Thành công của HANIFF lần này chính là đã tạo được một không gian điện ảnh đích thực. Đó là cách để công chúng trẻ hiểu điện ảnh không phải chỉ là những phim “bom tấn” với âm thanh, hình ảnh ầm ào. Ở đây, công chúng Việt sẽ thưởng thức nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc, có giá trị cao về nghệ thuật của châu Á và thế giới mà họ ít có cơ hội tiếp cận như Amour (Chuyện tình) - giải Cành cọ vàng Liên hoan phim Cannes 2012; We need to talk about Kevin (Chúng ta cần nói chuyện về Kevin) - phim Anh xuất sắc nhất 2011; A Separation (Chia ly) của Iran, phim nước ngoài hay nhất của giải Oscar 2012...
Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần 2 (HANIFF) vừa khép lại, Việt Nam chỉ nhận 2 giải của ban giám khảo cho phim truyện và phim hoạt hình. Kết quả ấy không bất ngờ. Bởi đó chính là thực lực của điện ảnh Việt Nam hiện nay. Nhiều người cho rằng giữa lúc điện ảnh Việt Nam đang sa đà vào những thước phim giải trí, thị trường thì việc tổ chức Liên hoan phim Quốc tế tại Hà Nội có phải là một việc làm không lượng sức? Nhưng với khẩu hiệu “Điện ảnh châu Á - Thái Bình Dương thống nhất và phát triển”, có nghĩa ban tổ chức đã biết rõ chỗ đứng và thực lực của mình. Phim tham dự phần lớn của châu Á và điều đó là lẽ tất nhiên đối với một liên hoan phim quốc tế còn non trẻ. Nhưng bất kỳ con đường nào cũng có điểm khởi đầu, những liên hoan phim tầm cỡ trên thế giới hiện nay há chẳng đã từng bước những bước đầu tiên như chúng ta hiện nay?
Vì vậy, việc Việt Nam đến thập niên thứ hai của thế kỷ 21 mới bắt đầu tổ chức Liên hoan phim Quốc tế đã là quá chậm đối với các nước khu vực Đông Nam Á. Trong khi bề dày lịch sử điện ảnh của chúng ta không hề thua kém ai, nếu không muốn nói là khá sớm. Người Việt Nam đã biết đến “trò chớp bóng” từ năm 1898, chỉ 3 năm sau khi anh em nhà Louis Lumière khai sinh ra nghệ thuật thứ 7 ở Pháp (1895). Và bộ phim truyện đầu tiên Cánh đồng ma đã ra đời cách đây gần 75 năm… Trong 2 cuộc chiến tranh giữ nước, nền điện ảnh cách mạng Việt Nam đã từng có những bộ phim hay và được vinh danh ở các liên hoan phim quốc tế…
Nhưng từ mấy thập niên gần đây, khi bắt đầu tiếp cận với thị trường, những nhà làm phim Việt Nam đã thực sự lúng túng giữa hai xu hướng: thị trường và nghệ thuật. Ai cũng hiểu với điện ảnh chỉ có phim hay hoặc phim dở chứ không có giới hạn thị trường hay nghệ thuật, nhưng làm cách nào để những thước phim nghệ thuật đến được với đông đảo công chúng vẫn luôn là bài toán nan giải đối với các nhà làm phim. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu phim “bom tấn” Hollywood ào ạt, thiếu chọn lọc như hiện nay vô hình trung đã hình thành nên một thị hiếu thẩm mỹ ngày càng lệch lạc ở một lớp công chúng trẻ. Người xem ngày càng chú trọng đến tính giải trí, ồn ào mà xa lạ với sự sâu sắc, trầm lắng và đầy nhân bản của những thước phim nghệ thuật. Làm thế nào để công chúng trẻ tiếp cận được những tinh hoa của điện ảnh thế giới, có lẽ đó mới chính là mục tiêu hướng tới của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần 2 hơn là việc tranh giải cùng đồng nghiệp các nước. Nhưng việc chiếu một bộ phim khai mạc quá dở khiến mọi người phải bỏ về gần hết là điều mà ban tổ chức phải xem xét lại.
Thành công của HANIFF lần này chính là đã tạo được một không gian điện ảnh đích thực. Đó là cách để công chúng trẻ hiểu điện ảnh không phải chỉ là những phim “bom tấn” với âm thanh, hình ảnh ầm ào. Ở đây, công chúng Việt sẽ thưởng thức nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc, có giá trị cao về nghệ thuật của châu Á và thế giới mà họ ít có cơ hội tiếp cận như Amour (Chuyện tình) - giải Cành cọ vàng Liên hoan phim Cannes 2012; We need to talk about Kevin (Chúng ta cần nói chuyện về Kevin) - phim Anh xuất sắc nhất 2011; A Separation (Chia ly) của Iran, phim nước ngoài hay nhất của giải Oscar 2012...
HANIFF cũng đã tạo cơ hội cho các nhà làm phim trẻ, và sự có mặt của các chuyên gia điện ảnh uy tín trên thế giới sẽ là cầu nối để đạo diễn trẻ Việt tiếp cận những thông tin quý giá và có cơ hội được trình bày các dự án phim của mình trước những nhà sản xuất và nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trên thế giới… Trong thế giới phẳng hiện nay, được tiếp cận tinh hoa thế giới trên mọi lĩnh vực là rất cần thiết. Nhưng tiếp cận không có nghĩa là rập khuôn theo người khác, mà phải biết phát huy thực lực và bản sắc của dân tộc mình để làm nên những tác phẩm của chính mình, một tác phẩm không thể nhầm lẫn với bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Bài học đó, Iran đã làm rất tốt, và đó chính là con đường điện ảnh Việt Nam cần hướng tới…
SGGP