Thứ Năm, 3/10/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 18/4/2010 9:59'(GMT+7)

Vấn đề đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục Đại học từ cách nhìn của Giảng viên, Sinh viên trẻ

Tham dự buổi tọa đàm có sự góp mặt của Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Trần Quang Quý, Bí thư TW Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cùng Ban Giám hiệu trường ĐH Ngoại thương và đông đảo giảng viên, sinh viên của trường.

       Trong buổi thảo luận, TS - Giảng viên Phan Thị Vân (môn Đầu tư nước ngoài) đã nêu lên những nguyện vọng, tâm tư của đội ngũ giảng viên trẻ của trường về vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy; việc rèn luyện, bồi dưỡng chuyên môn; thu nhập và đặc biệt nhấn mạnh đến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ. Theo ý kiến của Tiến sỹ Vân, việc hướng giảng viên trẻ đến hoạt động nghiên cứu khoa học không hề đơn giản. Đối với giảng viên trẻ, việc chuẩn bị, hoàn thiện bài giảng để không bị sinh viên "chê", hoàn thành công việc của khoa và bộ môn giao, chuẩn bị xin học bổng du học đã chiếm hết quỹ thời gian, không còn thời gian để nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó nhiều giảng viên thừa nhận việc nghiên cứu khoa học chỉ là nghĩa vụ, không phải niềm đam mê; còn tồn tại tâm lý "sợ" viết bài hoặc không thích viết vì cho rằng sản phẩm của mình viết ra không có độc giả, không có lợi ích cho xã hội.

      Theo giảng viên, nhà trường và Bộ GD-ĐT cần có sự tuyên dương, khen thưởng kịp thời đối với những giảng viên trẻ có sự đổi mới phương pháp dạy, đem lại hiệu quả cao trong dạy và học; đồng thời cần khuyến khích, tạo điều kiện cho giảng viên đi thực tập, bồi dưỡng chuyên môn như: giảm giờ giảng dạy, được giữ nguyên lương trong quá trình thực tập ...

      Về phía người học, sinh viên Hoàng Thu Thủy (Lớp Nhật 2 -K46) cũng nêu lên tình trạng thụ động của nhiều sinh viên hiện nay: chỉ ngồi nghe và ghi chép, chờ thầy cô "dọn cơm sẵn", chưa tìm cho mình một phương pháp học tập và nghiên cứu phù hợp, hiệu quả. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, dụng cụ học tập, nghiên cứu; chỗ ở trong KTX cùng vấn đề kiểm tra đánh giá năng lực và việc hoạt động thiếu hiệu quả, thiếu sâu sát của Đoàn - Hội thanh niên cũng được các bạn sinh viên quan tâm. Thủy mong muốn Nhà trường và Bộ GD-ĐT trang bị, xây dựng các phòng thí nghiệm, phòng máy tính, thư viện có truy cập Internet hay tổ chức các lớp học về kĩ năng mềm cho sinh viên để người học có thể tiếp thu được kiến thức một cách triệt để nhất.

       Sinh viên Vũ Quốc Anh - Chủ tịch CLB Nguồn nhân lực lại nhấn mạnh về những yếu tố mà doanh nghiệp cần ở sinh viên hiện nay. Theo ý kiến của các nhà tuyển dụng, sinh viên hiện nay rất thiếu kỹ năng làm việc: làm việc nhóm, tính sáng tạo, khả năng giao tiếp, ngoại ngữ, kĩ năng “mềm”... điều này dẫn tới thực tế nhiều sinh viên ra trường không thể tìm được việc làm.

       Theo kiến nghị của nhiều sinh viên, Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo các trường ĐH thay đổi phương pháp giảng dạy và hình thức học tập, giúp sinh viên phát huy tính tự chủ, tự tìm tòi, giảm giờ giảng trên lớp, tăng thời gian tự nghiên cứu; đồng thời cần giảm bớt lý thuyết mà thay vào đó là kiến thức chuyên ngành gắn liền với thực tế, được cập nhật thường xuyên. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp cần tạo ra nhiều cơ hội thực tập gắn liền với đào tạo cho sinh viên; doanh nghiệp và nhà trường cần phối hợp, chủ động gắn kết xây dựng hình thức hợp tác đào tạo dài hạn, hiệu quả cao.

        Chủ trì buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT PSG Trần Quang Quý đã trả lời những băn khoăn, thắc mắc của các bạn sinh viên về sự xói mòn đạo đức ở sinh viên và giáo viên, vấn đề đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học trong môi trường ĐH ... Thứ trưởng đã ghi nhận sự cố gắng trong việc cải tiến phương pháp dạy và học của giảng viên, sinh viên trường ĐH Ngoại thương nói riêng và của các trường ĐH nói chung.

      Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc đảm bảo, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường mà đó là nhiệm vụ của cả sinh viên và các cấp Đoàn - Hội Thanh niên. Xã hội không quan tâm tới việc chúng ta đổi mới cách quản lý như thế nào mà chỉ quan tâm tới việc sinh viên sau khi ra trường liệu có đáp ứng được yêu cầu thực tế công việc đặt ra hay không?

       Sau buổi tọa đàm, Thứ trưởng chỉ đạo các liên chi Đoàn phối hợp với Đoàn trường và Nhà trường tổ chức các lớp học kỹ năng mềm, xây dựng cho mình các chương trình kế hoạch cụ thể để rèn luyện, phấn đấu thành sinh viên toàn diện, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội đặt ra.

Vương Tâm

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất