Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 26/7/2010 20:31'(GMT+7)

Điện ảnh Việt Nam hứa hẹn bước chuyển mới

Các diễn viên trẻ trong phim “Em muốn làm người nổi tiếng” (do hãng phim của Hội Điện ảnh Việt Nam sản xuất).

Các diễn viên trẻ trong phim “Em muốn làm người nổi tiếng” (do hãng phim của Hội Điện ảnh Việt Nam sản xuất).

Ngập ngừng mất cơ hội

Không phải đây là lần đầu tiên các nhà làm phim mổ xẻ chi li thực trạng của ngành điện ảnh, truyền hình trong thời kinh tế thị trường. Chuyện của ngành nghề cũng là “chuyện nhà”, chuyện của hội, của những người hoạt động lĩnh vực nghệ thuật phim ảnh.

Khi số lượng sản xuất phim truyện nhựa Việt Nam những năm đầu thế kỷ 21 ngày càng giảm dần thì làn sóng phim Hàn Quốc, phim “bom tấn” của Mỹ, đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường màn ảnh rộng hiện đại ở các thành phố lớn. Phần lớn hệ thống rạp chiếu phim nhựa ở các tỉnh, ít nhiều đã bị “xóa sổ”, nhường chỗ cho các hoạt động dịch vụ văn hóa, giải trí khác. Nói một cách nào đó theo nhà biên kịch Lê Ngọc Minh, sự mất dần hệ thống rạp đã gây khó khăn khá nhiều về đầu ra của phim Việt Nam.

Sự nghịch lý lại tiếp tục gia tăng, trong khi chúng ta còn băn khoăn, ngập ngừng cân nhắc câu chuyện “sửa” hay “xóa” một số rạp chiếu phim cũ, do hiệu quả kinh doanh kém, không đạt yêu cầu chất lượng, thì hệ thống rạp hiện đại của các nhà đầu tư liên doanh nước ngoài đang được mở rộng và kéo theo những dịch vụ kinh doanh ăn theo như cửa hàng ẩm thực, thời trang, băng đĩa… nhằm đáp ứng nhu cầu khách xem phim một cách đa dạng. Chiều hướng cạnh tranh hệ thống rạp tư nhân khá rõ nét.

Về tình hình sản xuất phim, nhắc lại lộ trình cổ phần hóa của một số hãng phim nhà nước, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã hết sức băn khoăn về sự ngập ngừng trong chuyển dịch cơ chế quản lý cổ phần hóa hãng phim. Cổ phần hóa các hãng phim nhà nước không phải là quá trình tư nhân hóa, hay là tiến trình xóa sổ nền điện ảnh cách mạng, như một số người nhận xét. Tuy nhiên, hoạt động này diễn ra khá chậm ở các hãng phim nhà nước và điều đáng tiếc, các nghệ sĩ ở đây luôn bị coi là những người gây ra sự trì trệ vì sợ sự thay đổi.

Thực tế, “với bản chất văn nghệ của mình, các nghệ sĩ chính là người mong mỏi sự thay đổi, sự bứt phá hơn bất cứ ai”. Do vậy, để sớm tránh được cái lẽ của sự ngập ngừng, lời đề nghị hình thức đấu thầu các công trình đặt hàng do Nhà nước giao, cần theo nguyên tắc công khai, công bằng và khách quan. Điện ảnh tư nhân hay công ty cổ phần sẽ cùng cạnh tranh bình đẳng để giành lấy công việc cho mình và mang đến cho khán giả những sản phẩm tốt nhất, hay nhất. Thương hiệu và sự phát triển tồn tại của hãng phim chính là chất lượng của tác phẩm.

Vượt sóng quảng bá phim Việt

Làm sao quảng bá được thương hiệu phim Việt Nam qua một số liên hoan (LHP) phim quốc tế lớn của thế giới? Và, tuy phim Việt Nam từng tham dự một số LHP quốc tế ở Nga, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan…, nhưng NSƯT - đạo diễn Lê Dân ví von sự chạm ngõ thành phố Cannes (Pháp) của điện ảnh Việt Nam trong tháng 3 vừa qua là một cuộc vượt sóng thử sức. Giá như cũng với sự tham gia này ở cấp độ quy mô, bài bản hơn, việc cắm cờ Việt Nam trong làng điện ảnh dọc bờ biển Cannes có thể tạo được ấn tượng và gây được sự chú ý cho nhiều nhà làm phim thế giới.

Nghĩ về điện ảnh Việt Nam tương lai, đạo diễn Lê Dân đề xuất sớm có các giải pháp đào tạo ngắn hạn và dài hạn dành cho những nhà làm phim trẻ. Ngoài ra, sự đoàn kết, liên kết thực sự của các nhà làm phim, các hãng phim Việt Nam, với sự ủng hộ và giới thiệu của Cục Điện ảnh tại các cuộc LHP quốc tế, có thể tạo được sức mạnh cho thương hiệu điện ảnh Việt Nam mới trên thế giới. Muốn vượt sóng quảng bá phim Việt vẫn cần có thời gian đầu tư đề tài hay, mới, lạ và chất lượng phim.

Đan xen trong nhiều ý kiến khác nhau, hoặc đối nghịch hoặc bổ sung, quan niệm làm phim truyện nhựa và phim truyện truyền hình nhiều tập được một số nhà biên kịch, đạo diễn phân định rõ: điều quan trọng và cần thiết là chất lượng nghệ thuật và sự đảm bảo bản sắc văn hóa dân tộc của phim Việt Nam, qua ý kiến của Tô Hoàng, Mai Thúc Luân, Nguyễn Gia Nùng, Nguyễn Hữu Phần, Long Khánh… Mặt khác, những câu chuyện bên lề đại hội hay những ý kiến phát biểu trong đại hội của các nhà đạo diễn, quay phim: Bùi Tuấn Dũng, Trần Hữu Phúc, Bùi Thạc Chuyên, Lý Thái Dũng… lại cho thấy sự quan tâm của giới trẻ về việc vận dụng phương tiện công nghệ hiện đại như một giải pháp giảm giá thành làm phim; xa hơn, là sự chuyển biến quan niệm nghệ thuật làm phim ở họ.

Tuy nhiên, từ đại hội đã cho thấy những tín hiệu vui của ngành trước những tiền đề: nhu cầu xem phim càng cao của người dân; sự phát triển nhanh của công nghệ điện ảnh thế giới và đặc biệt được sự quan tâm của Nhà nước về sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu nhấn mạnh 5 nội dung cần được sự hỗ trợ của các Bộ VH-TT-DL, Bộ GD-ĐT… đối với hội, ngành điện ảnh.

Đó là việc phối hợp quy hoạch có chiến lược đào tạo dài hạn, ngắn hạn đội ngũ làm phim ở các nước có nền điện ảnh phát triển cũng như mời chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm hỗ trợ; Nhà nước tiếp tục quan tâm chất lượng tác phẩm, đặt hàng những sáng tác phục vụ nhu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục văn hóa của đất nước; quan tâm dự án đầu tư cơ sở vật chất điện ảnh như phim trường; đổi mới công tác phát hành phim để đưa phim đến rộng khắp khán giả, nhất là khán giả vùng sâu, vùng xa, đưa phim Việt Nam ra nước ngoài và bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ; phát huy công tác phê bình tác phẩm và nâng cao chất lượng giải thưởng điện ảnh…

Kim Ửng-SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất