năm “ném” hàng chục tỷ đồng qua cửa sổ. Đến một người có tiếng là chịu chơi và chịu chi như bầu Hiển của Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng cũng phải phát đi thông điệp rút vốn và cắt giảm chi tiêu bằng cách chuyển giao các đội hạng Nhất, trong trường hợp không tìm thấy đối tác có thể sẽ giải tán luôn.

Tương lai của rất nhiều cầu thủ, tương ứng là số phận của rất nhiều đội bóng và thậm chí là của cả giải đấu giờ đang đứng bên bờ vực, chông chênh và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Hệ quả tất yếu

Vài mùa giải qua, SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T làm mưa làm gió ở V.League không phải bởi các đội bóng ấy sở hữu những ngôi sao sáng giá như Merlo, Samson, Minh Phương hay Văn Quyết mà điều này chủ yếu được nhìn nhận dưới góc độ sự "máu mê" và túi tiền của bầu Hiển.

Con đường của SHB Đà Nẵng hay Hà Nội T&T thật ra cũng không có quá nhiều khác biệt so với hầu hết những đội bóng từng bước lên đỉnh V.League quãng chục năm đổ lại. Đó là Hoàng Anh Gia Lai của hơn nửa thập kỷ trước với bầu Đức từng tạo nên cú sốc bằng vụ chiêu mộ tiền đạo hàng đầu ĐNA Kiatisuk; sẵn sàng trả lương gấp 3, chi thưởng gấp 4 và phí lót tay gấp 5 lần để đền bù cho những tài năng chấp nhận bỏ phố lên núi.

Nhưng khi những ông chủ, vì nhiều lý do, ngoảnh mặt hoặc quay lưng với đội bóng, lúc đó rất nhanh chóng người ta nhận thấy rằng khát khao khẳng định giá trị của những đôi chân bạc tỷ, động lực được tiếp thêm từ CĐV… đôi khi chỉ là những thứ rất phù phiếm với bóng đá Việt.

Quãng thành công của Hoàng Anh Gia Lai trước đây gắn liền với hình ảnh bầu Đức trận nào cũng ngồi trên khán đài mang theo cả bao tải tiền để khao quân nếu đội nhà chiến thắng. 8 mùa liên tiếp đội bóng phố Núi không tái hiện lại được hình ảnh cơn lũ cao nguyên thưở nào cũng là khi ông Đức không còn thể hiện được độ nhiệt như trước.

SLNA đăng quang năm 2011 bằng thứ sức mạnh tổng hợp của lịch sử 10 năm cùng những hứa hẹn về mức thưởng kỷ lục 15 tỷ đồng từ nhà tài trợ Ngân hàng Bắc Á cùng các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh. Nhưng sau khi chỉ nhận vỏn vẹn khoảng 5 tỷ đồng, mùa 2012 các học trò của HLV Nguyễn Hữu Thắng đã thể hiện một hình ảnh rất khác so với chính họ và không phải không có những đoán định rằng đấy là một cách thăm dò động tĩnh từ phía bà bầu Thái Thị Hương.

Giải đấu nào cũng được hình thành bắt đầu từ cấp CLB và một giải đấu khỏe mạnh, bền vững bắt nguồn từ sự vững bền của các thành viên. V.League, giải đấu vẫn thường vỗ ngực về chất lượng và mức đãi ngộ hàng đầu Đông Nam Á qua việc “đốt” chừng 500 tỷ mỗi mùa, giờ đang phải trả giá cho việc không kiếm nổi 50 tỷ từ tiền bán vé và bản quyền truyền hình, những khoản thu cơ bản nhất của một nền bóng đá chuyên nghiệp./.

(Vũ Long/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất