Theo các nhà khoa học Mỹ và châu Âu, vệ tinh Jason-3 vừa được phóng lên
quỹ đạo Trái Đất có chức năng theo dõi mực nước biển dâng tại các đại
dương, đồng thời có vai trò như một thước đo, cảnh báo tình trạng biến
đổi khí hậu.
Vệ tinh Jason-3 là dự án hợp tác giữa Cục quản lý Đại dương và Khí quyển
quốc gia Mỹ (NOAA), Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Vũ
trụ Pháp (CNES) và Tổ chức khai thác vệ tinh thời tiết (EUMETSAT).
Vệ tinh này sẽ thu thập dữ liệu bằng cách phát xung radar vào bề mặt đại
dương nhiều nghìn lần trong một giây và thu hồi lại. Vệ tinh này cũng
đồng thời đo chiều cao của mặt biển, giúp các nhà khoa học tính toán
được sức nóng mà các đại dương đang hàng ngày phải hấp thụ.
Nhà khoa học Josh Willis, Chủ nhiệm dự án Jason-3 tại Phòng thí nghiệm
phản lực của NASA, nhấn mạnh mực nước biển dâng là một trong các yếu tố
dẫn tới sự tàn phá nặng nề của cơn bão Katrina trong năm 2005, gây thiệt
hại lớn về tài sản và khiến số người thương vong cao chưa từng có trong
những năm gần đây tại Mỹ.
Theo ông Willis, các nhà khoa học mới chỉ thu thập được dữ liệu vệ tinh
trong khoảng 25 năm trở lại đây. Tuy nhiên, họ vẫn có thể tính toán được
sự thay đổi của đại dương trong nhiều nghìn năm trước.
Theo đó, họ nhận thấy trong khoảng 100 năm gần đây, mực nước biển tăng
cao nhanh do Trái Đất ấm hơn, hoàn toàn trái ngược với những dữ liệu ổn
định của mực nước biển đo được trong vòng 2000 năm trước đó.
Cũng dựa trên các dữ liệu do các vệ tinh Jason ghi nhận được trong hai
thập niên gần đầy, các nhà khoa học Mỹ và châu Âu nhận thấy mực nước
biển dâng lên với một tỷ lệ đáng báo động.
Nhà khoa học Lee-Lueng Fu, Chủ nhiệm dự án vệ tinh Jason 2, cho biết đại
dương chiếm 70% bề mặt Trái Đất và đang hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt của
hiện tượng hiệu ứng nhà kính.
Ông Lee-Lueng Fu nhấn mạnh rằng con người đang bước vào một thời kỳ mà
hiện tượng hiệu ứng nhà kính tăng với tốc độ “nhanh chưa từng thấy” -
tăng 50% trong chưa đầy 150 năm, kéo theo tình trạng Trái Đất ấm dần lên
và mực nước biển dâng cao với một tốc độ rất nhanh./.
TTX