Thứ Sáu, 20/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Bảy, 14/11/2015 20:45'(GMT+7)

Vì sao trẻ thờ ơ, vô cảm?

7 năm trước, gia đình cháu Hải sống ngoài Bắc cùng với ông bà nội. Từ lúc 5 tuổi, cháu đã ngủ cùng ông nội và hàng ngày được ông nội chỉ bảo, dạy dỗ, ông đi đâu cháu cũng quấn quýt đi theo. Do công việc nên cha mẹ cháu chuyển cả gia đình vào Nam sinh sống. Mới đây, ông nội cháu từ Bắc vào thăm con, cháu nhưng chỉ được 4 ngày là ông đòi về. Ông buồn vì từ hôm vào chỉ gặp được cháu nội một lần. Đi học về, đứa cháu cưng chỉ kịp gật đầu chào ông rồi lên phòng chuẩn bị sách vở để đi học thêm. Cha mẹ cháu biện hộ là do cháu quá bận rộn học hành. Mong ước của ông nội được đứa cháu dắt tay đi dạo trên vỉa hè và trò chuyện với ông sau những ngày tháng xa quê. Ấy vậy mà cháu cũng không hề bày tỏ…

Vui chơi, học tập theo nhóm ngoài trời giúp các em gắn kết và chia sẻ (Ảnh: THÁI BẰNG)

Thực tế hiện nay, không chỉ có trường hợp như trên mà một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang thờ ơ, vô cảm với những người xung quanh cũng như người thân, ít quan tâm đến họ hàng, ông bà nội, ngoại… hoặc vô tư trước nỗi đau của người khác (tò mò, cười đùa, quay phim trước một vụ tai nạn mà người bị nạn cần giúp đưa đi cấp cứu…).

Đi tìm những nguyên nhân

Về phía gia đình: Gia đình là nền tảng, là nơi đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, hiện nay ở một số gia đình không chú trọng giáo dục con cái biết chia sẻ, yêu thương. Từ nhỏ các em được chiều chuộng quá mức, cha mẹ đáp ứng quá đầy đủ những nhu cầu vật chất nhưng thiếu hụt về tình cảm, dẫn đến các em không cảm nhận được sự thiếu thốn hay nỗi đau khổ từ người khác. Một số gia đình, cha mẹ đi làm cả ngày, thậm chí cả tuần, cả tháng, con cái giao cho người giúp việc. Họ chỉ nghĩ rằng kiếm được nhiều tiền, xây nhà, sắm xe, các nhu cầu về vật chất được đáp ứng đầy đủ thì con cái ngoan ngoãn vâng lời, nhưng họ đâu biết rằng các em đang thực sự thiếu thốn tình thương của gia đình, sự giáo dục của cha mẹ để nuôi dưỡng nhân cách. Có gia đình không cho con giao tiếp với mọi người xung quanh, dẫn đến hình thành tâm lý “đèn nhà ai nhà nấy tỏ”. Một số cha mẹ lại đánh đập con cái, trong gia đình cha mẹ hay xảy ra xung đột. Sống trong hoàn cảnh như vậy, đến một thời điểm nhất định trẻ sẽ trơ lì, hay nói đúng hơn là mất cảm xúc, đòn roi chẳng còn ý nghĩa với chúng, không biết sợ sệt và trẻ cũng dễ dàng vô cảm với các trường hợp tương tự.

Nhà trường: Có thể ở nhà các em ngoan nhưng khi đến trường rất dễ nhiễm thói quen của đám đông và bị tác động tâm lý của đám đông. Trong khi đó, việc giáo dục các bài học đạo đức cho học sinh, nhất là những nội dung của môn giáo dục công dân lại đang bị xem là môn học phụ, giáo viên chủ yếu dạy bằng lý thuyết khô khan mà chưa biến nội dung thành các kỹ năng về lối sống, nếp sống, cách ứng xử giữa người với người. Ở các môn học khác, giáo viên chủ yếu chỉ truyền đạt kiến thức mà thiếu việc bồi dưỡng hình thành những phẩm chất nhân cách cần thiết cho các em.

Xã hội: Trách nhiệm của các tổ chức xã hội cũng như các nhà tư vấn chưa được phát huy. Hiện nay các tổ chức xã hội như đoàn thanh niên, các trung tâm tham vấn tâm lý học đường, phòng tư vấn tâm lý giúp các em giải tỏa những bức xúc, các tình huống phức tạp nảy sinh ở nước ta còn rất ít, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông có tác động giáo dục khá hiệu quả trong việc tuyên truyền, giáo dục lối sống, nếp sống đẹp của giới trẻ nhưng lại chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời.

Đồng cảm, chia sẻ cùng trẻ

Trong gia đình, ngay từ những năm đầu đời cha mẹ cần giáo dục cho con trẻ tình yêu thương, sự chia sẻ, cảm thông với những người xung quanh. Không nên cấm đoán con cái, hãy để cho con phát triển đời sống tình cảm thông qua các hoạt động và giao lưu; đồng thời chỉ đáp ứng vừa phải các nhu cầu vật chất và làm giàu thêm đời sống tình cảm của con trẻ, nên kiểm soát và điều chỉnh những thái độ và hành vi ứng xử của con khi chúng có biểu hiện thờ ơ, lãnh cảm khi quan hệ giao tiếp. 

Về phía nhà trường, cần hướng trẻ hình thành những phẩm chất nhân cách cần thiết, đi đôi với dạy chữ là dạy người. Không chỉ riêng môn giáo dục công dân mà ở tất cả các môn học khác cần giúp các em hiểu biết cũng như cách ứng xử trong quan hệ người với người, biết chia sẻ những khó khăn, biết đồng cảm với những nỗi đau của người khác, tổ chức cho các em đi thực tế để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn... Các tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông cũng cần quan tâm tới những bức xúc trong đời sống học trò, nhất là trong mối quan hệ giữa các em học sinh với nhau. Cần thành lập nhiều hơn các trung tâm tham vấn tâm lý học đường, các nhà tư vấn tâm lý phải thực sự như là người bạn, người anh, người chị để giúp đỡ các em nhận thấy sự vô cảm với người khác là thái độ trái với chuẩn mực đạo đức, đồng thời hãy giúp các em trang bị các kỹ năng giải quyết các vấn đề nảy sinh nơi học đường.

Th.S Nguyễn Văn Công/ Sài Gòn Giải phóng Online

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất