Thứ Ba, 26/11/2024
Tuyên truyền
Chủ Nhật, 7/2/2016 23:21'(GMT+7)

Vì cuộc sống bình yên vùng biên giới

Đại tá Đặng Văn Thống, Chính ủy BĐBP Kiên Giang (thứ 3 từ phải sang) cùng ông Lê Minh Toàn, đại diện Tập đoàn Vingroup (thứ 4 từ phải sang) bàn giao nhà “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới” cho gia đình Trung úy Phan Văn Bằng.

Đại tá Đặng Văn Thống, Chính ủy BĐBP Kiên Giang (thứ 3 từ phải sang) cùng ông Lê Minh Toàn, đại diện Tập đoàn Vingroup (thứ 4 từ phải sang) bàn giao nhà “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới” cho gia đình Trung úy Phan Văn Bằng.

Thời điểm tết đến, xuân về, những việc làm cụ thể của các anh càng làm thắm đượm tình người chiến sĩ Biên phòng nơi vùng biên. 

Bây giờ, đường lên các xã biên giới huyện Giang Thành đã khác xưa rất nhiều. Con đường chạy dọc kênh Hà Giang và Vĩnh Tế dài gần 70 km đã được tráng nhựa phẳng lỳ. Đây là một trong những công trình tránh lũ quy mô đầu tiên của vùng biên giới, thể hiện sự quyết tâm phát triển đời sống đồng bào vùng biên của Chính phủ. Thêm vào đó, những mảng màu xanh, vàng của các cánh đồng, vườn tược bao bọc chung quanh các phum, ấp... làm tiết xuân càng thêm ấm áp. 

Ðể có được như hôm nay, bà con trong huyện vùng biên giới Giang Thành vẫn không quên ơn các đơn vị Biên phòng đóng quân dọc đường biên. Suốt những năm qua, đã có biết bao lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tình nguyện về vùng biên giới này công tác. Đã không ít người đây làm quê hương thứ hai của mình. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, Bộ đội Biên phòng còn là lực lượng nòng cốt chung tay xây dựng, phát triển kinh tế vùng đồng bào. Người lính Biên phòng đã mang đến cho vùng biên này nhiều giống mới, nhiều cách làm hay, để rồi quê hương vùng biên chịu bao bom đạn ngày nào cứ ngày một chuyển mình đi lên cùng đất nước. 

Qua gần 40 năm sau chiến tranh biên giới, Giang Thành hôm nay thay màu áo mới, khó còn ai nhận ra đây từng là một vùng lồi lõm, phèn mặn. Hàng loạt những con kênh thoát lũ, xả phèn, tuyến đê bao chống ngập úng được hình thành. Những cánh đồng mẫu lớn, canh tác hai, ba vụ cho năng xuất cao theo đó nhân rộng dần. Nhiều khu dân cư tập chung với mô hình vườn, ao, chuồng được người dân cũng cố vững chắc, hiện đại. Hàng loạt những chiếc cầu bê tông, đường tuần tra biên giới được xây dựng. 

Thế mạnh của vùng biên này là mô hình nuôi tôm quảng canh và chuyên canh cho thu nhập cao. Nhiều hộ dân từ những khu đất bạc màu, được sự hỗ trợ của địa phương, của Bộ đội Biên phòng , cùng với ý trí vươn lên, họ đã làm giàu bằng trồng trọt, chăn nuôi, làm chủ khoa học, kỹ thuật. Đáng ghi nhận là chương trinh đưa dân lên các ấp giáp biên lập nghiệp do Bộ đội Biên phòng phát động đã được đồng bào hưởng ứng. Thực hiện tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, đã có hàng ngàn hộ gia đình tình nguyện lên nhận đất canh tác lúa, nuôi tôm, nuôi cá, trâu, bò. Từ hai bàn tay trắng, qua vài năm cần cù lao động, họ đã thoát nghèo, nhiều hộ có nhà tường, ti vi, tủ lạnh… ngay trên vùng trắng năm xưa. 

Cuộc sống ổn định, người dân lại chung tay với Bộ đội Biên phòng cùng địa phương làm tốt vai trò tham gia tự quản đường biên, cột mốc, là trung tâm gắn kết tình làng, nghĩa xóm hai bên biên giới. Chính những hộ dân này từ lâu trở thành các “tấm lá chắn” vùng biên, là “phên dậu” của đất nước. 

Xuân này, ngồi trong những căn nhà ấm cúng, sạch đẹp, những hộ dân nghèo không thể nào quên công lao của Bộ đội Biên phòng đã từng vận động, quyên góp, rồi bỏ công sức cất nhà tặng cho bà con. Từ các phong trào, hàng ngàn căn nhà dột nát, siêu vẹo được xây mới. Riêng cuộc vận động “Mái ấm đồng bào vùng biên”, Đồn Biên phòng Phú Mỹ, Giang Thành, Vĩnh Điều đã cất hơn 100 căn nhà tặng cho người nghèo. Đồn Phú Mỹ cũng nhận xóa nhà dột nát của một ấp trên địa bàn đóng quân. Không chỉ dừng lại ở việc xây nhà, bộ đội biên phòng còn làm tròn trách nhiệm với đồng bào trong chăm sóc sức khỏe, dạy chữ cho trẻ, thu hoạch vụ mùa, chống lụt bão, làm hàng loạt các công trình dân sinh… 

Trong hơn 5 năm qua, lực lượng Biên phòng biên giới Giang Thành đã vận động hàng ngàn trẻ em bỏ học trở lại trường; sửa chữa và làm mới hơn 500 căn nhà cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo trị giá hàng tỷ đồng; giúp dời chuyển và định canh, định cư hàng trăm hộ dân về cụm dân cư mới. Ngoài ra, các anh còn giúp chính quyền địa phương các ấp củng cố chi bộ, tổ hòa giải; củng cố và đưa vào hoạt động nề nếp ban công an xã, 38 tổ hòa giải. Nhiều ấp vùng sâu, vùng xa đông đồng bào dân tộc Khmer trước đây việc đi lại khó khăn, bà con sống gần như biệt lập, quanh năm thiếu đói, bị trói buộc bởi các hủ tục lạc hậu, thì nay đã trở thành những "Ðiểm sáng văn hóa vùng biên", như Gạch Gỗ, Vàm Hàn, Trà Phọt. Hiện toàn huyện có 98% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa và ấp văn hóa. Các tập quán lạc hậu gần như bị đẩy lùi, xóa bỏ, người dân được tiếp xúc nhiều với các dịch vụ y tế, văn hóa, tinh thần. Hệ thống chính trị ở cơ sở thường xuyên được củng cố; các tổ chức đoàn thể hoạt động đều tay, thật sự là chỗ dựa của người dân trong quá trình xây dựng, phát triển các mặt kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương. 

Từ một huyện có đến 50% số hộ nghèo, đến nay Giang Thành đã có 80% hộ có nhà ổn định, kiên cố, mua được xe gắn máy, vật dụng sinh hoạt cần thiết trong gia đình, có cuộc sống sung túc. 

Thời điểm Tết đến, xuân về, mục tiêu "Ðồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt" càng hiện rõ trong từng lời nói, việc làm của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng dọc đường biên. Các anh thật sự là chỗ dựa vững chắc, là những người con của các phum, ấp. Hình ảnh đẹp về tình quân – dân và sự gắn bó máu thịt đó đã tạo nên một phòng tuyến biên giới, thế trận nhân dân trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Điều này giúp đồng bào nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chống lại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, phản động góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội và vì sự bình yên vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc./. 

Lê Sen/TTXVN 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất