Sinh
thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn coi trọng giáo dục, đào
tạo, tổ chức, huấn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng và tri thức quân
sự cao cho lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh
từng dạy: “Cũng như chim muốn bay cần phải có hai cánh, một cuộc chiến
tranh muốn thắng lợi cần phải có hai lực lượng chính: quân sự và chính
trị… Bên ta chính trị rõ ràng, quân sự tiến bộ mãi. Hai cánh của ta rất
mạnh, ngày càng mạnh thêm, cho nên ta nhất định thắng lợi. Thêm vào đó,
tình hình thế giới rất lợi cho ta. Cánh ta đã vững, gió lại thuận chiều,
quân và dân ta hãy cố gắng lên, thắng lợi vẻ vang đang gần trước mắt”
(Nói chuyện trong phiên họp tháng 7 của Hội đồng Chính phủ ngày
25-7-1949). Người huấn thị quân nhân phải văn võ song toàn. Trong thư gửi Quân nhân học báo,
tháng 4-1949, Người viết: “Quân nhân phải biết võ, phải biết văn. Võ là
như tay phải, văn là như tay trái của quân nhân. Biết võ, biết văn mới
là quân nhân hoàn toàn. Muốn biết thì phải thi đua học…”.
Cách đây 86 năm, kể từ khi bắt đầu thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ và Đảng ta đã kế thừa truyền thống, kinh nghiệm đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, kinh nghiệm chiến tranh cách mạng, chiến tranh vệ quốc của Hông quân Liên Xô, Hồng quân Trung Quốc, vận dụng sáng tạo học thuyết quân sự của chủ nghĩa Mác-Lênin, xác định phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng. Ngay từ năm 1930, trong hai văn kiện “Chính cương vắn tắt” và “Luận cương chính trị” đã đề ra nhiệm vụ lập “Quân đội công nông”. Đầu xuân 1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, khẳng định đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, lập ra Mặt trận Việt Minh để đoàn kết toàn dân cứu nước và đề ra nhiệm vụ xây dựng “Việt Nam nhân dân cách mạng quân” chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Đảng ta đã tích cực xây dựng lực lượng vũ trang như các đội tự về đỏ, du kích Bắc Sơn, du kích Nam kỳ, đội vũ trang Cao Bằng, các đội cứu quốc quân. Đó là những đội quân tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. 10 năm (1931 - 1941) tổng diễn tập đấu tranh cách mạng, kết hợp chính trị, quân sự, bí mật, công khai và nửa công khai, giúp Đảng ta hình thành những luận điểm lớn của đấu tranh chính trị, đấu tranh võ trang.
Đầu năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương đã họp, từ ngày 25 đến 28-2-1943, ở Võng La (Đông Anh), Hội nghị xác định toàn bộ công tác Đảng phải nhằm vào chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Tháng 5-1944, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa”.
Từ cuối tháng 7-1944, liên tỉnh uỷ Cao-Bắc-Lạng nhận định điều kiện để phát động khởi nghĩa vũ trang đã chín muồi, dự kiến cuộc họp để quyết định ngày, giờ khởi nghĩa. Đúng lúc ấy, Bác Hồ từ Trung Quốc về. Người đã kịp thời ra lệnh đình lại. Người phân tích: “Bây giờ, thời kỳ cách mạng hoà bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”(1).
Tháng 10-1944, trong “Thư gửi đồng bào toàn quốc”, Bác Hồ nhận định: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh” (2).
Người tiên đoán phát xít Nhật, Đức, Ý bị quân Đồng minh đánh bại. Quân Đồng minh sẽ kéo vào Đông Dương, giải giáp tước vũ khí của quân Nhật. Ta phải Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, ra mắt Chính phủ lâm thời, Tuyên ngôn độc lập, trước khi quân Đồng minh kéo vào nước ta. Những nhiệm vụ mới đặt ra “phải làm nhanh” là phát triển Đảng, mở rộng Mặt trận Việt Minh, rời căn cứ cách mạng từ Cao Bằng xuống Tuyên Quang, Thái Nguyên, chuẩn bị tiến về Hà Nội, chuẩn bị triệu tập Đại hội Đại biểu quốc dân Việt Nam, cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng (Chính phủ lâm thời cách mạng), cử ra Uỷ ban khởi nghĩa, lập Uỷ ban quân sự cách mạng, lập đội quân chủ lực cùng với quân địa phương, quân du kích, thời cơ đến, đồng loạt khởi nghĩa, giành chính quyền trên toàn quốc.
Cuối năm 1944, tại Pác Pó-Cao Bằng, Bác Hồ viết Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Bản Chỉ thị thành lập Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân của Bác viết ngắn gọn, chỉ rõ nhiệm vụ của quân chủ lực với quân địa phương, quân du kích trong cách mạng, chiến tranh nhân dân, cách đánh du kích, vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, vừa huấn luyện quân địa phương, vừa đánh giặc. Vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, Bản Chỉ thị còn có giá trị như một Cương lĩnh quân sự, đặt nền tảng cho đường lối quân sự, đường lối chiến tranh nhân dân và lực lượng vũ tranh nhân dân của Đảng ta sau này.
Về tổ chức, Bác chỉ thị thành lập đội quân chủ lực gồm những người kiên quyết nhất, dũng cảm nhất trong các đội vũ trang Cao-Bắc-Lạng và các nơi, lấy tên là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Bác Hồ và Ban Thường vụ Trung ương Đảng trao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng.
Đầu tháng 12-1944, công tác nhân sự đã hoàn tất, được Bác Hồ thông qua, các chiến sĩ của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được chọn từ những đội viên ưu tú trong hàng ngũ lực lượng vũ trang địa phương: các đội du kích Cao-Bắc-Lạng, các đội quân mở đường Nam tiến (Từ Cao Bằng kéo về Tuyên Quang, Thái Nguyên) và một số đội viên của cứu quốc quân.
Ngày 22-12-1944, tại khu rừng mang tên vị Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đã cử hành Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên.
Trong Lễ thành lập, các cán bộ, chiến sĩ nghe Bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân của Bác Hồ. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Đảng phân công phụ trách quân sự, đọc Diễn văn thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Bài Diễn văn mang đầu đề “Tiến lên con đường vũ trang tranh đấu”. Trong đó có đoạn: “Theo Chỉ thị của Trung ưông Đảng, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, tôi xin nguyện tuyên bố: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành lập và hạ lệnh cho các đồng chí tiến lên con đường vũ trang tranh đấu” (3).
Bác chỉ thị: Sau khi thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân phải hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, đánh giặc. Và “Trận đầu, nhất định phải thắng”. Theo lời Bác, chỉ hai ngày sau khi ra đời, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã xuất quân, lên đường chiến đấu, đánh hai trận liên tiếp - Trận Phai Khắt vào chiều 25-12-1944, trận Nà Ngần vào sáng 26-12-1944, tiêu diệt gọn quân địch, bắt toàn bộ tù binh, thu toàn bộ vũ khí. Sau một tuần lễ, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã phát triển thành Đại đội, gồm 3 Trung đội. Đây là Đại đội quân chủ lực đầu tiên của quân đội ta.
Trên đà thắng lợi đó, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đẩy mạnh công tác, vũ trang, tuyên truyền, xây dựng cơ sở cách mạng, góp phần củng cố và mở rộng căn cứ Cao-Bắc-Lạng, cổ vũ và thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân trong cả nước.
Đầu tháng 5-1945, theo Quyết định của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Đội Cứu quốc quân hợp nhất thành Giải phóng quân Việt Nam, quân chủ lực của Đảng và Dân tộc, tiến lên cùng toàn dân vùng dậy Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước, trong Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.
Từ đội quân chủ lực đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã không ngừng phát triển, thể hiện đội quân vững vàng về chính trị, tài giỏi về quân sự, chiến đấu và chiến thắng trong Cách mạng Tháng Tám, trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược. Đúng như tiên đoán của Bác Hồ: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam” (4). Đó là Đội quân Anh hùng của Dân tộc Anh hùng.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, kính yêu Bác Hồ và yêu mến Quân đội Nhân dân Việt Nam, dân tộc ta, xưa, nay, và mai sau, gọi ngày 22-12-1944 là “Ngày khai sinh của Bộ Đội Cụ Hồ”./.
Trần Quang Hoa
.................
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Những chặng đường lịch sử” NXB Văn học, HN, 1977, tr 130
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: “Văn kiện Đảng toàn tập”. Tập 7 (1940-1945). NXB Chính trị Quốc gia. HN. 2000. Tr 353.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: “Văn kiện Đảng toàn tập”. Tập 7 (1940-1945). NXB Chính trị Quốc gia. HN. 2000. tr 515.
4. Hồ Chí Minh toàn tập, Xuất bản lần thứ 3, tập 3, (1930-1945) NXB Chính trị Quốc gia. HN. 2011. Tr 540.