Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 14/5/2012 20:52'(GMT+7)

Tuổi trẻ nguyện tiếp nối lý tưởng cách mạng của Bác Hồ

Sinh thời, Bác Hồ là một thanh niên sống có hoài bão lớn. Những lý tưởng cao đẹp của Bác khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước mãi mãi có ảnh hưởng rất lớn đến lớp trẻ. Bác mãi là tấm gương sáng để thanh niên ngày nay xác định rõ lý tưởng sống của mình trong thời đại mới.

Bác Hồ với lý tưởng Cách mạng

Khi còn là một thanh niên, Bác Hồ đã trăn trở làm sao để tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc. Chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, cảm phục trước tấm gương hy sinh của các vị tiền bối nhưng không tán thành đường lối cứu nước của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước, mặc dù biết sẽ rất khó khăn, vất vả và cả hiểm nguy. Lúc đó có người hỏi nếu đi ra nước ngoài thì sống thế nào? Nguyễn Tất Thành đã xòe hai bàn tay ra và nói: Đây, sẽ sống bằng chính cái này! Điều đó đã cho thấy nghị lực và ý chí quyết tâm của Người ngay từ buổi đầu của hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân.

Rời bến Nhà Rồng, với cái tên anh Ba, Người xuống làm phụ bếp trên con tàu của Pháp. Sau nhiều năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, làm nhiều nghề để sinh sống và hoạt động Cách mạng ở nhiều nước, anh ngạc nhiên thấy ở Pháp cũng có những người nghèo khổ như ở nước mình. Anh có dịp hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ với bản Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng. Trong những năm tháng làm việc vô cùng vất vả ở nước Anh, Nguyễn Tất Thành đã tích luỹ thêm được những hiểu biết về xã hội tư bản, về đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa chính quốc và thuộc địa. Anh cũng tự học để trang bị cho mình một trình độ vững vàng về tiếng Anh, để thuận lợi hơn khi giao tiếp và đấu tranh chính trị. Cuối cùng Người đã tiếp cận được với Chủ nghĩa Cộng sản. Cầm trong tay bản Luận cương của Lê Nin, Người đã “reo lên như nói cùng dân tộc: Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”(1). Người đã tìm ra con đường cứu nước và vạch rõ để giải phóng dân tộc chỉ có thể bằng cách thực hiện cuộc Cách mạng vô sản.

Những năm tháng ở trong nhà lao của Tưởng giới Thạch, bị kẻ thù giam cầm hơn một năm, trong điều kiện sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn nên sức khoẻ của Nguyễn Ái Quốc ngày càng suy giảm. Tuy vậy Người vẫn tin tưởng vào con đường cứu nước, vào lý tưởng mình đã chọn. Mặc dù ở trong tù Bác vẫn lạc quan, hy vọng một ngày không xa, đất nước sẽ độc lập, trong giấc mơ vẫn thấy “sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”(2). Rồi ngày 28/1/1941, giây phút đầu tiên trở về Tổ quốc xiết bao cảm động. Hình ảnh Người lãnh tụ của dân tộc cúi xuống hôn lên nắm đất quê hương sẽ mãi in đậm trong ký ức lịch sử. Trở về đất mẹ sau hơn 30 năm xa cách, Bác lại cùng với các đồng chí lãnh đạo của Đảng tiếp tục vượt qua những khó khăn thử thách mới để chèo lái con thuyền cách mạng tiến lên.

Xác định rõ lý tưởng sống của mình là hy sinh cho dân cho nước, Người đã không hề nghĩ đến bản thân mình. Bác đã cống hiến trọn đời mình cho dân tộc Việt Nam. Người thường nói: “Suốt đời tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao để nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng đựoc học hành”.(3)

Trong suốt cuộc đời đấu tranh, hy sinh cho lý tưởng Cách mạng, biết bao khó khăn nguy hiểm, có những lúc cái chết cận kề, có những khi do hoàn cảnh xã hội đã dẫn đến nhiều thăng trầm của phong trào Cách mạng: cùng một lúc phải chống lại thù trong giặc ngoài. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khác: tiếp quản một đất nước vừa trải qua nạn đói năm Ất Dậu 1945 với hơn 2 triệu người chết đói và hơn 90 % dân số mù chữ. Trước tình hình đó, Người vẫn bình tĩnh chèo lái con thuyền Cách mạng Việt Nam đến thành công. Bởi Người tin vào lý tưởng Cách mạng và con đường cứu dân, cứu nước mà mình đã chọn. Những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, biết bao lần đối mặt trước nguy hiểm, chính sức mạnh của nghị lực, ý chí quyết tâm đã giúp Người mưu trí đấu tranh thoát khỏi được nanh vuốt của kẻ thù để trở về với đồng chí, đồng bào, lãnh đạo cách mạng tiến lên giành thắng lợi. Người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Qua hành trình tìm đường cứu nước của mình, Người đã để lại cho chúng ta, nhất là thanh niên Việt Nam những bài học quý giá về nghị lực và ý chí quyết tâm của tuổi trẻ trước vận mệnh đất nước. Bằng chính sự trải nghiệm của mình, Người hiểu rất rõ vai trò và sức mạnh của thanh niên. Người chỉ rõ: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình (4).

… Đến lý tưởng sống của thanh niên Việt nam

Giác ngộ điều đó, trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hàng triệu người con ưu tú đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân vì nước như Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân… Khi nước nhà chưa độc lập thống nhất, có thể nói lý tưởng giải phóng dân tộc là lẽ sống của thanh niên Việt Nam.

Trong công cuộc xây dựng đất nước, tuổi trẻ Việt nam vẫn xác định rõ mục tiêu lý tưởng của mình là cống hiến sức thanh xuân cho sự nghiệp xây dựng CNXH. Năm 1977, sau khi đất nước thống nhất, hàng ngàn thanh niên miền Bắc theo tiếng gọi của Đảng đi xây dựng vùng kinh tế mới Lâm Đồng. Những làng thanh niên với tên gọi Đức Trọng, Lâm Hà đã được dựng trên miền đất đỏ cao nguyên mênh mông cần bàn tay người khai phá. Và những nông trường thanh niên như Blaosơrê, Đại Lào, Đức Trọng... đã được cả nước biết đến bằng sức trẻ thanh niên. Rồi những bạn trẻ đã xa rời ánh đèn thành phố, xung phong ra hải đảo, đến với vùng sâu vùng xa tình nguyện phục vụ đồng bào. Những cô giáo trẻ xóm Vạn Chài Hạ Long cùng lớp học nổi trên thuyền, những thầy giáo mới tốt nghiệp đại học, xung phong ra dạy học ngoài Trường Sa thân yêu, đem cái chữ đến với các em nơi biển khơi xa quanh năm chỉ làm bạn với mây trời biển biếc, để các trẻ em nơi đây không bị thất học. Thật cảm động khi chứng kiến những chiến sĩ trẻ đã vững tay súng nơi biên cương hải đảo, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất mẹ Việt Nam. Biết bao bác sĩ, y sĩ trẻ tình nguyện lên với vùng cao đã thay “thầy mo” bắt hết “con ma rừng” cứu chữa cho đồng bào, giúp họ bỏ dần phong tục lạc hậu - cúng lễ thay cho việc đi bệnh viện. Những cô đỡ thôn bản đã mang đến sự an toàn cho các bà mẹ khi “vượt cạn”, đem lại sự sống cho biết bao em bé sơ sinh khi cất tiếng khóc chào đời.

Thanh niên thời kỳ hội nhập đã chủ động chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức của nhân loại. Phương châm “học để ngày mai lập nghiệp” đã trở thành khẩu hiệu của học sinh sinh viên. Trong sự nghiệp CNH - HĐH, nền kinh tế tri thức rất cần đến những thanh niên có bản lĩnh vững vàng. Bản lĩnh này cần được phát huy nhiều hơn trong thời kỳ dựng xây đất nước. Hơn bao giờ hết, tinh thần thanh niên đã và đang được phát huy, trở thành mục tiêu, lý tưởng sống của đa số các bạn trẻ. Họ sẵn sàng chuẩn bị mọi hành trang để bước vào thế kỷ XXI, thế kỷ của khoa học công nghệ.

Trong sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, trên các lĩnh vực sản xuất, hoạt động xã hội và bảo vệ Tổ quốc, tuổi trẻ Việt Nam lại có biết bao tấm gương sáng. Ngày nay, mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh là lý tưởng của Đảng, đồng thời cũng là lý tưởng của mỗi người dân yêu nước, đặc biệt là lớp trẻ. Mới đây, hưởng ứng chủ trương nhằm tăng cường nguồn nhân lực có trình độ để giúp cấp ủy, chính quyền xã thuộc các huyện nghèo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học đã xung phong về tăng cường làm Phó chủ tịch xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước. Họ muốn cống hiến sức trẻ cho Tổ Quốc và thông qua đó để tôi luyện bản thân, giúp họ trưởng thành hơn. Những hoạt động cụ thể này chính là thước đo sự giác ngộ lý tưởng Cách mạng của thanh niên.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo giáo dục, đào tạo các thế hệ thanh niên Việt Nam ngày càng phát triển trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Từ khi có Đảng lãnh đạo, thanh niên Việt Nam đã phát huy tốt vai trò xung kích. Từ phong trào “Thanh niên cứu quốc”, đến phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”; “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”. Trong tình hình hiện nay, việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên phải gắn với đẩy mạnh triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Hiện nay, trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đại đa số thanh niên nước nhà đã và đang nắm bắt được thời cơ vận hội, chủ động vượt qua mọi khó khăn thử thách, ra sức học tập, rèn luyện phấn đấu vươn lên, cống hiến cho đất nước. Song cũng đáng phê phán một bộ phận thanh niên hiện nay còn sống thiếu lý tưởng, có tâm lý muốn hưởng thụ hơn là cống hiến và còn sa vào các tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó cũng vẫn còn một số thanh niên phai nhạt lý tưởng cách mạng, ngại khó khăn gian khổ, thiếu nghị lực và ý chí phấn đấu vươn lên, bị ảnh hưởng bởi văn hoá “độc hại”của phương Tây, chạy theo vật chất tầm thường, sống ích kỷ hẹp hòi, chỉ đòi hỏi được hưởng thụ mà quên đi trách nhiệm, nghĩa vụ của tuổi trẻ đối với Tổ quốc, với non sông đất nước. Các bạn cần hiểu rõ trách nhiệm của thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh của dân tộc, là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội. Cần xác định thanh niên là lực lượng xung kích, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng và công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc.

Muốn khắc phục tình trạng đó và từng bước hình thành lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần quan trọng vào công cuộc đẩy mạnh CHN - HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, cần coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống…cho thanh niên. Đó là trách nhiệm của toàn xã hội, mà trước hết là của các cấp uỷ Đảng, cùng với sự nỗ lực phấn đấu rèn luyện của chính mỗi đoàn viên, thanh niên. Cần tiếp tục giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên thông qua các hoạt động, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa quan trọng trong tình hình hiện nay. Đảng và Nhà nước ta đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ, song cũng đòi hỏi Thanh niên cần sáng tạo, có chí khí, có tinh thần vượt mọi khó khăn gian khổ để tiến mãi không ngừng. Chúng ta sẽ vượt ra khỏi đói nghèo để trở thành quốc phát triển về mọi mặt. Tất cả đang trông chờ vào ý chí, nghị lực, bản lĩnh, hành động và việc làm của tuổi trẻ. Muốn vậy, các tổ chức đoàn cần cụ thể hoá nội dung giáo dục phù hợp với sự vận động phát triển của nhiệm vụ cách mạng, với từng lĩnh vực, đối tượng cụ thể. Đặc biệt, trước âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch đối với Cách mạng nước ta, việc tiếp tục đổi mới nội dung giáo dục lý tưởng Cách mạng cho thanh niên đang đặt ra cấp thiết.

Tuy nhiên, giáo dục lý tưởng cách mạng không chỉ là xây dựng cho thanh niên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Thanh niên không chỉ phát huy tinh thần yêu nước mà cần có phẩm chất đạo đức lối sống trong sáng lành mạnh, không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Mặt khác các thế hệ đi trước cần phát huy tốt vai trò nêu gương để giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh niên. Thế hệ trẻ cần biết ơn và khiêm tốn học tập các thế hệ đi trước.

Trong bối cảnh của thời đại hội nhập và phát triển, thanh niên nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội mới để phấn đấu vươn lên, đóng góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để phát huy ngày càng tốt hơn vai trò xung kích của tuổi trẻ, cần tiếp tục quan tâm chăm lo giáo dục, nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Lý tưởng cách mạng là một trong những yêu cầu cơ bản của phẩm chất, nhân cách con người mới. Không thể có lý tưởng đúng đắn nếu ở con người không có sự hội tụ của giá trị đạo đức cách mạng, của lối sống XHCN. Tích cực phát huy truyền thống dân tộc là góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, để từ đó giúp họ củng cố niềm tin, lý tưởng của mình; phát huy tốt vai trò xung kích trên mọi lĩnh vực.../

Nguyễn Thị Diệp

……………………..

(1) Bài thơ Người đi tìm hình của nước- Chế Lan Viên

(2)Tác phẩm Nhật ký trong tù - Nguyễn Ái Quốc

(3) Trả lời các nhà báo nước ngoài, tháng 1-1946, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia, tr.161

(4)Thư gửi các bạn thanh niên, ngày 17-8-1947. Hồ Chí Minh tuyển tập trang 279. NXB Chính trị Quốc gia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất