Chủ Nhật, 24/11/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Hai, 9/12/2019 16:28'(GMT+7)

Về chính sách an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

MỘT SỐ QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ AN SINH XÃ HỘI

An sinh xã hội (ASXH) theo nghĩa hẹp được quy định là bao gồm các khoản trợ cấp bằng tiền, lương hưu, trợ cấp và khoản khác cho những người có công và những người trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hay bị rủi ro đột xuất do thiên tai, ốm đâu, hoạn nạn. Theo nghĩa rộng, ASXH bao gồm cả ASXH theo nghĩa hẹp và các chương trình giảm nghèo, các chương trình điều tiết thị trường lao động và các chương trình khác(1).

Một số tác giả cho rằng ASXH chủ yếu là bảo hiểm xã hội (BHXH)(2) và có thể được hiểu là “sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH”(3).

Đối với nước ta, bảo đảm ngày càng tốt hơn ASXH luôn là một chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững của đất nước. Trong nhiều thập kỷ qua, trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, cùng với việc không ngừng cải tiến chế độ tiền lương, tiền công và nâng cao thu nhập cho người lao động, Đảng và Nhà nước rất quan tâm chăm lo đến ASXH cho nhân dân. Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đảng ta đã xác định “…Cải thiện thêm một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân lao động, làm cho nhân dân ta được ăn no mặc ấm, tăng thêm sức khoẻ, có thêm nhà ở và được học tập, mở mang sự nghiệp phúc lợi công cộng, xây dựng đời sống mới ở nông thôn và thành thị”(4).

 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) của Đảng đã đưa ra chủ trương đổi mới đất nước toàn diện, mở ra một thời kỳ mới trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết, nhưng bảo đảm ASXH vẫn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ thường xuyên và có tầm quan trọng hàng đầu vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển nhằm phát huy mọi khả năng của con người trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quan điểm của Đảng ta về thực hiện tốt ASXH là để tạo ra tiền đề quan trọng cho sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, góp phần củng cố những thành quả trong đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, thường xuyên của nhân dân, tạo lòng tin cho nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới đất nước toàn diện do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Đảm bảo tốt ASXH sẽ góp phần tạo ra sự thống nhất giữa đổi mới về kinh tế với đổi mới chính trị, xã hội, tạo sự cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội ngay trong những bước đi đầu tiên của sự nghiệp đổi mới.

Từ đó, đến các đại hội sau của Đảng, công tác ASXH ngày được chú trọng. ASXH được xác định là đảm bảo vì con người và là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đảm bảo ASXH thống nhất với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đều nhằm phát huy sức mạnh nhân tố con người, phục vụ con người, góp phần tạo ra những tiền đề đưa đất nước chuyển dần sang một thời kỳ phát triển mới - thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là tiền đề vững chắc cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển cao hơn ở đầu thế kỷ XXI.

 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta xác định, ASXH là một định hướng chiến lược để đảm bảo cho sự phát triển bền vững đất nước. Đại hội chỉ rõ: “Tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hoá, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường”; đồng thời, đề ra chủ trương: "Đổi mới hệ thống BHXH, đa dạng hóa hình thức bảo hiểm...; xây dựng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện tốt chế độ bảo hộ lao động và vệ sinh lao động”; “Phát triển nâng cao chất lượng bảo hiểm y tế; xây dựng và thực hiện tốt lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; phát triển mạnh các loại hình bảo hiểm y tế tự nguyện, bảo hiểm y tế cộng đồng”.

 Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, quan niệm toàn diện về ASXH được nhấn mạnh: “Thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ASXH trong từng bước và từng chính sách phát triển.”(5). Chủ trương đó được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” và được quy định cụ bằng pháp luật như việc ban hành Luật BHXH (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Luật Việc làm năm 2013; Luật Bảo hiểm y tế năm (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi, bổ sung năm 2012); Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm (sửa đổi, bổ sung năm 2012); Nghị định số 136/2013/NĐ-CP,... Các văn bản luật quy định rõ, cụ thể các đối tượng điều chỉnh và các nội dung, hình thức tham gia, hhưởng thụ chính sách ASXH. Ví như, Luật BHXH quy định hai hình thức: Bắt buộc, do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia và  tự nguyện do Nhà nước tổ chức mà người lao động tham gia, được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình(6). v.v...

Đại hội XII của Đảng tiếp tiếp tục khẳng định vai trò và tầm quan trọng của ASXH, đồng thời, chỉ ra một trong những phương hướng, nhiệm vụ  mới nhằm giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động, bảo đảm ASXH, cụ thể: “Tạo cơ hội để mọi người có việc làm và cải thiện thu nhập. Bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động. Huy động tốt nhất nguồn lực lao động để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Chú trọng giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp do việc tích tụ, tập trung ruộng đất hoặc thu hồi đất phát triển công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng. Khuyến khích đầu tư xã hội tạo ra nhiều việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về tiền lương, tiền công, khắc phục cơ bản những bất hợp lý. Điều chỉnh chính sách dạy nghề, gắn đào tạo với sử dụng. Điều chỉnh chính sách xuất khẩu lao động hợp lý. Hoàn thiện và thực hiện chính sách bảo hộ lao động” (6).

Chủ trương của Đảng về ASXH, mà nổi bật nhất trong các bộ phận ASXH của nước ta đó là BHXH, là một bộ phận cấu thành quan trọng nhất của hệ thống ASXH nhằm góp phần ổn định đời sống người lao động và gia đình họ trong các trường hợp: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm, hết tuổi lao động, gặp rủi ro hoặc các khó khăn khác. Nếu như trước đây, đối tượng BHXH ở nước ta chỉ bó hẹp trong phạm vi công nhân viên chức Nhà nước, lực lượng vũ trang; tài chính BHXH chủ yếu là do ngân sách Nhà nước đảm nhận thì đến nay đối tượng tham gia BHXH mang tính xã hội rộng lớn, được áp dụng đối với mọi người lao động trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế số người tham gia BHXH không ngừng tăng lên hàng năm; tạo được hệ thống BHXH Việt Nam thống nhất từ Trung ương xuống địa phương. Theo đó, các hoạt động bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cứu trợ xã hội, trợ giúp người có công,... cũng được quan tâm thiết thực.

Chính sách ASXH cũng như các chủ trương khác, nhờ đó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của Đảng và chế độ ta.

AN SINH XÃ HỘI ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

Dân tộc thiểu sổ (DTTS) ở Việt Nam có quy mô khoảng hơn 13 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước năm 2015, hiện tại đang có cơ cấu dân số trẻ. Đây là yếu tố thuận lợi để nâng cao chất lượng lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực DTTS (cả thể lực và trí lực) còn thấp, kiến thức, kỹ năng, năng lực làm việc, khả năng thích nghi của lao động DTTS còn nhiều yếu kém; chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp và phi chính thức; tình trạng thiếu việc làm, nhất là ở thanh niên ngày càng gia tăng. Đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải có sự quan tâm đặc biệt bằng những chính sách đặc thù để đảm bảo ASXH cho đồng bào được cải thiện, góp phần vào ổn định, phát triển đất nước.

Trong lịch sử phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của đảng, các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, nhất là các chính sách, chương trình ASXH, lao động việc làm, đã tạo những chuyển biến tích cực cho vùng đồng bào DTTS. Trong những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi trung bình mỗi năm giảm 3 - 4%, nhanh hơn tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước, là một nỗ lực rất lớn của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, đến nay để phát huy hiệu quả của các chính sách ASXH vẫn còng tồn tại những hạn chế do nhiều nguyên nhân, nhất là trong công tác quản lý dân cư, người dân cư trú phân tán và xen kẽ nhau; trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, mỗi dân tộc có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng; đất đai và rừng là nguồn sinh kế chủ yếu nhưng do nằm trên địa hình dốc, tỷ lệ diện tích đất tốt, màu mỡ để canh tác thấp, thường xuyên bị thiếu nước, xói mòn, sạt lở... cho nên hiệu quả sử dụng đất không cao (nhiều hộ DTTS thiếu hoặc không có đất sản xuất). Vùng đồng bào DTTS thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu khắc nghiệt đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, gây thiệt hại về người, nhà cửa, tài sản...

Mặc dù đã có nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư nhưng điều kiện cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng DTTS còn nhiều khó khăn, người dân chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ thiết yếu. Thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Bên cạnh đó, bà con DTTS bị hạn chế về vốn xã hội do rào cản về ngôn ngữ, khả năng tiếp cận thông tin, định kiến của cộng đồng, sự mặc cảm, tự ti và một số hủ tục...

Để bảo đảm chính sách ASXH bền vững đối với đồng bào DTTS, cần chuyển đổi mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ trực tiếp mang tính chất "cho không", sang chính sách tạo cơ hội cho đồng bào DTTS tự vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Trong đó, cần ưu tiên theo các lĩnh vực: đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, sử dụng cán bộ người DTTS, giảm nghèo tiếp cận đa chiều và giảm nghèo bền vững.

Các chính sách cần chú trọng hơn trong việc đầu tư phát triển để khai thác các thế mạnh vùng DTTS, miền núi. Các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo vừa qua mới tính đến việc hỗ trợ ngắn hạn mà chưa tính đến những hỗ trợ dài hạn bảo đảm cuộc sống cho người dân.

Tăng cường sự tham gia của người dân vùng đặc biệt khó khăn trong việc thiết kế, thực hiện và giám sát chính sách. Cần coi người dân như là một đối tác trong công tác dân tộc và ASXH,  lao động, việc làm bền vững trong vùng DTTS. Các biện pháp hỗ trợ an sinh cho đồng bào DTTS cần tính toán rõ sự khác biệt giữa các nhóm DTTS, điều chỉnh kịp thời những chính sách chưa phù hợp đặc điểm của DTTS, chưa phù hợp trình độ dân trí và đặc điểm phong tục, tập quán vùng, miền DTTS. Từ đó, bảo đảm hiệu quả và tính bền vững trong quá trình thực hiện.

Năng lực thực hiện và cơ sở vật chất để thực hiện các chính sách ASXH đối với vùng DTTS cũng cần được đặc biệt tăng cường. Chú trọng công tác điều tra, rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách ở một số địa phương. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu theo dõi, đánh giá, giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, ASXH đối với khu vực này và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về DTTS.

Mặt khác, cần bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách phù hợp, tránh bố trí dàn trải. Các chính sách cần bảo đảm tính liên kết, liên thông tốt hơn như cơ sở hạ tầng kết hợp phát triển kinh tế, chính sách tín dụng gắn với tạo việc làm, dạy nghề gắn với nhu cầu việc làm... Tăng cường thực hiện cơ chế xã hội hóa và sự đóng góp nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp, qua đó huy động cao nhất các nguồn lực cho giảm nghèo, ASXH tại vùng đồng bào DTTS.

TS. Lê Hương Giang, Trường Đại học Lao động xã hội

ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền, Văn phòng Trung ương Đảng

________________

(1) UNDP: Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 về tăng trưởng bao trùm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr.127, 128,

(2) Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - trích theo Trung tâm Nghiên cứu phát triển: Rà soát chính sách gắn kết xã hội tại Việt Nam, OECD, 2013, Development Center, 2014, tr.139.

(3) Martin Evans và các cộng sự: ASXH ở Việt Nam lũy tiến đến mức nào? UNDP, H, 2007, tr.1. 

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H,2002, t. 21, tr.836, 837.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H,2011, tr.227.

(6), Luật BHXH được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20-11-2014, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016.

 (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H,2011, tr.288.

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất