Thứ Bảy, 12/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 16/1/2010 8:11'(GMT+7)

Vẫn chưa tìm được giải pháp triệt để

Theo thống kê của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), năm 2009, cả nước có hơn 5.000 người bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 33 người chết. Số vụ ngộ độc cấp tính, số người chết có thể đo đếm được, nhưng còn bao nhiêu người đang từng ngày tiếp nhận vào cơ thể đủ các loại hóa chất độc hại, con số này chưa có một cơ quan chức năng nào có thể thống kê được.

Phóng viên VOV trao đổi với bà Phạm Thị Kim, nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Chủ tịch Hội Khoa học – Kỹ thuật – An toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam để hiểu rõ hơn tại sao công tác vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được giải quyết một cách triệt để.

** Thưa bà, là người làm công tác quản lý về VSATTP lâu năm của Bộ Y tế, giờ đây lại là Chủ tịch Hội Khoa học - kỹ thuật - an toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam, bà có suy nghĩ gì trước tình trạng vi phạm VSATTP tràn lan hiện nay, đặc biệt trong thời điểm Tết nguyên đán sắp đến?

Bà Phạm Thị Kim: Phải nói là vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay đang rất phức tạp. Ví dụ như tồn dư của các loại thuốc bảo vệ thực vật trong rau và quả, tồn dư thuốc kháng sinh và hóc-môn trong các loại thịt, sử dụng phụ gia thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm. Trong phụ gia thực phẩm có mấy nhóm liên quan hàng ngày: Nhóm thứ nhất là phẩm màu thực phẩm, người ta sử dụng rất nhiều loại phẩm màu để làm mứt, bánh, kẹo; Nhóm phụ gia thứ hai là chất bảo quản thực phẩm.

Ví dụ gần đây, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện ra một công ty sản xuất cháo dinh dưỡng, họ đã đưa vào cháo chất bảo quản quá giới hạn quy định. Như vậy là không đúng với luật lệ và có thể xử phạt.

** Có rất nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới mất ATVSTP là công tác quản lý còn lỏng lẻo. Theo bà, các cơ quan chức năng hiện nay cần phải làm gì?

Bà Phạm Thị Kim: Thứ nhất là phân công trách nhiệm về quản lý nhà nước giữa các cơ quan để làm tốt công tác quản lý nhà nước. Thứ hai là vai trò của các hội, hiệp hội và tổ chức quần chúng tham gia công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Một vấn đề nữa là thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm phải xuống tận phường, xã, nơi người sản xuất, kinh doanh trực tiếp thực hiện để có thể giám sát, kiểm tra, phát hiện kịp thời những sai phạm. Chế tài xử phạt phải mạnh hơn.

** Đó là giải pháp đặt ra cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn đối với người tiêu dùng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được ví như một ma trận vì họ không thể phân biệt được đâu là thật là giả?

Bà Phạm Thị Kim: Từ lúc Bộ Y tế lập ra Cục Quản lý chất lượng thực phẩm, thì cũng đưa ra khái niệm “Người tiêu dùng thông thái”. Mỗi người tiêu dung phải biết tự bảo vệ mình bằng cách trang bị kiến thức. Đầu tiên là thực hiện đúng những kiến thức đó, rồi phổ biến cho cộng đồng quanh mình biết những kiến thức cơ bản. Nếu mua phải hàng giả, hàng khác thì chỉ mất tiền thôi, nhưng nếu mua phải thực phẩm  không an toàn thì còn vừa mất tiền, vừa mang tật. Do đó, mỗi người tiêu dùng đều phải hết sức cẩn thận.

** Nhưng người tiêu dùng làm sao có thể thông thái khi mà bản thân các chuyên gia cũng phải cần đến máy móc hỗ trợ kiểm tra các chất lượng sản phẩm. Như vậy, trách nhiệm đó vẫn thuộc về các cơ quan quản lý?

Bà Phạm Thị Kim: Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam cùng các bộ liên quan. 10 năm vừa qua, kể từ khi thành lập Cục An toàn thực phẩm - đơn vị chuyên trách về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải nỗ lực rất nhiều vì an toàn thực phẩm là lĩnh vực hết sức phức tạp. Khi đã kinh doanh, lợi nhuận là trên hết, cho nên người ta tìm mọi khe hở của Nhà nước để kiếm lợi nhuận.

Để giải quyết những khó khăn đó, các cơ quan nhà nước phải ban hành các luật lệ, các quy chuẩn rõ ràng và phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chứ không chỉ tập trung vào những dịp Tết, lễ hội, hay tháng hành động. Mặt khác, phải tận dụng lợi thế của các Hiệp hội, Hội, các tổ chức quần chúng để phát động rộng rãi phong trào xã hội hóa thì chúng ta mới làm chủ được tình huống.

Xin cảm ơn bà!./.

Theo VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất