Tại Đà Nẵng, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III vừa tổ chức Hội thảo khoa học "Vận dụng nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vào nghiên cứu, giảng dạy ở Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III".
Đây là một trong những hoạt động vận dụng các quan điểm của Đại hội XI của Đảng vào công tác nghiên cứu và giảng dạy các bộ môn chính trị và hành chính của Học viện. Trước đó, các đơn vị giảng dạy trong Học viện đã tổ chức các cuộc Tọa đàm khoa học, trao đổi về kết quả nghiên cứu Văn kiện Đại hội XI của Đảng để đưa vào giảng dạy đối với từng chuyên đề cụ thể trong chương trình.
Tại Hội thảo, 23 chủ đề khác nhau được tiếp cận, tập trung vào 4 cụm vấn đề: đặc trưng, phương hướng, mục tiêu xây dựng CNXH ở Việt Nam; phát triển kinh tế bền vững; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; xây dựng nền văn hóa mới; phát triển giáo dục, đào tạo; tăng cường quốc phòng, an ninh; mở rộng đối ngoại… Hội thảo đã nghe 11 tham luận tập trung làm rõ tính khoa học và cách mạng các quan điểm, chủ trương của Đảng thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng CNXH thời kỳ quá độ (bổ sung và phát triển), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 và Báo cáo chính trị, Báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng.
Nhiều ý kiến lý giải cơ sở lý luận và thực tiễn của những điểm mới, những vấn đề được bổ sung, phát triển, cách tiếp cận mới trên bình diện chung cũng như ở từng lĩnh vực cụ thể mà các Văn kiện Đại hội XI đưa ra, như: Vấn đề mô hình CNXH ở Việt Nam được thể hiện trên 8 đặc trưng là có tính toàn diện, trong đó nội dung “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” được xem vừa là mục tiêu, vừa là một đặc trưng của CNXH. Trong kinh tế, vấn đề quan hệ sản xuất được diễn đạt bằng cụm từ “tiên tiến và phù hợp” vừa không làm mất đi tính khách quan của quy luật sự phù hợp của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất, vừa không loại trừ yếu tố công hữu với tư cách là hình thức sở hữu tiên tiến. Khi coi “kinh tế là trọng tâm” thì vấn đề vai trò của các thành phần kinh tế cần được khẳng định. Đặc biệt, vai trò kinh tế nhà nước được nhận thức rõ hơn khi bàn về việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước khi tham gia vào các thành phần kinh tế khác. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN với tư cách là trụ cột cho sự phát triển bền vững nảy sinh vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước được đặt ra khi xác định “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công...". Vấn đề mối quan hệ chính trị và kinh tế được thể hiện bao trùm trên tất cả các nội dung Văn kiện, từ đó đặt ra yêu cầu làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng với tư cách là đảng duy nhất cầm quyền. Việc đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Những điểm mới trong công tác xây dựng đảng như chủ trương thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp vào Đảng; kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường; tổng kết thí điểm nhất thể hóa chức danh cán bộ; chế tài xử lý nghiêm việc chạy chức, chạy quyền, chạy huân chương… được đặt ra để tiếp tục nghiên cứu và làm rõ.
Tổng kết Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Học viện khẳng định: Những điểm mới, những lý giải khoa học về 23 chủ đề cơ bản trong các Văn kiện Đại hội XI tại Hội thảo là cơ sở cho các cán bộ, giảng viên tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa để đưa vào luận giải, làm rõ những vấn đề đặt ra khi nghiên cứu và giảng dạy các chuyên đề chính trị và hành chính tại Học viện./.
(Bạch Yến/Tạp chí XDĐ)