Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Chủ Nhật, 26/5/2019 16:13'(GMT+7)

Văn hóa cạnh tranh

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Cách đây chưa lâu, dư luận cả nước bức xúc chuyện một phụ nữ bị hất chất bẩn vào số thịt lợn mà chị mang ra chợ bán trực tiếp cho người tiêu dùng, “tự giải cứu” trong đợt khủng hoảng thừa thịt lợn.

Tương tự, ở thị xã Tân Uyên (Bình Dương), một cửa hàng thịt sạch khai trương buổi sáng, rất đắt khách, thì buổi tối liền bị ném sơn, đốt phá.

Mới tháng trước, ngay buổi sáng khi một công ty vận tải khai trương chi nhánh tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) thì xuất hiện chiếc xe tải đậu trước cửa, chở chất bẩn và bốc mùi hôi thối, bánh xe đã bị tháo rời, tạo hiện trường giả là xe đang bị hỏng…

Người kinh doanh gọi các hành vi trên là cạnh tranh “bẩn”.

Cạnh tranh là một quy luật kinh tế tất yếu của sản xuất hàng hóa và là “cuộc chiến thị trường” giữa các doanh nghiệp tự do kinh doanh, nhằm tìm kiếm và giữ khách hàng, thị phần. Cạnh tranh mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Cạnh tranh lành mạnh là động lực thúc đẩy sản xuất, góp phần phát triển kinh tế.

Cạnh tranh lành mạnh cũng đòi hỏi doanh nghiệp không thể lợi dụng internet, mạng xã hội, để tung tin thất thiệt, tin đồn nhảm về các vấn đề nhạy cảm, như phương thức kinh doanh, tổ chức nhân sự, chất lượng sản phẩm, khuyết tật đời tư cá nhân của các nhân vật chủ chốt trong đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt càng không được phép cạnh tranh kiểu “ném đá giấu tay”, nhăm nhe “thổi tắt ngọn nến của người khác, để mình tỏa sáng”; hay xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, làm hàng giả, hàng nhái; buôn lậu, trốn thuế, xả thải ra môi trường và các thủ đoạn “bẩn” khác, gây thiệt hại cho doanh nghiệp đối thủ hoặc môi trường; cắt xén quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và uy tín quốc gia.

Ở đâu thiếu cạnh tranh lành mạnh hoặc có biểu hiện độc quyền, thì hàng hóa vừa đắt vừa không tốt, người tiêu dùng chịu nhiều thiệt thòi hơn và đời sống kinh tế - xã hội thường trì trệ…

Thực tế xã hội đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa cạnh tranh lành mạnh, thượng tôn pháp luật, coi trọng đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh; đồng thời, các cơ quan chức năng cần nhận diện và xử lý nghiêm khắc các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch và an toàn…

Với tinh thần đó, trong văn hóa kinh doanh của mình, mọi doanh nghiệp cần tự giác tuân thủ pháp luật, tôn trọng người tiêu dùng, chấp nhận và tôn trọng sự cạnh tranh lành mạnh từ đối thủ; chủ động kịch bản và những biện pháp hữu hiệu để chống lại hình thức cạnh tranh không lành mạnh, nhất là khi có khủng hoảng truyền thông.

Mỗi người dân cần tự mình trở thành người tiêu dùng thông thái, không nhẹ dạ cả tin hoặc đưa tin chưa kiểm chứng, a dua theo tâm lý đám đông. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan, tăng cường xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp./.

TS. Nguyễn Minh Phong

(Nguồn: nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất