Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 15/1/2009 19:58'(GMT+7)

Văn học, nghệ thuật trước cơ chế thị trường - góc nhìn từ cơ sở

Một góc thành phố Cần Thơ

Một góc thành phố Cần Thơ

Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đang phát triển trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề mới cả về thực tiễn và lý luận. Nghị quyết 23/NQ-TW ra ngày 16- 6- 2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” đã chỉ rõ những tác động tích cực và tiêu cực khi VHNT tham gia hội nhập vào nền kinh tế thị trường: “Qúa trình hội nhập quốc tế, giao lưu văn hoá, có khả năng tạo ra những biến đổi lớn về diện mạo, đặc điểm, loại hình nghệ thuật nước nhà, đồng thời sự bùng nổ của các phương tiện truyền bá sản phẩm văn nghệ, của công nghệ giải trí cũng có thể tác động cả tích cực và tiêu cực đến đời sống và công chúng văn nghệ. Mặt khác, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hoà bình”nhằm tạo ra sự tự diễn biến trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, đạo đức trong nội bộ ta”.

Trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối VHNT không thể buông lơi, không thể phủ nhận. Khái niệm “lãnh đạo” ở đây là chủ động định hướng đường lối văn nghệ của Đảng, hướng người nghệ sĩ dành trọn tâm hồn, trí tuệ và tình cảm cho sáng tác nghệ thuật chân chính. Vậy phương cách lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực VHNT phát triển trong cơ chế thị trường định hướng XHCN như thế nào cho nhuần nhuyễn.

Khu vực ĐBSCL là vùng đất “trẻ ”, nhưng VHNT lại có truyền thống đáng tự hào với những danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Chiểu, v.v. Sau này cùng những địa chỉ văn hóa như Mạc Thiên Tích, Chiêu Văn Các… nơi thu hút biết bao tao nhân mặc khách, các nhà văn lớp trước như Hồ Biểu Chánh, Bảo Định Giang, Sơn Nam đến các nhà văn hiện đại Lê Văn Thảo, Trần Thanh Giao, Nguyễn Quang Sáng, Chim Trắng, Lê Vĩnh Hòa, Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Tạ Thanh Sơn…đã làm giàu thêm truyền thống văn học Nam Bộ.

Văn học nghệ thuật Cần Thơ và ĐBSCL đã trải qua nhiều chặng đường phát triển. Gần 10 năm trở lại đây, Cần Thơ và các tỉnh khu vực ĐBSCL đã tổ chức hàng chục cuộc thi thơ, truyện ngắn, bút ký văn học qua đó phát hiện nhiều gương mặt mới làm phong phú và đẹp thêm bức tranh văn học đồng bằng.

Riêng TP Cần Thơ, ngoài việc đăng cai các giải khu vực, còn tổ chức riêng một số cuộc thi như: Thi thơ Cần Thơ năm 2004, thi bút ký văn học Cần Thơ năm 2006... Nhìn chung, những thành tựu đó của văn học ĐBSCL nếu so với mặt bằng của văn học toàn quốc còn rất khiêm tốn nhưng đã cho thấy một điều là người viết rất tâm huyết với văn chương. Tuy tác phẩm còn những hạn chế về nội dung và hình thức thể hiện nhưng phần nào đã đáp ứng được thị hiếu và sự mong đợi của công chúng yêu thích trong khu vực.

Trong thời buổi phát triển kinh tế thị trường theo xu hướng mở cửa, giao lưu hội nhập quốc tế theo định hướng XHCN, VHNT cũng có phần cuốn theo guồng xoáy đó. Chúng ta “hội nhập” nhưng không “hoà tan”, không “biến màu”, “biến chất”. Khi giao lưu với văn hoá với thế giới, ta sẽ học hỏi được nhiều điều bổ ích, là dịp để tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, nhằm làm phong phú thêm truyền thống văn hoá Việt Nam.

Nhìn lại những tác giả và tác phẩm của anh chị em văn nghệ sĩ Cần Thơ và khu vực ĐBSCL thời gian qua trong nền kinh tế tri thức đang hội nhập, đã có những mặt mạnh và hạn chế đáng lưu ý. Cái mạnh là chúng ta luôn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc, đặc biệt là những yếu tố mang sắc thái Nam Bộ. Đọc tiểu thuyết của nhiều nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược như: Lê Vĩnh Hòa, Nguyễn Linh, Trang Thế Hy… sau này là truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thôi, Anh Động, thơ của Trương Trọng Nghĩa, Trịnh Bửu Hoài… ta thấy mỗi tác giả đều có sự tìm tòi, sáng tạo theo xu hướng mới. Các giá trị “phi vật thể” đó không những là tiếng nói tâm hồn của con người một vùng, một miền mà rộng hơn nó còn là tiếng nói của một cộng đồng, một dân tộc của Tổ quốc.

Những tác phẩm đã có sức vang xa, “gọi đàn” vượt biên giới của lý trí đến với bạn bè thế giới. Mặt hạn chế của những cây viết trẻ ở vùng đất này là vốn tri thức, lý luận và thâm nhập thực tiễn... còn quá “mỏng”, nên tác phẩm ít có sức khái quát chiều sâu lẫn chiều rộng. Phần lớn các tác phẩm thơ cũng như truyện còn nặng về tường thuật, miêu tả, kể lể, giãi bày tâm sự đơn thuần. Sự tìm tòi, khám phá để có sự cách tân về ngôn ngữ, thể loại còn yếu. Số tác giả viết tiểu thuyết còn rất ít.

Riêng mảng phê bình văn học (PBVH) không những ở Cần Thơ mà nhìn chung trong phạm vi toàn quốc còn yếu. Đội ngũ viết PBVH rất thiếu, có thể đếm trên đầu ngón tay. Ở khu vực ĐBSCL thỉnh thoảng mới có bài bàn về truyện, thơ, bình thơ, giới thiệu tác giả tác phẩm hoặc điểm sách… Người viết ngại đụng chạm những vấn đề “tế nhị” của xã hội và của tác giả. Một số người có ý định trở thành nhà PBVH cũng gác bút, quay sang sáng tác thơ, truyện dễ đăng báo, kiếm sống.

Mấy năm gần đây đã có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà dịch thuật được các tổ chức của nước ngoài mời tham dự hội nghị văn học, mời đọc thơ văn. Trong số đó ở miền Tây Nam Bộ có nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư (Cà Mau). Một số nhà văn có mức thu nhập khá ở miền Tây Nam Bộ, đã đi du lịch tự do sang một số nước để tham quan, học tập…góp phần mở rộng tầm nhìn và giao lưu văn học với bè bạn. Hiệu ứng đem lại là mở rộng tầm nhìn, có một số tác giả để lại tác phẩm, và có lẽ đó là con đường giao lưu bổ ích của người sáng tạo VHNT trong cơ chế thị trường.

Ở đây xin dừng lại bàn đôi điều về phương cách lãnh đạo đối với VHNT của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Nếu chỉ dừng lại ở việc đầu tư bao nhiêu kinh phí, bao nhiêu ngân sách cho hoạt động VHNT thì tôi cho rằng đó chỉ mới một nửa. Đầu tư cơ sở vật chất, cơ chế chính sách cho VHNT là không thể thiếu, nhưng trong nghệ thuật sự lãnh đạo của Đảng cần khơi dậy trong tâm hồn văn nghệ sĩ nguồn cảm hứng sáng tạo, đánh giá đúng những giá trị văn hóa tinh thần mà VHNT đem lại. Đã một thời do cách nhìn nhận, đánh giá VHNT theo tôi tư duy xơ cứng, máy móc làm tổn thương không ít những nhà văn yêu nồng nàn cuộc sống như thời kỳ kháng chiến. Cuộc mổ xẻ, phê phán tiểu thuyết “Cù lao tràm” của Nguyễn Mạnh Tuấn một thời đã để lại những ấn tượng quá khe khắt đối với nhà văn được coi một hiện tượng mới của văn học. Hiện tượng Nguyễn Ngọc Tứ với “Cánh đồng bất tận” cũng cần một thời gian dài để chính cuộc sống khẳng định giá trị của tác phẩm. Một tác phẩm văn học ra đời khi đã trải qua những sóng gió của dư luận khen chê, rồi tự sàng lọc, tự khẳng định, đó sẽ là những tác phẩm có giá trị trường tồn. Nhìn nhận, đánh giá VHNT của những người làm công tác quản lý văn nghệ cần có thời gian cảm thụ và thẩm định. Đánh giá đúng giá trị văn hóa đích thực của tác phẩm là một trong những yếu tố chắp cánh cho những tài năng phát triển.

Nhiều nhà lãnh đạo VHNT địa phương do nhiều hoàn cảnh nên chưa hiểu hết đặc trưng, chức năng, nhiệm vụ và các tính chất của tác phẩm văn học, nên đôi lúc đánh đồng hiện thực cuộc sống và hư cấu nghệ thuật, hoặc có hiểu nhưng lại lái sang quan điểm chính trị, để quy kết tác giả, tác phẩm có vấn đề này vấn đề nọ, sai về nhân sinh quan, thế giới quan. Đó là căn bệnh ấu trĩ, duy ý chí của một số cán bộ lãnh đạo chưa theo kịp xu thế thời đại, chưa nắm bắt được sự đổi mới của VHNT trước tình hình mới của xã hội hiện nay.

Điều này rất đúng với nhận định ở Nghị quyết 23/NQ-TW của Bộ Chính trị: “Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo quản lý của các cấp uỷ Đảng, cơ quan Nhà nước bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Nội dung và phương thức lãnh đạo chậm đổi mới, chưa lường hết được tác động phức tạp, tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, dẫn tới sự lúng túng, thụ động khi định hướng và xử lý những vấn đề mới phát sinh… Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn nghệ thiếu hiểu biết về văn học, nghệ thuật, ít học tập, ngại tiếp xúc nên hiệu quả lãnh đạo, quản lý còn thấp, có sự hẫng hụt đội ngũ này ở cả tầm vĩ mô và ở các đơn vị cơ sở…”

Sự lãnh đạo của Đảng cần đi theo thể chế năng động, để người nghệ sĩ có chân trời mới sáng tạo, để họ sống được bằng chính nghề của mình. Khi sản phẩm làm ra không bán được thì làm sao có thị trường VHNT? Các nhà văn Cần Thơ và khu vực ĐBSCL trong những năm qua chưa có sự bứt phá theo cơ chế thị trường. Thị trường văn hoá chưa theo kịp thị trường kinh tế. Tác phẩm văn nghệ chưa biến được thành “hàng hoá” để chiếm lĩnh thị trường tinh thần của công chúng. Chúng ta chưa có được những tác phẩm hay, nhà văn giỏi để chinh phục độc giả. Đó là sự hụt hẫng về kế thừa đội ngũ.

Hiện nay phương tiện thông tin đại chúng phát triển như vũ bão. Trong khi đó, các nhà văn, nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, điêu khắc... vẫn còn trông chờ nhà nước “bao cấp” để in ấn tác phẩm. Và khi tác phẩm in ra cũng không phát hành và cạnh tranh được với các loại sản phẩm văn hoá khác của nước ngoài tràn vào. Chỉ số ít văn nghệ sĩ sống được nhờ ngòi bút. Điều này đòi hỏi các tác giả cũng cần xem lại chính mình. Tác phẩm in ra thường nhàn nhạt, chưa có dấu ấn. Đọc vài trang đã hiểu hết ý định nhà văn và có thể đoán được bước đi của nhân vật. Thơ, nhạc nhiều bài na ná giống nhau. Một số tác giả bỏ tiền túi in thơ, văn, nhạc để đánh bóng tên tuổi, tặng bạn bè chơi là chủ yếu. Trái lại, có nhà văn viết theo đơn đặt hàng cho một số đầu nậu sách lại sống đựơc, vì chiều theo thị hiếu một số độc giả. Đó cũng là câu hỏi cần được chính tự nhà văn lý giải và các nhà lãnh đạo văn nghệ quan tâm.

Đảng ta từ trước đến nay không cấm đoán các tác giả viết về những vấn đề tiêu cực phê phán cái xâu, đấu tranh, chống cái ác. Nhưng viết thế nào để từ đó khẳng định được cái tốt, cái thiện, hướng độc giả tới Chân, Thiện, Mỹ mới là điều cần làm, cần suy nghĩ. Bởi vì ranh giới giữa sự phê phán và đả kích là rất mong manh. Hình tượng văn học lại đa nghĩa. Vì vậy, nếu người cầm bút không vững tay là sẽ mập mờ giữa ranh giới phê phán và đả kích. Và, nếu người lãnh đạo VHNT không sáng suốt lại hay phê phán theo kiểu quy chụp thì vô hình trung có khi giết chết một tác phẩm tốt. Bởi vậy, nhiều tác giả cứ viết theo kiểu tô hồng hoặc ca ngợi mặt tích cực một chiều, ngán đụng chạm những vấn đề tiêu cực, bức xúc của xã hội, nên độc giả không muốn đọc những tác phẩm loại ấy, vì nó không đại diện cho tình cảm và tiếng nói công chúng. Thị trường văn học không chấp nhận những tác phẩm nói chung chung. Trên tạp chí văn nghệ các tỉnh ĐBSCL rất ít xuất hiện những tác phẩm gay cấn, phê phán. Đọc Tạp chí văn nghệ địa phương thấy hiền quá, lành quá. Xin đừng cho rằng lãnh đạo các địa phương quá khắt khe, phê phán những tác phẩm còn nhiều tranh cãi. Thật ra nhiều lãnh đạo địa phương mong muốn các văn nghệ sĩ có những tác phẩm phê phán mặt xấu, mặt thủ cựu ở địa phương, nhưng chính các văn nghệ sĩ chúng ta chưa có được những tác phẩm như mong muốn. Các tác giả muốn làm được điều đó cần phải có vốn sống, tay nghề và bản lĩnh chính trị.

Những tác giả tài năng, những tác phẩm VHNT hay, là vốn quý của dân tộc. Tài năng của tác giả chỉ được khơi dậy và phát huy khi chúng ta có được cơ chế và lộ trình đúng hướng, phù hợp với xu thế thời đại. Việc chăm lo, phát hiện các tài năng VHNT là trách nhiệm của toàn xã hội, mà trước hết là Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng bảo đảm quyền tự do sáng tác, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ phát huy tính độc lập để họ có tác phẩm hay, phục vụ đất nước và dân tộc. TP Cần Thơ trở thành TP loại 1 trực thuộc Trung ương trước năm 2010 rất cần sự đầu tư cho lĩnh vực VHNT. Từ đó, các văn nghệ sĩ mới có được những tác phẩm giá trị, phản ánh một cách chân thực và hùng hồn về con người và mảnh đất có bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử, một vùng đất còn trẻ, giàu tiềm lực, để Cần Thơ xứng đáng là Trung tâm ở khu vực ĐBSCL.

Trong tương lai gần thành phố Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung, sẽ có những tác phẩm hiện đại, giàu tính nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu được những tinh hoa văn hoá nhân loại, tiếp cận nền văn hóa, nghệ thuật trong thời buổi phát triển kinh tế thị trường, mở rộng giao lưu quốc tế theo định hướng XHCN, góp phần làm giàu kho tàng VHNT nước nhà./.

Phan Huy
Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT thành phố Cần Thơ

(Nguồn: Bản tin Lý luận phê bình văn học nghệ thuật)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất