Thứ Sáu, 22/11/2024
Hướng dẫn chỉ đạo
Thứ Sáu, 24/2/2017 10:12'(GMT+7)

Vấn đề gia đình và giải phóng phụ nữ trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước” của Mác và Ph.Ăngghen

 

 
 

Trong tác phẩm, Mác và Ăngghen không chỉ nêu rõ mối liên kết giữa chế độ gia trưởng và chế độ tư hữu, hai ông còn chỉ ra rằng việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào quá trình lao động sản xuất ra của cải vật chất sẽ là chìa khóa để giải phóng phụ nữ và từ đó dẫn tới sự bình đẳng trong gia đình.

1. Nguồn gốc, sự hình thành và phát triển của gia đình

Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và Nhà nước được xuất bản năm 1884 bởi Ăngghen, một năm sau ngày mất của Mác. Tuy nhiên, do nó được dựa khá nhiều trên những ghi chú của Mác nên nó vẫn được coi là tác phẩm viết chung giữa hai ông. Về cơ bản, tác phẩm này có nhiều ý tưởng được khởi nguồn từ một nghiên cứu mang tính lý thuyết của nhà nhân chủng học L. H. Moocgan (1818-1881) mang tên: Xã hội cổ đại (1877). Ăngghen và Moocgan có chung quan điểm rằng, kiểu hình gia đình một vợ một chồng gia trưởng truyền thống không phải là tự nhiên và bất biến. Ngược lại, nó chỉ là một kiểu hình gia đình được hình thành gần đây trong lịch sử xã hội loài người nhằm duy trì và củng cố các xã hội tư hữu, bao gồm cả xã hội tư bản chủ nghĩa. Ông cho rằng trong thực tế, phải mất một thời gian dài để xã hội loài người phát triển tới kiểu hình gia đình một vợ một chồng này. Nhưng nó cũng chỉ là một trong số các giai đoạn phát triển và không ai có thể chắc chắn rằng đây sẽ là kiểu hình cuối cùng. Ăngghen cũng nhấn mạnh rằng ngay từ khi bắt đầu xuất hiện, gia đình một vợ một chồng đã chỉ là “một vợ một chồng đối với người đàn bà mà thôi, chứ không phải đối với đàn ông. Và cho đến nay, chế độ một vợ một chồng vẫn còn giữ tính chất ấy”(1).

Ăngghen và Mác đồng ý với luận điểm của Moocgan về một thời kỳ trong giai đoạn sớm nhất của lịch sử loài người, khi mà quan hệ tình dục là tĩnh giao hỗn tạp và chưa có bất kỳ một khái niệm nào về hôn nhân. Dựa trên nghiên cứu của Moocgan, Ăngghen đã phát triển luận điểm của mình để giải thích về nguồn gốc của xung đột giữa các giai cấp trong xã hội cũng như trong gia đình. Có thể thấy ngay từ trong tiêu đề của cuốn sách, Ăngghen đã nhận định rằng sự xuất hiện của nhà nước và gia đình một vợ một chồng đều được bắt nguồn từ sự ra đời của chế độ tư hữu. Theo Ăngghen, trong thời gian đầu của công xã nguyên thủy, tất cả thành viên của thị tộc đều chia sẻ của cải kiếm được một cách công bằng. Do đó, không ai hoặc không nhóm người nào có thể chiếm hữu và tư hữu của cải. Tuy nhiên, theo thời gian, khi mà thị tộc ngày càng đông đúc hơn và dần trở thành một tổ chức xã hội phức tạp, cùng với sự dồi dào của nguồn của cải kiếm được, sự công bằng trong việc phân chia trước đây cũng dần biến mất. Con người bắt đầu biết tích lũy số của cải kiếm được, và điều này dẫn đến việc chiếm hữu tư nhân ở một số người hoặc một số nhóm người. Chính nó đã tạo điều kiện cho một số người có khả năng vượt lên trên những người khác trên phương diện tài sản và quyền lực(2). Đây chính là cơ sở tạo nên sự bất bình đẳng giữa các cá nhân và các nhóm người trong xã hội cũng như là tiền đề cho sự ra đời của mâu thuẫn giai cấp.

Ăngghen cho rằng gia đình chính là nơi nam giới chiếm hữu và truyền lại các tài sản của cá nhân. Từ các kết quả nghiên cứu của Moocgan, Ăngghen đã đưa ra giả thuyết về sự áp bức đối với phụ nữ sẽ tăng lên cùng với sự phát triển của tư hữu tư bản và xã hội giai cấp. Ông mặc định về một sự phân công lao động giữa nam và nữ trong các xã hội săn bắn - hái lượm. Nam giới nhận trách nhiệm tham gia chiến trận, săn bắn, và sau này là thuần hóa động vật, trong khi phụ nữ đảm trách việc tìm kiếm thức ăn (trong xã hội săn bắn – hái lượm), trồng trọt, trông nom nhà cửa, nấu nướng, và may vá(3). Tuy nhiên, trong giai đoạn này, công việc của phụ nữ có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến sự tồn tại của cả thị tộc vì phụ nữ không chỉ làm ra nhiều thức ăn hơn nam giới mà trong nhiều trường hợp, họ còn cung cấp hầu hết thức ăn cho cả thị tộc (4). Ăngghen cho rằng phụ nữ, với khả năng cung cấp và duy trì sự sinh tồn của thị tộc thông qua hoạt động lao động sản xuất và tái sinh sản, có ưu thế hơn nam giới trong các xã hội này. Ông tin rằng đây là đặc điểm chính của xã hội nguyên thủy, và do đó những xã hội này hầu hết đều tuân theo chế độ mẫu quyền. Dòng giống chỉ có thể được truy nguyên qua người mẹ, và “vì vậy, chỉ có nữ hệ là được thừa nhận”(5).

Tuy nhiên, Ăngghen tin rằng xã hội loài người đã thay đổi cùng với sự ra đời và phát triển của “chăn nuôi gia súc, nghề đúc và rèn kim loại, dệt, và sau cùng là nông nghiệp”(6). Trong xã hội sản xuất nông nghiệp, nam giới thường đảm nhận những công việc nặng, ví dụ như cày cấy và thuần hóa gia súc(7). Trong khi đó, vai trò tái sinh sản của phụ nữ cũng đã thay đổi khi mà sản xuất nông nghiệp đòi hỏi số lượng lớn lao động để trồng trọt và chăn nuôi gia súc. Do đó, nhiệm vụ sinh sản của phụ nữ đã được tối ưu hóa và họ được khuyến khích sinh đẻ càng nhiều càng tốt. Những thay đổi này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc phân công lao động giữa hai giới. Nam giới bắt đầu gia tăng vai trò đặc thù của họ trong việc lao động sản xuất ở ngoài gia đình, trong khi phụ nữ bị giữ chân nhiều hơn ở nhà để tập trung vào vai trò tái sinh sản. Khi đó, ngôi nhà dần trở thành nơi dành riêng cho việc tái sản xuất sức lao động. Theo Sharon Smith, một học giả và là nhà hoạt động xã hội người Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, khả năng sinh đẻ của người phụ nữ đã ngăn cản họ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất. Theo thời gian, lượng của cải mà nam giới làm ra dần dần nhiều hơn và tỏ ra vượt trội so với lượng của cải mà phụ nữ sản xuất được. Điều này dẫn đến việc thay đổi vị thế của nam giới và phụ nữ không chỉ trong gia đình mà còn trên phạm vi toàn xã hội. Với tư cách là những người trực tiếp làm ra và nắm giữ của cải, nam giới giờ đã có vị thế và uy quyền lớn hơn phụ nữ(8).     

Khi mà của cải được làm ra ngày càng nhiều và được cất giữ trong mỗi gia đình, vấn đề cốt lõi bây giờ là cá nhân nào sẽ có quyền nắm giữ chúng và chúng sẽ được truyền lại cho thế hệ sau như thế nào. Trong trường hợp một cặp vợ chồng chia tay, người phụ nữ sẽ giữ lại cho mình những đồ đạc trong nhà, và người nam giới sẽ mang theo mình các công cụ lao động (ví dụ như gia súc, nô lệ…)(9). Theo Ăngghen, điều này sẽ dẫn đến việc người đàn ông mong muốn được truyền lại những tài sản mà họ tích lũy được cho con của chính họ. Gia đình mẫu hệ với quyền lực tập trung trong tay người phụ nữ, đến lúc này lại là một trở lực chính ngăn cản những đứa con nhận quyền thừa kế từ cha của mình. Hơn thế nữa, nếu như quan hệ tình dục trong xã hội vẫn là tĩnh giao hỗn tạp thì sẽ rất khó cho người cha có thể xác định chính xác đâu là con của mình(10). Trước những thực tế này, “cần phải xóa bỏ chế độ huyết tộc theo mẫu quyền đi đã, và chế độ đó đã bị xóa bỏ”(11). Ăngghen cho rằng chính trong bối cảnh này, gia đình phụ quyền gia trưởng bắt đầu được hình thành.

2. Vấn đề giải phóng phụ nữ

Đối với Ăngghen, “chế độ mẫu quyền bị lật đổ là sự thất bại lịch sử có tính chất toàn thế giới của giới phụ nữ(12). Trong gia đình một vợ một chồng, vị thế của nam giới và nữ giới bị thay đổi hoàn toàn: “Người đàn ông cũng nắm lấy quyền cai quản, còn người đàn bà thì bị mất cái vị trí vinh dự của họ, bị nô dịch, bị biến thành nô lệ để giải trí cho đàn ông, thành một công cụ sinh đẻ đơn thuần”(13). Lúc này, người chồng - người cha là ông chủ của toàn bộ các thành viên trong gia đình còn người vợ - người mẹ trở thành đối tượng bị bóc lột. Ăngghen thừa nhận chế độ một vợ một chồng là “một bước tiến lịch sử lớn”(14) do nó đã mang lại sự ràng buộc chặt chẽ hơn trong hôn nhân. Tuy nhiên, “đồng thời nó cũng mở ra, bên cạnh chế độ nô lệ và của cải tư nhân, một thời kỳ kéo dài cho đến ngày nay, khi mà mỗi bước tiến đồng thời cũng là một bước lùi tương đối, khi mà hạnh phúc và sự phát triển của những người này được thực hiện bằng sự đau khổ và bị áp chế của những người kia”(15).

Ăngghen nhận thấy rằng sự hình thành và tồn tại của gia đình một vợ một chồng không phải là căn nguyên mà chính là hệ quả của một xã hội phân chia giai tầng. Eleanor Burke Leacock (1922-1987), nhà nhân chủng học và hoạt động nữ quyền người Mỹ, nhận xét rằng: “Sự chia tách của gia đình khỏi thị tộc và sự thiết lập chế độ hôn nhân một vợ một chồng chính là những phản ứng mang tính chất xã hội của việc phát triển chế độ tư hữu. Cái được gọi là chế độ một vợ một chồng đã cung cấp những cách thức mà thông qua đó của cải có thể được trao truyền và thừa kế một cách cá nhân. Tư hữu cho một vài người có nghĩa là không có gì cho những người khác. Điểm cốt lõi trong hệ thống quan điểm của Ăngghen nằm ở mối quan hệ một cách mật thiết giữa sự nổi lên của gia đình với tư cách là một đơn vị kinh tế bị thống trị bởi nam giới và sự phát triển của các giai cấp trong xã hội”(16).

Một mục đích quan trọng của sự thiết lập chế độ một vợ một chồng là để trao truyền của cải từ người cha sang con của ông ta dưới hình thức thừa kế. Vậy nên không có cái gì gọi là “tình yêu” trong gia đình một vợ một chồng. Chỉ khi nào xã hội giai cấp bị phân rã (khi mà phụ nữ được giải phóng khỏi sự lệ thuộc về mặt kinh tế vào nam giới), thì hôn nhân mới có thể thực sự được dựa trên cơ sở của tình yêu đích thực.

Mác và Ăngghen nhấn mạnh rằng trong xã hội tư bản chủ nghĩa, “người chồng là đại diện của giai cấp tư sản còn người vợ đại diện cho giai cấp vô sản”(17). Do đó, bản đăng ký kết hôn giữa vợ và chồng còn có thể được coi là bản hợp đồng mà giai cấp vô sản (người vợ) ký kết với giai cấp tư sản (người chồng) để bán sức lao động của mình. Ăngghen nhận xét rằng kiểu hình gia đình này tạo điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của chủ nghĩa tư bản. Hơn thế nữa, ông cũng lưu ý rằng phụ nữ trong các gia đình tư sản sẽ phải chịu nhiều áp bức hơn so với phụ nữ trong các gia đình vô sản. Theo phân tích của Ăngghen, trong các gia đình tư sản, người chồng là người duy nhất lao động kiếm tiền để nuôi sống gia đình trong khi người vợ ở nhà, đóng vai trò của “người quản gia chính”, đảm trách toàn bộ công việc nhà và nuôi dạy con cái. Do đó, mối quan hệ giữa hai vợ chồng sẽ không bình đẳng vì người vợ phải phụ thuộc vào chồng mình và có trách nhiệm sinh ra những người thừa tự hợp pháp để thừa kế tài sản của người chồng(18). Ngược lại, trong các gia đình vô sản, mối quan hệ giữa vợ và chồng có thể bình đẳng hơn do cả hai đều tham gia lao động kiếm tiền để nuôi sống gia đình(19). “Ở đây, không có tài sản nào cả, tài sản mà để duy trì và thừa kế nó người ta đã lập ra chế độ một vợ một chồng và sự thống trị của người đàn ông; như vậy là ở đây không có một cái gì kích thích để lập ra sự thống trị đó cả”(20).

Tuy nhiên, trong xã hội tư bản chủ nghĩa, người vợ vẫn luôn được nhìn nhận là người phải đảm trách các công việc nội trợ bất kể cô ta có đi làm hay không. Do đó, mặc dù vẫn tham gia vào quá trình lao động sản xuất, phụ nữ trong các xã hội tư bản tiến bộ vẫn không thể có được sự bình đẳng với nam giới, thứ mà họ đã từng có trong các xã hội nguyên thủy. Dưới góc nhìn của Ăngghen, gốc rễ của sự áp bức đối với phụ nữ nằm ở chế độ tư hữu. Do đó, ông nhận định rằng phụ nữ sẽ được giải phóng khi mà chế độ tư hữu bị xóa bỏ. Sự biến đổi của chế độ tư hữu sang chế độ công hữu sẽ mang lại một mối quan hệ tự do hơn rất nhiều do ở đó sẽ không còn sự phụ thuộc của nữ giới vào nam giới. Ăngghen tin rằng việc giải phóng phụ nữ phụ thuộc vào một số điều kiện bao gồm việc tạo cơ hội cho toàn bộ phụ nữ tham gia vào quá trình sản xuất, sự biến đổi lao động nội trợ thành một ngành công nghiệp xã hội, và sự xã hội hóa giáo dục và chăm sóc trẻ em(21).

3. Kết luận

Tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và Nhà nước đã vấp phải một số sự chỉ trích (đặc biệt là từ các nhà nữ quyền phương Tây) về những thiếu sót và một vài điểm không chính xác của nó. Thứ nhất, Moocgan và Ăngghen có vẻ như đã hơi cường điệu hoặc có sự nhầm lẫn khi tổng kết rằng tất cả các xã hội nguyên thủy đều là xã hội mẫu hệ. Có các bằng chứng chứng minh rằng chế độ mẫu quyền đã từng tương đối phổ biến trong thời kỳ đó (xem Douglas, 1964), nhưng rất nhiều (nếu không muốn nói là hầu hết) các xã hội tiền tư bản đều là xã hội phụ hệ. Có vô vàn những bằng chứng của sự thống trị của nam giới trong các xã hội tiền tư bản (xem Reiter, 1975; Jacobs, 2010). Hơn nữa, Ăngghen đã không thể lý giải được một cách xác đáng bằng cách nào mà chế độ mẫu quyền và các xã hội mẫu hệ lại chuyển sang chế độ phụ quyền và các xã hội gia trưởng (Smith, 1997). Nếu điều này diễn ra là do mối quan hệ tự nhiên giữa người cha và con của mình, thì sự xuất hiện của gia đình một vợ một chồng cũng mang tính chất tự nhiên chứ không phải tính chất xã hội như Ăngghen vẫn quan niệm (Weikart, 1994).

Ngoài ra, một số nhà hoạt động nữ quyền phê phán Ăngghen vì đã quá quan tâm đến sản xuất kinh tế và chủ nghĩa tư bản mà coi nhẹ các yếu tố liên quan đến gia đình và phụ nữ. Nhà xã hội học người Anh D. Chambers cho rằng khi mà Ăngghen khẳng định việc giải phóng phụ nữ chỉ có thể xảy ra sau khi đã giải phóng nền kinh tế thì ông đã “xếp hành vi tái sản xuất sức lao động xuống dưới hành vi sản xuất” (2012: 19). Ăngghen cũng bị chỉ trích vì đã không để tâm đến tầm quan trọng của các công việc nội trợ, tình nguyện, cũng như việc chăm sóc người già và trẻ nhỏ (Adams và Sydie, 2001). Cuối cùng, khi phân tích gốc rễ của sự áp bức của phụ nữ trong gia đình một vợ một chồng, Ăngghen đã không tính đến bất kỳ yếu tố nào khác ngoài chế độ tư hữu. Trong thực tế, có rất nhiều yếu tố khác đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử có thể kể đến như văn hóa, truyền thống, hoặc tôn giáo đã tác động, hình thành và duy trì sự lệ thuộc của phụ nữ vào nam giới. Do đó, nếu chỉ tập trung xóa bỏ chế độ tư hữu mà không đề cập đến các vấn đề văn hóa, tôn giáo và ý thức hệ thì khó có thể giải phóng người phụ nữ một cách hoàn toàn. “Sự đánh đổ chức năng kinh tế của gia đình sẽ không tự động dẫn tới việc thiết lập chủ nghĩa xã hội, nhưng đó nên được coi là một trong những mục tiêu trọng tâm cần phải đấu tranh trên con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản” (Leacock, 1972: 44).

Mặc dù có một vài điểm thiếu sót nêu trên, tuy nhiên, những luận điểm của Mác và Ăngghen về gia đình và vấn đề giải phóng phụ nữ trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, chế độ tư hữu và Nhà nước vẫn có những ảnh hưởng đặc biệt quan trọng tới tư tưởng của các học giả theo thuyết nữ quyền macxit (Smith, 1997). Tác phẩm này đã cất lên “một lời phê phán rất đáng chú ý nhằm vào kiểu hình gia đình hạt nhân thời Victoria và vẫn tiếp tục vang lên như là một lời chỉ trích đầy dũng cảm nhắm tới sự bất bình đẳng về giới giữa nam và nữ” (Chambers, 2012: 19). Điểm đặc biệt của cuốn sách này được thể hiện ở việc Ăngghen đã tập trung nhấn mạnh được tầm quan trọng của việc đưa phụ nữ tham gia vào quá trình lao động sản xuất ra của cải vật chất. Điều này cùng với những nỗ lực của ông trong việc hệ thống lại lịch sử quá trình diễn ra sự phụ thuộc của phụ nữ vào nam giới, thậm chí ngay cả khi các nhân tố khác đã và đang tác động đến quá trình này không được nhắc đến (như đã phân tích ở trên), vẫn luôn là những di sản rất quan trọng. Sự tham gia của phụ nữ vào quá trình lao động sản xuất ra của cải vật chất trong xã hội tư bản có thể chỉ cung cấp một phần “câu trả lời” cho việc giải phóng họ khỏi sự phụ thuộc vào nam giới, tuy nhiên, đó có thể là ‘câu trả lời’ duy nhất.

_______________

(1), (3), (5), (6), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (17), (20), (21) Engels Ph: Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1972, tr.99, 263, 64, 85, 86, 97, 87, 89, 89, 103, 103, 117-118, 114, 118-121 .

(16) Xem Leacock Eleanor. 1972. Introduction. In Engels, F. (ed.) The Origin of the Family, Private Property and the State. Pathfinder Press.

(2), (4) Xem Smith Sharon. 1997. Engels and the Origin of Women's Oppression. International Socialist Review. [Online] http://www.isreview.org/issues/02/engles_family.shtml

(7) Ăng-ghen cho rằng quá trình thuần hóa gia súc diễn ra trước khi loài người biết đến việc dùng lưỡi cày. Tuy nhiên, quan điểm chung hiện nay thừa nhận rằng hai quá trình này xuất hiện và phát triển cùng lúc với nhau.

(18) Ăngghen phê phán rằng kiểu hình “hôn nhân có tính toán đó thường thường biến thành tình trạng mại dâm ty tiện nhất – có khi là của cả đôi bên, nhưng thường nhất là về phía người vợ; nếu người đàn bà ở đây có khác với gái đĩ thường, thì chỉ ở chỗ là người đó không đem thân mình ra bán mỗi lần như người nữ công nhân làm thuê bán lao động của mình, mà là bán mãi mãi, như người nô lệ” (sđd. 113)

(19) Tuy nhiên, lao động nữ lại thường bị áp bức và thiệt thòi về quyền lợi ở nơi họ làm việc. Lương của họ thường thấp hơn so với nam giới và thường chỉ được coi là phần thêm vào trong thu nhập của cả gia đình. Nạn quấy rối tình dục và sự khó khăn trong việc được cất nhắc lên những vị trí cao vẫn là những vấn đề phổ biến mà lao động nữ đang gặp phải.

 

TS Ngô Ngân Hà

Nguồn: Tạp chí Lý luận Chính trị

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất