Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 10/3/2015 16:22'(GMT+7)

Cách mạng giải phóng dân tộc vẫn là nguồn cảm hứng của văn nghệ sỹ

Cảnh trong phim Mùi cỏ cháy

Cảnh trong phim Mùi cỏ cháy

 

Đến nay, đã có nhiều văn nghệ sỹ từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ không còn nữa. Nhìn lại đội ngũ các nhà văn, nhạc sỹ, ca sỹ trưởng thành trong chiến tranh cũng thấy không còn nhiều. Đội ngũ văn nghệ sỹ ở các chuyên ngành khác như hội họa, kiến trúc, múa, nhiếp ảnh, điện ảnh, sân khấu... những người từng có các tác phẩm nổi tiếng trong những năm tháng kháng chiến cũng thưa vắng dần. Và, cũng có một giai đoạn những năm đầu đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, cả xã hội bận mải với việc tái thiết đất nước, chiến đấu bảo vệ biên cương bờ cõi trước nạn ngoại xâm quấy phá và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, các tác phẩm văn học nghệ thuật viết về đề tài cách mạng và hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc (1945 - 1975) ít được quan tâm. Đã có nhiều bạn đọc cho rằng: “Viết về chiến tranh cách mạng, viết về người lính những năm chống Pháp, chống Mỹ bây giờ ai in, ai đọc? Thời bây giờ phải viết về tham nhũng, viết chống tiêu cực, viết về cái xấu, cái ác và cuộc đấu tranh chống lại nó... Nếu không thì phải viết chuyện tình, chuyện vụ án... họa có may ra...”.

Những ý kiến ấy không phải không có lý lẽ. Có một thực tế là, không ít người đọc kể cả bạn đọc trẻ ngày nay ngại đọc các tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh, ngại nghe hát về các ca khúc cách mạng. Họ bảo rằng đọc mãi, nghe mãi những tác phẩm ấy, đề tài ấy, quen quá, không có gì mới!

Dẫu vậy, năm tháng cứ qua đi, một số tác giả vẫn kiên trì bền bỉ viết về đề tài cách mạng và hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại ấy của dân tộc. Đã có nhiều tác phẩm mới viết về cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước thành công, tạo ấn tượng mạnh mẽ trong bạn đọc. Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Thế hệ các nhà văn chống Mỹ cứu nước”, Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong dịp đó cũng vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Vào năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Liên hiệp Văn học, nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc thi sáng tác và đặt hàng cho các tác giả viết về đề tài “Cách mạng và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng dân tộc thống nhất đất nước”(1930 - 1975).

Chỉ chưa đầy hai năm, cuộc thi đã được đông đảo đội ngũ văn nghệ sỹ cả nước hưởng ứng tham gia: Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam đã sưu tầm và tuyển chọn được 834 tác phẩm ảnh quý hiếm về hai cuộc kháng chiến; Hội Nhà văn Việt Nam nhận được 97 tiểu thuyết, hồi ký văn học và trường ca; chưa kể còn có hàng ngàn truyện ngắn, bài thơ, bút ký, hồi ức cũng về đề tài này nhưng không nằm trong quy chế tham dự cuộc thi; Hội Điện ảnh Việt Nam tiếp nhận được hơn 100 kịch bản phim truyện, phim truyền hình dài tập, phim tài liệu, phim hoạt hình; Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam có được hơn 50 tác phẩm kịch bản sân khấu tuồng, chèo, kịch nói...; Hội Mỹ thuật Việt Nam tiếp nhận hơn 350 tác phẩm tranh, điêu khắc; Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam có trên 40 kịch bản và kịch múa được dàn dựng. Hai loại hình nhận được sự tham gia đông đảo của các tác giả là âm nhạc và văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số.

Nhìn vào số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật tham dự cuộc thi cùng với gần 60 tác phẩm văn học nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng trực tiếp cho các tác giả, chúng ta có thể khẳng định rằng: đề tài cách mạng và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước của dân tộc cho đến nay vẫn còn có sức cuốn hút lớn với nhiều tác giả, vẫn là nguồn cảm hứng dồi dào, sáng tạo của văn nghệ sỹ, nhất là những nhà văn, nghệ sỹ đã một thời từng gắn bó với những thăng trầm lịch sử của đất nước trong chiến tranh.

Đọc kỹ các tác phẩm, người ta cũng nhận ra điều quan trọng ở các tác phẩm văn học nghệ thuật viết về đề tài cách mạng và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước lần này là chất lượng nội dung và hình thức thể hiện đã có những thay đổi hơn so với trước. Dường như những năm tháng chiến tranh càng lùi xa, ở từng tác giả thể hiện qua các tác phẩm của mình đã có được một cái nhìn mới hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về hiện thực và con người trong không gian thời chiến, mà trong những tác phẩm trước đây các tác giả chưa có điều kiện thể hiện. Chiến tranh, theo suy nghĩ của nhiều tác giả được soi chiếu nhiều chiều, không phiến diện, không thô cứng về nhận thức, tư tưởng. Con người dù ở phía nào, dù ở giai tầng nào cũng được các tác giả thể hiện chân thực, giàu chất nhân văn. Điều đó càng nâng cao thêm giá trị của tác phẩm, khẳng định các giá trị tư tưởng, đạo đức, nhân phẩm của con người Việt Nam thông qua những hình tượng văn học nghệ thuật.

Ở loại hình điện ảnh, nhà văn Chu Lai có kịch bản phim “Mưa đỏ”. Thành cổ Quảng Trị và chiến công 81 ngày đêm chiến đấu của quân dân ta trong Thành cổ đã từng đi vào thơ ca, tiểu thuyết, tác phẩm điện ảnh. Nhà văn Chu Lai tiếp tục khai thác nhưng với một góc nhìn mới dữ dội, quyết liệt và toàn diện hơn qua kịch bản phim “Mưa đỏ”. Chiến trường Quảng Trị, với nhà văn Chu Lai không chỉ là máu, là chết chóc, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, của thế hệ trẻ mà thông qua từng số phận người lính còn thể hiện những giá trị nhân văn. Chúng ta thắng địch không chỉ bằng lòng dũng cảm, mà còn bằng vũ khí chính trị, ngoại giao.

Nhiều chi tiết, sự kiện, những câu chuyện vui buồn trong chiến tranh, kể cả những điều sâu kín trong tâm hồn con người Việt Nam, nhất là những người lính giải phóng do một điều kiện hoàn cảnh nhất định mà các tác giả chưa thể hiện được trước đây, trong các tác phẩm lần này đều được phơi bày mạnh mẽ đầy sáng tạo, hấp dẫn như các tiểu thuyết: “Trong cơn lốc xoáy” của nhà văn Trầm Hương, “Bão không đến từ biển” trường ca của Trần Anh Thái, “Nhiệm vụ hoàn thành” kịch bản sâu khấu của Xuân Đức, “Người thả hoa trên sông” kịch bản múa của NSND Ứng Duy Thịnh, “Khoảnh khắc bất tử” kịch bản múa của Nguyễn Thị Tuyết Minh - Anh Phương. NSND Chu Chí Thành có bộ ảnh 10 tác phẩm ghi dấu lại tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ trong chiến tranh phá hoại lần đầu được công bố. Tác phẩm ảnh của Xuân Liễu, Hoàng Kim Đáng chụp ở Quảng Trị ngót nửa thế kỷ vẫn còn tươi nguyên không khí của những người lính ra trận năm nào.

Có nhiều tác phẩm không phải chỉ mới viết những năm gần đây, mà dường như đã được các tác giả chuẩn bị từ hàng chục năm trước. Đấy là trường hợp tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” của nhà văn Trầm Hương. Nhiều năm nay chị đã âm thầm ghi lại những câu chuyện, những hồi ức của một nữ chiến sỹ cách mạng Việt kiều ở Pháp với những người lính Pháp. Đó còn là những trang hồi ký giàu chất liệu sống, chân thực, cảm động của quân dân vùng Đất Mũi xa xôi trong ký ức của nhà văn Anh Động. Đọc những trang hồi ký của Anh Động, người đọc như cảm nhận thêm một lần lịch sử của vùng đất phía Nam của Tổ quốc đã được ông chắt lọc trong con mắt của một nhà văn. Đó còn là những tác phẩm mỹ thuật về đề tài Điện Biên, hình tượng Mẹ và người lính, dòng sông Thạch Hãn (1972)... của tác giả trẻ Trịnh Hoằng Tân (Quảng Trị), Đỗ Đức Khải (Hà Nội), Nguyễn Hữu Song, Quách Văn Phòng (TP. Hồ Chí Minh)... Các tác phẩm thể hiện với một sự sáng tạo, đột phát trong thủ pháp nghệ thuật, tạo ấn tượng cho người xem.

Có nhà phê bình nhận định rằng: năm mươi năm sau, một trăm năm sau, sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh hai cuộc kháng chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và cả cuộc chiến đấu bảo vệ vùng đất biên cương, biển đảo của Tổ quốc vẫn và mãi mãi sẽ còn được người nghệ sỹ tiếp tục khai thác. Dù thế giới và đất nước này sẽ có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn có những nhà văn và những người nghệ sỹ đến với đề tài này.

Từ cuộc vận động sáng tác và đặt hàng cho các tác giả viết về đề tài cách mạng và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1930 - 1975) lần này, với sự tham gia hào hứng và nhiệt tình của các tác giả, càng khẳng định mảng đề tài chiến tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc vẫn rất cần cho đời sống văn nghệ hôm nay. Đó cũng là nhiệm vụ quan trọng của người nghệ sỹ khi mà đất nước ta trong quá trình hội nhập và phát triển, xây dựng kinh tế là trọng yếu, ổn định chính trị và an ninh xã hội là cần thiết nhưng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vẫn canh cánh bên lòng. Thông qua cuộc thi lần này, chúng ta có được hàng trăm tác phẩm có chất lượng cao, cả nội dung và nghệ thuật về đề tài cách mạng và hai cuộc kháng chiến. Đây là một dấu hiệu rất đáng mừng. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật ấy càng làm phong phú thêm truyền thống yêu nước của dân tộc ta, đóng góp cho nền văn học, nghệ thuật Việt Nam những tác phẩm mới về chiến tranh cách mạng ngang tầm với lịch sử kháng chiến vĩ đại mà dân tộc ta đã đi qua./.


Nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất