Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 22/10/2018 14:29'(GMT+7)

Việc của lá là xanh

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Đứng trước câu hỏi ấy, chúng ta không thể còn cách nào khác là... đặt ra một câu hỏi khác, để hiểu thấu đáo hơn và tránh đi vào suy xét chủ quan, sai lầm.

Đã bao lâu rồi bạn chưa đặt chân vào khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội hay Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh? Lần gần nhất bạn thưởng thức một chương trình nghệ thuật ở đó là khi nào?

Có nhiều người sẽ giật mình nhận ra rằng có khi cả năm rồi họ chưa làm việc kể trên. Không phải là họ không có nhu cầu thưởng thức mà sự thực là họ có quá nhiều mối quan tâm khác để làm những việc khác.

Và chính vì đa số chúng ta không quan tâm, không đến thưởng lãm, nên chúng ta mặc định rằng âm nhạc hàn lâm đã chết ở Việt Nam, đã không còn đất sống ở Việt Nam nữa. Vậy thì chúng ta hãy thử trả lời câu hỏi: "Nếu bi đát vậy, nghệ sĩ sống thế nào?".

Có người sẽ nói họ đi làm nghề khác, đi dạy. Và đó là câu trả lời ấy đúng. Nhưng họ vẫn đi diễn, và ngạc nhiên cho chúng ta là họ diễn đều là khác. Theo lời của nghệ sĩ Nguyễn Tấn Anh, cello chính của dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Giao hưởng và nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh thì mỗi tháng, Nhà hát vẫn có 3 suất diễn đều đặn ở Nhà hát Thành phố. Lượng vé bán ra là rất khả quan, với các mức dao động  từ 350.000 đồng cho tới 650.000 đồng. Thi thoảng có chương trình lỗ nhưng bù qua sớt lại, Nhà hát vẫn sống được. Thậm chí, có chương trình bắt mạch khán giả tốt còn thường xuyên cháy vé, mà điển hình như "Kẹp hạt dẻ". Cũng từ các chương trình cháy vé ấy, nghệ sĩ nhà hát đã tìm ra gu thị hiếu của khán giả để xây dựng được những chương trình an toàn hơn về doanh thu.

Khi được hỏi: "đa số khán giả là người dân địa phương (khán giả cơ sở) hay là du khách, khách nước ngoài?", nghệ sĩ Tấn Anh cho biết "rất mừng đa số là khán giả cơ sở và mừng hơn nữa, nhiều người thuộc thế hệ trẻ". Điều đó cho thấy, nhạc hàn lâm có đời sống thực sự của nó, ở một thị trường ngách, chứ không phải èo uột không đất sống như chúng ta mặc định suy nghĩ.

Song, Nhà hát Giao hưởng và nhạc vũ kịch vẫn phải đối diện rất nhiều khó khăn. Thứ nhất và trước mắt chính là địa điểm. Họ phải thuê Nhà hát Thành phố để diễn với giá thị trường. Trong khi đó thuê rạp Thanh Vân để tập nhạc và thuê thư viện Thành phố Hồ Chí Minh để tập ballet. Mà bản thân sân khấu Nhà hát Thành phố cũng quá nhỏ, chỉ có thể đáp ứng cho một dàn nhạc 2 quản là cùng. Thứ nhì chính là lực lượng. Sau nhiều năm dài không được đầu tư đúng mực, âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều nhạc cụ hiếm có người chơi. Do đó, Nhà hát phải thuê đồng nghiệp từ Hà Nội vào bổ sung. Và dù có đào tạo kịp thời đi nữa, lực lượng kế cận nhanh nhất cũng phải vài năm nữa mới có thể ra ràng.

Điều đó cho thấy, chính chính quyền địa phương đã bỏ quên đầu tư văn hoá từ quá lâu nên để dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng và nhạc vũ kịch vào tình trạng khó khăn này. Lời hứa hơn 20 năm về một sân khấu riêng cho họ cũng là minh chứng cho chuyện đó và khi nó được đưa ra không đúng không gian, thời gian, nó lại khiến nghệ sĩ thành nạn nhân bất đắc dĩ.

Còn chúng ta, chúng ta nên thận trọng hơn khi phê phán. Đặc biệt là những ý kiến tiêu cực kiểu "còn nghèo thì chưa cần giao hưởng". Vâng, xin hãy nhớ, khi chúng ta nghèo hơn hôm nay rất nhiều, chúng ta có Đặng Thái Sơn, rồi sau đó là Tăng Thành Nam, Trần Nhật Minh ở dòng nhạc hàn lâm ấy. Nghèo không có nghĩa là âm nhạc không vang lên. Như người ta nói, nhiệm vụ của lá là phải xanh, nhiệm vụ của âm nhạc là phải vang lên. Và đừng vì khó khăn trước mắt của âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh mà cho rằng nó không xứng đáng được quan tâm. Nó còn yếu, còn thiếu thì nó cũng như đứa trẻ sinh thiếu tháng, vẫn phải có quyền sống và không gian sống công bằng như mọi đứa trẻ khoẻ mạnh khác.

Vấn đề cốt lõi là chọn thời điểm nào, xây ở vị trí nào, xây ra sao, số vốn đầu tư như thế nào là hợp lý để được nhân dân đồng tình ủng hộ thì sẽ tránh được sự phản đối của dư luận và những tranh cãi nảy lửa như hiện nay./.

Văn Đoàn (cand.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất