(TG) - Nhìn chung, văn học kháng chiến chống Mỹ là một nền văn học chiến đấu,
được tiếp sức từ nguồn mạch văn học cách mạng, đã có sự phát triển về
lượng và chất để nhập cuộc một cách mãnh liệt vào thực tế kháng chiến.
Những sáng tác văn học thời kỳ này là nguồn cổ vũ lớn lao cho cả tiền
tuyến và hậu phương.
“Ta đi làm ánh sao băng giữa đời”-có lẽ không khó để tìm thấy những âm điệu lạc quan và tràn trề hứng khởi ấy trong văn học kháng chiến chống Mỹ. Cũng tinh thần chủ đạo ấy đã làm nên một nền văn học cách mạng khỏe khoắn, cổ vũ tinh thần cho cuộc chiến đấu trên các mặt trận. Chưa bao giờ chủ nghĩa anh hùng cách mạng được khơi dậy một cách mãnh liệt như trong giai đoạn này.
Đồng hành với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, trong văn học nghệ thuật Việt Nam đã hình thành một đội ngũ văn nghệ sĩ với những nhận thức mới, hành trang mới. Cống hiến của họ cho sự nghiệp chung của đất nước không chỉ được ghi nhận qua sáng tác, mà rất nhiều trong số họ đã trực tiếp cầm súng chiến đấu và hy sinh. Những đóng góp ấy đã đưa “văn học, nghệ thuật nước ta xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học, nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay” (Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, dẫn theo “Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước”, NXB Khoa học xã hội, 1979).
Đặc biệt, giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), với mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã ghi nhận sự phong phú, đa dạng hóa các đề tài, nội dung, thể loại văn học, đồng thời chứng kiến sự “chín muồi” của các cây bút trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là sự xuất hiện của một thế hệ tác giả mới đầy nhiệt huyết.
Về văn xuôi, có thể kể đến: Nguyễn Trung Thành với các tác phẩm “Rừng xà nu”, “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”; Nguyễn Thi với “Những đứa con trong gia đình”; Nguyễn Minh Châu với “Dấu chân người lính”, “Mảnh trăng cuối rừng”; Phan Tứ với “Gia đình má Bảy”, “Mẫn và tôi”; Anh Đức với “Bức thư Cà Mau”, “Hòn đất”; Trần Đình Vân với “Sống như anh”...
Về thơ có: Giang Nam với “Tháng Tám ngày mai”, “Quê hương”; Nguyễn Khoa Điềm với trường ca “Mặt đường khát vọng”; Thu Bồn với trường ca “Bài ca chim Chơ rao”; Phạm Tiến Duật với “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”; Lê Anh Xuân với “Hoa dừa”; Xuân Quỳnh với “Hoa dọc chiến hào”, “Gió Lào cát trắng”...
Về kịch có: Lưu Trọng Lư với “Tuổi 20”; Tào Mạt với “Trong phòng trực chiến”; Thiết Vũ với “Mầm xanh, tội ác”; Tất Đạt với “Một vùng trời”...
Sống giữa chiến trường mà “cái chết còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm” (Đặng Thùy Trâm), họ viết về Tổ quốc, nhân dân, về ước mơ hòa bình, về khát vọng thống nhất hai miền Nam-Bắc, về hiện thực khói lửa khốc liệt... Những sáng tác ra đời trong bom đạn có máu, có nước mắt, có nỗi đau mất mát, nhưng luôn sáng lên những giai điệu hành quân hào sảng: "Thế là đã bắt đầu rồi. Đốt lửa lên!... Đứng trên đồi xà nu gần con nước lớn, suốt đêm nghe cả rừng Xô-man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng" (“Rừng xà nu”-Nguyễn Trung Thành); "Chúng con đi từng trận gió rừng/ Cả thế hệ xoay trần đánh giặc" (“Những người đi tới biển”-Thanh Thảo).
Trong đoàn quân từ miền Bắc xung phong vào Nam chiến đấu, đặc biệt những năm 1960-1970, không thể không nói tới một thế hệ “tài hoa ra trận”. Họ là những cây bút chuyên nghiệp hoặc đơn giản là người chiến sĩ yêu thích văn chương như: Nhà báo Dương Thị Xuân Quý, nhà thơ Chu Cẩm Phong, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, chàng sinh viên Nguyễn Văn Thạc... Đó là những con người mà số phận của họ đã góp phần làm nên những hồi ức thăng hoa của lịch sử đất nước. Chiến tranh từ cái nhìn của những con người “văn chương” này bi tráng, hào hùng, đau thương, tổn thất, nhưng giữa bom đạn, họ vẫn dành những góc riêng tư trong tâm hồn để mơ mộng, để hy vọng và say sưa với những vẻ đẹp giản dị, tinh tế của miền Bắc yêu thương mà họ đã phải rời xa.
Từ văn xuôi đến thơ ca, kịch thời kỳ này đều mở rộng phạm vi miêu tả, phản ánh chuyển biến của từng giai đoạn chiến đấu, đồng thời phản ánh đời sống gian khổ mà kiên cường của nhân dân miền Nam. Thực tiễn chiến đấu đã hình thành nên những hình ảnh đẹp về người lính. Trước hết, đó là vẻ đẹp của tư thế chính nghĩa, chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước, đó còn là vẻ đẹp của những con người luôn đứng trong tập thể, chiến đấu cùng tập thể. Không ít tác phẩm khắc họa được những chân dung tập thể, những đội ngũ quần chúng cách mạng như: “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” (Hồ Phương); “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (Phạm Tiến Duật)... “Giờ đây khi số phận mỗi cá nhân đều gắn bó khăng khít với nhân dân, với đất nước, khi tầm vóc của con người dường như đã được nâng lên tầm dân tộc, thì câu chuyện về một con người..., cũng không thể được định đoạt trong một giới hạn chật hẹp nữa rồi” (“Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước”, NXB Khoa học xã hội, 1979). Đặc biệt, rất nhiều nhân vật trong văn học 1945-1975 đã trở thành điển hình cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng như: Anh hùng Núp, Nguyễn Văn Trỗi, chị Tư Hậu, chị Út Tịch...
Nhìn chung, văn học kháng chiến chống Mỹ là một nền văn học chiến đấu, được tiếp sức từ nguồn mạch văn học cách mạng, đã có sự phát triển về lượng và chất để nhập cuộc một cách mãnh liệt vào thực tế kháng chiến. Những sáng tác văn học thời kỳ này là nguồn cổ vũ lớn lao cho cả tiền tuyến và hậu phương, thậm chí có “sức mạnh của một sư đoàn” (lời đánh giá thơ Phạm Tiến Duật) trong thời chiến, đến nay trong thời bình, vẫn gợi những cảm xúc mãnh liệt về một thời hào hùng không thể nào quên. Còn gì đẹp hơn lòng lạc quan và ý chí sắt đá này của những con người trẻ tuổi khi Tổ quốc lâm nguy: "Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/… nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc" (Thanh Thảo); “Cái gì mọi người vượt qua được thì mình đều có thể vượt qua được. Phải lao vào cuộc sống với một tinh thần như thế. Và mình nghĩ: Khi sức sống đã dồi dào, có lẽ chả có sức mạnh độc ác nào vùi dập nổi sự vươn lên... Những chồi non mạnh khỏe không hề biết sợ... Đáng sợ nhất là lòng ta nguội lạnh, chính ta tự hủy nhựa sống trong ta. Còn nếu ta vẫn còn nguyên vẹn nhiệt tình và sức sống thì không một thế lực nào, một sự tàn phá nào, một khó khăn nào khiến ta chùn bước, khiến ta gục ngã” (Chu Cẩm Phong).
Khó có thể có tinh thần nào khác như vậy được, bởi “thế hệ chúng tôi còn có sự lựa chọn nào khác hơn là chọn niềm vui trong sự dấn thân vì đại nghĩa của dân tộc và con người?” ("Dương Thị Xuân Quý-Nhật ký, tác phẩm", NXB Hội Nhà văn, 2007).
Và cũng không có khúc khải hoàn nào xứng đáng hơn cho tinh thần ấy bằng khúc khải hoàn ngày 30/4/1975 lịch sử!./.
ThS. Lê Thị Dương
Viện Văn học