Thứ Tư, 18/12/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 14/2/2010 21:9'(GMT+7)

Vị thế Việt Nam!

 

Năm mới Canh Dần đã đến. Vào thời khắc thiêng liêng của đất trời này, dường như ai cũng dành cho riêng mình một khoảng lặng để tổng kết và suy ngẫm về một năm cũ đã qua và những dự định cho năm tới.  Rộng hơn, ở tầm “quốc gia đại sự”, năm mới đến cũng là dịp để chúng ta điểm lại những việc đã làm, lấy đó làm tiền đề cho một năm mới.

Nếu để nói về hình ảnh Việt Nam trong năm qua trên trường quốc tế, có lẽ không quá khi dùng từ “Vị thế Việt Nam”. Vâng, một vị thế được xây dựng trên nền tảng ở cả chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, ngoại giao, an ninh - quốc phòng.

Sau 64 năm lập nước, 32 năm gia nhập ngôi nhà chung Liên Hợp Quốc và cũng ngần ấy năm, trải qua bao đau thương của chiến tranh, bao vây cấm vận rồi vươn lên trên đà đổi mới, lần đầu tiên, một Nguyên thủ quốc gia của Việt Nam bước vào phòng họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nơi mà lãnh đạo của các cường quốc trên thế giới thảo luận và đưa ra các quyết định quan trọng về an ninh toàn cầu.

Đĩnh đạc và tự tin. Sự đĩnh đạc và tự tin ấy có được nhờ những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới ở trong nước, nhờ những gì mà Việt Nam đã thể hiện trên cương vị là uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nhớ lại phiên họp diễn ra vào tháng 9/2009, khi thảo luận và thông qua Nghị quyết về Không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết không khỏi tự hào: “Mình đến cuộc họp này với một tư thế mạnh mẽ và với những ý kiến phát biểu cũng rất mạnh mẽ, thẳng thắn. Chúng ta lại lên án chiến tranh, kể tội ác chiến tranh ở Việt Nam trước đây và ở các nước Iraq, Palestine, Afghanistan ngày nay. Chúng ta tiếp tục lên án vũ khí huỷ diệt, trong đó có vũ khí hạt nhân. Những tiếng nói đó chỉ có được khi chúng ta mạnh lên, ở thế bình đẳng với các nước. Chúng ta tự hào lắm”.

Năm 2009 khép lại - đánh dấu việc Việt Nam hoàn thành nhiệm kỳ 2 năm là Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây là địa vị quốc tế cao nhất trong lịch sử ngành ngoại giao Việt Nam. Nói như Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thì đó là sự “dấn thân” mới. Nếu như  trong thời kỳ bị bao vây cấm vận, chúng ta mong đợi sự cảm thông, ủng hộ của các nước, thì bây giờ chúng ta đã sang giai đoạn mới, tham gia cùng các nước để giải quyết những công việc chung của thế giới. Ở đó, Việt Nam đã thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của mình.

Những ngày này, thế giới đang nhìn về Việt Nam như là một điểm sáng trong bức tranh tổng quan khá ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu 2009. Trong khó khăn, con tàu Việt Nam vẫn khôn khéo vượt qua các cơn sóng dữ. Với tốc độ tăng trưởng 5,32%, vượt kế hoạch đề ra, Việt Nam vẫn tỏ ra có sức hấp dẫn khó cưỡng với các nhà đầu tư. Con số 21,5 tỷ USD FDI cùng 5,6 tỷ ODA của năm 2009 là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam vẫn là “miền đất hứa” với các nhà đầu tư. Chẳng thế mà, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ngay trước thềm năm mới này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được đón tiếp trọng thị, được dành một vị trí có thể coi là tâm điểm của hội nghị. Thủ tướng đã chia sẻ kinh nghiệm, các giải pháp của Việt Nam để vượt qua tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh: “Tại diễn đàn năm nay, các nước nhìn Việt Nam như một đối tác tích cực, chủ động, xây dựng của cộng đồng quốc tế. Họ đã chủ động mời Thủ tướng Việt Nam tham gia, bàn thảo những vấn đề mang tính toàn cầu,ví dụ như vấn đề quản trị toàn cầu, an ninh lương thhực, xoá đói giảm nghèo... Từ đấy có thể thấy rằng, tuy nước ta là một nước nhỏ nhưng uy tín của chúng ta ngày càng cao trên trường quốc tế, được bạn bè thế giới, cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đó là một điều rất có ý nghĩa”.   

Phát triển kinh tế xã hội suy cho cùng cũng là để đảm bảo quyền con người. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam đã phải thốt lên rằng: “Đất nước này tràn đầy nhựa sống. Dù kinh tế chưa thịnh vượng nhưng người dân rất lạc quan. Họ được tự do phát triển kinh tế, được học hành và làm nhiều thứ nữa… ”. Đó chính là sự thừa nhận rất tự nhiên về quyền con người ở Việt Nam. Điều này đã được minh chứng trong phiên họp ngày 24/9/2009 tại Geneve, Thuỵ Sỹ. Trước 192 nước thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, báo cáo về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam đã được thông qua với sự đồng thuận cao. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chánh Văn phòng Nhân quyền của Chính phủ cho biết: “Đa số các nước, đặc biệt là các nước châu Á và châu Phi đều ghi nhận và đề cao cam kết của Nhà nước Việt Nam về thực hiện quyền con người, những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, nỗ lực xây dựng chính sách pháp luật, tạo ra sự thay đổi tích cực, nhanh chóng trên các mặt của đời sống xã hội như công cuộc xoá đói giảm nghèo, chăm lo đời sống phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Các nước cũng ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của Việt Nam trong điều kiện khó khăn do hậu quả chiến tranh để đạt được tốc độ phát triển kinh tế cao, thúc đẩy sự phát triển đồng đều, đạt và vượt nhiều mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ”.

Một Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, một Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong đợi đang bước những bước tự tin, chắc chắn như thế. Hàng loạt các Ngày Văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc Việt đã được tổ chức ở châu Âu, châu Mỹ Latin, Nhật Bản, Hàn Quốc… với số lượng lớn nhất từ trước đến nay, nhiều Di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đặc biệt, năm 2009 vừa qua, Việt Nam đã được bầu vào Uỷ ban chấp hành UNESCO với số phiếu cao. Ngoại giao văn hoá không chỉ đóng góp vào việc tăng cường hiểu biết và quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới mà còn quảng bá hiệu quả hình ảnh một đất nước tươi đẹp, thân thiện và giàu tiềm năng đến bạn bè quốc tế.

Năm mới đến, chúng ta cùng kỳ vọng ở một tương lai đẹp hơn, tươi sáng hơn. Âu cũng là điều mà muôn đời nay đều mong muốn thế. Và không chỉ mong, chắc chắn rằng, trong năm Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA) 2010 này, vị thế Việt Nam sẽ tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ hơn nữa. Ông Surin Pitsuwan, Tổng thư ký ASEAN rất tin tưởng vào vai trò chủ tịch của Việt Nam. Ông nói: “Hiện Việt Nam được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến, có nhiều bạn bè ủng hộ trên khắp thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia có uy tín và là tâm điểm thu hút đầu tư nước ngoài. Vì thế chúng tôi nghĩ rằng, ASEAN sẽ được hưởng nhiều lợi ích khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN”. Bản thân Việt Nam cũng luôn ý thức được trách nhiệm của mình trên cương vị mới như Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm - Chủ tịch Uỷ ban quốc gia ASEAN 2010 của Việt Nam cho biết:

“Các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế rất trông đợi vào Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Chúng ta phải làm sao bảo đảm sự đoàn kết trong ASEAN, liên kết ASEAN. Thứ hai là đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống, kiện toàn các trụ cột của ASEAN. Chúng ta có trách nhiệm giúp ASEAN lấy lại phong độ, mở rộng hợp tác quốc tế”.

“Trong tất cả các thắng lợi, thì thắng lợi về vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là thắng lợi lớn nhất. Tôi càng đi ra nước ngoài, càng thấy sự ủng hộ của bạn bè thế giới dành cho Việt Nam là rất lớn”. Đó là tâm sự của người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết: “Bạn bè thế giới khâm phục Việt Nam. Uy tín, vai trò của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế. Nhiều vị lãnh đạo trên thế giới rất tự hào là “thế hệ Việt Nam”. Tôi đến New Zealand, bà Thủ tướng nói rằng, cả nội các của bà là thế hệ Việt Nam, từng xuống đường ủng hộ cuộc đấu tranh của Việt Nam. Sang Nauy thì ông Thủ tướng Nauy nói “Lúc tôi còn bé, khoảng 13-14 tuổi, tôi đã đi quyên góp, vận động gây quỹ ủng hộ cho Việt Nam”. Hình ảnh của Việt Nam là như vậy. Sau đấu tranh giải phóng dân tộc, người ta không thể tưởng tượng được, Việt Nam lại vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế như thế, phát triển một cách ngoạn mục. Ngày nay, chúng ta ngẩng cao đầu, sánh vai cùng các cường quốc trong nhiều hội nghị quốc tế”.

Gần 100 năm trước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam rời tổ quốc, bắt đầu hành trình tìm “hình của nước”. Nay, hình của nước không chỉ được định vị mà còn trở thành điểm sáng trên bản đồ thế giới. Quốc kỳ Việt Nam kiêu hãnh tung bay tại trụ sở Liên Hợp Quốc, dấu ấn Việt Nam in đậm trong ngôi nhà ASEAN, cái tên Việt Nam trở thành một thực thể quan trọng trong hợp tác APEC, ASEM…

Một mùa xuân nữa lại về với bao dự cảm tốt lành. “Ôn cố tri tân” - điểm lại những gì đã qua để tự tin bước vào năm mới, để vun xới cho “Vị thế Việt Nam” ngày càng bền rễ, vươn cao, để khắc ghi tên gọi Việt Nam không chỉ kiên cường, bất khuất trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong phát triển kinh tế mà còn đầy chất văn hoá, vị tha và hoà hiếu trong cư xử quốc tế./.

Hương Giang (VOV News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất