Thứ Ba, 8/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 14/11/2010 20:20'(GMT+7)

Việc xả nước gây ngập: Thủy điện kêu oan

Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ

Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ

  • Đều đúng quy trình?

Việc thủy điện sông Ba Hạ (tháng 11-2010), A Vương (đầu tháng 10-2009)… xả nước vào thời điểm miền Trung đang có bão, lũ lớn có phải là nguyên nhân khiến cho lũ đổ về hạ du càng thêm lớn hay không, tiếp tục trở thành vấn đề gây tranh luận về vai trò của thủy điện trong việc cắt giảm lũ hay gây lũ lớn hơn.

Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nhiều người cho rằng việc xả lũ của các hồ thủy điện như A Vương là nguyên nhân khiến lũ lớn là chưa hoàn toàn chính xác. Bởi năm 1999, 2003 khi chưa có hồ thủy điện, lũ tại đây vẫn rất lớn. Do đó, để xác định chính xác có phải nguyên nhân do thủy điện xả lũ hay không cần phải có tính toán đầy đủ, khách quan rồi mới kết luận, tránh đổ oan cho thủy điện.

Ông Đoàn Tiến Cường, Phó Giám đốc Nhà máy Thủy điện Yaly, chia sẻ, khi thiết kế ban đầu, các nhà máy thủy điện đều phải tính toán khả năng cắt lũ. Song thực tế những năm gần đây, mưa lũ thay đổi đỉnh cao hơn, thời gian đổ về lại ngắn hơn do rừng đầu nguồn bị tàn phá quá nhiều nên đã gây nhiều khó khăn cho việc vận hành thủy điện trong việc điều tiết, cắt giảm nước.

Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ.

Về kết luận của UBND tỉnh Phú Yên xung quanh việc thủy điện Sông Ba Hạ, xả lũ sai quy trình khiến lũ gây ảnh hưởng đến việc di dời dân đầu tháng 11, ông Võ Văn Tri, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, cho biết, đã báo cáo việc xả lũ đến Ủy ban Phòng chống lụt bão Trung ương và địa phương. Về việc không báo cáo UBND tỉnh, ông cho biết đã “báo cáo bằng văn bản đợt 1 do lỗi văn thư, số fax sai, gọi điện cho tỉnh không được, người phụ trách việc này lại đi công trường và không báo kết quả nên không nắm được”.

Một lãnh đạo của Bộ Công thương cho biết: “Qua kiểm tra thấy rằng, việc xả nước của thủy điện Ba Hạ là đúng và đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật. Lỗi của Ba Hạ là chỉ không báo cáo cho UBND tỉnh Phú Yên về vấn đề này nhưng cũng cần biết rằng, Trưởng ban Phòng chống lụt bão của tỉnh cũng đồng thời là Phó Chủ tịch UBND tỉnh nên nói sai sót của Ba Hạ là về báo cáo chứ nếu nói sai quy trình dễ gây hiểu lầm là họ vận hành việc xả nước không đúng kỹ thuật”.

Ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công thương Phú Yên, cũng cho rằng, trước kia khi chỉ có thủy điện Sông Hinh, địa phương cũng bị lũ lụt thường xuyên chứ không chỉ đổ lỗi hết cho Ba Hạ. Cũng theo ông Cam, thủy điện Sông Ba Hạ chỉ có dung tích phòng chống lũ 300 triệu m³ nước, trong khi lũ năm 2009 lên đến 9,7 tỷ m³ nên phải xả nước. “Năm 2009 có khoảng 80 người chết do mưa lũ nhưng chúng tôi thống kê thấy rằng trong đó không có ai sinh sống và chết ở hạ du do thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh xả lũ. Ngược lại, nếu không có thủy điện, không biết sẽ ứng phó lũ kiểu gì” - ông Cam cho biết.

Cũng giãi bày về việc dư luận cho rằng, thủy điện A Vương là tác nhân tạo nên trận lụt lớn năm 2009 cho người dân Quảng Nam, ông Nguyễn Trâm, Tổng Giám đốc Thủy điện A Vương, cho biết, mọi quy trình về vận hành và xả nước của A Vương đều đúng.

“Dư luận cho rằng nguyên nhân là do A Vương mà ra. Chính vì vậy, chúng tôi đã tổ chức các cuộc hội thảo trình bày về việc vận hành tại các huyện, 18 xã bị ảnh hưởng nhiều nhất do lũ và họ đều thừa nhận chúng tôi vận hành đúng mà ngược lại nhờ có đập thủy điện A Vương, hạ du mới có phần bớt lũ. Do đó, để rút kinh nghiệm và tránh hiểu nhầm, chúng tôi đã làm việc với Ban Tuyên giáo, Tỉnh ủy, Tỉnh đoàn để từ ngày 1-9 đến 30-12 hàng năm - thời điểm có nhiều mưa lũ, cùng họ tham gia giám sát việc vận hành của nhà máy” - ông Trâm nói.

Còn theo ông Cao Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), qua kiểm tra các hồ thủy điện lớn, các chủ hồ đều vận hành đúng quy trình về giữ và xả nước theo quy định. Tuy nhiên, vẫn có một số hồ, phương án đảm bảo an toàn bão, lũ chưa được xây dựng dẫn đến chất lượng phòng chống lụt bão chưa cao.

NGỌC QUANG

Vẫn khó dự báo lượng mưa, lũ

Theo ông Bùi Minh Tăng, để dự báo tốt được mưa lũ, cần có hệ thống quan trắc đo mưa, thủy văn ở hạ và thượng nguồn để đo lượng nước đổ về hồ. Nhưng thực tế, điều này liên quan đến việc đầu tư. Chừng nào chưa có hệ thống quan trắc trên thượng nguồn, rất khó có thể dự báo được lượng mưa, lũ đổ vào hồ.

Còn theo ông Đỗ Đức Quân, để dự báo được lượng nước, các chủ hồ cần làm việc với các cơ quan tư vấn, dự báo khí tượng thủy văn và lên các kịch bản các mô hình lũ khác nhau để từ đó có thể xử lý, điều hành đúng.

Đại diện Vụ Khoa học - Công nghệ cho biết, sắp tới cơ quan này sẽ làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ TN-MT về phương án tăng cường mạng lưới các trạm đo trên các lưu vực sông có các công trình thủy điện và sẽ quy định cụ thể đảm bảo dòng chảy tối thiểu…


Theo SGGP online
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất