1. Hoạt động bảo tồn và phát huy di sản âm nhạc truyền thống
Vấn đề bảo tồn và phát huy những giá trị âm nhạc dân gian cổ truyền luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, thể hiện trong chủ trương, chính sách chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Âm nhạc dân gian nói riêng là cơ sở nền tảng để xây dựng một nền văn hóa âm nhạc truyền thống và hiện đại. Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) nêu rõ “Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian)... tốt đẹp do cha ông để lại”. Trên tinh thần đó, từ đầu năm 2000 đến nay, nhiều di sản âm nhạc truyền thống dân tộc đã được “đánh thức”, hoạt động bảo tồn và phát huy được đẩy mạnh. Cuối năm 2003, Nhã nhạc triều Nguyễn chính thức được Ủy ban Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu tiêu biểu của nhân loại. Đây là động lực, nguồn động viên lớn không chỉ đối với các cấp quản lý mà còn đối với nhân dân cả nước. Bên cạnh vấn đề ngoại giao và quảng bá văn hóa tới bạn bè quốc tế, sự kiện này còn có vai trò thúc đẩy các địa phương tham gia phát hiện, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc trên phạm vi cả nước.
Liên tiếp các chương trình, mục tiêu quốc gia được Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình hồ sơ quốc gia đối với di sản không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Ngày 25-11-2005, Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản thứ hai, nhưng là di sản đầu tiên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được quốc tế công nhận, càng khẳng định chính sách “bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Coi trọng và bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hóa, văn học, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số..." đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) là chính sách nhân văn, mang tầm chiến lược và toàn diện.
Cũng từ tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), các di sản âm nhạc truyền thống khác liên tiếp được hỗ trợ phát triển trong chương trình, mục tiêu quốc gia. Năm 2009, tin vui lại đến với ngành văn hóa nước nhà: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Hát Ca trù của người Việt được UNESCO ghi danh; năm 2011 là Hát Xoan Phú Thọ; và hiện nay chúng ta đang chờ đợi kết quả đối với di sản đầu tiên của phía Nam: Đờn ca Tài tử Nam bộ; bên cạnh đó, các di sản khác như Hát Văn hầu đồng, Hát Then của người Tày - Nùng - Thái cùng rất nhiều di sản khác đang lần lượt đề nghị đưa vào danh sách công nhận để bảo tồn và phát huy trong đời sống văn hóa xã hội Việt Nam đương đại.
Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) không những được triển khai trực tiếp đối với từng di sản, địa phương mà còn được Quốc hội xây dựng thành Bộ luật ban hành năm 2001 và chính thức có hiệu lực từ tháng 6-2002. Điều 4 của Luật Di sản văn hóa ghi rõ: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác”(1). Nhằm đưa Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) vào cuộc sống một cách có hiệu quả và rộng rãi, Luật Di sản văn hóa quy định công tác quản lý Nhà nước là vấn đề then chốt, trong đó nhấn mạnh: “1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hoá. 2. Bộ Văn hoá - Thông tin chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về di sản văn hoá. 3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hoá theo phân công của Chính phủ. Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin để thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hoá. 4. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về di sản văn hoá ở địa phương theo phân cấp của Chính phủ”(2).
Như vậy, Luật Di sản Văn hóa là văn bản pháp quy chính thức của Nhà nước ban hành nhằm bảo vệ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nước nhà, trong đó có âm nhạc. Theo đó, tất cả các cấp quản lý, các tổ chức xã hội và cá nhân đều có quyền và trách nhiệm thực hiện theo điều luật đã thông qua. Đây chính là cách thể chế hóa đường lối của Đảng mà trực tiếp là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Thành quả chúng ta đã gặt hái hơn 10 năm qua được thể hiện qua diện mạo nền âm nhạc dân gian cổ truyền của dân tộc được bảo tồn, tôn vinh và phát huy trong đời sống xã hội.
Theo thống kê sơ bộ(3), hiện nay trong nghệ thuật Hát Ca trù của người Việt, cả nước còn 769 người biết đàn hát và múa Ca trù, trong đó 513 đào nương, 256 kép đàn và người đánh trống chầu. Trong 99 thể cách, bài bản (làn điệu) Ca trù được ghi nhận trong thư tịch cổ, thì hiện còn khoảng 42 bài bản và 7 điệu múa còn tồn tại trong “kho di sản sống” là các nghệ nhân; cùng với đó 99 di tích liên quan tới Ca trù hiện còn bảo tồn được. Đến nay, cả nước đã có hàng trăm câu lạc bộ Ca trù trên địa bàn nhiều tỉnh, thành. Với Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, từ khảo sát trên thực tế cho thấy, chúng ta có hơn 20.000 bộ cồng chiêng với hơn 100.000 chiếc cồng chiêng lớn nhỏ, trong đó Gia Lai có số lượng nhiều nhất 8.000 bộ với hơn 40.000 chiếc. Hát Xoan Phú Thọ hiện còn hơn 100 nghệ nhân, bên cạnh đó là hàng trăm người đang tham gia vào các phường xoan, trong đó có những nghệ nhân còn khả năng trình diễn và truyền dạy. Đờn ca tài tử hiện có hơn 2.000 câu lạc bộ với gần 23.000 thành viên đang hoạt động. Ngoài ra còn nhiều loại hình/thể loại khác như Hát Văn trong tín ngưỡng hầu đồng, Hát Then của các tộc người Tày - Nùng - Thái, Hát Ví, Đúm, Trống quân, Sa mạc, Bồng mạc của người Việt vùng Đồng bằng Bắc bộ,v.v.. Bên cạnh đó, nhiều thể loại và hình thức âm nhạc cổ truyền khác của dân tộc đã và đang được bảo tồn và quảng bá tại Viện Âm nhạc Việt Nam và nhiều Nhà hát từ Trung ương tới địa phương.
2. Sự nghiệp đào tạo về âm nhạc
Hiện nay, ngoài ba Nhạc viện lớn của cả nước tại Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, TP. Hồ Chí Minh, còn có hàng chục trường đại học, cao đẳng của Trung ương có đào tạo về âm nhạc. Đó là không kể đến hệ thống các trường văn hóa nghệ thuật ở hầu hết 63 tỉnh thành trong cả nước. Nhiều con em người dân tộc thiểu số được phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện phát triển tài năng. Đây chính là môi trường, mà theo Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), nhằm “Phát hiện, bồi dưỡng, tổ chức lực lượng sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn học, nghệ thuật là người dân tộc thiểu số. Ưu tiên tài trợ cho các tác giả dân tộc thiểu số có tài năng sáng tạo các tác phẩm về đề tài dân tộc và miền núi. Đào tạo đội ngũ trí thức thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số và tạo điều kiện để trí thức, cán bộ dân tộc thiểu số trở về phục vụ quê hương”.
Một điều quan trọng là ở hầu hết các trường nghệ thuật đều có khoa chuyên ngành âm nhạc truyền thống, đào tạo những diễn viên và những người làm công tác nghiệp vụ quản lý văn hóa âm nhạc truyền thống nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung. Căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, mỗi vùng, tỉnh đều đưa di sản âm nhạc cổ truyền của mình vào đào tạo, mời nghệ nhân và các nghệ sĩ danh tiếng có chuyên môn cao đến giảng dạy trực tiếp. Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế ở một số địa phương, chúng tôi nhận thấy các trường đã và đang đẩy mạnh hoạt động này. Cụ thể, ở Trường Văn hóa nghệ thuật Bắc Ninh, Quan họ là một trong những chuyên ngành mũi nhọn của trường; Hát Then đàn Tính đã được đào tạo chuyên ngành trong Trường Văn hóa nghệ thuật ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang,v.v..
Các di sản âm nhạc cổ truyền không chỉ được đào tạo theo hướng chuyên biệt, mà chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống nói chung cũng được đẩy mạnh, phát huy trong các chương trình đào tạo các nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn. Trong sáng tác, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam là nơi đào tạo chuyên nghiệp từ bậc trung cấp tới sau đại học; là nơi duy nhất trong cả nước đào tạo mã ngành âm nhạc học ở trình độ Tiến sĩ. Nhiều luận án được thực hiện trên cơ sở những nghiên cứu về âm nhạc cổ truyền hoặc xây dựng chất liệu âm nhạc cổ truyền trong các tác phẩm từ khí nhạc tới hợp xướng - thanh nhạc (4). Có thể nói, trong 14 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), các trường văn hóa nghệ thuật nói chung, đào tạo âm nhạc nói riêng đã đóng góp không nhỏ trong đẩy mạnh hoạt động xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - mà âm nhạc là một bộ phận quan trọng không thể tách rời.
3. Hoạt động biểu diễn
Công tác biểu diễn ở đây được hiểu là toàn bộ cơ cấu tổ chức gắn với hoạt động biểu diễn, từ cơ quan quản lý, nghiên cứu cho tới các nghệ sĩ trực tiếp thể hiện tác phẩm. Như vậy, công tác biểu diễn được thống nhất thực hiện từ chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền cho tới quá trình biểu diễn và tham gia biểu diễn một chương trình hay một tác phẩm âm nhạc cụ thể.
Trong những năm qua, các cơ quan quản lý, viện, trường và văn nghệ sĩ ngành âm nhạc nước nhà đã và đang phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác biểu diễn phục vụ nhân dân và tham gia tích cực vào quá trình tuyên truyền, bảo tồn, phát huy và tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Điều này được thể hiện trên các mặt cụ thể như xây dựng chương trình và cách chọn - thể hiện tác phẩm; tổ chức sân khấu biểu diễn; trang phục và đạo cụ biểu diễn.
Việc xây dựng một chương trình biểu diễn âm nhạc từ cấp Trung ương tới địa phương đều được tuân theo một bố cục chung là hướng tới chọn những bài hát có nội dung ca ngợi và tôn vinh vẻ đẹp, hình ảnh đất nước, con người và tình yêu đôi lứa trong sáng, giản dị hồn hậu từ trong lao động sản xuất đến đời thường. Đây có thể được coi nguyên tắc chung mà các đạo diễn hay những người dàn dựng chương trình đã nắm được trong quá trình đào tạo tại các trường nghiệp vụ văn hóa nghệ thuật của ngành. Tùy theo từng chủ đề và sự kiện được tổ chức mà “hàm lượng” các bài hát được chọn cho chương trình biểu diễn theo hướng chung đó. Tính Đảng và tinh thần đại đoàn kết dân tộc được đưa lên vị trí hàng đầu trong dàn dựng chương trình và tổ chức biểu diễn. Đáng chú ý là thời gian gần đây, hoạt động biểu diễn gắn liền với việc phát huy những giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống, từ nội dung đến hình thức, được các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ hưởng ứng và tích cực tham gia. Và điều đáng mừng là nhiều sáng tác mới ngày càng được khai thác từ chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống phối hợp với bối cảnh văn hóa xã hội cụ thể. Điều này đã thể hiện được giá trị nội dung và nghệ thuật, khắc họa sâu sắc bức tranh văn hóa mang đặc trưng riêng của mỗi vùng miền, dân tộc. Điều đó đã tạo động lực thúc đẩy văn nghệ sĩ không ngừng tìm tòi sáng tạo và thể hiện những cái mới, cái độc đáo khi khai thác các yếu tố truyền thống trong sáng tác và biểu diễn tác phẩm âm nhạc.
Đề cao vai trò của khâu thiết kế sân khấu với trang thiết bị, đạo cụ, cũng như dàn dựng bối cảnh thể hiện sâu sắc nội dung tư tưởng và ý nghĩa văn hóa cũng được coi là một yếu tố quan trọng trong việc thể hiện nội dung chủ đề âm nhạc. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục và quảng bá những chuẩn mực, tinh hoa văn hóa ngay trong mỗi chương trình biểu diễn, sự kiện.
Trong lĩnh vực trang phục biểu diễn, mặc dù thời gian qua một số ca sĩ, nghệ sĩ gây phản cảm với công chúng trong trang phục biểu diễn (được dư luận và các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, phê phán kịp thời) nhưng không thể phủ nhận được đóng góp không nhỏ của cơ quan quản lý, trong đó đặc biệt là vai trò của Cục Nghệ thuật biểu diễn trong chỉ đạo, kiểm tra và tuyên truyền thực hiện nghiêm túc quy định về trang phục khi biểu diễn. Qua đó, nghệ sĩ khi thể hiện tác phẩm, từ trang phục biểu diễn đến nội dung tác phẩm, cách thức thể hiện đều chuyển tải được cốt cách văn hóa truyền thống dân tộc.
Để có được kết quả tốt đẹp đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và người biểu diễn trên cơ sở chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước đối với nghệ sĩ.
Tóm lại, sau 14 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), các hoạt động bảo tồn, phát huy nền văn hóa truyền thống Việt Nam, xây dựng nền văn hóa nước nhà trong đó có lĩnh vực âm nhạc đã có bước chuyển biến tích cực. Các loại hình âm nhạc dân gian cổ truyền được khôi phục, tôn vinh; công tác đào tạo được gắn với trách nhiệm truyền dạy và phát triển vốn cổ nhạc dân tộc... Diện mạo đời sống âm nhạc cơ bản đã có những bước phát triển tích cực, phong phú, phù hợp với xu thế thời đại, nhưng vẫn giữ gìn và đảm bảo được những giá trị truyền thống, nhân văn. Hai dòng chảy văn hóa truyền thống - hiện đại đã và đang ngày càng được phát huy một cách tích cực trong đời sống tinh thần của xã hội./.
NCS. Nguyễn Đình Lâm
---------------------
(1) (2) Luật Di sản văn hóa, Nxb. CTQG, H, 2001, tr.7, 31-32.
(3) Báo cáo kết quả kiểm kê năm 2008 của Viện Âm nhạc Việt Nam.
(4) Website Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, mục luận án toàn văn.