Thứ Năm, 10/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Hai, 8/12/2014 15:23'(GMT+7)

Văn hóa lãnh đạo của Đảng cầm quyền

Theo quan niệm của Người, văn hoá lãnh đạo là một hệ thống quan điểm sâu sắc của Người về những giá trị trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của Đảng cầm quyền và người lãnh đạo, quản lý. Các giá trị đó tạo nên bản chất và sức sống của Đảng cầm quyền, là chất kết dính giữa Đảng với nhân dân tạo nên sức mạnh cho Đảng và cho cách mạng. Quan niệm về văn hoá lãnh đạo của Hồ Chí Minh thể hiện một cách khúc chiết ở luận đề mang tính tổng kết chiều sâu lịch sử hoạt động của Đảng, khi Người cho rằng: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”(1). Trong “Di chúc”, Người viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” (2)... Đó là tư tưởng, tinh thần Hồ Chí Minh về văn hoá lãnh đạo. Văn hoá lãnh đạo bàn tới ở đây là nói tới văn hoá lãnh đạo, quản lý của Đảng ta khi trở thành đảng cầm quyền. Đương nhiên, khi nói tới đảng cầm quyền thì không thể không nói tới chính quyền nhà nước mà trực tiếp là Chính phủ, cơ quan hành pháp với ý nghĩa “kéo dài” sự lãnh đạo của Đảng.

Hồ Chí Minh cho rằng, văn hoá lãnh đạo thuộc phạm trù của văn hoá chính trị, được nhận thức trong điều kiện đảng cầm quyền. Người từng nói, văn hoá hiểu theo nghĩa rộng cũng là chính trị, chính trị hiểu theo chiều sâu cũng là văn hoá. Văn hoá phục vụ một mục tiêu chính trị, một nền chính trị đích thực phải là một nền chính trị có văn hoá. Chính trị bao giờ cũng là chính trị của một giai cấp; không phải chính trị của giai cấp nào cũng hàm nghĩa văn hoá. Vì vậy, văn hoá lãnh đạo của Đảng Cộng sản mang bản chất của giai cấp công nhân, giai cấp đang đảm nhận trọng trách lịch sử lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam thực hiện lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam “dân chủ và giàu mạnh”.

Nói văn hoá lãnh đạo là nói tới cái đẹp, cái giá trị của đảng cầm quyền, của chính phủ và cá nhân nhà lãnh đạo, quản lý. Văn hoá lãnh đạo là nguồn lực nội sinh vô tận, to lớn của Đảng và hệ thống chính trị, chìa khoá sự phát triển của Đảng, Nhà nước, thấm sâu và tạo dấu ấn khai sáng trong quá trình phát triển của Đảng, Nhà nước. Hồ Chí Minh nói “văn hoá không thể đứng ngoài mà đứng trong kinh tế và chính trị”, điều đó có nghĩa là tổ chức chính trị, hoạt động chính trị, đảng chính trị và cá nhân nhà chính trị phải thấm nhuần văn hoá. Năng lực chính trị thực chất và cốt tuỷ là năng lực văn hoá. Vì vậy, xây dựng và thực hành văn hoá lãnh đạo là một việc làm cần thiết, lâu dài, thường xuyên của các tổ chức đảng, của mọi đảng viên. Người cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên “trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết trên trán chữ  “cộng sản” là được họ yêu mến”(3), mà phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”. Văn hoá lãnh đạo của Đảng được biểu hiện ở những đặc trưng và trong các mối quan hệ chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, văn hoá lãnh đạo thể hiện ở mục tiêu lý tưởng, bản lĩnh và trí tuệ của Đảng.

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, đây là những hạt nhân nòng cốt trong văn hoá của đảng cầm quyền, với mục tiêu cách mạng của Đảng Cộng sản không chỉ dừng lại ở việc giành và nắm chính quyền, mà là bằng chính quyền đó sẽ xây dựng thành công một nước Việt Nam giàu mạnh với một xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, nhân dân được sống trong ấm no và hạnh phúc. Theo Người, chỉ có như vậy, Đảng mới “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” (4). Lý tưởng đó phù hợp với nguyện vọng của tuyệt đại bộ phận dân tộc, mang đậm tính văn hoá và làm nên những nét văn hoá lãnh đạo của Đảng.

Trên cơ sở nền tảng tư tưởng “cách mạng và khoa học” (5) và bằng trí tuệ và tư duy lý luận của mình, Đảng có khả năng nhận thức được quy luật lịch sử khách quan, có khả năng lựa chọn con đường phát triển của dân tộc, đất nước và nhân dân, vừa phù hợp với xu thế vận động của thời đại. Trên cơ sở đó, Đảng hoạch định đường lối, chính sách và tổ chức lực lượng thực hiện các quyết sách đó. Tất cả các quan điểm đó được phản ánh trong cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng. Người tóm tắt chỉ rõ trong tám chữ: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc” (6). Vì thế, cương lĩnh chính trị của Đảng kết tinh các giá trị văn hoá, trí tuệ của đảng cầm quyền, các giá trị đó đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và dân tộc, phù hợp với xu thế của thời đại, được diễn đạt súc tích trong mấy từ: “Độc lập - thống nhất - dân chủ - phú cường” (7); trí tuệ đó lấy phép biện chứng hành động duy vật làm hạt nhân cho mọi tìm tòi sáng tạo. Đây là một tiêu chí của văn hoá lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ hai, văn hoá lãnh đạo thể hiện trong mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân lấy lợi ích của nhân dân làm mục đích cho hoạt động của mình.

Thước đo văn hoá lãnh đạo của Đảng là lòng dân. Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ. Đảng cầm quyền để dân làm chủ. Đảng cầm quyền nhưng dân là gốc. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân; trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Bài học quý giá Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta ngày nay là: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên” (8). Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa đảng cầm quyền với nhân dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ “phải đưa chính trị vào giữa dân gian” (9). Đây chính là cách lãnh đạo, quản lý bằng thuyết phục, cảm hoá, là “chính trị đời sống” từ đó sẽ tạo ra quyền uy của Đảng, thay vì áp đặt quyền lực.

Năm 1943, khi bàn đến xây dựng văn hoá mới, Người nói đến việc xây dựng một “nền chính trị dân quyền”. Đặc biệt từ khi chính quyền thuộc về nhân dân, Đảng trở thành đảng cầm quyền, Người càng trăn trở làm thế nào để thực hiện tốt nghĩa vụ kép “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Người khẳng định “nước ta là nước dân chủ”, dân là chủ và dân làm chủ. Dân chủ là “làm cho người dân được quyền mở miệng ra”. Một nét quản lý đậm chất văn hoá phải là Đảng, Chính phủ là đày tớ, là công bộc của dân. Theo Người, chính trị thất bại tức là không được lòng dân. Mà cái nguy hiểm nhất là mất lòng dân. Bởi vì, mất lòng tin của dân là mất tất cả. Cũng theo Người, một khi người nắm quyền, thay mặt dân lãnh đạo đất nước mà không còn sự tín nhiệm của nhân dân nữa thì nên từ chức và phải xin lỗi trước nhân dân. Khi trả lời các nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “bây giờ phải gánh chức chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui” (10). Vì thế, nâng cao văn hoá lãnh đạo là Đảng phải có sự lựa chọn sáng suốt, có tầm nhìn, trí tuệ và bản lĩnh văn hoá giữa việc lấy cái căn bản quy tụ của lòng dân và lợi ích lâu dài thay vì lợi ích và thành tích trước mắt mang mầm bệnh. Văn hoá lãnh đạo là phải “sao cho được lòng dân” (11).

Thứ ba, văn hoá lãnh đạo thể hiện trong mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị - xã hội.

Nói đến đảng cầm quyền là phải nói tới quản lý của Nhà nước. Trong văn hoá lãnh đạo thì văn hoá lãnh đạo và văn hoá quản lý thâm nhập vào nhau. Giá trị, uy tín, quyền uy tạo sức mạnh của đảng cầm quyền không chỉ trong khuôn phép của Đảng mà được cân, đong, đo, đếm bằng văn hoá quản lý. Nói cách khác, văn hoá quản lý là một thước đo của văn hoá lãnh đạo của đảng cầm quyền, trong đó “Chính phủ là công bộc của dân” như Hồ Chí Minh dạy là tiêu chí hàng đầu. Trên cơ sở nhận thức nhà nước là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng, văn hoá của đảng cầm quyền là Đảng phải tôn trọng chính quyền, tôn trọng Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội khác. Đảng cầm quyền nhưng không thể và không được đứng trên Nhà nước, đứng trên và đứng ngoài pháp luật. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng là một xã hội có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Khi Đảng trở thành đảng cầm quyền, việc giải quyết mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị là giá trị văn hoá hàng đầu, vì Đảng phải hoàn thành sứ mệnh “hai vai”. Là người lãnh đạo Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị, Đảng phải xứng danh lãnh đạo với một chiều sâu trí tuệ, một bề dày đạo đức, sự vững chắc về bản lĩnh chính trị và phương thức lãnh đạo trọng dân, tin dân, gần dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân, theo đúng đường lối quần chúng. Là một thành tố của hệ thống chính trị, Đảng phải tôn trọng chính quyền, tôn trọng Nhà nước. Đảng cầm quyền nhưng không thể và không được đứng trên Nhà nước, đứng trên và đứng ngoài pháp luật. Đảng phải hành xử phù hợp với hiến pháp và luật pháp, không được lạm quyền, coi khinh dư luận. Người đã chỉ ra rằng: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo” (12).

Thứ tư, văn hoá lãnh đạo thể hiện việc hiện thực hoá nghị quyết, đường lối thành hiện thực cuộc sống.

Trong đường lối lãnh đạo và cương lĩnh của Đảng, tức là về mặt lý thuyết, Đảng đã khẳng định rõ ràng, dứt khoát tất cả mọi hoạt động của Đảng là vì hạnh phúc của nhân dân. Nhưng cái khó nhất, cũng là văn hoá cao nhất của đảng cầm quyền lại không phải nằm ở lý luận mà phải nằm ở thực tiễn. Hành động để đem lại hiệu quả thật sự cho dân chúng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... và lấy hiệu quả đó làm thước đo mới là điều khó nhất của một đảng cầm quyền. Hồ Chí Minh thường dạy: “Nói thì dễ, làm thì khó”. Cái khó trong khi làm không phải là khó khăn, vất vả, mệt nhọc mà cái chính là không vượt qua được chính mình để thực hiện quan điểm quần chúng. Đây là khâu có nhiều khó khăn hơn so với việc ra nghị quyết, đòi hỏi Đảng không chỉ có nỗ lực, quyết tâm cao với nhiều phương pháp, cách thức khác nhau mà điều quan trọng hơn là phải có nghệ thuật chỉ đạo thực hiện, đưa các nghị quyết đó vào thực tiễn cuộc sống, tức là phải vừa bảo đảm tính cách mạng, tính khoa học và sáng tạo, vừa biết vận dụng, xử lý một cách linh hoạt và mềm dẻo các nghị quyết đó trong thực tiễn, biến nghị quyết thành hiện thực sinh động.

Việc hiện thực hoá nghị quyết trong thực tiễn cuộc sống là một thước đo cao nhất của văn hoá lãnh đạo. Thật vậy, một nghị quyết dù đúng đắn, có đủ cơ sở khoa học đến mấy vẫn cứ là nghị quyết nằm trên giấy, nếu sau đó không có một quá trình tổ chức thực hiện và được hiện thực hoá trong thực tiễn cuộc sống. Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn làm tốt mọi việc thì phải lãnh đạo tốt... Lãnh đạo tốt nghĩa là phải thực hiện đầy đủ nghị quyết của Đảng, biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của nhân dân” (13). Chỉ có như vậy Đảng mới thực sự xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật sự trung thành của nhân dân; đồng thời không ngừng củng cố được lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Thứ năm, văn hoá lãnh đạo thể hiện ở một nền chính trị trong sạch, liêm khiết, ở phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, thực sự lựa chọn những người có đức có tài cho cách mạng.

Theo Hồ Chí Minh, văn hoá lãnh đạo được biểu hiện rõ nét chính là thi hành một nền chính trị liêm khiết, trong sạch. Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm chính trị là đạo đức, là “thanh khiết từ to đến nhỏ” (14), đạo đức là cơ sở của chính trị, đạo đức là gốc của người cách mạng. Mọi hoạt động chính trị phải dựa trên cơ sở đạo đức, hướng tới những hành vi có đạo đức, mà cụ thể xây dựng thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Để thực hiện mục tiêu chính trị, các chủ thể chính trị phải có đạo đức, các phong trào chính trị phải hướng tới đạo đức. Những phong trào, những tổ chức chính trị hướng tới đạo đức là những phong trào chân chính, tổ chức chân chính. Chính trị là “thanh khiết”, và đặt trong mối quan hệ chặt chẽ không thể tách rời với “đoàn kết” thể hiện chiều sâu và là nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá lãnh đạo. Người yêu cầu mọi tổ chức đảng, cũng như các tổ chức chính quyền, đoàn thể phải luôn trong sạch, vững mạnh về mọi mặt. Có như vậy, Đảng mới luôn thực sự là hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc và thời đại, luôn xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật sự trung thành của nhân dân trong mọi thời kỳ cách mạng. Đồng thời, là cơ sở để Đảng tập hợp được quần chúng nhân dân đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, để nhân dân tin và đi theo Đảng đến cùng. Vì thế, Người luôn nhắc nhở: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (15).

Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện và thấm nhuần đạo đức cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, đó là các phẩm chất tiêu biểu: suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, thực hiện tốt đường lối chủ trương chính sách của Đảng; đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân; vì Đảng và dân mà hy sinh quên mình; gương mẫu trong mọi việc; không ngừng học tập văn hoá, khoa học – kỹ thuật, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin; luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng, cải tiến công tác, cùng đồng chí mình tiến bộ; thực hành chủ nghĩa nhân đạo chiến đấu; phải liên hệ gắn bó với quần chúng, hoà mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng và đặc biệt là phải gương mẫu trước quần chúng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, sống giản dị, trong sạch. Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải có tinh thần: “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục” (16). Khi mỗi cán bộ, đảng viên là một tấm gương sáng về hành vi đạo đức, thì họ luôn được quần chúng nhân dân tin yêu, hết lòng hết sức tin theo Đảng, là cơ sở để củng cố mối quan hệ Đảng và nhân dân – cội nguồn sức mạnh của cách mạng Việt Nam trong mọi thời kỳ.

Ngoài ra, văn hoá của đảng cầm quyền, văn hoá lãnh đạo, quản lý còn có một nội dung căn cốt là văn hoá dùng người. Con người sáng tạo ra văn hoá và cũng là sản phẩm của văn hoá. Cán bộ là gốc của mọi công việc. Mọi việc thành hay bại đều liên quan tới cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, nếu Đảng không chọn được những người có đức, có tài, quyết tâm, suốt đời, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì đó là thất bại cho Đảng, cũng là thất bại cho cách mạng. Những suy thoái và tê liệt của một số cơ sở đảng hiện nay, xét đến cùng là vấn đề cán bộ - công việc gốc của Đảng. Một khi việc cất nhắc, đề bạt cán bộ bị đồng tiền và chủ nghĩa cá nhân chi phối, thiếu lý trí và bản lĩnh để chọn những người thật sự có đức, có tài giữ trọng trách lãnh đạo thì đó là cách làm phản văn hoá.

Những quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hoá lãnh đạo là một chỉ dẫn sâu sắc về mặt lý luận và thực tiễn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa, của Đảng” (17).

Sự nghiệp đổi mới của đất nước ta hiện nay, bên cạnh những thuận lợi, đang chịu sự chi phối từ những mặt trái của cơ chế thị trường, những tiêu cực nảy sinh trong quá trình hội nhập, toàn cầu hoá, tình trạng suy thoái đạo đức ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp, thậm chí nhức nhối trong đời sống tinh thần của nhân dân. Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp” (18). Tình trạng chủ nghĩa cá nhân, tham ô, tham nhũng, lãng phí… trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đang trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội nhưng chậm được phát hiện và ngăn chặn kịp thời hoặc có ngăn chặn nhưng hiệu quả chưa cao. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện; ở một số cấp uỷ việc giáo dục đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ hoặc hình thức. “Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có những diễn biến phức tạp” (19). Tình trạng trên, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ làm xói mòn các giá trị văn hoá, trong đó có văn hoá lãnh đạo làm cho Đảng giảm sức chiến đấu, ảnh hưởng xấu đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, gây trở ngại lớn đến sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, công tác xây dựng Đảng phải kết hợp với việc giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp văn hoá của dân tộc nói chung và văn hoá lãnh đạo nói riêng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề cấp bách, có ý nghĩa chiến lược lâu dài của sự nghiệp cách mạng. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 khoá XI (1-2012), Đảng ta đã xác định, một trong ba vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng” (20). Đồng thời, đã xác định bốn nhóm giải pháp cơ bản về công tác xây dựng Đảng hiện nay. Bốn nhóm giải pháp mà Nghị quyết Trung ương đưa ra, xét cả chiều rộng và chiều sâu có nội dung cốt tuỷ là xây dựng văn hoá lãnh đạo. Đó là văn hoá tự phê bình và phê bình, văn hoá nêu gương, văn hoá trong sinh hoạt đảng, văn hoá trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng... nhằm mục xây dựng Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thống nhất ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức lối sống nhằm giữ vững, củng cố vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Và mới đây nhất, Đảng đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Tin tưởng rằng, với bản lĩnh văn hoá của một đảng cách mạng chân chính, với truyền thống hơn 80 năm kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, chắc chắn Đảng ta sẽ thực hiện thành công cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này. Đồng thời, sẽ tạo ra một bước trưởng thành mới của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.


PGS. TS. Phạm Ngọc Anh
--------

    (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1996, t.10, tr.5.
    (2) (4) (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr.498, 510, 557-558.
    (3) (8) (9) (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.552, 293, 298, 61.
    (5) (6) (7) (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.479, 183, 184.
    (10) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.161, 47.
    (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.139.
    (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.30.
    (17) (18) (19) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia- Sự thật, H, 2011, tr.65, 173, 185.
    (20) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khoá XI, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2012, tr.26.


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất