Trong các quan điểm, chủ trương về văn hóa được xác định trong các văn kiện Ðại hội XI, cái cơ bản, cốt lõi gắn rất chặt với những điểm bổ sung mới, nội dung và nhiệm vụ mới để tạo nên một hệ thống đồng bộ về chăm lo phát triển văn hóa.
Tìm hiểu các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, định hướng phát triển văn hóa được xác định trong các văn kiện Ðại hội XI của Ðảng, chúng ta thấy rõ, các quan điểm, chủ trương đó xuất phát từ ba cơ sở sau đây:
Một là, sự tiếp tục khẳng định các quan điểm cơ bản đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn từ đổi mới, 1986 đến nay.
Hai là, từ tổng kết thực tiễn những năm qua, bổ sung, phát triển, làm phong phú và hoàn thiện các quan điểm trên.
Ba là, xuất phát từ những đòi hỏi của sự phát triển đất nước thời kỳ mới với mục tiêu 'tạo nền tảng đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại', chỉ ra những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đối với sự phát triển văn hóa những năm tới.
Như vậy, trong các quan điểm, chủ trương về văn hóa được xác định trong các văn kiện Ðại hội XI, cái cơ bản, cốt lõi gắn rất chặt với những điểm bổ sung mới, nội dung và nhiệm vụ mới để tạo nên một hệ thống đồng bộ về chăm lo phát triển văn hóa.
1- Ðại hội XI xác định, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong tám đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta xây dựng, theo quan niệm mới của Ðảng và nhân dân ta về chủ nghĩa xã hội. Ðiều đó đã được chỉ rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 1991 và tiếp tục khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) (Xin được gọi tắt là Cương lĩnh 1991, Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011). Ðây là quan điểm cốt lõi, song, điều đáng lưu ý là, nếu phân tích các đặc trưng khác của CNXH, tuy không đề cập trực tiếp đến văn hóa, nhưng xét về chiều sâu của nó, các đặc trưng đó chính là những giá trị văn hóa. Rõ ràng là, các đặc trưng như 'dân chủ, công bằng, văn minh', 'do nhân dân làm chủ', 'con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện', 'các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển', 'có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới'... đều là những giá trị văn hóa đích thực và cao đẹp mà con người khát vọng vươn lên và phấn đấu đạt tới. Nói cách khác, nhìn từ góc độ giá trị, quan niệm của chúng ta về CNXH chính là tổng hòa những giá trị văn hóa - văn minh - lịch sử, cả về vật chất và tinh thần, phát triển toàn diện ở một trình độ cao. Như vậy, trong quan niệm về CNXH, những giá trị văn hóa quan trọng trên đây được khẳng định, trở thành tố chất, tạo nên đặc trưng của CNXH. Nói cách khác, sẽ không có CNXH nếu không chăm lo xây dựng và phát triển trong xã hội đó những giá trị văn hóa đáp ứng và phù hợp với khát vọng cao quý của con người, của dân tộc ta.
Ðể thực hiện được mục tiêu từ nay đến giữa thế kỷ 21 'phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa' (Cương lĩnh, bổ sung, phát triển năm 2011), trong văn kiện Ðại hội XI đã xác định tám phương hướng cơ bản và chú trọng nắm vững và giải quyết tám mối quan hệ lớn, trong đó chỉ rõ những nội dung đề cập trực tiếp đến văn hóa. Ðó là phương hướng cơ bản thứ ba 'xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội' và mối quan hệ 'giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội' (Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011). Những luận điểm trên thể hiện rõ, văn kiện Ðại hội XI đã xác định văn hóa là một nhân tố trực tiếp và quan trọng tạo nên sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước.
Như vậy, trước khi đề cập vấn đề văn hóa trong các văn kiện Ðại hội XI, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định văn hóa là một trong tám đặc trưng của CNXH, là một trong tám phương hướng cơ bản phải quán triệt và thực hiện tốt và là một trong tám mối quan hệ lớn cần chú trọng nắm vững và xử lý đúng đắn, biện chứng, 'không phiến diện, cực đoan, duy ý chí'. Ðiều đó có nghĩa là, Ðảng ta đã xác định văn hóa trong quan hệ khăng khít với tất cả các thành tố và lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội và của sự phát triển đất nước. Văn hóa vừa là chính nó với các sản phẩm đa dạng, phong phú, cụ thể, đồng thời là những giá trị hiện diện và thấm sâu trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, vì thế, trong chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hóa, cần quán triệt sâu sắc hơn nữa, cả về phương diện lý luận và đặc biệt trong hoạt động thực tiễn, quan điểm sau: 'làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển' (Cương lĩnh, bổ sung, phát triển năm 2011), 'được thể hiện cụ thể trong sinh hoạt, công tác, quan hệ hằng ngày của cộng đồng và từng con người'. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI xin gọi tắt là (Báo cáo Chính trị). Thật ra, tư tưởng trên đây đã được nêu ra nhiều lần, đặc biệt từ Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) 'Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc' (tháng 7-1998), nhưng trong thực tiễn, chúng ta chưa quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả, vì vậy, lần này, Ðại hội XI đã nhấn mạnh một lần nữa, và phải coi đó là mục tiêu cao nhất và cuối cùng của mọi hoạt động văn hóa. Sự thấm sâu của văn hóa vào đời sống xã hội, trước hết và quan trọng nhất là thấm sâu vào mọi hoạt động kinh tế và vào nhân cách con người, vì thế, một trong những mối quan hệ lớn, trở thành một quy luật, một đòi hỏi khách quan, bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững, đồng thời thể hiện tính ưu việt của CNXH là tạo cho được sự hài hòa, tương xứng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển.
2- Tư tưởng xuyên suốt trong các văn kiện Ðại hội XI của Ðảng là gắn chặt văn hóa với con người, chăm lo phát triển văn hóa nhằm mục tiêu trực tiếp và quan trọng nhất là nuôi dưỡng và xây dựng nhân cách con người Việt Nam thời kỳ CNH, HÐH và hội nhập quốc tế. Tất cả các văn kiện, từ Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đến Báo cáo Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đều thể hiện nhất quán và rất đậm đặc tư tưởng trên. Mục tiêu của việc chăm lo phát triển văn hóa là góp phần trực tiếp 'xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao' (Cương lĩnh, bổ sung, phát triển năm 2011). Báo cáo Chính trị nhấn mạnh một nhiệm vụ mới rất quan trọng của văn hóa là 'Ðúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH và hội nhập quốc tế'. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 yêu cầu, trong khi phát triển văn hóa, phải 'chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật'. Trong các văn kiện Ðại hội XI, các khái niệm khoa học rất quan trọng liên quan trực tiếp đến văn hóa và con người đã được sử dụng, đó là 'hệ giá trị' và 'nhân cách con người'. Ðó không chỉ là việc sử dụng thuật ngữ mà thể hiện sự tiếp cận kịp thời với tư duy và thành tựu khoa học trong nghiên cứu văn hóa và con người.
Trong việc xác định nhiệm vụ xây dựng nhân cách con người Việt Nam, các văn kiện Ðại hội XI nêu những yêu cầu và định hướng tập trung xây dựng các nhân tố quan trọng liên quan trực tiếp đến văn hóa và môi trường sống của con người, đó là gia đình, cộng đồng dân cư, đơn vị sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu, 'kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình, nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam' (Cương lĩnh, bổ sung, phát triển năm 2011) và phải làm cho môi trường đó trở thành 'môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng' (Báo cáo Chính trị).
Ðối với gia đình, mục tiêu phấn đấu là xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình Việt Nam phải 'thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách'. Từ định hướng đó trong Cương lĩnh, Báo cáo Chính trị yêu cầu 'sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ'. Ðây là một yêu cầu mới, vừa rất cơ bản, vừa rất cấp thiết trong tình hình hiện nay và những năm sắp tới.
Ðối với cộng đồng dân cư, văn kiện Ðại hội XI nhấn mạnh 'đưa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả'. Ðối với các đơn vị công tác, sản xuất, học tập, chiến đấu 'phải là môi trường rèn luyện, hình thành nhân cách con người và nền văn hóa Việt Nam'. Trong nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa cho sự phát triển con người, tất cả văn kiện đều nhấn mạnh đến 'thế hệ trẻ', coi đó là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược của văn hóa, đồng thời, văn kiện còn chú trọng đến 'văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, văn hóa trong kinh doanh và văn hóa trong ứng xử' (Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội 2011 - 2020). Ðó là những nhấn mạnh, sự chú trọng hết sức kịp thời, cần thiết và cấp bách hiện nay và nhiều năm tới.
Dự báo những diễn biến phong phú, phức tạp của đời sống tư tưởng, văn hóa khi công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu và nhất là khi chúng ta đẩy mạnh quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, văn kiện Ðại hội XI chú trọng nhấn mạnh nhiều lần một yêu cầu, một nội dung mới trong xây dựng các giá trị văn hóa của nhân cách con người Việt Nam, đó là 'tạo sức đề kháng đối với các sản phẩm độc hại', 'xây dựng cơ chế, chế tài ngăn chặn, đẩy lùi, vô hiệu hóa sự xâm nhập và tác hại của các sản phẩm đồi trụy, phản động; bồi dưỡng và nâng cao sức đề kháng của công chúng, nhất là thế hệ trẻ' (Báo cáo Chính trị). Vừa chỉ rõ yêu cầu tạo ra sức đề kháng đối với các sản phẩm độc hại từ bên ngoài xâm nhập vào nước ta, đồng thời văn kiện Ðại hội cũng khẳng định dứt khoát quan điểm nhất quán, đó là sẵn sàng 'tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại' để làm giàu cho văn hóa dân tộc. Ðó là tư tưởng biện chứng của chúng ta.
3- Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã xác định rõ những phẩm chất cơ bản của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà chúng ta xây dựng. Nhất quán với tư tưởng đó, các văn kiện Ðại hội XI tiếp tục khẳng định quan điểm chỉ đạo cơ bản trên, đồng thời, trước đòi hỏi của thời kỳ mới, đã nhấn mạnh một số yêu cầu đối với nền văn hóa này, đó là 'phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ' (Cương lĩnh, bổ sung, phát triển năm 2011). Ðây là những yêu cầu rất cao đối với văn hóa trong thời kỳ mới, đồng thời không phải là sự áp đặt từ bên ngoài, bên trên văn hóa, mà chính là nhu cầu nội tại, nhu cầu bên trong của chính văn hóa, xuất phát từ đặc trưng, bản chất của nó. Cùng với việc khẳng định tư tưởng cốt lõi trên, Ðại hội lần thứ XI của Ðảng đã dành một phần quan trọng để nêu yêu cầu, định hướng phát triển đối với một số lĩnh vực, loại hình cụ thể của văn hóa.
Trước hết, đối với văn học, nghệ thuật - một lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, Báo cáo Chính trị đã chỉ rõ những yêu cầu và định hướng vừa cơ bản, vừa mới đối với lĩnh vực này trong thời kỳ CNH, HÐH đất nước. Văn học, nghệ thuật của chúng ta vừa phải 'giàu chất nhân văn, dân chủ', vừa phải nỗ lực 'vươn lên hiện đại'; vừa phải 'cổ vũ, khẳng định cái đúng, cái đẹp, đồng thời lên án cái xấu, cái ác', vừa 'tìm tòi, thể nghiệm những phương thức thể hiện và phong cách nghệ thuật mới' nhưng với mục đích 'đáp ứng nhu cầu lành mạnh, đa dạng và bồi dưỡng lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng', vừa phải ra sức 'khắc phục yếu kém, nâng cao tính khoa học, sức thuyết phục của hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật' đồng thời khẩn trương chuẩn bị để 'từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam' (Báo cáo Chính trị). Xử lý đúng trong thực tiễn các mối quan hệ trên sẽ tạo cho sự phát triển toàn diện về chất lượng của văn học, nghệ thuật nước nhà những năm tới. Ðiều đó có nghĩa là, văn kiện Ðại hội XI đã lựa chọn được những vấn đề vừa bản chất, vừa mang tính thời sự của đời sống văn học, nghệ thuật.
Ðối với yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống cách mạng, Báo cáo Chính trị đã chỉ ra một nội dung mới xuất phát từ thực tiễn những năm qua và dự báo khả năng phát triển những năm tới, đó là 'gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hóa, văn nghệ, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa với phát triển du lịch và hoạt động thông tin đối ngoại nhằm truyền bá sâu rộng các giá trị văn hóa trong công chúng'.
Ðối với hệ thống thông tin đại chúng, Cương lĩnh (bổ sung phát triển năm 2011) đã xác định rõ định hướng phát triển 'đồng bộ, hiện đại, thông tin chân thật, đa dạng, kịp thời phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc'. Ðó là những yêu cầu rất cao đối với hệ thống thông tin đại chúng trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH và hội nhập quốc tế. Từ yêu cầu đó, Báo cáo Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 nhấn mạnh sự thống nhất giữa nhiệm vụ nâng cao tính tư tưởng với việc phát huy mạnh mẽ các chức năng của các phương tiện thông tin đại chúng. Lần đầu tiên, Báo cáo Chính trị đã xác định ngắn gọn, cô đúc và rất khoa học các chức năng cơ bản của hệ thống này, đó là 'thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội' (Báo cáo Chính trị). Những nhiệm vụ lớn của hệ thống này được chỉ ra là 'khắc phục xu hướng thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích; tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hoạt động báo chí, xuất bản; rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới báo chí, xuất bản, đồng thời đổi mới mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất - kỹ thuật theo hướng hiện đại. Kịp thời và nhạy cảm nắm bắt thực tiễn mới, Báo cáo Chính trị đã dành một đoạn riêng cho lĩnh vực mới - đó là in-tơ-nét - một phương tiện hiện đại của thông tin. Tư tưởng chỉ đạo đối với lĩnh vực này là sự thống nhất của hai yêu cầu có quan hệ chặt chẽ với nhau, đó là, một mặt, tiếp tục 'phát triển và mở rộng việc sử dụng in-tơ-nét' và mặt khác, 'quản lý, hạn chế mặt tiêu cực và ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động lợi dụng in-tơ-nét để truyền bá tư tưởng phản động, lối sống không lành mạnh'. Trong những năm qua, những nhiệm vụ trên đây chưa được thực hiện có hiệu quả, còn nhiều bất cập kéo dài, vì vậy việc xác định những nhiệm vụ đó trong tình hình mới là rất cần thiết, vừa cơ bản, vừa rất kịp thời, đáp ứng sự phát triển lành mạnh, tích cực, đúng hướng của hệ thống thông tin đại chúng.
Ðối với lĩnh vực hợp tác quốc tế về văn hóa, các văn kiện Ðại hội XI đã yêu cầu vừa mở rộng, vừa đổi mới đi vào chiều sâu và nâng cao hiệu quả để tạo bước phát triển thật sự về chất lượng trên lĩnh vực này. Theo định hướng đó, văn kiện chỉ ra một số nhiệm vụ như tăng cường việc giới thiệu, truyền bá văn hóa, con người, đất nước Việt Nam với thế giới, xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, tiếp thu những kinh nghiệm tốt về phát triển văn hóa của các nước, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc của nước ngoài với công chúng Việt Nam...
Ðiều đáng chú ý là, trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), mục văn hóa và mục con người được đặt liền kề nhau và nhiều nội dung có sự thẩm thấu vào nhau, trong Báo cáo Chính trị, văn hóa được đặt thành một mục trong 12 mục lớn của Báo cáo và lấy tên là 'Chăm lo phát triển văn hóa'. Ðiều đó thể hiện rõ không chỉ là sự chú trọng và quan tâm đặc biệt đối với văn hóa mà còn là tư duy khoa học của Ðảng đối với lĩnh vực rất quan trọng và mang nhiều tính đặc thù này.
Ðó là cơ sở để hình thành và xây dựng những tư tưởng, quan điểm, chủ trương phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Vấn đề còn lại là sự quán triệt sâu sắc và đưa các tư tưởng, quan điểm đó vào cuộc sống, được hiện thực hóa nhằm làm cho văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HÐH và hội nhập quốc tế./.
GS.TS Đinh Xuân Dũng