Thứ Bảy, 21/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 13/3/2015 15:3'(GMT+7)

Văn học quảng bá và quảng bá văn học

(Hình minh họa)

(Hình minh họa)

Ở bất kỳ nền văn hóa nào người ta cũng đều coi trọng bản sắc riêng, vì nếu không sẽ bị hòa lẫn vào các sắc màu văn hóa khác. Và chính cái bản sắc riêng ấy mới là vị sứ giả thuyết phục nhất để đối thoại. Bởi một quy luật thông thường trong giao tiếp là chỉ những gì lạ, đặc sắc, độc đáo mới được quan tâm, chú ý.

 

Văn học là một trong những thành tố cơ bản, quan trọng nhất của văn hóa, quảng bá văn học tức là giới thiệu bộ mặt văn hóa hay chân dung tinh thần nước nhà ra với thế giới. Như vậy có hai vấn đề được đặt ra: Văn học quảng bá (quảng bá cái gì) và quảng bá văn học (quảng bá bằng cách nào).

Nam Cao, nhà văn vĩ đại thuở sinh thời từng ao ước viết được một tác phẩm đoạt giải Nô-ben, nghĩa là ông đã nghĩ đến văn học quảng bá trước chúng ta rất nhiều, đi trước cả thời đại hội nhập hôm nay. Đó phải là một tác phẩm hay, có giá trị lớn, vừa chứa đựng tinh hoa văn hóa dân tộc, vừa mang tính toàn cầu. Đã là người cầm bút chân chính có lẽ ai cũng có khát vọng cao cả ấy. Nhưng làm thế nào để có, chưa nói đến tầm giải Nô-ben mà chỉ ở tầm để quảng bá đã là một cố gắng tột bậc của các nhà văn. Văn hóa bao giờ cũng là một quá trình tiếp biến lâu dài, bền bỉ, có kế thừa phát triển, có chọn lọc đào thải. Cái mạch nguồn dinh dưỡng để nhà văn thai nghén, sáng tạo tác phẩm là văn hóa dân tộc. Đứa bé thiếu nguồn sữa mẹ vẫn có thể trưởng thành nhưng khó phát triển toàn diện. Cũng tương tự, nhà văn xa rời truyền thống dứt khoát không thể có tác phẩm lớn. Phải ngụp lặn vào tinh hoa vốn cổ, học hỏi ở đó tri thức, tìm thấy ở đó tâm hồn, tính cách con người, dân tộc Việt Nam, kết hợp với tâm huyết, tài năng, cơ hội… thì may ra mới có tác phẩm để đời. Chạy theo những lối viết tân kỳ thời thượng (chưa chắc đã mới) có thể có những hưởng ứng ban đầu nhưng sẽ chỉ là những cây non chết yểu mà không bao giờ trở thành đại thụ vì không được cắm rễ sâu vào văn hóa đất mẹ. Một “tác phẩm” bắt chước nước ngoài cũng chỉ như những cây non kia, dĩ nhiên không thể là một tác phẩm để quảng bá!

Mẫu số chung của văn học nhân loại là bênh vực, thương yêu con người, vì con người. Triết học văn hóa đương đại đề cao các nguyên tắc chân thành, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau trong đối thoại. Tác phẩm văn học cũng là một tiếng nói (diễn ngôn) đối thoại, giữa con người với con người, thời đại này với thời đại khác, nền văn hóa này với nền văn hóa kia, nếu thiếu phẩm chất chân thành sớm muộn cũng bị tẩy chay, từ chối. Phải thật sự vì con người, có thể nói về những cái xấu, cái thấp hèn nhưng với mục đích để con người tốt hơn, nhân văn hơn, tác phẩm ấy mới có thể hòa vào cái mẫu số chung kia của thế giới. Những thứ phẩm có ngôn từ tục tĩu hay sáo rỗng, khêu gợi hoặc nhàn nhạt viết về những điều quá cũ quẩn quanh “tiền, tình, tù, tội”… hướng bạn đọc đi về miền tăm tối bản năng sẽ không bao giờ tồn tại lâu dài

Quảng bá văn học trước nay đều chung một con đường ngôn ngữ, mà hiện nay tiếng Anh là ngôn ngữ chung nhất. Đây chính là một thách thức lớn của mọi nhà văn và mọi nền văn học. Khi sáng tạo anh phải viết những gì là của riêng anh nhất, riêng dân tộc anh nhất, nhưng để ra được với thế giới anh phải chuyển dịch ra tiếng Anh. Mà dịch thì luôn là “phản”, là “khác”, sẽ không bao giờ chuyển tải một cách đầy đủ, trọn vẹn mã văn hóa từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Hơn nữa văn học là tình cảm, là tư tưởng, là nỗi lòng. Dù “tri ân” đến mấy cũng chẳng ai nói hộ được tiếng lòng của nhau. Chỉ có một cách để làm mất đi ít nhất giá trị tác phẩm là nhà văn tự chuyển ngữ. Thế thì nhà văn phải giỏi tiếng Anh. Đương nhiên. Nhưng ở ta có mấy người đã làm được như vậy? Ngay trên thế giới những tài năng có thể viết hay được cả tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh như Tagore (Ấn Độ), Nabokov (Nga) cũng đâu có nhiều! Do vậy rất cần một đội ngũ dịch giả văn chương tài năng. Tác phẩm của Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh… rất cần được nhân loại hiểu và tôn vinh hơn nữa. Những nhà dịch thuật cần được tôn trọng xứng đáng với sứ mệnh quan trọng là cầu nối những nền văn hóa, cầu nối những tâm hồn./.

Thanh Nguyên (QĐND)  

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất