Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 20/8/2019 17:5'(GMT+7)

Vinh dự của người đạo diễn gìn giữ nghệ thuật cải lương

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những đóng góp cho nghệ thuật dân tộc.

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những đóng góp cho nghệ thuật dân tộc.

Là người nghệ sĩ gắn bó với sân khấu và trao truyền ngọn lửa đam mê cho những người trẻ trong vai trò một người thầy, đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Trưởng khoa Kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM vinh dự được tham gia Chương trình giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 toàn quốc và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những đóng góp cho nghệ thuật dân tộc.

Xuất thân trong một gia đình nhà giáo tại Cần Thơ nhưng Lê Nguyên Đạt lại nuôi giấc mơ làm nghệ sĩ.

Nhớ lại thập niên 1980 khi sân khấu cải lương phát triển trực rỡ, lúc đó Lê Nguyên Đạt hãy còn là cậu bé học cấp 2 và rất mê cố NSƯT Thanh Nga khi xem vở cải lương Tiếng trống Mê Linh, Thanh Nga trong vai Trưng Trắc, được phát đi phát lại trên truyền hình. Chính vì vậy, năm 15 tuổi, Lê Nguyên Đạt quyết định khăn gói lên TPHCM theo đuổi đam mê, vừa tiếp tục học phổ thông vừa theo học lớp đào tạo ban đêm ở Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM).

Sau đó, anh thi vào lớp đào tạo đạo diễn đầu tiên ở bậc đại học tại các tỉnh phía Nam do Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM liên kết với Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Đến nay, không chỉ dàn dựng, Lê Nguyên Đạt còn làm công tác giảng dạy với vị trí Trưởng khoa Kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM. Anh đã góp phần đào tạo rất nhiều diễn viên trẻ của bộ môn cải lương.

“Tôi quan niệm, mỗi sản phẩm sân khấu cụ thể đều là những bài học của tôi dành cho sinh viên của mình. Tôi muốn các em cùng tham gia ở tất cả các khâu để hiểu được quá trình hình thành một tác phẩm là khó khăn và phức tạp như thế nào.

Tôi muốn trước khi đứng trên sân khấu tỏa sáng cùng các nhân vật, các em phải biết được nỗi vất vả của nhân viên hậu đài, người treo băng rôn, phát tờ rơi quảng cáo, người bán vé, giao vé, phụ trách phục trang… Trước khi có được những vai diễn thực sự thì các em phải biết học hỏi từ trong cánh gà, từ những vai quần chúng, quân sĩ, tì nữ, dàn múa… như các cô chú đi trước”, đạo diễn Lê Nguyên Đạt chia sẻ.

Đến hôm nay, dù không trở thành ngôi sao sân khấu như mơ ước ban đầu nhưng đạo diễn Lê Nguyên Đạt đã gặt hái được thành quả của riêng mình. Năm 2018, vở "Tổ quốc nơi cuối con đường" (tác giả Lê Thu Hạnh, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt) đã được bạn đọc báo Người Lao Động đề cử giải Mai Vàng. 

Vở diễn có nội dung về thời thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong. Vở diễn đã đạt Huy chương Vàng Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 và được Liên đoàn Lao động TPHCM tạo mọi điều kiện đưa đến phục vụ hơn 6.000 khán giả công nhân. Với đạo diễn Lê Nguyên Đạt, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của những người nghệ sĩ gìn giữ nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Bên cạnh đó, đạo diễn Lê Nguyên Đạt đã dàn dựng các tác phẩm được đánh giá cao như: "Người giàu cũng khóc", "Hồn thơ ngọc", "Bến sông chờ", "Bến nước Ngũ Bồ", "Cơn hồng thủy", "Cõi thiêng", "Người đồng bằng"…

Nghệ thuật truyền thống của Việt Nam luôn rất cần có sự kết nối người đi trước dắt tay người đi sau. Cùng với các nghệ sĩ khác, đạo diễn Lê Nguyên Đạt đau đáu trách nhiệm gìn giữ và phát triển, để kéo gần khoảng cách giữa bộ môn nghệ thuật lâu đời như cải lương với những thế hệ đi sau. 

Những người “truyền lửa” như đạo diễn Lê Nguyên Đạt đang ngày ngày mang trên vai nhiệm vụ đào tạo và dìu dắt những nghệ sĩ trẻ, tập trung vào yếu tố con người để bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa dân tộc.

Nhật Nam/Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất