Mỗi con người đều có đức tin riêng, có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Hiến pháp đã quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và Nhà nước bảo hộ quyền tự do, tín ngưỡng đó. Đức tin ấy, giáo lý tôn giáo ấy tiếp thêm cho họ sức mạnh, niềm tin vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đưa con người hướng thiện, làm những điều tốt đẹp, có ích cho gia đình và xã hội.
Thực tế các tôn giáo ở nước ta hiện nay, từ Phật giáo, Công giáo đến Tin lành đều răn dạy tín đồ, phật tử sống tốt đời, đẹp đạo, hiếu hòa, hiếu kính, vị tha, làm tốt nghĩa vụ với xã hội, với đồng bào, Tổ quốc. Chức sắc, nhà tu hành thường giáo dục cho tín đồ lòng yêu nước, thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và ý thức thượng tôn pháp luật.
Đạo Phật có phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” với tinh thần đồng hành cùng dân tộc. Đạo Công giáo có đường hướng “Kính Chúa, yêu nước”, “sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào”, “người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, không chỉ chu toàn trách nhiệm với gia đình riêng, người Công giáo phải hướng ra xã hội, phải có trách nhiệm với tha nhân, với quê hương, đất nước. Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chỉ ra: “Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối chính sách pháp luật của Nhà nước và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giầu mạnh, tự do, hạnh phúc”… Đạo Tin lành kêu gọi tín hữu của mình luôn tâm niệm “sống phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”, sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội.
Đi ngược lại với giáo lý tốt đẹp ấy, thời gian qua, không ít người đã tin theo một cách mê muội cái gọi là “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”. Họ như bị bỏ bùa mê thuốc lú, bỏ chồng con, bỏ cha mẹ, làm những việc trái với luân thường đạo lý, quay lưng với xã hội, với gia đình. Họ bị “tẩy não” bởi những điều mê tín dị đoan quái đản rằng “cuộc sống trần gian chính là ngục tù”, “hình hài do cha mẹ ban cho thật ra là lớp áo tù”, nên nhất định phải sớm cởi bỏ nó để về với Chúa, về một nơi “có sự sống mãi mãi, vĩnh hằng do Chúa Trời tạo ra”, sớm về thiên đường để tận hưởng sung sướng. Những thành viên có ý định rời bỏ bị đe dọa: “những người rời bỏ đã bị chết về phần linh hồn”, sẽ bị “đốt trong lửa địa ngục đời đời”, sẽ “không được bảo vệ khỏi tại họa” hay sẽ “gặp một vụ tai nạn giao thông khủng khiếp” hoặc “bị ốm nặng ”… đã khiến họ lo sợ, cam chịu tiếp tục làm tù nhân cho tổ chức cuồng giáo này. Họ thay đổi tính cách, trở thành những người thần kinh không bình thường, không thiết đến cuộc sống hiện tại, nghe giảng đạo ngày qua ngày để mong được lên thiên đàng.
Nhiều người không biết mình đang làm những việc vô bổ, làm tổn thương người thân, gây tổn hại cho gia đình và xã hội mà vẫn “đau đáu” với sứ mạng “cứu thế”, cảm thấy đau khổ khi “cứu” được người ngoài mà không “cứu” được người trong gia đình. Họ phải bỏ tiền ra đóng góp hội phí tương đương 10% mức thu nhập/tháng, trong khi công việc và thu nhập của họ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sinh hoạt bị đảo lộn, sự nghiệp tiêu tan. Nhiều sinh viên vẫn đang sống dựa vào gia đình cũng phải đều đặn trích 10% số tiền được cha mẹ chu cấp để đóng hội phí mà vẫn tin theo một cách mù quáng, bê trễ việc học hành để nghe rao giảng và truyền đạo trái pháp luật.
Một đại biểu Quốc hội đã từng khẳng định rằng “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” không phải là tôn giáo mà là một thứ quái thai về tâm linh, lợi dụng lòng tin của nhiều người nhẹ dạ, cả tin, giết chết tinh thần xã hội bằng những giáo lý trái với thuần phong mỹ tục.
Cũng không oan khi các tổ chức và chức sắc tôn giáo gọi cái gọi là “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” này là “tà đạo”. Dù pháp luật Việt Nam không quy định “tà đạo” hay “chính đạo” và dù là đạo nào nếu vi phạm pháp luật vẫn phải xử lý nghiêm minh, song, “tà tâm” của những đối tượng cầm đầu các nhóm “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ” là điều không cần phải bàn cãi.
Dù cho cơ quan chức năng có vào cuộc xử lý, song, như một thứ “ung nhọt”, chặn chỗ này, các nhóm lại bung ra chỗ khác. Những đối tượng cầm đầu có thể bị xử lý, các điểm nhóm có thể không có đất để tồn tại, không được hình thành, nhưng “mầm bệnh” ấy vẫn âm ỉ trong mỗi con người đã bị tiêm nhiễm. Gột rửa những tội lỗi do họ gây ra, triệt “nọc” căn bệnh ấy không thể ngày một, ngày hai. Nó đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cơ quan chức năng; sự yêu thương, quan tâm sâu sát, kiên trì vận động của mỗi gia đình; và trên hết, là sự thức tỉnh của những người đã lầm đường tin theo “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”. Quay đầu là bờ!
Mỗi người cần tỉnh táo và cảnh giác với những biểu hiện tiêu cực, lệch chuẩn về đạo đức xã hội, đảo lộn các giá trị dân tộc, tạo xung đột văn hóa của cái gọi là “Hội thánh của Đức Chúa Trời Mẹ”./.
Chu Thanh Vân/TTXVN