Thứ Ba, 24/9/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 11/6/2016 22:19'(GMT+7)

Vai trò của báo chí trong bảo tồn di tích văn hóa

Quang cảnh tại Hội thảo (Ảnh DP)

Quang cảnh tại Hội thảo (Ảnh DP)

Theo thống kê, Hà Nội có gần 5.850 di tích; trong đó có 1 di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, l.167 di tích quốc gia, 1.179 di tích cấp thành phố. Trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm cho công tác bảo tồn văn hóa vật thể, các di tích lịch sử. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận việc quản lý, bảo vệ và khai thác các giá trị văn hoá vật thể tại những di tích này còn nhiều hạn chế như: trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn các di tích chưa được phân công rõ ràng và thiếu sự phối hợp giữa nhà quản lý với người sử dụng, khai thác. Việc đầu tư nâng cấp, tôn tạo, trùng tu các di tích văn hóa vật thể chưa được triển khai theo một quy trình khoa học, chặt chẽ và toàn diện; khai thác du lịch bừa bãi; vấn nạn thất thoát đồ cổ; sự xâm lấn di tích của người dân. . .

Vì vậy, hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các nhà quản lý cũng như nhiều nhà báo uy tín, tâm huyết trong cả nước như: GS. Lê Văn Lan, GS. Hoàng Chương, PGS. TS. Nguyễn Lân Cường, PGS. TS. Đỗ Bảo, PGS. Đặng Văn Bài, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, nhà báo Mai Kim Thoa, nhà báo Đào Xuân Hưng, nhà báo Nguyễn Quang Hưng, nhà báo Nguyễn Văn Hoa,...Với hơn 20 tham luận đã được gửi đến, cùng với hơn 15 ý kiến phát biểu trực tiếp đã đưa hội thảo trở thành một diễn đàn có chất lượng chuyên môn cao. Ở mỗi một góc nhìn cụ thể, có 3 vấn đề chính được các diễn giả đề cập tới là thực trạng công tác bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể của Hà Nội, vai trò của báo chí và những giải pháp đối với công tác này.


Chùa một cột (Ảnh minh hoạ)

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý và đội ngũ báo chí đưa ra những ý kiến, những đánh giá, những góc nhìn về thực trạng văn hóa vật thể Hà Nội trên mọi phương diện từ chính sách quản lý đến cách ứng xử với văn hóa vật thể, từ việc bảo tồn đến phát huy các giá trị văn hóa vật thể tiêu biểu; Từ việc giữ gìn đến quảng bá văn hóa vật thể Hà Nội với người dân cả nước cũng như du khách quốc tế... Từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về các hoạt động liên quan đến văn hoá, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa vật thể của Hà Nội.

Có nhiều giải pháp được đề xuất. Chẳng hạn như nhà báo Nguyễn Hòa - báo Văn Hóa cho rằng cần phân rõ trách nhiệm của các cấp quản lý; nhà báo Nguyễn Quang Hưng – báo Nhân Dân thì nhấn mạnh đến việc cứu lấy không gian di tích, cảnh quan, văn hóa làng quê thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; nhà báo Mai Kim Thoa - báo Hà Nội Mới luôn cố gắng bám sát sự kiện và giữ quan điểm tương đối độc lập trong việc tuyên truyền về công tác bảo tồn di sản;... Trong khi đó, các chuyên gia nghiên cứu đã việc nhấn mạnh vai trò tích cực của báo chí đối với công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể trong những năm qua như tích cực phát hiện, nhanh chóng phản ánh những bất cập trong công tác quản lý di sản cũng như những hạn chế của việc trùng tu di tích như trường hợp chùa Trăm Gian, Lăng Ngô Quyền...; hoặc việc cố tình vùi lấp những tích khảo cổ ở đoạn dốc Tam Đa - Hoàng Hoa Thám…

Nhà báo Đào Xuân Hưng, Phó Tổng biên tập Báo Người Hà Nội chia sẻ: “Hội thảo là dịp để trao đổi những vấn đề liên quan đến vai trò, trách nhiệm của giới truyền thông báo chí trong việc tích cực tham gia phản biện các vấn đề liên quan đến văn hóa và hoạt động văn hóa, cung cấp cho người đọc, người xem những phản ánh chân thực về tình hình quản lý và công tác bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể của Hà Nội. Hội thảo mong muôn tạo được dư luận xã hội tích cực trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm và sự quan tâm của cộng đồng đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể của Hà Nội trong đời sống hiện nay”./.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất