Mùa đông, tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009), tại Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình), Lý Công Uẩn được lập làm vua, sáng lập Vương triều Lý (1009 - l225), miếu hiệu là Thái Tổ.
Hoa Lư là Kinh đô của nước Đại Cồ Việt dưới hai triều Đinh (968 - 979) và Tiền Lê (980 - 1009). Đó là một vùng núi non hiểm trở, thích hợp với yêu cầu quân sự của một chính quyền độc lập non trẻ còn phải đối phó với nhiều mối đe dọa của giặc ngoài, thù trong. Với địa thế "Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thử (Tiến có thể đánh thắng, thoái có thể bảo vệ), rất lợi hại của Hoa Lư, Đinh Tiên Hoàng đã đánh bại các thế lực cát cứ địa phương, khôi phục và củng cố nền thống nhất quốc gia, triều Tiền Lê đã đập tan cuộc xâm lược lần thứ nhất của nhà Tống (981), bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Như vậy, trong vòng 41 năm (968 - 1009), Kinh đô Hoa Lư xứng đáng với sự lựa chọn của Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành, đã hoàn thành vai trò lịch sử của một thủ đô tạm thời.
Nhưng khi bước vào đầu thế kỷ XI, những thành quả bảo vệ và củng cố độc lập dân tộc gắn liền với việc thống nhất quốc gia kể từ thời họ Khúc đến họ Ngô, Đinh, Tiền Lê, đã tạo điều kiện đưa đất nước ta, dân tộc ta bước vào một thời kỳ mới. Đó là thời kỳ xây dựng đất nước trên một quy mô lớn, thời kỳ phục hưng toàn diện của dân tộc, đặc biệt trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa - xã hội. Nhiệm vụ đó được đặt lên vai triều Lý, ngay từ khi mới thành lập. Lúc này, Hoa Lư với vị trí và địa thế của nó, không đáp ứng được vai trò kinh đô của triều đại, vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước.
Lý Công Uẩn, tức Lý Thái Tổ, vị vua sáng nghiệp của triều Lý, đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của Kinh đô đối với vận mệnh của đất nước và vương triều. Sử gia ở thế kỷ XVIII là Ngô Thì Sĩ đã nhìn nhận việc dời đô của Lý Thái Tổ rất tinh tế và chí lý: "Đất Long Đỗ là nơi Cao Biền đóng đô ở đấy, núi Tản Viên chống vững một cõi, sông Phú Lương (tức sông Hồng - TG) như hào trời sinh ra, ngàn dặm bằng phẳng trăm họ giàu có, phía Tây thông với Sơn Tây, Tuyên - Hưng (Tuyên Quang, Hưng Hóa - TG), Kinh Bắc (tức Bắc Ninh, Bắc Giang - TG). Miền Đông - Nam thì vận chuyển bằng thuyền, miền Cần Xương thì liên lạc bằng trạm, là trung tâm của nước, bốn phương cháu về, núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiểm, rộng mà dài, có thể làm cho nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền. Hình thế nước Việt, thật không nơi nào hơn được nơi này... Lý Thái Tổ lên ngôi, chưa vội làm việc khác, mà trước tiên mưu tính việc định đô, đặt đỉnh, xét về sự quyết đoán sáng suốt, mưu kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể theo kịp1
Đầu năm 1010, Lý Thái Tổ tự tay viết Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) nói rõ lý do dời đô là "để mưu việc lớn, chọn ở chỗ chính giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời …", và quyết định chọn "thành Đại La, đô cũ của Cao Vương (tức Cao Biền - TG), ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam, bắc, đông, tây, tiện nghi nhìn sông, tựa núi...", làm "Thượng đô Kinh sư muôn đời". Chiếu ban ra, tất cả các quan văn võ trong triều đều vui mừng nói: “Bệ hạ vì thiên hạ mà lập kế lâu dài, để trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của nhiều người, việc lợi như thế, ai dám không theo!”(2).
Chiếu dời đô, đối với lịch sử văn học Việt Nam, nó có vị trí như tác phẩm mở đầu cho nền văn học thời Lý, cũng là bài mở đầu cho nền văn học Thăng Long. Dưới hình thức là một bài Chiếu, một thể loại văn chương có tính chất hành chính, công thức, nhưng Chiếu dời đô được Lý Thái Tổ viết khá công phu, lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục cao.
Chiếu dời đô được xưa nay đánh giá cao, chính vì ý nghĩa tư tưởng triết học chứa đựng trong đó. Mở đầu bài Chiếu, Lý Thái Tổ sử dụng thủ pháp "ôn cố tri tân", một tư tưởng triết học của Nho giáo, điểm ưu việt của thủ pháp này là lấy các bài học lịch sử để làm minh chứng cho sự đúng đắn tư tưởng của mình. Tiếp đó, Lý Thái Tổ lập luận dựa trên một khái niệm có tính chất rất quan trọng của Nho giáo, đó là "mệnh trời" thiên mệnh): "Trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân". Trong thời kỳ mà khoa học chưa phát triển, thì "mệnh trời', được người ta hiểu như một lẽ phải, một quy luật không thể khác. Các nhà tư tưởng lớn ở phương Đông, hầu như không có ai là không tin và tuân theo mệnh trời. Những bên cạnh mệnh trời, từ lâu các tư tưởng gia phương Đông còn nêu lên một khái niệm có tầm quan trọng ngang với nó, là "ý dân" (dân tâm). Đó chính là tư tưởng "Lấy dân làm gốc nước", của người xưa.
Kinh Thư là bộ kinh điển của Nho gia, có lẽ là cuốn sách đầu tiên nêu lên tư tưởng này. Trong thiên Ngũ tử chi ca, có viết: "Hoàng tổ hữu huấn:Dân khả cận, bất khả hạ. Dân duy bang bản, bản cố bang ninh” (Nghĩa là: ông của chúng ta dạy rằng: Dân có thể gần không thể hạ thấp. Chỉ có dân là gốc của nước, gốc bền thì nước yên). Hoặc ở thiên Thái thệ trung cũng viết: "Thiên thị tự ngã dân thị. Thiên thính tự ngã dân thinh. Bách tính hữu quá, tại dư nhất nhân…(Nghĩa là: Trời thấy như dân ta thấy. Trời nghe như dân ta nghe. Trăm họ có lỗi, lỗi đó ở ta). Như vậy, trong Chiếu dời đô, khi tác giả nêu lên các khái niệm "mệnh trời thiên mệnh), "ý dân" (dân tâm), thì ở đây chỉ muốn nói đến ý thức về sứ mệnh lịch sử trước dân tộc và đất nước.
Chiếu dời đô còn phân tích một cách biện chứng về vị trí trung tâm cùng với điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội rất thuận lợi của đất Thăng Long. Ở đây, Lý Thái Tổ đã đứng về mặt địa lý để nhìn nhận vùng đất sẽ dựng Kinh đô mới: Đất Thăng Long nằm giữa vùng đồng bằng đông dân, trù phú, lại ở vào vị trí đầu mối của những đường giao thông trọng yếu, mà lúc bấy giờ chủ yếu là đường sông. Thuyền bè có thể xuôi ngược khắp đất Kinh Kỳ và có thể theo sông Nhị Hà (sông Hồng - TG) tỏa đi khắp mọi miền đất nước . . .
Chiếu dời đô là một thành tựu của trí tuệ Việt Nam. Tờ Chiếu vận dụng kiến thức và triết học phương Đông, sử học, địa lý học, kết hợp vận mệnh của Tổ quốc với nguyện vọng của nhân dân, thống nhất được lợi ích trước mắt với nguyện vọng lâu dài của đất nước.
Mùa đông, tháng 7 năm Canh Tuất (1010) đoàn thuyền ngự của nhà Vua từ Hoa Lư đến Đại La, "tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên là thành Thăng Long (Rồng bay lên)”(3)
Tên gọi Thăng Long chứa đựng một ý nghĩa lớn lao. Trước hết, tên Rồng bay lên (Thăng Long), vạch được khí thế mạnh mẽ vươn lên của Kinh thành đất nước, của toàn dân tộc. Nhưng tên gọi "Rồng bay lên", còn thể hiện một khát vọng hòa bình, đời sống hạnh phúc, tự do của nhân dân Việt Nam thời bấy giờ... Hơn thế nữa, biểu tượng "Rồng bay lên" còn chứa đựng ý niệm thiêng liêng trở về cội nguồn Rồng - Tiên và mơ ước về nguồn nước, mưa thuận, gió hòa của cư dân văn minh nông nghiệp trồng lúa nước.
Các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê đóng đô ở những vùng nhỏ hẹp, không thuận tiện về mặt giao thông, nhiều ý nghĩa quân sự hơn là ý nghĩa chính trị, kinh tế. Từ khi nhà Lý dời đô, Thăng Long dần dần trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa. Dòng sông Nhị Hà (tức sông Hồng) và các chi lưu của nó đã làm cho Thăng Long trở thành "nơi bốn phương tụ họp". Thăng Long trở thành Kinh đô cũng là một dấu hiệu chứng tỏ sức mạnh và lòng tin của dân tộc Việt Nam trong việc bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.
Sau khi nhà Lý được thành lập, nhiều vấn đề quốc gia, đại sự được đặt ra một cách cấp bách đối với những người đứng đầu vương triều thời bấy giờ, như: phải gấp rút củng cố bộ máy Nhà nước trung ương tập quyền, trấn áp các cuộc nổi dậy ở miền núi, xóa bỏ tình trạng cát cứ, cải tổ chính trị mới hoàn chỉnh, định lại quan chế, ban bố luật pháp, tổ chức quân đội, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, phát triển văn hóa, v.v...
Năm 1010, Lý Thái Tổ chia lại khu vực hành chính, đổi 10 đạo thời Đinh, Tiền Lê thành 24 lộ. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (gọi tắt là Toàn thư) chỉ chép tên 12 lộ: Thiên Trường lộ, Quốc Oai lộ, Hải Đông lộ, Kiến Xương lộ, Khoái lộ, Hoàng Giang lộ, Long Hưng lộ, Bắc Giang lộ, Trường Yên bộ, Hồng lộ, Thanh Hóa lộ và Diễn Châu lộ. Ở các vùng miền núi thì có châu, trại. Á Châu và Hoan Châu cũng đổi là trại. Đổi châu Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức, đổi Hoa Lư thành phủ Trường Yên. Năm 1014, lại đổi phủ ứng Thiên thành Nam Kinh. Năm 1023, đổi trấn Triều Dương thành châu Vĩnh An. Năm 1036, đổi Hoan Châu thành châu Nghệ An. Tuy có những sự thay đổi như thế, các đơn vị hành chính bấy giờ vẫn chưa thật hoàn toàn thống nhất. Chẳng hạn, như đã đổi Hoan, Ái thành trại, nhưng về sau lại gọi là châu Nghệ An và phủ Thanh Hóa. Có lẽ có một số lộ ở trung châu cũng gọi là phủ như phủ Trường Yên, phủ Thiên Đức, phủ Phú Lương... Vùng núi cũng có đơn vị "đạo" như đạo Lâm Tây (vùng dọc sông Đà). Đơn vị hành chính dưới phủ, châu thì có hương, giáp, thôn. Ở Kinh đô, còn có phường, chia làm 61 phường. Bộ máy Nhà nước thời Lý là một hệ thống chính quyền từ trung ương đến tận địa phương và tập trung quyền hành vào tay triều đình đứng đầu là Vua. Năm 1028, Lý Thái Tông vừa lên ngôi, đã phong các quan tước, thiết lập một bộ máy Nhà nước tương đối đầy đủ. Năm 1089, Lý Nhân Tông định lại các chức văn, võ, tòng quan, tạp lưu.
Sử gia thế kỷ XIX là Phan Huy Chú cho biết: "Quan chế triều Lý đại lược văn võ đều có 9 phẩm. Lấy 3 chức Thái (tức Thái sư, Thái phó, Thái bảo), Tam thiếu (tức Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo), cũng Thái úy, Thiếu úy và nội ngoại Hành điện Đô tri sự, Kiểm hiệu Bình chương sự, đều làm chức trọng yếu văn võ đại thần. Ban Văn thì có bộ Thượng thư, Tả hữu Tham tri, Tả hữu Gián nghị và Trung thư Thị lang thuộc quan thì có các chức Trung thư thừa, Trung thư xá nhân), bộ Thị lang, Tả hữu ty Lang trung, Thượng thư sản Viên ngoại lang, Đông Tây Cáp môn sứ, Tả hữu phúc tâm, Nội thường thị, Phủ sĩ sư, Điện học sĩ, Hàn lâm học sĩ, Vệ đại phu, Thư gia các hỏa, Thừa trực lang, Thừa tín lang. Các chức kể trên đều là các chức quan trọng làm việc ở trong (triều). Các chức làm việc bên ngoài thì có những chức: Tri phủ, Phán phủ và Tri châu. Võ ban thì có Đô thống, Nguyên soái, Tổng quản, Khu mật sứ, Khu mật tả hữu sứ, Tả hữu Kim ngô, Thượng tướng, Dại tướng, Đô tướng, Tướng quân các vệ (có các Hiệu úy vệ, Kiêu vệ, Định thắng), Chỉ huy sứ, Vũ vệ Hỏa đầu, cùng là sáu binh tào Vũ tiệp, Vũ tâm. Các chức kể trên đều là tướng hiệu, tinh binh chức ở trong. Còn ở ngoài thì các lộ, trấn, trại đều đặt quan và binh đóng giữ….” [4]
Đời Lý, còn có chức Hành khiển, do Trung quan (tức Hoạn quan) sung vào như Nhập nội Hành khiển đồng Trung thư Môn hạ Bình chương sự. Nói chung, thì bộ máy tổ chức đó có nhiều điểm phỏng theo quan chế nhà Tống, nhưng giản lược hơn. Chính quyền thời Lý căn bản là một chính quyền tập trung, yếu tố phân tán yếu ớt, những yếu tố đó chỉ phát triển vào lúc chính quyền trung ương suy yếu như giai đoạn cuối thời Lý.
Đồng thời với việc tổ chức lại bộ máy Nhà nước, nhà Lý cũng rất chú trọng đến việc củng cố quân đội. Nhà Lý có một tổ chức quân đội chặt chẽ. Năm 1011, Lý Thái Tổ đã đặt các quân Tả hữu túc xạ. Mỗi quân đều có 500 người. Năm 1028, Lý Thái Tông lại tăng cường lực lượng Cấm quân bảo vệ Kinh đô. Cấm quân bấy giờ đặt làm 10 vệ, gọi là Điện tiền Cấm quân, gồm có vệ Quảng Thánh, vệ Quảng Vũ, vệ Ngự Long, vệ Phủng Nhật, vệ Trừng Hải. Năm vệ đó lại chia ra các vệ Tả, Hữu, nên gọi là 10 vệ. Năm 1059, Lý Thánh Tông định lại quân hiệu, gồm có các vệ: Ngự Long, Vũ Thắng, Long Dục, Thần Điện, Phủng Thánh, Bảo Thắng, Hùng Lược, Vạn Tiệp, các vệ cũng chia ra làm Tả, Hữu, tất cả thành 16 vệ. Cấm quân trên trán thích ba chữ " Thiên tử quân". Trong Đại Việt sử ký tiền biên, sử gia Ngô Thì Sĩ cho rằng: "Chế độ binh bị của buổi đầu triều Lý, đại lược phỏng theo quân phủ vệ nhà Đường, quân Cấm sương của nhà Tống...5.
Lực lượng chính của quân đội đời Lý chủ yếu là nông dân các làng xã, tức là các nông dân thần thuộc Nhà nước. Dân đinh, lên 18 tuổi phải đăng ký tên vào sổ. Theo Ngô Thì Sĩ thì sổ đóng bìa màu vàng, gọi là "hoàng sách", nên hạng đinh này gọi là Hoàng nam. Đinh trên 20 tuổi, gọi là Đại hoàng nam. Hoàng nam có nhiệm vụ sung vào quân đội.
Nhà Lý là triều đại có công ban hành bộ Hình thư đầu tiên trong lịch sử pháp quyền Việt Nam. Pháp luật là một trong những công cụ của Nhà nước để bảo vệ cho quyền lợi của giai cấp thống trị. Song song với bước phát triển của Nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền, pháp luật ngày càng được quy định chặt chẽ. Các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, pháp luật chưa được quy định thành văn, đến năm 1042, Lý Thái Tông sai quan Trung thư "san định luật lệnh, châm chước, những điều thời thế thông dụng, xếp thành môn loại, biên rõ điều mục, làm thành riêng quyển Hình thư một triều đại, để cho người xem dễ biết. Sách làm xong, chiếu ban ra cho thi hành. Dân đều tay làm tiện"6.
Hình thư nhà Lý có thể coi là một cái mốc trong lịch sử pháp quyền Việt Nam, nó chứng tỏ rằng bộ máy chính quyền trung ương tập quyền đã có đủ các thiết chế hoàn bị. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: Hình thư đời Lý Thái Tông gồm có 3 quyển, bấy giờ đã thất truyền7 . Tuy ngày nay chúng ta không được đọc sách Hình thư đời Lý, nhưng qua những, pháp lệnh được chép lại trong sử cũ, chúng ta cũng có thể thấy rõ tính chất của pháp luật thời Lý.
Pháp luật nhà Lý nhằm bảo vệ nguồn thu nhập của Nhà nước quân chủ, đặc biệt là bảo đảm dân đinh là sức lao động chủ yếu. Năm 1146, Vua Lý Anh Tông đã ra lệnh cho các quan, quản giáp và chủ đô, phàm sung bổ làm cấm quân phải chọn những hộ nhiều người, không được lấy người cô độc, làm trái thì có tội"8. pháp luật nhà Lý củng cố chế độ đẳng cấp. Đẳng cấp quý tộc quan liêu được hưởng nhiều đặc quyền, ngay cả trang phục, nhà cửa cũng phân biệt với nhân dân. Nhân dân không được làm nhà ngói. Pháp luật thời Lý là pháp luật bảo vệ quyền lợi của Nhà nước quân chủ tập trung của tầng lớp quý tộc quan liêu, nó củng cố chế độ đẳng cấp, bảo vệ tư hữu. Nhưng để tập trung toàn bộ quyền lực vào tay Nhà nước, đại biểu là Vua, pháp luật nhà Lý cũng đã có phần nào hạn chế sự bành trướng thế lực của quan liêu quý tộc nói chung và cũng đã có những biện pháp tốt trong việc bảo đảm sản xuất nông nghiệp.
Một trong những biện pháp hàng đầu để làm cho nước trị, dân yên dưới thời quân chủ, là nhà cầm quyền phải quan tâm tới sản xuất nông nghiệp. Kinh tế nông nghiệp là cơ sở của chế độ quân chủ, cho nên trong giai đoạn đầu của các triều đại, Nhà nước quân chủ thường đặc biệt chăm sóc đến nông nghiệp. "Dĩ nông vi bản" (Lấy nông nghiệp làm gốc) là nội dung căn bản các chính sách kinh tế của Nhà nước quân chủ, nó bắt nguồn từ quyền lợi bóc lột nông dân. Tuy nhiên, trong những triều đại mà giai cấp phong kiến còn có vai trò của nó, chính sách "trọng nông" vẫn có tác dụng tích cực đối với sự phát triển của sản xuất nông nghiệp. Chính sách trọng nông vào thời các vua đầu triều Lý cũng đã có những tác dụng tích cực đáng kể.
Cày “tịch điền" là một nghi lễ cổ truyền, ít nhiều biểu hiện chính sách trọng nông đó. Lễ nghi này được sử chép từ đời Lê Đại Hành, vào năm 987, và nó đã được thực hiện dưới thời Lý. Các vua Lý có tịch điền ở nhiều nơi: ứng Phong (Nghĩa Hưng, Nam Định), Đỗ Động giang Hà Tây cũ), Bố Hải Khẩu thành phố Thái Bình), Lý Nhân (Hà Nam), Diễn hộ (hoặc Ô Lô, Hưng Yên), Cửa bể Khả Lãm (?)...
Sách Toàn thư chép vào năm 1038, Lý Thái Tông ngự ra Bố Hải Khẩu cày ruộng tịch điền, sai quan ty lấy đất xây đàn, vua thân cúng Thần Nông xong, cầm cày toan tự mình cày, tả hữu có người can rằng: "Đấy là việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế?". Vua nói: "Trẫm không tự cày thì lấy gì mà làm xôi cúng, lấy gì để xướng suất thiên hạ?. Thế rồi, đẩy cày ba đường rồi thôi 9.
Năm 1056, Vua Lý Thánh Tông ban chiếu khuyến nông trên toàn quốc. Bên cạnh những nghi lễ tượng trưng trên đây, triều Lý vẫn có những biện pháp tích cực hơn. Nhà nước đã chú trọng đến việc bảo vệ sức sản xuất. Khi Lý Thái Tổ mới lên ngôi năm 1010, đã xuống chiếu bắt tất cả những người đào vong phải trở về quê hương bản quán, như vậy cốt là để nhân số lao động nông nghiệp được đảm bảo. Chính sách "ngụ binh ư nông" (gửi binh ở nông thôn) cũng có tác dụng phát triển sản xuất nông nghiệp, sức lao động không bị thiếu. Năm 1128 triều đình "cho sáu quân thay phiên nhau về làm ruộng, theo chế độ xưa"10.
Chu Khứ Phi trong sách Lĩnh Ngoại đại đáp cũng chép rằng binh sĩ thay nhau nghỉ một tháng một lần để cày ruộng tự cấp11. Nhà Lý còn rất chú ý bảo vệ trâu bò, nguồn sức kéo chủ yếu, quan trọng dùng vào việc canh tác ở nước ta. Triều đình đã ban hành nhiều luật lệnh để bảo vệ trâu bò. Ăn trộm trâu, hay giết trâu bị tội rất nặng. Năm 1118, Vua Lý Nhân Tông xuống chiếu rằng kẻ nào mổ trộm trâu thì xử 80 trượng đồ làm khảo giáp, vợ xử 80 trượng đồ làm tang thất phu (phục dịch ở nhà nuôi tằm) và đầu trâu.
Nhà láng giềng không tố cáo thì xử 80 trượng12. Năm 1123, vua lại xuống chiếu: "Trâu là vật cần thiết cho cày cấy", lợi cho người không ít. Từ nay về sau, 3 nhà làm thành một bảo, không được giết trộm trâu. Nếu có việc tế tự thì phải tâu xin, được chỉ mới cho, ai vi phạm khép trọng tội. Nhà hàng xóm không báo cũng bị tội như vậy"13
Ngoài ra, Nhà nước còn chú trọng đến việc bồi đắp đê điều, đào mới hoặc khơi sâu một số con kênh, con sông như: đào kênh Dẫn Nài, khai kênh Lẫm ở Thanh Hóa, khơi sâu sông Lãnh Kinh ở Thái Nguyên, khơi sâu sông Tô Lịch ở Thăng Long... Bên cạnh đó, việc xá tô thuế cho nhân dân cũng chứng tỏ chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Năm 1010, Lý Thái Tổ xá thuế 3 năm. Năm 1016, được mùa lớn, Thái Tổ lại xuống chiếu xá tô thuế 3 năm. Năm 1017, lại tha tô ruộng. Thời Lý Thái Tông, năm 1040, xá một nửa số thuế, năm 1044, vua lại tha một nửa thuế... Những chính sách khuyến nông của nhà Lý trên đây đã làm cho sức sản xuất nông nghiệp phát triển. Đầu thời Lý, đã có nhiều năm được mùa lớn. Năm 1016, được mùa lớn, 30 bó lúa chỉ giá có 70 tiền. Sử cũ ghi chép các năm 1079, 1092, 1124, đều là những năm được mùa lớn. Chính nhờ thế mà đời sống nông dân tương đối được ổn định, chính quyền quân chủ tập trung được củng cố, đấy cũng là một điều kiện quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi.
Vương triều Lý cũng là triều đại mở đầu cho sự nghiệp phục hưng vãn hóa dân tộc. Trong bước đầu xây dựng nền văn hóa, nhà Lý đặc biệt chăm lo việc giáo dục, học tập và tổ chức thi cử. Sơn hơn 100 năm giành được quyền độc lập, tự chủ, vào tháng 8, mùa thu năm Canh Tuất (1070), dưới triều Vua Lý Thánh Tông, Nhà nước quân chủ Việt Nam mới cho lập Văn Miếu – một hành động có tính biểu tượng cho sự thừa nhận Nho giáo của những người cầm quyền đương thời. Văn Miếu dựng xong, Lý Thánh Tông cho đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối: Phục Thánh Nhan Tử (Nhan Uyên), Tông Thánh Tăng Tử (Tăng Sâm), Thuật Thánh Tử Tư (Khổng Cấp), Á Thánh Mạnh Tử (Mạnh Khả), vẽ tranh Thất thập nhị hiền (72 học trò giỏi của Khổng Tử) để bốn mùa cúng tế.
Năm 1075, Vua Lý Nhân Tông mở khoa thi Nho học tam trường và tuyển chọn "Minh Kinh Bác sĩ” người học rộng hiểu rõ kinh điển Nho giáo).
Khoa này chọn được 10 người, đỗ đầu là Lê Văn Thịnh. Đó là khoa thi Nho học đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam và Lê Văn Thịnh có vinh dự là người khai khoa của quốc gia Đại Việt. Năm 1076, nhà Lý lại cho mở Quốc Tử giám, ngay bên cạnh Văn Miếu, làm nơi học tập cho con em tầng lớp quý tộc quan lại. Nền đại học Việt Nam bắt đầu từ đó…
Năm 1086, triều đình mở khoa thi tuyển chọn người có tài văn học trong nước để bổ vào làm quan trong Hàn Lâm viện. Mạc Hiển Tích đỗ đầu được bổ làm Hàn Lâm Học sĩ. Sau đó, nhà Lý còn tiếp tục mở các khoa thi để kén chọn nhân tài vào các năm 1152, 1165, 1185 và 1195.
Trong ý tưởng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam độc lập ở thời kỳ này, có sự đóng góp rất quan trọng của giới thiền sư. Về mặt tư tưởng – chính trị, họ góp phần không nhỏ tạo dựng nên được cả một triều đại, với những ông vua như: Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông... đầy tư cách thuần từ, lấy đức từ bi làm căn bản cho chính trị.
Có thể nói tư tưởng chính trị dưới triều Lý là sự kết hợp khá hài hòa giữa tư tưởng Nhân nghĩa của Nho giáo và tư tưởng từ bi bác ái của Phật giáo.
Tư tưởng Nhân nghĩa của Nho giáo, mặc dù được Khổng Tử và Mạnh Tử là những người đầu tiên đề xướng và luận bàn rất tường tận, nhưng tư tưởng đó đã phần nào có ở trong Kinh Thư và Kinh Thi. Thiên Thái Trọng chi mệnh (Kinh Thư) viết: "Hoàng thiên vô thân, duy đức thị phụ. Dân tâm vô thường, duy huệ thị hoài (Nghĩa là: Trời không thân với ai, chỉ giúp người có đức. Lòng dân không thường, chỉ yêu mến người có ân huệ). Thiên Kim đằng (Kinh Thư) có câu: "Dư nhân nhược khảo" (Nghĩa là: Ta nhân thuận với ông cha). Thơ Thúc vu điền, trong Trịnh phong (Kinh Thi) cũng có câu: "Tuân mỹ thả nhân" (Nghĩa là: Vừa đẹp vừa nhân từ).
Trên cơ sở kế thừa có phê phán những tư tưởng đó của tiền nhân, Khổng Tử đã làm phong phú thêm khái niệm "Nhân", cho nó một hàm nghĩa mới, phát triển thành hạt nhân lý luận trong học thuyết của mình. Thiên Ung dã (Luận Ngữ), Khổng Tử phác họa những nét chính về nhân cách của bậc "Nhân giả": "Phù nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân. Năng cận thủ thí, khả vì nhân chi phương dã dĩ” (Người nhân, hễ muốn tự lập lấy mình thì cũng lo thành lập cho người; hễ muốn mình đạt được thành quả, thì cũng lo làm cho người đạt được thành quả. Có thể lấy thí dụ ngay trong thực tế trước mắt mà ra sức thực hiện, đó là phương pháp để trở thành người nhân vậy). Ở thiên Nhan Uyên (Luận Ngữ), có câu: "Phàn Trì vấn nhân. Tử viết: Ái nhân" (nghĩa là: Phàn Trì hỏi thế nào là người có đức nhân? – Khổng Tử trả lời: Hãy yêu thương con người).
Mạnh Tử đã kế thừa những luận điểm "Nhân", "Đức trị" của Khổng Tử, đề xuất khái niệm "Nhân chính (Nền chính trị dựa trên đức nhân), để thu phục nhân tâm, thống nhất thiên hạ. Nội dung của Nhân chính về đại thể bao gồm: giảm hình phạt, tha thuế khóa, tạo điều kiện để dân được an cư lạc nghiệp, tăng gia sản xuất thu hoạch nhiều thóc lúa, dâu gai … Trên nền tảng dân chúng đã có của ăn của để (Tức cái mà Mạnh Tử gọi là Hằng sản), nhà vua sẽ tiến hành việc giáo hóa theo những tiêu chuẩn đạo đức luân lý của Nho gia, để bảo tồn cái mà Mạnh Tử gợi là Hằng tâm (tấm lòng thường xuyên hướng thiện).
Về văn học, các vị Thiền sư là lực lượng sáng tác đông đảo và quan trọng nhất, tạo nên cả một dòng thơ, được mệnh danh là Thơ Thiền đời Lý, phần lớn lấy cảm hứng từ chủ đề Phật giáo.Về mỹ thuật, những công trình kiến trúc và điêu khắc của Phật giáo cũng là những đóng góp mỹ thuật quan trọng nhất của thời Lý. Trong sách Lý Thường Kiệt của mình, không phải ngẫu nhiên Học giả Hoàng Xuân Hãn đã nhận xét: "Đời Lý có thể gọi là đời thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó chính là ảnh hưởng của Đạo Phật". Nếu trong hai triều Đinh và Tiền Lê, chúng ta thấy triều đình Hoa Lư, còn dùng những cực hình như vạc dầu, chuồng hổ để trừng trị kẻ có tội, thì sang đời Lý, các vị vua có đạo đức và đời sống tâm linh, có độ lượng khoan hồng với dân và ngay cả với kẻ cừu địch. Vua Lý Thái Tông đã tha tội cho Nùng Trí Cao, không giết, còn Vua Lý Thái Tông cũng đã không giết vua Chiêm Thành là Chế Củ.
Có thể nói, những tư tưởng, chính sách trị quốc, an dân của các vua nhà Lý mang đậm tính chất nhân ái, vị tha là chịu ảnh hưởng của lòng từ bi, bác ái của Đạo Phật kết hợp với tinh thần “thương người như thể thương thân” truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng ấy được biểu hiện khá rõ trong một câu nói của Vua Lý Thái Tông vào năm 1064. Sách Toàn thư chép: “Mùa hạ, tháng 4 năm Giáp Thìn (1064), Vua ngự điện Thiên Khánh xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa bảo ngục lại rằng: “ta yêu con ta, cũng như lòng ta làm cha mẹ dân, nhân dân không biết mà mắc vào hình pháp, ta rất lấy làm thương. Từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ, đều nhất luận khoan giảm14.
Với những nhà chính trị có từ tâm như Vua Lý Thái Tông ấy, luôn luôn lo tới việc giáo dục sự thực hành đạo từ bi trong nhân dân, khiến cho đời sống xã hội đời Lý trở thành thuần từ và đẹp đẽ. Đạo đức và từ bi là nộI dung cốt yếu của những tư tưởng, chính sách trị quốc, an dân dưới triều Lý. Nhưng điều đó không làm cho dân nghèo, nước yếu, trái lại, nó là yếu tố quan trọng tạo nên cảnh phú cường cho đất nước. Những chiến công phá Tống, bình Chiêm, cùng với sự gần gũi giữa những người cầm quyền với nhân dân, sự đồng thuận của toàn dân tộc trong thời khắc khó khăn là minh chứng thuyết phục nhất cho những thành công của tư tưởng và chính sách trị quốc, an dân trong khoảng 215 năm lịch sử vương triều Lý (1009 – 1225). Đó cũng là bài học sâu sắc và quý giá đối với chúng ta hiện nay.
PGS.TS. Nguyễn Minh Tường (*)
Viện sử học Việt Nam
(*) Bài tham gia Hội thảo 1000 năm Thăng Long- Hà Nội với những sự kiện chính trị pháp lý trọng đại của đất nước, tháng 9/2010
(1) Ngô Thì Sĩ: Đại Việt sử ký tiền biên.Nxb Khoa học xã hội, H.1997, tr.194.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư (gọi tắtlà Toàn thư) Nxb Khoa học Xã hội. H.1972,tập 1. Tr.190,191
(3) Toàn thư. Sđd, tr.191
(4) Phan Huy Chú: Lịch sử triều hiến chương loại chí. Nxb Sử học, Hà Nội 1961, tập 2, tr 7.
(5) Ngô Thì Sỹ: Đại việt sử ký tiền biên: Nxb Khoa học xã hội, H.1997, tr.235
(6) Toàn thư: Sđđ, tr.219
(7) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Sđđ, tập 4, tr.42.
(8) Toàn thư. Sđđ, tập 1, tr.281.
(9) Toàn thư.Sđđ, tập 1, tr.214
(10) Toàn thư.Sđd, tập 1, tr.260
(11) Chu khứ phi. Lĩnh ngoại đại đáp , Q.2, tờ 3a.
(12) Toàn thư. Sđd, tập 1, tr. 247
(13) Toàn thư. Sđd, tập 1, tr. 253
(14) Toàn thư: Sđd, tập 1, tr.232