Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, “một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam”[1]. Người là “một trong những nhân vật chính trị có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ XX”[2], không chỉ đối với lịch sử dân tộc mà còn có những đóng góp vô cùng lớn lao cho lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Tiêu biểu và nổi bật cho những cống hiến đó, được thể hiện trong vai trò của một chiến sĩ cộng sản quốc tế đối với phong trào cách mạng Ấn Độ.
Sau khi trở thành chiến sĩ cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã quan tâm nhiều đến phong trào cách mạng thuộc địa ở Châu Á, trong đó có Ấn Độ - quê hương của một trong những nền văn minh lâu đời nhất thế giới và tiếp tục nở rộ những tư tưởng Phật giáo, nghệ thuật và khoa học. Nhưng thực dân Anh đã xâm lược và thống trị Ấn Độ một thời gian dài - hàng trăm năm. Để giành lại độc lập, tự do của mình, nhân dân Ấn Độ đã anh dũng đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.
Chính sách của thực dân Anh là dùng người Ấn trị người Ấn, họ xúi giục người Ấn theo đạo Hồi chống lại đạo Bàlamôn, nay khen thưởng tiểu vương này, mai vỗ về tiểu vương khác (hồi đó Ấn chia làm trên 600 tiểu quốc), cho họ ghen tị nhau mà tranh nhau trung thành với Anh Hoàng. Nhờ thủ đoạn ấy và nhờ khí giới tối tân nhất mà một nhóm người Anh giữ được một thuộc địa trên 300 triệu dân – “một xứ dân đông gần gấp mười nước Anh hồi đó”[3].
Với vốn hiểu biết sâu rộng, tư duy chính trị nhạy bén cùng với vốn thực tiễn phong phú và ngòi bút sắc sảo của mình, từ những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã có khá nhiều bài viết về Ấn Độ. Người đã đấu tranh với chủ nghĩa thực dân bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu là thông qua các cơ quan ngôn luận, báo chí. Những bài viết của Nguyễn Ái Quốc không chỉ chứng tỏ rằng sự hiểu biết của Người là rất sâu sắc mà còn xác nhận cương vị của một chiến sĩ quốc tế thông cảm, chia sẻ nỗi khổ nhục, chỉ dẫn cho cuộc đấu tranh, gây cho họ lòng tin vào thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc. Vai trò của Người đối với cách mạng Ấn Độ lúc đó được thể hiện ở những điểm sau:
Một là, góp phần vạch trần bản chất của chủ nghĩa thực dân Anh và phê phán thái độ ươn hèn của những người phản bội lại lợi ích dân tộc.
Trong bài viết “Phong trào công nhân ở Ấn Độ”, trên Tập san Inprekorr (Tạp chí Thư tín), số 37, ngày 14-4-1928, với bút danh WANG, Nguyễn Ái Quốc đã thống kê số lượng và nỗi khổ của công nhân Ấn Độ những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX dưới ách áp bức của thực dân Anh. Họ làm việc rất dài trong ngày trong điều kiện vệ sinh “tồi tệ” nhưng được hưởng lương rất thấp. Do đó, các cuộc bãi công của công nhân ngày càng tăng lên. Đối với nông dân càng khốn khó hơn: “Trên 230 triệu người Ấn Độ, tức là 75% dân số thuộc giai cấp nông dân, sống trong 685.000 làng ở Ấn Độ, 70% đất canh tác thuộc quyền sở hữu của các đại, trung địa chủ, số này chỉ bằng một phần ba số nông dân, trong đó 90 triệu nông dân tuyệt đối không có chút ruộng đất gì”[4].
Người đã đề cập đến tình trạng đói kém thường xuyên và nguyên nhân của sự đói khổ, cùng cực của người nông dân Ấn Độ là “do thiếu đất và thuế má quá nặng… Một phần ba đất đai được giành riêng cho trồng trọt phục vụ công nghiệp và thương nghiệp Anh… Bên cạnh sự bóc lột của địa chủ Anh, và địa chủ bản xứ, người nông dân Ấn Độ còn bị bóc lột một cách kinh khủng bởi những tên Shuka hay những chủ nợ, chúng cho vay 30 rupi trước mùa gặt và đòi lại 146 rupi”[5]. Do nghèo khổ, bị áp bức nên họ không ngừng đứng lên đấu tranh. Song các phong trào ấy còn mang tính tự phát, thiếu tổ chức hoặc tổ chức chưa chặt chẽ trong cuộc đấu tranh của nông dân.
Bằng vốn hiểu biết thực tiễn phong phú và thông qua ngòi bút sắc sảo của mình, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc Anh: “Tại Ấn Độ cũng như ở các thuộc địa khác, chủ nghĩa đế quốc Anh đang tìm cách chia rẽ giai cấp vô sản bằng cách thường xuyên khơi sâu những thành kiến về chủng tộc. Vì thế tất cả các chỗ làm được trả lương cao đều dành cho người Anh và những người lai Anh - Ấn… Để đáp lại những đặc quyền đó, những viên chức người Anh và người lai hợp tác với giới chủ chống công nhân bản xứ…”[6].
Người cũng lên án mạnh mẽ những nghiệp đoàn chịu ảnh hưởng chủ nghĩa cải lương của Công Đảng Anh. Hơn nữa, Người đã vạch trần thái độ ươn hèn của những đảng viên Công Đảng Anh, những đảng viên Công Đảng Ấn Độ phản bội những người bãi công và rao giảng về “hòa bình công nghiệp”[7].
Hai là, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân và ca ngợi ý thức dân tộc của người Ấn Độ
Trong bài “Phong trào cách mạng ở Ấn Độ” đăng trên báo La Revue Communiste (Tạp chí Cộng sản, số 18-19, tháng 8, 9-1921), Nguyễn Ái Quốc ca ngợi phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ chống thực dân Anh để giành độc lập, tự do và giới thiệu về thuyết “bất hợp tác”, “bất bạo động” của Mahátma Găngđi. Khi các phong trào cách mạng ở Ấn Độ đang phát triển mạnh mẽ, trở thành những làn sóng đình công và đấu tranh vũ trang của quần chúng diễn ra sôi nổi nhưng đã bị thực dân Anh đàn áp dã man, như cuộc bạo động của nông dân ở Malaba (Tây Nam Ấn Độ). Người viết: “Các cuộc khởi nghĩa ở Malaba đang được dư luận hết sức chú ý. Đế quốc Anh đang phải chống đỡ khắp nơi. Nhắc lại lịch sử phong trào cách mạng Ấn Độ lúc này là một việc lý thú”[8]. Đồng thời, Người nhắc lại truyền thống lịch sử đấu tranh quật cường của mọi tầng lớp nhân dân Ấn Độ như là sự cổ động và kịp thời động viên tinh thần nhân dân Ấn Độ trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Anh thống trị, bóc lột.
Lịch sử phong trào cách mạng ở Ấn Độ đã thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân trong cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống đế quốc Anh xâm lược. Người đã nêu những tấm gương điển hình trong các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức đấu tranh khác nhau như: “Năm 1880, nhà Triết học Rama Kơrisơna dùng tôn giáo để truyền bá cách mạng…”; sau đó, “Đamôđa và Bankơrisơna kế tục sự nghiệp của Rama và giáo dục chủ trương cách mạng một cách dũng cảm, công khai”[9]. Hoặc nhà báo TiLắc, thông qua ngòi bút sắc sảo của mình thức tỉnh nhân dân đứng lên đấu tranh. Bài viết xuất sắc của TiLắc - “Lời than của Xiôgi” có nội dung kể như sau: “Một ông vua tỉnh dậy từ dưới mồ sâu, trở lại thăm vương quốc thân yêu, ông rất buồn khi thấy thần dân của mình phải chịu kiếp nô lệ, khổ nhục. Ông kêu gọi tất cả những người Ấn Độ hãy thức tỉnh và hợp lực để lật đổ ách ngoại bang và giành lại nền độc lập mà ông đã truyền lại cho họ”[10]. Thông qua các câu chuyện, Nguyễn Ái Quốc muốn thức tỉnh quần chúng nhân dân Ấn Độ phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết đứng lên đấu tranh giành lại độc lập dân tộc.
Ngoài ra, Nguyễn Ái Quốc cũng nêu ra những tấm gương nhà báo lao động hăng say, quên mình, những biên tập viên, các báo xã hội chủ nghĩa như tờ Kêxari, Vihari… “Họ viết không lấy tiền và đôi khi còn được trả công bằng những tháng, thậm chí những năm tù… Nhưng điều đó không làm thay đổi thái độ lẫn cách suy nghĩ của họ”[11].
Bên cạnh đó, hàng loạt những hoạt động đấu tranh sôi nổi của nhân dân diễn ra ở Ấn Độ, cuộc vận động đặc biệt lên cao từ sau chiến tranh Nga – Nhật. Cuộc đấu tranh đó thể hiện rõ tinh thần dân tộc của người Ấn Độ, chẳng hạn: “Tượng nữ hoàng Víchtoria bị bôi nhọ vào đêm trước lễ kỷ niệm ngày sinh của nữ hoàng. Bài hát Banđênataran – Bài Mácxâye của người Ấn Độ - được phổ biến nhanh chóng và được hát bằng tất cả các thổ ngữ của người Ấn Độ”. Ngoài ra, việc tẩy chay hàng hóa Anh và làm tan rã tinh thần các đơn vị lính bản xứ được nghiên cứu rất công phu; nhiều trung đoàn nổi lên bạo động…
Trước vận mệnh của dân tộc, mọi tầng lớp nhân dân từ giáo viên, học sinh, sinh viên, điền chủ, nhà buôn, thầy thuốc, công chức, chiến sĩ tập hợp lại đấu tranh chống áp bức, bóc lột, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, đẳng cấp, thế hệ “lòng dũng cảm không trừ già hay trẻ” và “Thảm họa của đất nước đã xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp và tôn giáo. Người giàu, người nghèo, quý tộc và nông dân, Hồi giáo và Phật giáo, đều hợp sức đoàn kết”[12]. Bởi đối với các dân tộc thuộc địa, vấn đề dân tộc luôn được đặt lên hàng đầu, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, trước hết. Lợi ích của các giai cấp, các bộ phận phục tùng lợi ích của dân tộc. Nguyễn Ái Quốc ca ngợi đường lối của Mahátma Găngđi – “Người đã đặt viên đá đầu tiên để dựng lên thuyết bất hợp tác và bất bạo động. Đường lối đó được theo đuổi một cách thắng lợi”.
Ganđi (Mohandas Koranchand Gandhi) (1869 - 1948), biệt hiệu Mahatma (có nghĩa là “Tâm hồn vĩ đại”) được nhân dân Ấn Độ suy tôn là “Thánh”. Ông là một nhà triết học, văn học và hoạt động cách mạng nổi tiếng của Ấn Độ, lãnh tụ của Đảng Quốc Đại, người chủ trương thực hiện đường lối bất hợp tác, bất bạo động để giành độc lập cho Ấn Độ khỏi sự thống trị của thực dân Anh. Nguyễn Ái Quốc cho rằng, con đường đấu tranh này phản ánh sự nhận thức và cách đi riêng của người Ấn Độ để đi đến độc lập tự do, được quy định bởi truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc Ấn Độ. Phong trào bất hợp tác ở Ấn Độ do Mahatma Ganđi phát động năm 1921. “Sau vụ thảm sát Amritxa (14-4-1919), thực dân Anh đã tàn sát hàng vạn người Ấn Độ, Mahatma Ganđi đã phát động phong trào bất hợp tác toàn diện với chính quyền thực dân Anh. Nhân dân Ấn Độ tẩy chay dùng hàng hóa của Anh, tự kéo sợi và dệt vải may quần áo, không làm việc ở các công sở của Anh, không học tập tại các trường học của Anh, không đi lính cho chính quyền Anh...”[13]. Xuất phát từ đặc điểm của dân tộc, Ganđi đã định ra đường lối đấu tranh cách mạng thích hợp. Ông phấn đấu cho sự đoàn kết dân tộc nhưng bằng phương pháp cách mạng độc đáo dựa trên hai nguyên tắc “Ahimsa” (tư tưởng “bất bạo lực”) và “Satyagraha” (lý thuyết “bất hợp tác”). Với hai nguyên tắc này, ông đã xây dựng lên đường lối của mình. Về văn hóa, Ấn Độ là xứ sở của tôn giáo (Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Cơ đốc giáo, Phật giáo, đạo Xích…), giữa các tôn giáo này lại có điểm chung là tư tưởng cầu an, hòa bình, bất bạo động, chống sát sinh. Bộ phận giai cấp vô sản công nghiệp còn thấp về chất lượng và số lượng nên Đảng Cộng sản thành lập muộn (1933). Trong khi đó, giai cấp tư sản ra đời sớm, có chính đảng sớm, trở thành lực lượng khá mạnh. Bộ phận đại tư sản vừa có mối quan hệ kinh tế với chính quốc, vừa có mối quan hệ chặt chẽ với dân tộc Ấn Độ. Vì thế giai cấp tư sản dễ dàng chấp nhận đường lối đấu tranh của Ganđi. Sau này, người học trò của ông là J. Nêru (1889 - 1964) đã lãnh đạo phong trào quần chúng đấu tranh giành độc lập dân tộc trên cơ sở đường lối đó. “Với Hội nghị thường niên năm 1929 ở Lahor…, phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển mạnh mẽ. Vào lúc nửa đêm ngày cuối cùng năm 1929, bước sang năm 1930, Nêru đã trịnh trọng kéo lá cờ đỏ ba sắc đỏ, trắng, xanh lá cây (sau này màu đỏ được thay bằng màu vàng nghệ) được chọn làm quốc kỳ của nước Ấn Độ độc lập trong tiếng hô vang của các đại biểu: “cách mạng muôn năm”. Ngay sau đó, nhiều cuộc biểu tình đã được tổ chức ở toàn Ấn Độ vào ngày 26-1-1930. Ngày 26-1 được coi là ngày độc lập đầu tiên của Ấn Độ. Hàng năm, cứ đến ngày 26-01, nhân dân Ấn Độ lại kỷ niệm “Ngày Độc lập” của mình”[14].
Trong “Thư gửi từ Ấn Độ”, với bút danh WANG, trên Tập san Inprekorr (Thư tín quốc tế), số 28, ngày 17-3-1928, Nguyễn Ái Quốc đã trình bày thực trạng phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ, đặc biệt là ở Bombay, Mađrat, Amêđabát… Người khẳng định: “Chưa bao giờ - ngay cả trong thời kỳ mà phong trào bất hợp tác theo chủ trương của Găngđi lên đến tột đỉnh – tinh thần của đất nước sôi động đến mức đó”[15].
Nhờ đó, không chỉ người Ấn Độ quan tâm đến vấn đề này mà ngay cả những người yêu chuộng hòa bình, công lý, kể cả người Anh cũng kêu gọi nhân dân Ấn Độ đứng lên đấu tranh, bảo vệ độc lập dân tộc. Nguyễn Ái Quốc đã nêu ra tấm gương điển hình là nữ tiến sĩ Bidan, một cụ bà 70 tuổi người Anh, trở thành người dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ đầy nhiệt huyết, rất tích cực trong phong trào dân tộc và được nhân dân Ấn Độ rất yêu mến. Bà đã đưa ra lời kêu gọi vang dội: “Hỡi những người cách mạng của Ấn Độ! Hãy đứng lên và đoàn kết lại! Tổ quốc cần đến tất cả các người”[16].
Thông qua những ví dụ cụ thể, những tấm gương điển hình, những sự kiện khác nhau, Nguyễn Ái Quốc đã biểu dương tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức dân tộc chân chính của người Ấn Độ và những người yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới.
Ba là, bước đầu truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Ấn Độ, đồng thời bổ sung vào kho tàng của chủ nghĩa Mác – Lênin lý luận về thuộc địa.
Với những bằng chứng cụ thể, Nguyễn Ái Quốc đã vạch rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc, đồng thời thức tỉnh, cổ vũ các dân tộc bị áp bức đi theo lời kêu gọi của C.Mác: “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”, đi theo con đường của cách mạng Tháng Mười Nga, chủ động tiến hành đấu tranh cách mạng để tự giải phóng mình.
Sau khi bắt gặp chân lý cách mạng của thời đại (1920), tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có những hoạt động lý luận và thực tiễn hết sức sôi nổi để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về nước và trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Có thể nói, Nguyễn Ái Quốc đã bước đầu truyền bá học thuyết về Đảng Cộng sản của chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Ấn Độ. Mặc dù, Người không trực tiếp đề cập đến cụm từ “Đảng Cộng sản” nhưng trong bài viết “Phong trào công nhân ở Ấn Độ” (1928), Người đã đề cập đến sự cần thiết phải có một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân để dẫn đường cho phong trào cách mạng trong nước. Qua thực tiễn đấu tranh, Người nhận thấy rằng: “Chỉ có đảng công nông cương quyết ủng hộ những người bãi công và trong công cuộc tuyên truyền tổng bãi công, Đảng đó ngày càng được lòng công nhân, những người trông thấy ở Đảng phương tiện duy nhất thắng giới chủ”[17].
Khi nói về Đảng công nông ở Ấn Độ, Người còn khẳng định: “Ta nên nói thêm rằng Đảng công nông đã ghi vào chương trình ruộng đất của mình những yêu sách sau đây: quyền hoa lợi của đất trồng thuộc về nông dân và quốc hữu hóa ruộng đất”[18]. Nghĩa là, Đảng đó đấu tranh bảo vệ những quyền lợi thiết thân của những người nông dân Ấn Độ.
Khác với các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, dựa trên cơ sở thực tiễn là xã hội phương Tây, mâu thuẫn cơ bản nhất trong xã hội lúc bấy giờ là mâu thuẫn giai cấp, các ông đã đưa ra chủ trương đi từ đấu tranh giải phóng giai cấp, đến giải phóng dân tộc và tiến tới giải phóng con người. Nguyễn Ái Quốc căn cứ vào thực tiễn các nước thuộc địa, mâu thuẫn cơ bản, nổi lên hàng đầu là mâu thuẫn dân tộc. Người xác định đường lối chiến lược của cách mạng thuộc địa là đi từ giải phóng dân tộc đến giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Để làm được điều đó, phải tiến hành cách mạng triệt để, phải “cách mạng đến nơi”, phải đem chính quyền giao cho dân chúng số nhiều, có như thế dân chúng mới được hưởng hạnh phúc.
Như vậy, trước hết phải làm cách mạng giải phóng dân tộc, thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là đánh đuổi đế quốc xâm lược như “An Nam đuổi Pháp, Ấn Độ đuổi Anh, Cao Ly đuổi Nhật, Philíppin đuổi Mỹ, Tàu đuổi các đế quốc chủ nghĩa để giành chính quyền tự do bình đẳng của dân nước mình”[19], sau đó mới có địa bàn tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, căn cứ vào thực tiễn các nước thuộc địa, Người đã góp phần bổ sung vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin lý luận về vấn đề giải phóng dân tộc ở thuộc địa.
Trong vai trò là một chiến sĩ cộng sản quốc tế, những đóng góp của Nguyễn Ái Quốc có ý nghĩa lý luận và thực tiễn nhất định đối với phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, trong đó đáng kể đến là cách mạng giải phóng dân tộc ở Ấn Độ. Đó là, Người nêu lên bản cáo trạng đanh thép, tố cáo chủ nghĩa thực dân, đế quốc nói chung, chủ nghĩa thực dân Anh tại Ấn Độ nói riêng. Cống hiến đó, có giá trị thức tỉnh các dân tộc bị áp bức và hướng các nước thuộc địa vào con đường đấu tranh giải phóng theo con đường cách mạng vô sản và đường lối của Quốc tế Cộng sản. Vì những lẽ đó, Hồ Chí Minh không chỉ được UNESSCO tôn vinh với danh hiệu kép, là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn của Việt Nam mà còn được coi là Người khởi xướng cho phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa thế kỷ XX. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam cần kế thừa, phát huy hơn nữa các mối quan hệ truyền thống tốt đẹp đối với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Ấn Độ./.
ThS. Nông Thị Xuân
Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên
[1] Hội thảo quốc tế: Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb Khoa học xã hội, H, 1990, tr.5.
[2] W.J.Duiker: Ho Chi Minh a life, Hyperion, New York, America, p.2
[3] Nguyễn Hiến Lê: Lịch sử thế giới, Nxb Văn hóa thông tin, 2006, tr.668.
[13] Đặng Đức An: Những mẩu chuyện lịch sử thế giới, Nxb Giáo dục, 2002, tr.213.
[14] Đỗ Thanh Bình: Lịch sử phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX – một cách tiếp cận, ĐHSP, Hà Nội, 2006, tr.227.