Thứ Năm, 28/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 25/9/2010 22:11'(GMT+7)

Những văn kiện đã nêu bật được vấn đề mới và các giải pháp cụ thể

Bày tỏ nhất trí cao với dự thảo Cương lĩnh, ông Hoàng Bình ở huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, những thắng lợi vĩ đại mà dân tộc ta đã giành được, những yếu kém, khuyết điểm, khó khăn thách thức và 5 bài học kinh nghiệm xuyên suốt mà Đảng ta rút ra là cơ sở quan trọng để chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng: dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, Đảng ta sẽ tiếp tục lớn mạnh, đất nước ta sẽ tiếp tục phát triển và giành được những thành tựu to lớn hơn nữa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Đề cập về những định hướng lớn phát triển kinh tế, theo ông Bình để các thành phần kinh tế có sự hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, đặc biệt là giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước đề nghị Trung ương nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, qui định nhằm từng bước giảm độc quyền của một số doanh nghiệp nhà nước trên 1 số lĩnh vực. Từ đó, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân tham gia những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà doanh nghiệp nhà nước hiện nay đang độc quyền. Như vậy sẽ góp phần xây dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đồng thời hạn chế những tiêu cực do tình trạng độc quyền của một số doanh nghiệp nhà nước.

Nhất trí về định hướng phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, chính sách xã hội...Bà Nguyễn Thị Hạnh ở Nam Định bày tỏ: Trung ương cần xác định rõ lĩnh vực khoa học công nghệ nào là trọng tâm trong chiến lược phát triển. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cần tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là trong tình hình hiện nay, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường đang đặt ra cấp bách ở nhiều địa phương (ô nhiễm làng nghề, khu chăn nuôi, chất thải lỏng và rắn từ các cụm và khu công nghiệp...). Nếu không có chính sách, cơ chế kịp thời để huy động các nguồn vốn, đồng thời xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật bảo vệ môi trường thì sẽ không thể phát triển “ Năng lượng sạch”, “sản xuất sạch” và “ tiêu dùng sạch” như dự thảo Cương lĩnh đề ra.

Theo ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí, việc bổ sung, phát triển Cương linh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở nước ta là hết sức cần thiết trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến đổi, nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, trong mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế, giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ với sự phát triển của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Tất cả những vấn đề quan trọng và nhạy cảm đó đòi hỏi việc định hướng chiến lược của Đảng ta phải phản ánh được ý chí nguyện vọng chân chính của nhân dân, tạo ra sự đồng thuận xã hội, đưa đất nước ổn định, phát triển và vững bước đi lên.


Đồng tình và nhất trí cao với các nội dung của Cương lĩnh, ông Thanh cho rằng, Cương lĩnh đã khẳng định những thắng lợi vĩ đại dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; nhìn nhận và chỉ rõ những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo của Đảng, điều đó càng khẳng định sự lớn mạnh của Đảng ta, dám nhìn nhận vào sự thật. Đảng đã rút ra những bài học lớn: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, nội dung Đảng Cộng sản Việt Nam và công tác xây dựng Đảng một lần nữa khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc; Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc cơ bản. Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo. Giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng, bảo đảm đầy đủ dân chủ và kỷ luật trong sinh hoạt Đảng. Thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội và mọi hành động chia rẽ bè phái. Đảng phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, có phẩm chất năng lực, có sức chiến đấu cao; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân.

Theo ông Tống Quốc Trường, Trưởng Ban đầu tư phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia ,các nội dung Dự thảo Chiến lược được xây dựng dựa trên các cơ sở khoa học đúng đắn, các khía cạnh kinh tế-xã hội Việt Nam được phân tích kỹ lưỡng đặt trong mối quan hệ với hoạt động của các quốc gia trên thế giới thông qua quá trình toàn cầu hoá. Dự thảo Chiến lược đã xác định rõ mục tiêu tổng quát và các khâu đột phá chiến lược để thực hiện: Thứ nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Đây là khâu đột phá để tạo điều kiện thuận lợi nhằm giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, tháo gỡ mọi rào cản quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh ứng dụng KHCN, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Cần phát triển nhanh và hài hòa các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp trong đó thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất để nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển. Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh và ngày càng hiện đại các loại hình thị trường. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý và phân phối, đảm bảo công bằng lợi ích, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ hai, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân. Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phải đặt ngang tầm với phát triển kinh tế, tạo sự ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng xã hội vì mục tiêu phát triển con người, phát huy tối đa nguồn lực con người, vốn nhân lực trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và hội nhập. Tiếp tục giải phóng triệt để lĩnh vực lao động, sản xuất và sức lao động; phát triển mạnh nguồn nhân lực có chất lượng và trình độ cao; tạo việc làm theo hướng bền vững và có thu nhập cao; phát triển thị trường lao động đồng đều trên phạm vi cả nước để gắn kết cung-cầu lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; thực hiện công bằng trong quan hệ phân phối tiền lương và thu nhập, phụ thuộc vào kết quả lao động, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.

Thứ ba, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Hình thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, triển khai một số công trình hiện đại là một đột phá chiến lược, yếu tố này được xác định là quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Với đặc điểm nền kinh tế, vị trí địa chính trị của Việt Nam cần tập trung nguồn lực để xây dựng đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, một số cảng biển và cảng hàng không đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là phải xử lý dứt điểm hạ tầng đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, từng bước hình thành các trục giao thông Bắc-Nam, các trục hành lang Đông –Tây bảo đảm liên kết các phương thức vận tải.

Như vậy, thực hiện tốt 3 khâu đột phá này sẽ giúp Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, đồng thời qua đó thực hiện thành công mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020../.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất