Thứ Ba, 8/10/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 12/11/2010 8:37'(GMT+7)

Bình ổn giá từ ổn định tâm lý tiêu dùng

Giá cả tăng không phải do thiếu hàng

“Nhiều mặt hàng thiết yếu gần đây tăng giá mạnh mà nguyên nhân chủ yếu là giá nguyên liệu đầu vào, chênh lệch tỷ giá… chứ không phải do mất cân bằng cung - cầu”, ông Nguyễn Xuân Chiến- Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định trong buổi giao ban trực tuyến của Bộ hồi đầu tuần này.

Theo ông Chiến, vào dịp cuối năm, sự gia tăng của nhu cầu mua sắm khiến giá bán của nhiều loại hàng hoá cũng bị đội lên. Việc tăng giá này ngoài yếu tố đầu vào tăng còn có yếu tố là tâm lý.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng nhận định, giá cả tăng do cân đối cung-cầu chưa đồng đều ở các vùng miền và do tâm lý người dân.

Một trong những giải pháp được cho là khá hiệu quả trong việc kiểm soát lạm phát thời gian qua là tại nhiều địa phương, ngân sách đã được trích để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn giá hoặc tổ chức các chương trình bán hàng khuyến mãi (ở TP HCM, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng…), bước đầu đã mang lại hiệu quả.

TP Hà Nội đã ứng 350 tỷ đồng cho 13 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá 9 mặt hàng với 388 điểm bán hàng; tháng 11, sẽ ứng tiếp cho các doanh nghiệp thêm 50 tỷ đồng nữa cho chương trình này, ông Nguyễn Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết.

Bên cạnh đó, Tháng khuyến mại Hà Nội 2010 diễn ra trong suốt tháng 11 cũng sẽ góp phần đáng kể vào việc “neo” giá của nhiều mặt hàng, góp phần ổn định tâm lý cho người tiêu dùng Thủ đô. Trong nỗ lực chung, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra để tránh tình trạng gian lận thương mại, hàng gian hàng giả.

Bình ổn giá phải từ gốc

Đầu tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã họp với 22 địa phương là trung tâm kinh tế của khu vực và cả nước, cùng với 5 tổng công ty chuyên cung ứng các hàng hóa thiết yếu trong nước bắt tay ngay để thực hiện 5 nhóm giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2010 nêu rõ nhiệm vụ 2 tháng cuối năm 2010 của các Bộ, ngành, địa phương sẽ phải hướng vào trọng tâm các việc như đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế lạm phát, nhập siêu phải thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch; bảo đảm cung-cầu hàng hóa, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối,...

Các giải pháp để bình ổn giá tập trung ưu tiên cho biện pháp có tính từ gốc. Đó là, áp dụng ngay các biện pháp tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp khai thác, đẩy mạnh năng lực sản xuất, nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa giữa các vùng miền trong cả nước; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mại, giảm giá, hỗ trợ vốn, lãi suất để doanh nghiệp dự trữ hàng, đẩy mạnh mở rộng mạng lưới, điểm bán hàng bình ổn giá và có sự kiểm soát chặt chẽ.

Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cũng cho rằng, bình ổn giá không chỉ đi trực tiếp vào giá mà cần sử dụng tổng hợp những giải pháp từ sản xuất đến lưu thông, từ chi phí sản xuất đến giá. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất đảm bảo đủ hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội, tránh xảy ra mất cân đối cung cầu. Cần kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiểm soát hàng hóa tồn kho để tránh đầu cơ, găm hàng, đẩy giá.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, hướng đi cho công tác bình ổn giá của Bộ là xây dựng hệ thống bán lẻ các mặt hàng thiết yếu.

(Theo: Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất