Thứ Hai, 7/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 3/3/2009 16:44'(GMT+7)

Vì sao trường chuẩn quốc gia ở Hà Nội đạt thấp?

Giáo dục là lĩnh vực cần được quan tâm hàng đầu.

Giáo dục là lĩnh vực cần được quan tâm hàng đầu.

Sau khi hợp nhất, thủ đô Hà Nội có 2.300 cơ sở giáo dục và 284 trung tâm học tập cộng đồng với hơn 1,3 triệu học sinh (HS) được trải trên địa bàn rất rộng, từ thành phố cho đến tận vùng sơn cước. Đó là thách thức rất lớn cho ngành giáo dục của thủ đô, đặc biệt là cơ sở vật chất. Một trong những nhiệm vụ được đặt ra cho năm 2009 là xây dựng thêm các trường học đạt chuẩn quốc gia. 

Năm 2008, toàn ngành đã hoàn thành thêm 70 trường đạt chuẩn; kết quả, đến hết năm 2008 toàn thành phố có 439 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 19,9%. Điều đáng nói là các trường mầm non, nơi để lại dấu ấn đậm nét nhất với các cháu về những ngày đầu đến trường, và cấp học cuối cùng của đời HS phổ thông lại là nơi có trường học đạt chuẩn thấp nhất.

Cụ thể, giáo dục mầm non chỉ có 56/767 trường đạt chuẩn (đạt 7,3%) và THPT chỉ có 12/182 trường (đạt 6,6%). Còn khối tiểu học và THCS lần lượt đạt 37,5 và 20,2%. Với nội thành HN, tiêu chuẩn không đạt được chủ yếu là diện tích. Hậu quả là không ít trường học bị phân tán làm nhiều cơ sở, sĩ số học sinh/lớp quá lớn, còn trên 600 lớp mầm non phải ghép từ 2- 3 độ tuổi ...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó Chánh văn phòng Sở GDĐT Đàm Xuân Quang cho biết, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia với  nhiều trường ở HN là không dễ, đặc biệt đảm bảo diện tích của trường ở nội thành. Còn với ngoại thành, nếu diện tích đất khá thoải mái, thì nhiều trường lại thiếu rất nhiều trang thiết bị theo yêu cầu, do đó cần đầu tư rất lớn. Thậm chí, kể cả các trường đã đạt chuẩn rồi thì việc đầu tư sau chuẩn để duy trì cũng không hề đơn giản.

Để khắc phục vấn đề diện tích chật, một vị lãnh đạo của sở cho biết có 3 phương án: Hoặc giảm sĩ số HS trong một lớp hoặc tăng diện tích trường lên, hoặc bỏ hẳn cơ sở đó đi để thay bằng một cơ sở khác. Tuy nhiên, phương án nào cũng có cái khó riêng. Vì vậy, sắp tới có lẽ sở phải đưa ra khái niệm đạt tiêu chí nào thì công nhận tiêu chí đó để động viên các trường, chứ không thể chờ đến lúc đạt chuẩn quốc gia. Không nói thẳng ra là tiêu chí nào, nhưng vị lãnh đạo này cho biết, có những chuẩn không thể đạt được cũng đành phải chấp nhận (có thể là tiêu chí về tỉ lệ học sinh/m2 đất- PV).

Hiện HN còn 8 quận, huyện chưa có trường mầm non nào đạt chuẩn quốc gia. Còn với hệ tiểu học thì tỉ lệ đạt chuẩn thấp nhất chính là các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng. Vì những trường trong khu vực nội thành còn thiếu diện tích, dẫn đến việc các trường này thiếu phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, thư viện chuẩn, nhà thể chất, sĩ số HS/lớp, số lớp /trường còn vượt quá quy định. Trong khi đó ở ngoại thành còn quá nhiều phòng học cấp bốn, phòng học tạm và quy hoạch trường không đồng bộ... Đặc biệt, một số trường tiểu học đã đạt chuẩn giai đoạn 1997 -2000 hiện đã xuống cấp. Và hệ quả, HS là những người chịu thiệt thòi đầu tiên để được học đi đôi với hành và được giáo dục thể chất đúng nghĩa của nó.

Để các trường của thủ đô tiệm cận dần với chuẩn quốc gia, UBND TP đã giao chỉ tiêu và dự toán ngân sách để Sở GDĐT Hà Nội xây thêm 75 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 24 trường mầm non, 26 trường tiểu học, 22 trường THCS và 3 trường THPT. Tuy nhiên, để hoàn thành  được chỉ tiêu này, ngoài việc khắc phục những khó khăn khách quan, đòi hỏi sự chỉ đạo đồng bộ giữa các cấp và đặc biệt là chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm đến sự nghiệp giáo dục- lĩnh vực mà bất cứ quốc gia nào cũng quan tâm./.

(Theo: Báo Lao động)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất