Thứ Ba, 8/10/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 6/12/2008 13:12'(GMT+7)

Vì sao các ngành học bị “khai tử”?

Cần định hướng cẩn thận khi sinh viên chọn ngành nghề

Cần định hướng cẩn thận khi sinh viên chọn ngành nghề

Thi nhau chuyển đổi - lắp ghép ngành học

GS-TS Bùi Khánh Thế, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM nêu rõ, trong vài năm gần đây các ngành tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Trung và ngành Trung Quốc học rất ít thí sinh (TS) theo học. Ngành nào nhiều lắm cũng chưa tới 10 TS đăng ký học. Trước tình thế này, trong kỳ thi tuyển sinh 2008 những ngành này tạm dừng tuyển sinh.

Các TS đã trúng tuyển 3 ngành kể trên được trường “động viên” sang học các ngành Đông phương học, du lịch khách sạn và SV chọn một trong các ngoại ngữ trên để học. Tương tự, Trường ĐH DL Hùng Vương cũng đã tạm dừng tuyển sinh những ngành này trong năm 2008 do có quá ít TS đăng ký. Và giải pháp cuối cùng là chuyển các TS này qua các ngành du lịch và tiếng Anh.

Một điều nghịch lý nữa là, có trường dù tuyển được đông TS đăng ký nhưng do không có giáo trình, không có giảng viên nên đã vội vàng bỏ ngang để chuyển SV sang học ngành khác. Các ngành ngoại ngữ, Đông phương học, Việt Nam học, ngoại ngữ - tin học… ở một số trường như ĐH DL Hùng Vương, Hồng Bàng, Văn Hiến cũng không mấy sáng sủa.

Ngay cả một số trường có thương hiệu lâu nay cũng gặp phải cảnh ngộ này. Trong kỳ tuyển sinh vừa rồi, Trường ĐH Sư phạm TPHCM tuyển hệ ngoài sư phạm hai ngành tiếng Nga, tiếng Pháp, mỗi ngành 70 CT. Tuy nhiên, qua 3 lần xét tuyển, trường cũng không thể nào kiếm đủ CT để duy trì ngành.

Trước thực trạng này, buộc lòng trường phải tạm đóng cửa và ghép TS vào học chung với hệ sư phạm, ông Tạ Quan Lâm, Phó Trưởng phòng Đào tạo trường cho biết. Tương tự, ngành khí tượng - thủy văn Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH QG TPHCM) trong vài năm gần đây cũng rất khó tuyển. Dù đã lường trước sẽ rất khó tuyển nên trường phải đẩy CT lên gấp đôi thành 100 CT (CT thực chỉ có 50) nhưng cũng phải mỏi mắt mới tạm đủ.

Nguyên do vì đâu?

Lý do đầu tiên mà các trường đưa ra chính là tên gọi của một số ngành quá chung chung, không hấp dẫn đối với người học nên ít tạo được sự chú ý của TS. Tuy nhiên vấn đề ở đây không phải là ngành có hấp dẫn hay không mà chính ở chỗ định hướng đào tạo của các trường.

Phần lớn các ngành ở các trường ĐH ngoài công lập chủ yếu là “chạy theo phong trào” dù giáo trình, giảng viên chưa hoàn chỉnh nhưng vẫn cứ tuyển sinh. Sự quản lý chưa chặt chẽ cũng góp phần cho tình trạng này diễn ra mà khó giải quyết dứt điểm.

Trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua, rất nhiều trường đã tự ý tuyển sinh những ngành mới (hoàn toàn không có trong cuốn những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2008), thậm chí nhiều trường còn tuyển vượt CT đến trên 200%, hay có trường năm nào cũng vi phạm... nhưng chưa được xử lý triệt để.

TS Lê Thị Thanh Mai, Phó ban ĐH – Sau ĐH (ĐH QG TPHCM) cho biết, theo khảo sát của ban này trong tổng số 7.000 SV thì có tới 2.800 SV (chiếm 40%) cho là mình đang chọn những ngành học không phù hợp. Vì vậy, không ít SV bỏ học ngành này để thi lại ngành khác, hoặc học hai ngành cùng lúc. Thậm chí có SV sau khi TN ra trường tiếp tục đi học văn bằng hai.

Đây cũng là vấn đề mà các trường cần lưu tâm khi viễn cảnh chấm dứt kỳ thi tuyển sinh 3 chung. Bước sang năm 2010 các trường sẽ tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, nếu trường nào không làm tốt công tác hướng nghiệp thì có thể nguy cơ đóng cửa, lắp ghép ngành học là rất lớn.

Mặc khác, đa số TS chọn ngành đều dựa theo tỷ số chọi và số lượng TS đăng ký chứ không chọn theo năng lực, sở thích và cân nhắc nhu cầu của xã hội. Hệ quả là nhiều trường số lượng trúng tuyển rất cao nhưng số TS nhập học lại rất thấp.

Và thực tế cho thấy, một khi các trường vẫn còn tư duy “bán cái mình có” chứ không “bán cái người ta cần” thì chắc chắn điệp khúc mở - đóng – chuyển đổi ngành học vẫn còn tiếp diễn. Có thể khi nói đến nguyên nhân thì các trường có thể viện đến hàng trăm, hàng ngàn lý do khác nhau để biện minh. Những cách lý giải đó thoạt nghe có vẻ thỏa đáng nhưng cách trả lời thuyết phục nhất về vấn đề trên chắc chắn thuộc về các cơ quan quản lý giáo dục mà cao nhất phải là Bộ GD-ĐT.

Theo Thanh Hùng(SGGP.Online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất