Thứ Ba, 8/10/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 12/11/2010 14:1'(GMT+7)

Từ những cơn lũ, lụt ở miền Trung, nghĩ về nỗi đau và trách nhiệm

Từ các phương tiện truyền thông, mỗi người dân đất Việt đều cảm nhận được sự mất mát, tan hoang và bao nỗi đau mà đồng bào miền Trung ruột thịt ở Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, … phải gánh chịu. Và cũng từ các phương tiện truyền thông, chúng ta vẫn thấy và dường như “bất khả kháng” khi các lâm tặc cứ hoành hành, thậm chí cả người dân vẫn cứ chặt cây, phá rừng đầu nguồn; và những công trình thuỷ điện Đa Nhim, Sông Ba, v.v..bên cạnh việc mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân, thì vẫn cứ tồn tại hiện trạng “không phối hợp với các cơ quan chức năng, không thông báo trước cho người dân”, để rồi đột ngột xả lũ…

Sự biến đổi của khí hậu, sự “đỏng đảnh” của thời tiết có thể là tác nhân trực tiếp đang làm “oằn lưng” đồng bào miền Trung, song những tai hoạ này càng tàn phá mạnh hơn, khi chúng còn được cộng hưởng từ sự thiếu đồng bộ của những dự án, những quy hoạch, và quy trình xả lũ của các công trình thuỷ điện (Theo báo Sài Gòn Giải phóng, cả nước có hơn 880 công trình thuỷ điện, thì riêng 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã có 393 dự án thuỷ điện vừa và nhỏ).  Vậy là, không chỉ sự khắc nghiệt, bất thường của thiên tai, mà cả bản thân con người, “dù vô tình hay hữu ý”, vẫn cứ góp phần làm cho những cảnh đời cơ cực vốn đã khốn khó nay càng cơ cực hơn với những thiệt hại về mọi mặt.

Và rồi, vẫn như thuở trước, vẫn phát huy nguồn sức mạnh nội lực của truyền thống Việt: “Thương người như thể thương thân”, vẫn nhớ lời vị cha già dân tộc Hồ Chí Minh từng kêu gọi: “Sẻ cơm nhường áo”, “lá lành đùm lá rách”,v.v.. những gói mỳ tôm, những bộ quần áo, những đồng tiền lẻ trong những “chú lợn tiết kiệm” của các em nhỏ, “một ngày lương” của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, những chương trình từ thiện, v.v..trong cả nước gom góp lại, đã ngày mỗi ngày làm dịu bớt nỗi đau, ấm lòng những cảnh” đang màn trời, chiếu đất” sau cơn lũ.

Đồng cảm và sẻ chia là rất quý, nhưng giá mà có cách, mà phải là cách làm của năm sau phải quyết liệt, cụ thể và kịp thời hơn năm trước, và nó không chỉ dừng ở lời kêu gọi, mà phải được pháp chế hoá bằng những văn bản dưới luật, bằng những đạo luật, để “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, để có giảm thiểu tới mức tối đa những tổn hại về vật chất và tinh thần cho người dân thì tốt biết mấy.

Và cuối cùng, vì khúc ruột miền Trung, chúng ta đã thấy: cũng đã có biết bao hành động, lời nói, việc làm, chương trình cụ thể để chia sẻ, song người viết bài này vẫn cảm thấy thiếu một điều gì đó, có lẽ là cũng giống như tâm sự của ông Dương Trung Quốc, cũng là một người “học sử”, tác giả đồng thuận quan điểm: rất cần “chép sử”, trong đó có “chép sử lũ, lụt ở miền Trung”, để có thể từ bài học của ngày hôm qua, của năm đã qua, mà các cấp bộ, ngành từ Trung ương xuống đến địa phương cảnh giác hơn, kịp thời hơn, hiện đại hơn trong phòng chống lũ, lụt, trong cứu nạn khi xảy ra lũ, lụt ở miền Trung nói riêng, và trong cả nước nói chung, thì có lẽ những nỗi đau trong nhân gian sẽ giảm nhiều./.

TS. Văn Thị Thanh Mai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất